Phục hồi chức năng sau phẫu thuật cắt u đầu trên xương chày kèm theo thay khớp gối nhân tạo

Bài viết của BSCK II Nguyễn Văn Vĩ - Trưởng khoa Phục hồi chức năng - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Trong y học, khi điều trị người bệnh ung thư thì giữ tính mạng được ưu tiên đầu tiên. Với bệnh lý ung thư xương các vùng chi thì ngoài việc cứu sống còn phải đảm bảo được sự toàn vẹn, chức năng và thẩm mỹ của chi, đó là những thách thức không hề nhỏ. Do vậy, sự phối hợp của nhiều chuyên ngành bao gồm giải phẫu bệnh, hóa trị liệu, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật ung thư thay khớp, chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, gây mê hồi sức mới có thể đạt được kết quả tốt.

1. Thay khớp là gì?

Quan điểm hiện đại thì phục hồi y tế được định nghĩa là "Bảo tồn tối đa các chức năng về chất, tâm lý, xã hội, nghề nghiệp, kết hợp với khả năng sáng tạo trong điều trị bệnh lý ác tính và tiết kiệm chi phí”. Đó là một cách để phục hồi chức năng của bệnh nhân ở mức độ cao nhất có thể mà không cần xem xét các bệnh lý nền.

Hiện nay, với những tiến bộ vượt trội trong lĩnh vực phẫu thuật bảo tồn chi trong điều trị ung thư xương vùng chi thể đã góp phần đưa tỷ lệ sống trên 5 năm là 60-80%. Ngoài việc giữ lại tính mạng cho người bệnh còn đảm bảo được một số yêu cầu về thể chất, chức năng sinh hoạt hàng ngày và lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân này được tốt hơn.

Do ung thư xương là một bệnh lý phức tạp, ngoài cứu sống việc để trở lại các chức năng thông thường cần phải có một quá trình phục hồi chức năng nghiêm ngặt và mất nhiều thời gian. Vì vậy đòi hỏi cần có sự nhiệt huyết và phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện bởi một nhóm đa ngành bao gồm bác sĩ phục hồi chức năng, bác sĩ chuyên khoa ung thư chỉnh hình, điều dưỡng chăm sóc, chuyên gia tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng, nhà vật lý trị liệu và nhà trị liệu nghề nghiệp. Kế hoạch quản lý trước và sau phẫu thuật mà nhóm phải hiểu quy trình phẫu thuật và ý nghĩa của nó.

Tại Việt Nam, những năm gần đây ngành y tế đã có nhiều tiến bộ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý ung thư. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa trong lĩnh vực điều trị ung thư xương đã mang lại nhiều cơ hội sống cho người bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị các tổn thương ung thư xương vùng chi thể vẫn là bài toán vô cùng khó khăn cho các chuyên khoa, đặc biệt là các nhà ngoại khoa. Việc cắt bỏ chi thể bị tổn thương vẫn được áp dụng rộng rãi và được coi là giải pháp tối ưu và an toàn. Hiện nay, xu hướng bảo tồn chi thể trong điều trị ung thư xương cũng đã được thực hiện thay cho phẫu thuật cắt cụt trước kia, tuy nhiên khả năng phục hồi chức năng còn hạn chế. Nguyên nhân có nhiều như phương pháp kỹ thuật, vật liệu thay thế, kinh tế của người bệnh, tuổi tác hoặc chẩn đoán phát hiện muộn... nhưng trong đó vai trò của lĩnh vực phục hồi chức năng chưa được quan tâm đúng mực sau phẫu thuật.

Khoảng 2 năm trở lại đây, nhóm phẫu thuật ung thư xương và phần mềm Trung tâm Chấn thương chỉnh hình- Y học thể thao Vinmec đã tiến hành các ca phẫu thuật bảo tồn, tạo hình lại xương khớp (thay khớp) và chi thể cho những bệnh nhân ung thư xương với nhiều giải pháp đa dạng khác nhau như các nước phát triển trên thế giới. Sự thành công của các phẫu thuật này chủ yếu dựa trên kết quả chức năng tuyệt vời của bệnh nhân sau mổ bảo tồn chi thể. Khoa Phục hồi chức năng thuộc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình- Y học thể thao Vinmec là đơn vị song hành cùng ê kíp phẫu thuật đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được tối ưu kết quả chức năng và chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân này. Quy trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật bảo tồn chi rất phức tạp và nó hoàn toàn khác với loại quy trình tái tạo xương khớp thông thường. Sự tuân thủ phục hồi chức năng sớm trước và sau phẫu thuật đã góp phần trả lại chức năng chi thể và chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.


