Trục ruột-não tạo ra các kết nối vật lý và hóa học giữa ruột và não thông qua hàng triệu dây thần kinh và tế bào thần kinh. Việc bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột như ăn nhiều thực phẩm chứa omega-3, thực phẩm lên men, men vi sinh, thực phẩm giàu polyphenol khác, sức khỏe não bộ có thể được cải thiện.
1. Não ảnh hưởng tới ruột và dạ dày bằng cách nào?
Não ảnh hưởng tới ruột và não ảnh hưởng tới dạ dày thông qua trục ruột - não. Chúng không chỉ được liên kết với nhau về mặt vật lý mà còn mặt sinh hóa nhờ một số yếu tố sau:
1.1. Hệ thần kinh Vagus và hệ thần kinh
Hoạt động của não chịu sự chi phối của các tế bào thần kinh, với vai trò to lớn là truyền đạt thông tin từ não bộ đến các cơ quan trong cơ thể. Trong não người có 100 tỷ tế bào thần kinh.
Ruột chứa 500 triệu tế bào thần kinh, được kết nối với não thông qua các dây thần kinh trong hệ thần kinh.
Dây thần kinh phế vị là một trong những dây thần kinh lớn nhất kết nối ruột với não. Nó có thể truyền thông tin theo hai chiều não đến ruột và ruột đến não.
Kết quả từ các nghiên cứu trên động vật cho thấy trạng thái căng thẳng có thể gây ức chế truyền tín hiệu từ não đến dây thần kinh phế vị và gây ra nhiều vấn đề tiêu hóa.
Nghiên cứu trên những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) và bệnh Crohn cho thấy dây thần kinh phế vị bị suy giảm chức năng.
Nghiên cứu trên loài chuột cho thấy mặc dù đã bổ sung lợi khuẩn probiotics để giảm căng thẳng nhưng việc dây thần kinh phế vị bị cắt đã khiến các lợi khuẩn không thể phát huy tác dụng. Điều này chứng tỏ dây thần kinh phế vị đóng vai trò quan trọng trong trục não bộ và vai trò kiểm soát căng thẳng.
1.2. Chất dẫn truyền thần kinh
Não ảnh hưởng tới ruột và ngược lại thông qua kết nối các chất hóa học được gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Chúng được tạo ra trong não với mục đích kiểm soát cảm giác và cảm xúc.
Ví dụ, chất dẫn truyền thần kinh serotonin góp phần vào cảm giác hạnh phúc và cũng giúp kiểm soát đồng hồ sinh học trong cơ thể. Một tỷ lệ lớn serotonin được tạo ra bởi các tế bào ruột và hàng nghìn tỷ vi khuẩn đường ruột.
Các vi khuẩn đường ruột cũng sản xuất ra axit gamma-aminobutyric (GABA), một chất dẫn truyền thần kinh giúp kiểm soát cảm giác sợ hãi và lo lắng.
1.3. Chất hóa học khác
Hàng nghìn tỷ vi khuẩn sống trong ruột có thể tạo ra nhiều loại hóa chất ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Các vi khuẩn đường ruột tạo ra nhiều axit béo chuỗi ngắn (SCFA) như butyrate, propionate và axetat.
Chúng tạo ra SCFA bằng cách tiêu hóa chất xơ. SCFA ảnh hưởng đến hoạt động của não theo một số cách, chẳng hạn như giảm cảm giác thèm ăn.
Tiêu thụ propionat có thể làm giảm lượng thức ăn và giảm hoạt động của não liên quan đến phần thưởng từ thức ăn giàu năng lượng.
Butyrate và các vi khuẩn sản sinh ra nó cũng rất quan trọng để hình thành hàng rào máu não.
Vi khuẩn đường ruột cũng chuyển hóa axit mật và axit amin để tạo ra các hóa chất khác ảnh hưởng đến não.
