Mẹo chữa hội chứng ruột kích thích tại nhà giúp bệnh nhân giảm triệu chứng mà không cần dùng thuốc. Các phương pháp này tập trung vào thay đổi lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Ngoài ra, giảm căng thẳng và tăng cường hoạt động thể chất cũng là cách hiệu quả để cải thiện bệnh.
Bài viết này được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một trong những vấn đề về đường ruột phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 5-20% dân số. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng hội chứng ruột kích thích ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. IBS thường xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ và phổ biến ở độ tuổi 20-50.
Hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là đại tràng co thắt, đại tràng kích thích, viêm đại tràng nhầy và viêm đại tràng co thắt. Hội chứng ruột kích thích là một bệnh riêng biệt không liên quan đến các vấn đề ruột khác.
Những dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích bao gồm:
- Co thắt bụng
- Đau bụng
- Cảm giác đầy hơi và chướng bụng
- Táo bón
- Tiêu chảy
Người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) thường xuyên gặp phải tình trạng táo bón và tiêu chảy. Các cảm giác chướng bụng và đầy hơi thường thuyên giảm sau khi đi đại tiện.
Triệu chứng hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể xuất hiện dai dẳng ở một số người, trong khi đó, một số người có thể trải qua các triệu chứng ngắn hạn.
2. Hội chứng ruột kích thích có chữa khỏi hoàn toàn được không?
Mẹo chữa hội chứng ruột kích thích có thể làm giảm triệu chứng và ngăn chặn sự tái phát của bệnh. Tuy nhiên, loại bỏ hoàn toàn bệnh là một thách thức lớn vì đây là một loại rối loạn chức năng thay vì tình trạng bệnh lý, không có nguyên nhân rõ ràng và chỉ có một số yếu tố có liên quan đến triệu chứng bệnh. Do đó, không loại bỏ được các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân khi điều trị có thể dẫn đến tái phát bệnh nhiều lần.
Ngoài sử dụng thuốc, nhận biết và loại bỏ các yếu tố nguy cơ như thay đổi chế độ ăn uống, lối sống và tập luyện cũng là mẹo chữa hội chứng ruột kích thích cho người bệnh:
- Tránh các loại đồ ăn sinh hơi, nhiều chất béo, đồ uống có gas, nhiều đường và thực phẩm ôi thiu.
- Đảm bảo tập luyện và thư giãn, tránh căng thẳng và lo lắng kéo dài. Chế độ ăn uống kém và căng thẳng kéo dài có thể làm tái phát bệnh.
Người bệnh thường thắc mắc lý do tại sao bệnh lại tái phát nhiều lần và lo ngại về mối nguy hiểm tiềm ẩn, điều này gây căng thẳng tâm lý và tạo ra một vòng luẩn quẩn bệnh lý, làm kéo dài quá trình điều trị.
Vì vậy, khi được chẩn đoán mắc hội chứng ruột kích thích, người bệnh cần hiểu rõ kế hoạch điều trị, nhận thức được bệnh này không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể kiểm soát tốt.
3. Mẹo chữa hội chứng ruột kích thích mới tại nhà - Kỹ thuật trị liệu hành vi nhận thức (CBT)
3.1 Hội chứng ruột kích thích ảnh hưởng đến chất lượng sống người bệnh
Trên toàn cầu, ước tính từ 10 đến 15% người trưởng thành phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực như đau đớn, thất vọng và xấu hổ do các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là triệu chứng rối loạn mãn tính, thường kéo dài suốt đời. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, IBS còn là gánh nặng tài chính lớn cho cá nhân người bệnh.
Theo Tiến sĩ Anthony J. Lembo, giám đốc Phòng thí nghiệm GI Motility tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Massachusetts, chi phí ước tính hàng năm của IBS có thể lên đến 30 tỷ USD tại Hoa Kỳ .
Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, người mắc hội chứng ruột kích thích giảm đáng kể khi áp dụng phác đồ điều trị sử dụng chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, một thử nghiệm lâm sàng đã kết luận rằng mẹo chữa hội chứng ruột kích thích dựa trên tinh thần có tác dụng giảm đau đáng kể.
3.2 Cách chữa hội chứng ruột kích thích tại nhà mới đáng chú ý
Một thử nghiệm y tế mới được tài trợ bởi Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường và Tiêu hóa và Bệnh thận - một bộ phận của Viện Y tế Quốc gia, đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong điều trị Hội chứng ruột kích thích (IBS). Nhóm nghiên cứu từ Đại học Buffalo, Đại học Northwestern và Đại học New York đã phát triển và thử nghiệm chiến lược điều trị đổi mới dựa trên trí óc cho Hội chứng ruột kích thích.
Thử nghiệm này giúp những người tham gia có triệu chứng IBS nghiêm trọng và kéo dài học được cách kiểm soát triệu chứng hiệu quả với sự tương tác tối thiểu cùng các chuyên gia lâm sàng.
Liệu pháp CBT (Liệu pháp nhận thức hành vi) là phương pháp điều trị hiệu quả cho hội chứng ruột kích thích (IBS) bằng cách kết hợp thông tin về não-ruột, tự theo dõi triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng, kiểm soát lo âu, thư giãn cơ và kỹ năng linh hoạt giải quyết vấn đề.