Phẫu thuật bảo tồn chi điều trị ung thư đầu trên xương chày là một phẫu thuật phức tạp
Phẫu thuật bảo tồn chi điều trị ung thư đầu trên xương chày là một phẫu thuật phức tạp

2. Phục hồi chức năng

Phẫu thuật bảo tồn chi trong ung thư đầu trên xương chày là cắt bỏ khối u ở đầu trên xương chày kèm theo thay khớp gối nhân tạo mà không cần tháo bỏ toàn bộ cẳng chân. Xương và mô mềm xung quanh khối u cũng có thể được loại bỏ và cấy ghép vật liệu thay thế phần chi bị cắt bỏ. Phẫu thuật bảo tồn chi trong ung thư đầu trên xương chày được thực hiện để giúp bảo tồn việc hình dáng và chức năng của chi thể bị bệnh.

Tổn thương u đầu trên xương chày là vị trí phổ biến thứ hai đối với ung thư xương nguyên phát và u tế bào khổng lồ. Đây thực sự là một địa điểm đầy thách thức đối với việc phục hồi chức năng do thực tế là cơ chế duỗi gối phải được tái tạo trong những trường hợp này. Vì trong phẫu thuật thay khớp đã cắt bỏ phần gân xương bánh chè rồi tái tạo lại điểm bám, do vậy khả năng gắn chắc chắn của vị trí tái tạo với bộ phận cấy ghép là rất khó khăn. Bên cạnh đó phải dùng hai vạt gân cơ bụng chân để lấp đầy vùng khuyết cơ do khối u, đồng thời gia cố thêm vùng bám tại đầu trên xương chày (bộ phận cấy ghép) và chính điều này càng tạo thêm sự phức tạp trong quá trình vận động cơ tứ đầu đùi và khớp gối.

Mục tiêu của phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp, bảo tồn chi trong ung thư đầu trên xương chày tối đa hóa tầm vận động khớp gối, sự ổn định khớp gối, lực cơ của chi thể và tôn trọng các giai đoạn tiến triển của sự hồi phục mô mềm.

Hiện nay, do có khá nhiều kỹ thuật phẫu thuật khác nhau, đối tượng bệnh nhân chưa nhiều và chưa có một phác đồ hay hướng dẫn quy chuẩn nào trên thế giới cho phục hồi chức năng với đối tượng này. Vì vậy mà mỗi chương trình phục hồi chức năng phải được cá nhân hóa theo nhiều yếu tố: Vị trí và mức độ tổn thương, dụng cụ thay thế-cấy ghép, cách thức phẫu thuật và quy trình phẫu thuật do bác sĩ phẫu thuật thực hiện, sự tái tạo phần mềm và ổn định khớp gối đạt được trong quá trình phẫu thuật, có tổn thương dây thần kinh liên quan hay không. Tương tự như vậy, tình trạng lâm sàng (điều trị hóa chất/ xạ trị và những tác dụng phụ), tuổi và mức độ hoạt động của bệnh nhân cực kỳ quan trọng; đối với những bệnh nhân hoạt động nhiều, cần phải lưu ý kỹ càng cho bệnh nhân để tránh các vận động quá mức gây ảnh hưởng đến xương - khớp giả.