Axit mật là các hóa chất được tạo ra bởi gan thường tham gia vào việc hấp thụ chất béo trong chế độ ăn uống. Tuy nhiên, chúng cũng có thể tác động đến não. Các nghiên cứu trên chuột cho thấy căng thẳng và các rối loạn tâm lý làm giảm sản xuất axit mật của vi khuẩn đường ruột.
1.4. Hệ miễn dịch
Trục ruột-não cũng được kết nối thông qua hệ thống miễn dịch.
Vi khuẩn đường ruột và đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch và chứng viêm bằng cách kiểm soát những thứ được đưa vào cơ thể và được bài tiết ra.
Nếu hệ miễn dịch hoạt động quá tải có thể gây ra viêm, điều này liên quan đến một số rối loạn não như trầm cảm và bệnh Alzheimer.
Lipopolysaccharide (LPS) là một độc tố gây viêm được tạo ra bởi một số loại vi khuẩn. Khi hàng rào ruột bị rò rỉ, vi khuẩn và LPS có thể xâm nhập vào máu gây ra phản ứng viêm. Viêm do LPS có liên quan đến một số rối loạn não bao gồm trầm cảm nặng, mất trí nhớ và tâm thần phân liệt.
2. Probiotics, Prebiotics và mối liên hệ ruột - não
Probiotics là vi khuẩn sống mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho não bộ. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại men vi sinh đều giống nhau.
Chế phẩm sinh học ảnh hưởng đến não được gọi là “vi sinh vật tâm lý” là tên gọi riêng dành cho các chế phẩm sinh học có khả năng tác động đến não bộ. Các triệu chứng căng thẳng, lo lắng và trầm cảm có thể cải thiện sau khi sử dụng một số loại chế phẩm sinh học.
Ví dụ như Bifidobacterium longum NCC3001 giúp cải thiện hội chứng ruột kích thích, lo lắng hoặc trầm cảm ở mức độ nhẹ đến trung bình. Lượng hormone căng thẳng trong cơ thể, được gọi là cortisol giảm đáng kể nhờ galacto oligosaccharides.
3. Loại thực phẩm cải thiện chức năng não và ruột?
Một số nhóm thực phẩm đặc biệt có lợi cho sức khỏe của ruột và não. Dưới đây là một số thực phẩm quan trọng nhất:
- Chất béo omega-3: Được tìm thấy trong cá và cũng có số lượng lớn trong não người. Các nghiên cứu ở người và động vật cho thấy omega-3 có thể làm tăng vi khuẩn tốt trong đường ruột và giảm nguy cơ mắc các loại rối loạn não.
- Thực phẩm lên men: Thực phẩm lên men như sữa chua, kefir, dưa cải bắp và phomai đều chứa các vi sinh vật tốt cho sức khỏe.
- Thực phẩm giàu chất xơ: Ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, trái cây và rau quả đều chứa chất xơ prebiotic tốt cho vi khuẩn đường ruột. Prebiotics có thể làm giảm hormone căng thẳng ở người.
- Thực phẩm giàu polyphenol: Cacao, trà xanh, dầu ô liu và cà phê đều chứa polyphenol, là chất được tiêu hóa bởi vi khuẩn đường ruột, giúp làm tăng vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và cải thiện nhận thức.
- Thực phẩm giàu tryptophan: Tryptophan là loại axit amin được chuyển đổi thành các chất dẫn truyền thần kinh serotonin, giúp cải thiện sức khỏe não bộ. Tryptophan có nhiều trong các loại thực phẩm như gà tây, trứng và pho mát.
Não ảnh hưởng tới ruột và não ảnh hưởng tới dạ dày thông qua trục ruột - não. Do đó để các cơ quan trong cơ thể nói chung và cơ quan não bộ, tiêu hóa nói riêng khỏe mạnh thì bạn nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với việc hoạt động thể chất thường xuyên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: health.harvard.edu, hopkinsmedicine.org, healthline.com