Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Bùi Thị Hằng - Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Thoát vị màng não tủy là khuyết tật bẩm sinh ở hệ thống thần kinh do ống sống của trẻ không được hoàn thiện trong được thời kỳ bào thai. Để giúp trẻ sớm phục hồi và có thể phát triển bình thường thì ngay khi phát hiện ra những triệu chứng hay nghi ngờ trẻ mắc phải căn bệnh này, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
1. Bệnh thoát vị màng não tủy là gì?
Thoát vị màng não tủy là căn bệnh xảy ra do khuyết cung sau cột sống hay còn gọi là khe hở đốt sống, hậu quả của việc ống thần kinh của trẻ không phát triển bình thường trong thời kỳ bào thai, làm cho ống sống thông với phần mềm ngoài ống sống và dẫn đến việc màng cứng tủy sống dễ dàng phình ra và tạo thành túi thoát vị. Thông thường, ống thần kinh được hình thành từ giai đoạn sớm của thai kỳ và nó phải được đóng hoàn chỉnh vào khoảng ngày 28 của thai kỳ tạo ra hệ thống cột sống toàn vẹn bảo vệ tủy sống.
Thoát vị màng não tủy có nhiều mức độ, từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào mức độ thoát vị của hệ thống thần kinh qua khe hở đốt sống. Hiện nay, theo khuyến cáo điều trị của thế giới, khối thoát vị nên được phẫu thuật càng sớm càng tốt để hạn chế tối đa các tổn thương cho trẻ.
Sau phẫu thuật, tình trạng trẻ sẽ cải thiện hơn, nhưng đối với các trường hợp bị tổn thương hệ thống thần kinh nặng, trẻ có thể vẫn bị các di chứng sau:
- Yếu, liệt 2 chân
- Biến dạng bàn chân: biến dạng bàn chân chim, bàn chân vẹo trong, vẹo ngoài, bàn chân rủ
- Teo cơ 2 chân
- Giảm, mất cảm giác 2 chân
- Mất cảm giác buồn đại tiểu tiện
- Đại tiểu tiện không tự chủ (hay còn gọi là rối loạn cơ tròn do thoát vị màng não tủy)
- Nhiễm khuẩn tiết niệu tái diễn nhiều lần
- Bàng quang co nhỏ
- Trào ngược bàng quang - niệu quản
- Viêm thận, bể thận, ứ nước đài bể thận, suy thân
- Loét da do giảm, mất cảm giác 2 chân và mông.
Các biến chứng nặng khác
- Giãn não thất
- Hội chứng Chiari type II: làm phần não ngay trên tủy sống bị tụt thấp xuống dưới qua lỗ chẩm, dẫn đến các rối loạn nuốt và rối loạn hô hấp
- Viêm màng não
- Tủy bám thấp
- Hội chứng ngừng thở khi ngủ
- Thay đổi tâm lý, rối loạn nhận thức.
2. Chẩn đoán, đánh giá di chứng của thoát vị màng não tủy
- Trẻ được khai thác tiền sử sản khoa, tiền sử bệnh
- Khám lâm sàng: trẻ được đánh giá tình trạng vận động, cảm giác 2 chân, đo chu vi cẳng chân 2 bên, đánh giá biến dạng bàn chân và dáng đi
- Đánh giá tình trạng rối loạn đại tiểu tiện
- Đánh giá tình trạng cơ thắt hậu môn
- Đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu, mức độ trào ngược bàng quang niệu quản
- Đo vòng đầu
- Đánh giá nhận thức, ngôn ngữ, hệ thống hô hấp, tim mạch và sức khỏe tổng quát
- Các cận lâm sàng cần thực hiện: MRI cột sống xác định tổn thương hệ thống tủy sống, MRI sọ não đánh giá mức độ giãn não thất, hội chứng Chiari và các bất thường khác ở não bộ
- X-quang bàng quang niệu quản ngược dòng, siêu âm ổ bụng – hệ tiết niệu: đánh giá hệ thống tiết niệu và mức độ trào ngược bàng quang niệu quản nếu có
- Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu
- Đo niệu động học và niệu dòng đồ đánh giá chức năng bàng quang và cơ thắt bàng quang
- Đo áp lực hậu môn trực tràng đánh giá cảm giác và khả năng đại tiện.