Do những khó khăn đó nên trước khi phục hồi chức năng cần khai thác và nắm rõ những tồn tại sau đây của người bệnh:

  • Tình trạng tổn thương xương và khớp, đặc biệt là chất liệu của bộ phận cấy ghép.
  • Tình trạng tổn thương cơ: cắt bỏ một phần cơ hoặc một nhóm cơ bởi sự liên quan của khối u; tổn thương cơ bên trong do dây thần kinh có liên quan đến khối u hoặc phải được cắt rộng hơn bởi cắt bỏ khối u; chuyển một phần các cơ để bao phủ vùng thiết bị thay xương.
  • Tình trạng tổn thương da: cắt bỏ các vùng da liên quan đến khối u, sẹo sinh thiết trước đó, hoặc sẹo của các thủ thuật phẫu thuật khác (trong các trường hợp tái phát cục bộ); sử dụng rộng rãi các mảnh ghép da lấy từ cơ thể ở các bộ phận.
  • Tình trạng tổn thương thần kinh: cắt bỏ dây thần kinh có liên quan đến khối u; tổn thương thần kinh do bị co kéo ( nhu cầu vận động); áp lực cục bộ lên dây thần kinh trong quá trình phẫu thuật kéo dài; tổn thương thần kinh trực tiếp do không phẫu thuật (các phương pháp điều trị như xạ trị và tác động của các tác nhân gây độc cho thần kinh). Những tổn thương có thể khác nhau, nhưng thường bệnh nhân mô tả cơn đau như ngứa ran và bỏng rát, đau không theo tỷ lệ kích thích, đau theo vùng, rối loạn cảm giác, bất thường về điều chỉnh nhiệt độ, phù nề và đổi màu da xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày.
  • Tình trạng tổn thương mạch máu: cắt bỏ các mạch chính vì khối u liên quan đến cơ; tổn thương mạch máu trong quá trình thăm dò phẫu thuật; co thắt mạch máu do phát triển mạch nuôi khối u; phù chi do tổn thương hệ thống tĩnh mạch.
  • Tình trạng tổn thương hệ bạch huyết: Phù bạch mạch mãn tính do vết mổ sâu, rộng và sẹo xơ dính; hóa trị liệu gây ra suy nhược và mệt mỏi mãn tính; do yêu cầu nhập viện- ra viện nhiều lần để điều trị kết hợp, điều này làm cho khó duy trì cường độ và tính liên tục của chương trình phục hồi hệ bạch mạch.
  • Tình trạng sức khỏe toàn thân bị ảnh hưởng bởi những đợt hóa trị liệu xen kẽ. Nó tác động tiêu cực đến cả tâm lý và thể chất của người bệnh, từ đó làm cho kế hoạch tập luyện có thể không đạt được như dự kiến ban đầu.

Để thực hiện việc phục hồi chức năng được tốt, cần bác sĩ chuyên khoa có kiến ​​thức chuyên sâu về đặc điểm giải phẫu chức năng của vùng khớp gối, loại vật liệu thay khớp gối nhân tạo, đồng thời bắt buộc phải chia sẻ thông tin kỹ thuật phẫu thuật và lâm sàng giữa tất cả các thành viên trong nhóm: bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu,... và bệnh nhân.

Quy trình phục hồi sau phẫu thuật bao gồm các giai đoạn kế tiếp nhau và không thể thực hiện bước tiếp theo nếu không đạt được mục tiêu của bước trước đó, luôn luôn tôn trọng sự phục hồi tự nhiên của phần mềm quanh khớp.

Đáng lưu ý, phương pháp phục hồi chức năng cho bệnh nhân bắt đầu ngay trước khi phẫu thuật. Mục đích của vật lý trị liệu trước phẫu thuật là: kiểm tra mức độ đau của bệnh nhân, khả năng thực hiện các động tác (ngay cả khi chưa thay xương- khớp), kiểm tra chi thể có khối u kỹ càng trước khi phẫu thuật, và thông tin đến cho bệnh nhân và người nhà về ca phẫu thuật, phương pháp phẫu thuật cũng như các trường hợp có thể xảy ra sau phẫu thuật. Hơn nữa, chuẩn bị cho bệnh nhân một số bài tập để nâng cao thể trạng toàn thân và có thể thực hiện sau phẫu thuật và sau khi xuất viện.

Kiểm tra, đánh giá quá trình vận động của bệnh nhân để hiểu toàn bộ khớp gối chịu nặng nề nhất và tất cả các khớp háng và cổ chân của chi đó, thực hiện phân tích và tổng hợp để chỉ ra các tư thế, cách thức vận động sai dẫn đến các biến chứng xấu tác động đến xương- khớp gối nhân tạo.

