Bài viết của kỹ thuật viên Nguyễn Quyết Thắng - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Phục hồi chức năng sau tái tạo dây chằng chéo trước đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình cải thiện chức năng của dây chằng chéo trước cũng như mức độ vận động của khớp gối. Đây là phương pháp được áp dụng sớm trên bệnh nhân sau phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước nhằm giúp bệnh nhân có thể vận động trong biên độ bình thường, sức cơ được hồi phục và ngăn chặn những thương tật thứ phát như cứng khớp, teo cơ, trong đó phổ biến nhất là teo cơ tứ đầu đùi gây cản trở rất nhiều cho sự vận động của chi dưới.
1. Tổng quan
Phục hồi chức năng sau tái tạo dây chằng chéo trước giúp bảo vệ mảnh ghép trong quá trình phục hồi và biến đổi sinh học trước khi tạo thành dây chằng thực thụ.
Sau phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước nhu cầu trở lại thể thao của người bệnh là vô cùng lớn, hiện nay tại bất chấp sự tiến bộ của thủ thuật phẫu thuật, kết quả trở lại thể thao sau tái tạo dây chằng chéo trước vẫn tiếp tục kém. Dưới 50% vận động viên có thể lấy lại phong độ trước chấn thương (Nghiên cứu của Dunn WR và cộng sự trên The American journal of sports medicine). Đối với những trường hợp trở lại thể thao thành công thì nguy cơ tái chấn thương cũng vô cùng cao.
Tỷ lệ tái chấn thương trong 2 năm đầu phẫu thuật được ước tính cao hơn 6 lần so với người bình thường. Nguy cơ tái chấn thương có thể kéo dài đến 5 năm sau phẫu thuật (Nghiên cứu của Salmon L và cộng sự trên Arthroscopy: The Journal of Arthroscopic & Related Surgery )
2. Các yếu tố gây tái chấn thương
- Teo yếu cơ tứ đầu đùi: Đây là một vấn đề phổ biến mắc phải sau phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước được biểu hiện rõ ràng qua số đo vòng đùi, dáng đi xấu, kiểm soát tư thế kém.
- Mất cân đối giữa các nhóm cơ: Chênh lệch tỷ lệ sức mạnh của hai chân và nhóm cơ mặt sau và nhóm cơ mặt trước đùi thường được đề cập nhiều trong các tài liệu về tái chấn thương. Tỷ lệ này được gọi tắt H/Q nếu tỷ lệ này chênh lệch quá cao sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng động lực học chấn thương sẽ dễ dàng xảy ra( Gupta R và cộng sự - Tạp chí chỉnh hình Malaysia 2020).
- Tư thế, cử động bất thường: Hiện tượng này xảy ra sau quá trình hạn chế vận động và sử dụng những dụng cụ trợ giúp di chuyển. Bất thường gây nên sự thay đổi về tư thế tiếp đất, tư thế chạy, dáng đi... đây được coi là yếu tố dự báo rủi ro cho những bệnh nhân vẫn muốn quay trở lại hoạt động thể thao
- Tâm lý: Tâm lý chưa sẵn sàng, sự mất tự tin cũng như nỗi sợ tái chấn thương là các yếu tố gây nên những tai nạn nếu người bệnh chưa được trang bị đủ hành trang trước khi quay lại thể thao.
- Tuổi, giới tính: Nguy cơ tái chấn thương và chấn thương thường ở đối tượng trẻ là Nam giới.
- Trở lại thể thao quá sớm: Yếu tố tiên quyết dẫn tới tái chấn thương là khi cơ thể chưa sẵn sàng mà người bệnh vẫn có ép quay lại thể thao.
3. Phòng ngừa chấn thương
Hiểu được những nguy cơ gây nên tái chấn thương sau phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước chúng tôi tập trung bù đắp những thiếu hụt đó bằng chương trình phục hồi chức năng chuyên biệt.