3. Điều trị phục hồi chức năng sau thoát vị màng não tủy như thế nào?
Phục hồi chức năng cho trẻ thoát vị màng não tủy nên được tiến hành sớm ngay sau khi trẻ phẫu thuật để hồi phục tối đa chức năng của cơ thể và hạn chế các di chứng do tổn thương hệ thống thần kinh do bệnh.
Tùy vào chức năng của trẻ sau phẫu thuật, các bác sỹ sẽ lên kế hoạch tập PHCN cho từng người bệnh. Các phương pháp thường sử dụng:
Vận động trị liệu
Với các trẻ yếu, liệt 2 chân, biến dạng bàn chân, teo cơ 2 chân sẽ được tập vận động cho 2 chân bằng các bài tập mạnh cơ, kéo giãn vùng chân biến dạng do bị co rút.
Tại đơn vị này, bác sỹ sẽ chỉ định cho trẻ làm nẹp trợ giúp 2 chân trong các trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, với các trẻ bị tổn thương não do hậu quả nặng của thoát vị màng não tủy điều trị muộn, vận động 2 tay có thể kém, hoặc biểu hiện chậm phát triển vận động, cần được tập vận động trị liệu toàn diện nhất để cải thiện mức độ vận động của cơ thể.
Vật lý trị liệu
Trẻ có thể được chỉ định phương pháp điện xung kích thích 2 chân tùy thuộc vào các nhóm cơ bị teo, yếu để làm tăng sức mạnh cơ, cải thiện tình trạng teo cơ.
Phục hồi chức năng đại tiểu tiện
Trẻ được tập các bài cơ làm mạnh cơ đáy chậu, kích thích điện hậu môn, kích thích điện thần kinh vùng thắt lưng cùng, giao thoa vùng bụng để điều trị vấn đề rối loạn đại tiểu tiện.
Các điều trị khác
Hướng dẫn đặt thông tiểu ngắt quãng.
Hướng dẫn kiểm soát đại tiện đúng cách.
Can thiệp nhận thức, hành vi, ngôn ngữ ở các trẻ bị rối loạn do hậu quả nặng của thoát vị màng não tủy ảnh hưởng đến não bộ.
Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục thuộc Trung tâm Y học tái tạo, Bệnh Đa khoa Quốc Tế Vinmec Times City là một trong những địa chỉ uy tín trong lĩnh vực tập phục hồi chức năng cho trẻ bại não, di chứng viêm não, tổn thương não do đuối nước, thoát vị màng não tủy...
Cùng với trang thiết bị dụng cụ chuyên ngành vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hiện đại, Đơn nguyên có sự góp mặt của các bác sĩ giàu kinh nghiệm bao gồm:
- Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Chinh: Trên 17 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh lý thuộc chuyên ngành Vật lý trị liệu/ Phục hồi chức năng, đặc biệt là bệnh lý thuộc các lĩnh vực: thần kinh, chấn thương và Nhi khoa...
- Bác sĩ Lê Thu Hương: Gần 5 năm kinh nghiệm về Chuyên ngành Phục hồi chức năng. Năm 2017, Bác sĩ Hương đạt được bằng Bác sĩ nội trú chuyên ngành Phục hồi chức năng.
- Bác sĩ Bùi Thị Hằng: 8 năm kinh nghiệm về Chuyên ngành Nhi. Năm 2013, Bác sĩ Hằng đạt được bằng Bác sĩ nội trú và Bằng Thạc sĩ chuyên ngành Nhi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.