Để thực hiện một đánh giá tốt, cần sử dụng các điểm đã được ghi nhận để theo dõi diễn biến lâm sàng và hiệu quả điều trị, so sánh kết quả thu được từ các mô hình giả định khác nhau và để tạo điều kiện trao đổi dữ liệu trong nhóm chuyên khoa.

Đánh giá khớp gối bằng tầm vận động (ROM), độ ổn định khớp gối, mức độ đau và khả năng thực hiện các chức năng sinh hoạt hàng ngày(ADL). Hiện nay chúng tôi sử dụng hệ thống tính điểm của Hiệp hội Khối u Cơ xương (MSTS: the Musculoskeletal Tumor Society (MSTS) scoring system) để đánh giá mức độ phục hồi của bệnh nhân sau phẫu thuật cắt u đầu trên xương chày kèm theo thay khớp gối nhân tạo.

3. Phục hồi chức năng trước phẫu thuật

Mục đích chính của phục hồi chức năng trước phẫu thuật thay khớp là để kiểm tra mức độ đau của bệnh nhân; khả năng thực hiện các động tác của khớp gối, ROM của khớp gối ở các tư thế; kiểm tra kỹ toàn bộ khớp trước khi phẫu thuật; tăng cường thể chất cho bệnh nhân và đánh giá toàn bộ các khớp liên quan của chi đó; thông tin cho bệnh nhân về phương pháp và cách thức phẫu thuật, loại khớp dự tính sẽ thay cùng những tình huống có thể xảy ra trong quá tình phẫu thuật và bệnh nhân biết các bài tập vận động để sau phẫu thuật sẽ tập tốt hơn.

Ngoài ra sau phẫu thuật còn phải tiếp tục điều trị nội khoa hóa chất, đặc biệt cần có quá trình phục hồi chức năng lâu dài mới đảm bảo cuộc phẫu thuật đạt được hoàn chỉnh.

4. Phục hồi chức năng sau phẫu thuật

Tùy thuộc vào mức độ phức tạp của việc cắt bỏ và cấu trúc giải phẫu bị tổn thương, việc phục hồi chức năng có thể là phục hồi toàn bộ chức năng, hoặc phục hồi một phần chức năng so với chân lành. Phục hồi chức năng làm giảm các biến chứng tiềm ẩn của việc bất động kéo dài, bao gồm huyết khối tĩnh mạch sâu, suy giảm chức năng, yếu cơ, co rút khớp, phù nề, loét da và các biến chứng phổi.

Các phương pháp cụ thể:

4.1. Giai đoạn cấp (ngay sau phẫu thuật)

Mục tiêu phục hồi chức năng trong giai đoạn này là kiểm soát đau, sưng, phù nề, co thắt cơ và duy trì tầm vận động khớp gối.

Chăm sóc và theo dõi ống dẫn lưu:

Ống dẫn lưu khớp gối được để trong vòng 24-72 giờ, được băng lại và định vị khớp gối bằng nẹp hoặc cố định khớp háng ở tư thế trung gian, (Hình ảnh).


Ống dẫn lưu và Xquang sau mổ cắt đầu trên xương chày và thay khớp gối phải
Ống dẫn lưu và Xquang sau mổ cắt đầu trên xương chày và thay khớp gối phải

Giảm đau bằng các kỹ thuật vật lý trị liệu và vận động trị liệu:

Lạnh trị liệu: 20-30 phút/lần x 3-5 lần/ngày trong 3 ngày đầu.

Tư thế trị liệu: Để chân duỗi thẳng và cao hơn mặt giường khoảng 30° khi nằm ngủ. Đeo nẹp cố định chi thể.

Xoa bóp dẫn lưu: làm tăng lưu thông tuần hoàn vùng đùi- cẳng- bàn chân và giảm sự co thắt cơ trong quá trình phẫu thuật và đeo nẹp sau phẫu thuật.

