Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Chấn thương sọ não là một loại chấn thương mà năng lượng chấn thương truyền tới sọ não vượt quá giới hạn chịu đựng của sọ não và gây nên những rối loạn chức năng não bộ hoặc các tổn thương cụ thể trong sọ não. Đây là loại chấn thương có tỷ lệ tử vong cao đứng hàng thứ ba sau bệnh lý tim mạch và ung thư, thường để lại những di chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Do đó việc phục hồi và cải thiện di chứng sau chấn thương sọ não là điều vô cùng quan trọng.
1. Chấn thương sọ não có hồi phục được không
Chấn thương sọ não có thể gây tổn thương hộp sọ như gãy lún sọ, vỡ nền sọ, tổn thương các dây thần kinh sọ, gây máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng, trong não. Đây là tình trạng tổn thương não do nguyên nhân chấn thương, dẫn đến những rối loạn về tri giác, nhận thức, vận động, cảm giác giác quan và ngôn ngữ.
Chấn thương sọ não được chia thành 2 nhóm chính dựa trên sinh lý bệnh học là tổn thương nguyên phát và tổn thương thứ phát:
- Những dạng tổn thương nguyên phát thường gặp như tụ máu ngoài màng cứng, tụ máu dưới màng cứng, xuất huyết não thất, xuất huyết trong não.
- Hai là những dạng tổn thương thứ phát thường gặp có thể kể đến như thoát vị não, phù não, nhồi máu não hoặc thiếu máu não sau chấn thương.
Các triệu chứng lâm sàng cũng như tình trạng khiếm khuyết, giảm khả năng gây ra bởi chấn thương sọ não là rất đa dạng. Do đó, quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân chấn thương sọ não đòi hỏi phải toàn diện, đảm bảo đúng nguyên tắc và có sự phối hợp tốt giữa các thành viên trong nhóm điều trị, tránh để lại những di chứng chấn thương sọ não.
2. Chấn thương sọ não và di chứng di chứng gây ra
2.1 Máu tụ nội sọ
Quan trọng bậc nhất là sự hình thành bọc máu tụ nội sọ do nhiều điểm hoại tử não hợp thành hoặc do đứt rách những động mạch lớn do chấn thương quá mạnh. Các khối máu tụ này có thể khu trú ở nhiều vùng của não.
Tùy theo mức độ chấn thương, máu tụ có thể tập trung ở ngoài màng cứng, dưới màng cứng, trong não, trong não thất, dưới lều tiểu não. Trong đó, máu tụ trong não thất là một hậu quả nặng nề của chấn thương sọ não. Khi bị vỡ, đứt các mạch máu lớn, máu tràn vào các não thất đến mức nặng là “lụt não thất” cũng thường xảy ra trong trường hợp xuất huyết não trong đột quỵ mạch máu não.
2.2 Phù não
Có hai loại phù não là phù não do căn nguyên mạch và do nhiễm độc tế bào. Trong các hậu quả của chấn thương sọ não, phù não là biến chứng phổ biến nhất và nguy hại nhất, đe dọa tính mạng nạn nhân.
2.3 Thoát vị não
Trường hợp phù não nặng sẽ gây nên thoát vị não. Phù não chèn ép quá mạnh gây nên tình trạng một phần của não bị đẩy ra, chui vào các khoang, khe, lỗ hở, đặc biệt nguy hiểm nhất là thể thoát vị não tại lỗ lớn của xương chẩm gây chèn ép hành tủy, nơi có “nút sống” là trung tâm chi phối hô hấp và tim mạch.
Do đó, thoát vị não lỗ chẩm là một nguy cơ tử vong trong giây phút nếu không được phát hiện sớm và xử trí tại chỗ kịp thời.
2.4 Hội chứng tăng áp lực nội sọ
Tất cả những biến chứng của chấn thương sọ não, trong đó có vai trò quan trọng của phù não đã dẫn đến hội chứng tăng áp lực nội sọ với ba triệu chứng chủ yếu: đau đầu (cảm giác đau theo nhịp mạch đập, đau giật hay đau như nổ tung đầu.
Đau với cường độ ngày càng tăng lên làm bệnh nhân kêu rên, la hét); nôn mửa do tăng áp lực nội sọ chèn ép các nhân dây thần kinh sọ não; phù đĩa thị hay phù gai thị.
2.5 Thiếu máu não
Ở những vùng thiếu máu não sẽ xuất hiện những ổ thiếu máu cho dù đó là trường hợp thiếu máu não không do chấn thương (thiếu máu não tạm thời hoặc vĩnh viễn, nhồi máu não...).
Ở thiếu máu não sẽ hình thành ba vùng: vùng thiếu máu não quá mức sẽ xuất hiện vùng não hoại tử, không hồi phục; vùng bán ảnh là vùng nhu mô não cũng bị thiếu máu tương đối nặng nhưng chưa đến mức hoàn toàn bị hủy hoại, vẫn còn khả năng hồi phục; vùng não nguyên lành, vùng này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là vùng gần mạng lưới động mạch, có nhiều khả năng nhận và chuyển tiếp máu “ứng cứu” cho tế bào não tại vùng bán ảnh.
3. Dinh dưỡng cho bệnh nhân sau chấn thương sọ não
Nguyên tắc chung cho chế độ ăn uống của người bị chấn thương sọ não và trong quá trình phục hồi sau chấn thương sọ não là: Ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng protein cao. Protein vốn được sử dụng cho sự tăng trưởng, sửa chữa, duy trì chức năng cho hầu như tất cả mô trong cơ thể. Nguồn protein dồi dào nhờ vào những thực phẩm như thịt gà nạc, cá, các loại đậu que, đậu đũa, đậu Hà Lan...
Ngoài ra bệnh nhân cần ăn những loại thức ăn giàu vitamin và khoáng tố, một vài loại dưỡng chất vô cùng quan trọng cho chức năng của não như trong đó choline được coi là nhân tố quan trọng trong việc hình thành các chất dẫn truyền thần kinh. Chất dẫn truyền thần kinh là những chất giúp truyền đi tín hiệu ở não. Choline được tìm thấy nhiều ở trứng, đậu phộng...
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần loại bỏ những loại thức ăn có chứa chất béo bão hòa, các chất béo hydrogen hóa, thức ăn có chứa nhiều sodium (natri) vì những loại thực phẩm này càng làm tăng tần suất rủi ro bị đột quỵ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình đã có 30 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành Phục hồi chức năng, đặc biệt có kinh nghiệm trong Phục hồi chức năng các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh, cột sống của người lớn và trẻ em. Hiện tại, là bác sĩ Phục hồi chức năng thuộc Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.