Chương trình Phục hồi chức năng không những tập trung chuyên sâu vào việc tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu đùi mà luôn ưu tiên cả yếu tố tái thiết cân bằng tỉ lệ các nhóm cơ hai chân hướng tới đạt được ít nhất 85% sức mạnh đối xứng trước khi chơi thể thao.
4. Phục hồi chức năng quay trở lại thể thao
Các phác đồ phục hồi chức năng sau mổ dây chằng chéo trước truyền thống có thể được chia thành các giai đoạn như cấp tính, bán cấp tính, tiến triển chức năng và trở lại hoạt động. Các quy trình này thường tập trung vào quản lý cấp tính và bán cấp tính với các hướng dẫn tương đối nghiêm ngặt liên quan đến sự tiến triển của việc chịu trọng lượng, nâng cao tầm vận động khớp gối (ROM), và hướng dẫn các loại bài tập cụ thể sớm trong phục hồi chức năng. Những hướng dẫn này giúp người bệnh nhận được kết quả tốt và sớm sau phẫu thuật. Ngược lại, giai đoạn cuối của quá trình phục hồi thường được tổng quát hơn, với nhiều phân loại toàn cầu hơn về các bài tập và tiến trình thích hợp, với mục tiêu chuyển vận động viên sau khi tái tạo ACL từ khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày sang thành thạo với các hoạt động liên quan đến thể thao ở cấp độ cao hơn.
Phục hồi chức năng trở lại thể thao được chia thành 4 giai đoạn giải quyết các thiếu hụt thường thấy ở người bệnh sau phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước
(Nghiên cứu của Myer GD và cộng sự trên Journal of orthopaedic & sports physical therapy ):
- Giai đoạn 1: Ổn định động và tăng cường nhóm cơ CORE
- Giai đoạn 2: Tăng cường chức năng
- Giai đoạn 3: Phát triển sức mạnh
- Giai đoạn 4: Hoàn thiện và trở lại thể thao
Giai đoạn 1: Ổn định động và tăng cường nhóm cơ CORE
Mục tiêu của giai đoạn này:
- Cải thiện sức mạnh chi, giúp người bệnh tăng tối đa khả năng chịu trọng lượng.
- Hoàn thiện đối xứng sức mạnh cơ chi dưới
- Tăng cường sức mạnh nhóm cơ CORE. Đây là nhóm cơ giúp người bệnh kiểm soát trọng tâm, ổn định cơ thể trong những cử động đột ngột
Điều quan trọng trong giai đoạn này. Trước khi tập trung tăng cường sức mạnh cơ CORE người bệnh cần giải quyết tối đa về tầm vận động, tình trạng đau. Đau, đặc biệt là đau vùng chậu hông hoặc thiếu hụt tầm vận động là những yếu tố gây sai lệch về dáng đi. Mục tiêu của việc đào tạo ổn định động và tăng cường sức mạnh cơ CORE là phát triển mức cơ bản của sự ổn định, cho phép người bệnh kiểm soát sự giảm tốc của trọng tâm, duy trì sự cân bằng và tư thế đúng. Các bài tập để tăng cường sự ổn định CORE đề cập cụ thể đến cơ bắp ở thân và hông. Giảm sức mạnh nhóm cơ CORE và sự hiệp đồng của các cơ có thể làm giảm hiệu suất trong các hoạt động sức mạnh và có thể làm tăng tỷ lệ chấn thương thứ phát do thiếu kiểm soát trọng tâm. Khi hoàn thiện những sai lệch này không những cải thiện tối đa dáng đi mà còn giúp tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu đùi, sức mạnh hai chân một cách dễ dàng hơn.
Mỗi người bệnh nên được lập kế hoạch phục hồi dựa vào môn thể thao mà họ sẽ quay trở lại chơi.