Vận động trị liệu: Tập vận động chủ động các khớp háng và cổ bàn chân. Tập thụ động tăng tầm vận động càng sớm càng tốt, bắt đầu 00- 200. Không quá cố gắng gấp gối trong loại hình phẫu thuật này. Tập co cơ tĩnh chủ động trong nẹp, với chu kỳ giữ - nghỉ được lặp đi lặp lại (co cơ 5 giây- nghỉ 5 giây, mỗi lần tập khoảng 5- 10 phút), bài tập được thực hiện nhiều lần trong ngày.

Ngoài ra vẫn kết hợp điều trị nội khoa: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc giảm đau thần kinh; tê tủy sống; thuốc chống huyết khối tĩnh mạch sâu...
Chăm sóc vết mổ tốt cũng giảm đau và ngăn ngừa được các biến chứng xấu và nặng hơn có thể xảy ra.

4.2. Giai đoạn sau ( Sau 24h- 3 ngày)

  • Tiếp tục chườm lạnh tại chỗ
  • Chăm sóc vết mổ
  • Đeo nẹp cố định khớp gối và vẫn để chân duỗi thẳng và cao hơn mặt giường khoảng 30° khi nằm ngủ.
  • Xoa bóp dẫn lưu vùng đùi và dưới cẳng chân.
  • Tập vận động chủ động các khớp háng và cổ bàn chân. Tập thụ động tăng tầm vận động càng sớm càng tốt, bắt đầu 200- 400. Không quá cố gắng gấp gối trong loại hình phẫu thuật này. Tập co cơ tĩnh chủ động trong nẹp, với chu kỳ giữ - nghỉ được lặp đi lặp lại (co cơ 5 giây- nghỉ 5 giây, mỗi lần tập khoảng 5- 10 phút), bài tập được thực hiện nhiều lần trong ngày. Kèm theo đó là các bài tập vận động chủ động có trợ giúp khớp gối cũng được thực hiện. Mục đích của các loại tập vận động này đều làm tăng sức cơ vùng đùi, tăng tuần hoàn và tạo điều kiện cho dịch tồn dư trong vùng phẫu thuật được thoát ra qua ống dẫn lưu được dễ dàng; đồng thời cũng góp phần giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Tập thụ động khớp gối với thiết bị vận động thụ động cưỡng bức liên tục (CPM) để phục hồi tầm vận động. Đây là biện pháp mang lại sự tiến triển khá tốt trong quá trình phục hồi ROM khớp gối và có thể tránh được nguy cơ dính các phần mềm quanh vết mổ hơn. Mức độ tăng dần trong 3 ngày đầu đạt tối đa ROM: 00- 400.
  • Sau 24- 48h có thể đi lại chịu lực một phần lên chân phẫu thuật: 2-3 lần/ ngày x 05-10 phút/lần. Mục đích tránh ứ đọng đường hô hấp và tạo tâm lý tốt cho người bệnh mới trải qua một cuộc đại phẫu thuật mà khả năng hồi phục rất tốt.

4.3. Giai đoạn ngày thứ 4 - 2 tuần

Tiếp tục chườm lạnh vùng phẫu thuật thay khớp; đeo nẹp cố định khớp gối; chăm sóc vết mổ; xoa bóp dẫn lưu; tập vận động chủ động và thụ động các khớp. Thời gian và cường độ tăng dần hơn. Mục đích làm giảm phù nề, tăng khả năng liền vết mổ, tăng tuần hoàn và giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.

Phục hồi tầm vận động khớp và khả năng chịu lực khi đi lại:

  • Phục hồi tầm vận động (ROM) khớp gối sớm với các bài tập vận động an toàn vô cùng cần thiết để phục hồi phần mềm bằng cách duy trì tính toàn vẹn của khớp gối, gân cơ và các dây chằng. Mục tiêu sau 2 tuần ROM: 00-600.
  • Vấn đề chịu lực khi đi lại: Chịu lực một phần lên chân phẫu thuật khi đi lại cũng được khuyến khích bắt đầu từ ngày thứ 2 và tăng dần khi lực cơ cho phép. Bắt buộc phải có nẹp cố định khớp gối khi đi lại( nẹp khóa).
  • Tập vận động chủ động để tăng sức cơ nên trì hoãn để tránh tình trạng tụt cơ tứ đầu do gân bánh chè căng quá mức/giật mạnh gân bánh chè do vận động xương bánh chè không đúng cách hoặc gập đầu gối quá mạnh. Ngoài ra người bệnh còn cảm thấy căng tức khó chịu vùng phía sau cẳng chân và gây ra tâm lý lo lắng về bệnh tình của mình. Do vậy chỉ nên tập thụ động và tập có trợ giúp vùng khớp gối là chính.