Dựa trên nghiên cứu khoa học về mối liên hệ hai chiều giữa não và ruột, liệu pháp CBT giúp bệnh nhân học được cách hiệu chỉnh tương tác não-ruột theo hướng cải thiện các triệu chứng IBS mà các phương pháp y tế truyền thống không thể giải quyết.
Nghiên cứu còn khẳng định tác động tiêu cực của căng thẳng tâm lý lên hội chứng ruột kích thích. Sau khi thử nghiệm, 61% bệnh nhân tham gia điều trị hành vi tại nhà cho biết triệu chứng hội chứng ruột kích thích thuyên giảm đáng kể sau hai tuần, so với 55% nhóm điều trị tại phòng khám và 43% nhóm chỉ được giáo dục. Hiệu quả tích cực này còn duy trì trong sáu tháng sau khi kết thúc điều trị CBT.
4. Mẹo chữa hội chứng ruột kích thích tại nhà khác
Thay vì dùng thuốc, bệnh nhân có thể áp dụng một số mẹo chữa hội chứng ruột kích thích đơn giản tại nhà hoặc thay đổi lối sống. Dưới đây là một số ví dụ:
- Tham gia tập thể dục đều đặn: Thực hiện các hoạt động như đi bộ, yoga, thiền định... là những cách chữa hội chứng ruột kích thích tại nhà tốt để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe của người bệnh.
- Hạn chế đồ uống chứa caffeine, có thể kích thích đường ruột.
- Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Giảm thiểu căng thẳng (việc tham gia liệu pháp trò chuyện có thể hữu ích).
- Sử dụng men vi sinh (vi khuẩn "tốt" thường có trong ruột) để giảm đầy hơi và chướng bụng.
- Tránh thức ăn chiên giòn hoặc cay.
- Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng các loại thuốc điều trị như sau: thuốc giảm co thắt đại tràng, thuốc nhuận tràng, thuốc chống trầm cảm, thuốc tiêu chảy.
5. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh hội chứng ruột kích thích
Cách chữa hội chứng ruột kích thích tại nhà hi gặp tình trạng táo bón, người bệnh cần tăng cường lượng chất xơ và uống đủ nước như
Thông thường, bác sĩ sẽ khuyên dùng khoảng 10 - 25g chất xơ hoà tan mỗi bữa. Các nguồn chất xơ hoà tan có thể được bổ sung từ rau củ non, mềm như rau lang, rau mồng tơi, khoai lang, khoai tây, chuối, đu đủ, bơ, cám gạo, gạo lứt, yến mạch, cà rốt, đậu Hà Lan, táo và những loại hoa quả thuộc họ cam quýt.
Một mẹo chữa hội chứng ruột kích thích tại nhà quan trọng là ăn chậm nhai kỹ để giảm thiểu không khí nuốt vào trong quá trình ăn. Thói quen này giúp giảm cảm giác đầy hơi, chướng bụng và hạn chế sự căng giãn đột ngột của ống tiêu hóa.
Ngoài ra, người bệnh có thể xem xét chế độ ăn kiêng FODMAP thấp. FODMAP là viết tắt của Fermentable, Oligosaccharides, Disaccharides, Monosaccharides, Polyols - là các loại carbohydrat dễ lên men, gây sinh hơi, bao gồm một số loại rau củ, trái cây, sản phẩm sữa và ngũ cốc. Chế độ ăn này hạn chế các loại thực phẩm giàu carbohydrate, giúp giảm triệu chứng của bệnh nhưng vẫn cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết.
6. Cách phòng ngừa
Phòng ngừa bệnh được xem là cách chữa hội chứng ruột kích thích tại nhà hiệu quả nhất, bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa và tránh xa mọi tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Để duy trì hệ tiêu hóa ở trạng thái ổn định và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan, chế độ dinh dưỡng và lối sống là vô cùng quan trọng. Dưới đây là những mẹo chữa hội chứng ruột kích thích mọi người cần lưu ý:
- Bổ sung thực phẩm dễ tiêu giàu đạm như thịt nạc, sữa, cá, sữa chua.
- Tăng cường sử dụng rau xanh trong mỗi bữa ăn để hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa.
- Uống đủ nước mỗi ngày, bổ sung muối khoáng cùng các loại vitamin cần thiết cho cơ thể.
- Hạn chế tối đa uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích và tránh các món ăn cay nóng.
- Giảm căng thẳng bằng cách duy trì tâm trạng tích cực và lạc quan, cũng như kiểm soát cảm xúc và tránh căng thẳng quá mức.
- Thực hiện thường xuyên các hoạt động thể chất và thể dục để tăng cường sức đề kháng, giảm căng thẳng và kích thích hệ tiêu hóa hoạt động bình thường. Đối với những trường hợp có vấn đề về sức khỏe, việc tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chế độ tập luyện phù hợp là cần thiết.
Nếu những biện pháp trên không giảm cảm giác đau, hãy khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ thăm khám và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Vinmec nổi bật bởi chất lượng chuyên môn cao khi có đội ngũ y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị tiên tiến. Bên cạnh đó, Vinmec còn mang đến dịch vụ khám chữa bệnh chuyên nghiệp, toàn diện cùng không gian hiện đại, an toàn và đảm bảo vệ sinh tối ưu, tạo sự tin tưởng và an tâm cho khách hàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.