Cường độ tập luyện nên được thay đổi liên tục để thử thách sự ổn định và cân bằng của người bệnh. Thay đổi tư thế, di chuyển trên các đại hình không ổn định khác nhau, điều chỉnh tốc độ, thêm kỹ năng dành riêng cho môn thể thao là những thử thách người bệnh sẽ phải vượt qua trong giai đoạn này.
Giai đoạn 2: Tăng cường chức năng
Mục tiêu giai đoạn này:
- Tăng cường chịu lực cho hai chân
- Cải thiện sự phân bố lực của cả hai chân trong các hoạt động thay đổi tư thế
- Tăng cường ổn định, an toàn trong các hoạt động tiếp đất bằng một chi.
Trong giai đoạn này các bài tập thiên về tập luyện ngược dòng sẽ trở nên hiệu quả như: Chạy ngược, theo các chiều khác nhau trên máy chạy bộ hoặc nhảy lùi được chứng minh giúp tăng cường tốt cho cơ tứ đầu đùi và ổn định khi di chuyển.
Các bài tập di chuyển trên nhiều địa hình và đặc biệt Hydrotherapy đặc biệt hiệu quả trong giai đoạn này trong việc phân bố lực đều khi di chuyển lên hai chân và tăng cường phản xạ khi chịu trọng lượng trên 1 chân.
Giai đoạn 3: Phát triển sức mạnh
Mục tiêu chính trong giai đoạn này là tăng cường tối đa hoá sức mạnh cơ chi dưới cho người bệnh. Ngoài ra người bệnh sẽ được đào tạo sâu về Plyometrics. Plyometrics là phương pháp tập luyện giúp gia tăng sức mạnh, bùng phát 1 lực lớn từ cơ bắp trong thời gian ngắn. Luyện tập Plyometric được nghiên cứu là một trong các cách tốt nhất để phòng chấn thương và cải thiện thành tích thi đấu trong bất kì môn thể thao nào.
Nói đơn giản, chúng ta hãy xe các sợi cơ giống như sợi dây chun co giãn. Khi được kéo căng vừa đủ và buông ra thì sẽ tạo ra một lực vô cùng lớn. Phương pháp này sẽ giúp cơ bắp của người bệnh dần thích nghi với các chuyển động co giãn nhanh, liên tục, nhờ đó sẽ là phát triển các sợi cơ phản ứng nhanh ( Fast- twitch muscle fibers). Theo nghiên cứu của Myer GD và đồng nghiệp trên Journal of orthopaedic & sports physical therapy
Ví dụ một số bài tập được sử dụng trong giai đoạn này:
Giai đoạn 4: Hoàn thiện và trở lại thể thao
Trong giai đoạn cuối cùng mục tiêu tập trung vào hoàn thiện và phối hợp giữa sức mạnh chi dưới, sức mạnh cơ CORE, tăng cường điều hợp, phản xạ, Plyometric cường độ cao, cân đối sức mạnh chi dưới và đặc biệt cải thiện tâm lý, tăng cường tự tin để sẵn sàng hành trang trở lại chơi thể thao.
Ở bước cuối cùng người bệnh cần được kiểm tra tổng thể bởi bác sĩ chuyên khoa và vượt qua các tiêu chí được định sẵn.
5.Tiêu chí trở lại thể thao
Theo nghiên cứu đánh giá có hệ thống của Barber- Westin và đồng nghiệp trên Tạp chí phẫu thuật nội soi khớp chỉ ra các tiêu chí trở lại chơi thể thao gồm:
- Sức mạnh cơ tứ đầu đùi và cơ hamstring thâm hụt dưới 10% trong các bài test isokinetic.
- Độ đối xứng chi dưới trên 85% (được đánh giá bằng Single hop, triple hop, crossover hop, and timed hop)
- Di động xương chày nhỏ hơn 3mm trong Test Lachman
- Không tràn dịch
- ROM khớp gối đầy đủ
- Di động xương bánh chè tốt
- Không có cảm giác đau, sưng khi vận động.
- Vượt qua bài đánh giá tâm lý
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.