4.4. Giai đoạn sau 2 tuần- 6 tuần.

Mục tiêu đến cuối tuần thứ 6 đạt được tầm vận động khớp gối( 0- 900; chịu lực khi đi lại đạt được >50% trọng lượng cơ thể.

Vật lý trị liệu:

  • Hồng ngoại: chiếu vùng vết mổ 15- 20 phút/ lần x 1-2 lần/ngày.
  • Siêu âm vết sẹo mổ: 10- 15 phút/ lần x 1- 2 lần/ngày (với điều kiện chắc chắn kết quả giải phẫu bệnh không còn tế bào ác tính vùng phần mềm chi thể đó và vết sẹo mổ xơ cứng).
  • Xoa bóp: làm tăng lưu thông tuần hoàn chi thể, giảm sự co thắt cơ và xơ dính sẹo mổ.
  • Sử dụng thiết bị trợ giúp vận động thụ động cưỡng bức liên tục (CPM) để tiếp tục tăng tầm vận động khớp gối, mục tiêu hết 6 tuần đạt ROM: 00- 900.
  • Đeo nẹp khóa cố định khớp gối, cho phép khớp được dao động trong khoảng tầm vận động cho phép.

Vận động trị liệu:

  • Tập chủ động có kháng tăng dần sức cơ vùng đùi, đặc biệt trọng tâm để tăng sức cơ tứ đầu đùi càng khỏe càng tốt, ưu tiên tập theo nguyên tắc co cơ đẳng trường theo chu ký giữ- nghỉ.
  • Tập thụ động chủ động tăng dần tầm vận động khớp gối sao cho đạt mục tiêu hết tuần thứ 6 ROM: 00- 900.
  • Vấn đề chịu lực khi đi lại: Chịu lực lên chân phẫu thuật tăng dần đạt được >50% trọng lượng cơ thể đến cuối tuần thứ 6. Trong giai đoạn đầu vẫn có sự hỗ trợ của nẹp khóa khớp gối. Khi lực cơ đùi tương đối tốt, lúc đó sẽ tháo nẹp và chỉ hỗ trợ bằng nạng nách khi đi lại. Ngoài ra còn tập tăng sức bền của các cơ vùng đùi bằng các biện pháp hỗ trợ khác để tạo dáng đi bình thường dần trở lại.

4.5. Giai đoạn sau 6 tuần.

Mục tiêu đến cuối tuần thứ 12 đạt được hết tầm vận động khớp gối; chịu lực toàn bộ trọng lượng cơ thể và dáng đi bình thường hoặc gần bình thường.

Vật lý trị liệu.

  • Hồng ngoại: chiếu vùng vết mổ 15- 20 phút/ lần x 1-2 lần/ngày.
  • Siêu âm vết sẹo mổ: 10- 15 phút/ lần x 1- 2 lần/ngày.( với điều kiện chắc chắn kết quả giải phẫu bệnh không còn tế bào ác tính vùng phần mềm chi thể đó và vết sẹo mổ xơ cứng).
  • Xoa bóp: làm tăng lưu thông tuần hoàn chi thể, giảm sự co thắt cơ và xơ dính sẹo mổ.
  • Đeo nẹp khóa cố định khớp gối, cho phép khớp được dao động trong khoảng tầm vận động cho phép đối với trường hợp cắt đầu trên xương chày và tái tạo khớp gối.

Vận động trị liệu:

Tập vận động chủ động các khớp không phẫu thuật. Tập chủ động có trợ giúp cơ- khớp phẫu thuật và tập trợ giúp có kháng ép để tăng sức cơ tầm vận động khớp.

  • Các bài tập vận động chủ động có kháng tăng dần sức cơ vùng đùi với các dụng cụ, đặc biệt trọng tâm vẫn tăng và duy trì sức cơ tứ đầu đùi càng khỏe càng tốt.
  • Tập chủ động để hoàn thiện tối đa tầm vận động chủ động khớp gối có thể được.
  • Vấn đề chịu lực khi đi lại: Chịu lực lên chân phẫu thuật tăng dần đạt được toàn bộ trọng lượng cơ thể đến cuối tuần thứ 12. Ngoài ra còn tập các bài tập cảm thụ bản thể, tập trên các địa hình và các dụng cụ khác nhau để tăng tính linh hoạt của khớp gối và toàn bộ chi thể.

Phục hồi chức năng cảm thụ bản thể:

Các nghiên cứu cho thấy rằng chức năng cảm thụ bản thể của chi dưới sau khi phẫu thuật bảo tồn chi đã bị tổn hại khá nhiều so với bình thường. Những bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ đầu trên xương chày và thay khớp gối có sự chậm cảm nhận vận động mạnh ở khớp gối. Có lẽ điều này là do sự cắt/ bóc tách các dây chằng, bao khớp và do sự thay đổi sức căng của phần mềm do phẫu thuật gây ra. Sự xơ hóa và sự hấp thụ lực cơ học của bản lề khớp gối nhân tạo làm tổn hại đến sự phục hồi của các thụ cảm còn lại.

Do đó, các bài tập ổn định cảm giác cảm thụ bản thể có ý nghĩa lớn trên người bệnh phẫu thuật cắt bỏ đầu trên xương chày và thay khớp gối. Các bài tập phục hồi cảm giác cảm thụ bản thể giai đoạn đầu được thực hiện trên giường và tăng dần nén ép sử dụng cả chuỗi động học đóng và mở (CKC và OKC); độ khó của các bài tập cũng như mức độ không ổn định của các dụng cụ tăng dần theo thời gian.

Giai đoạn sau kể từ khi bệnh nhân được phép chịu lực 50% trên chi đã phẫu thuật ( khoảng tuần thứ 3 trở đi tùy vào vị trí và mức độ thương tổn), điều trị phục hồi bao gồm các bài tập cụ thể ở tư thế đứng. Bệnh nhân được yêu cầu chuyển lực lên các chi trong khi vẫn giữ được tư thế cơ thể chính xác. Khả năng kiểm soát vận động của đầu gối được điều trị có thể được kích thích bằng cách gập nhẹ đầu gối hoặc bằng cách sử dụng lực cản bên ngoài như dây thun.

Các bài tập sau thay khớp cho tư thế đứng bằng hai chân ngày càng trở nên khó khăn hơn bằng cách sửa đổi bề mặt hỗ trợ hoặc sử dụng các bề mặt ngày càng không ổn định. Để làm cho nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn, các bài tập luyện nhắm mắt hoặc thực hiện nhiệm vụ kép, chẳng hạn như ném bóng và đứng ở tư thế không ổn định. Khi đã cho phép chịu lực hoàn toàn lên chân phẫu thuật, các bài tập tương tự được thực hiện ở tư thế một chân. Ngoài ra các bài tập yêu cầu bệnh nhân giữ trọng tâm ở vị trí thẳng đứng và chuyển tải theo hướng trước- sau, sang ngang trái- phải hoặc chếch lên- xuống và đa hướng.

Thủy trị liệu:

Áp dụng thủy trị liệu khi tình trạng toàn thân cho phép như miễn dịch, xét nghiệm máu...và tại chỗ vết mổ đã liền tốt. Tập luyện ở dưới nước có nhiều lợi ích về mặt sức khỏe và dễ thực hiện, đặc biệt khi chi thể bị yếu tập dưới nước sẽ loại bỏ được trọng lực chi thể do đó thực hiện động tác được tốt hơn. Ngoài ra dùng một số dụng cụ có tính chất cản nước tạo điều kiện tăng sức mạnh cơ đùi và cẳng chân dễ hơn.

Tâm lý trị liệu:

Bệnh nhân mắc bệnh ung thư nói chung và ung thư xương chày nói riêng rất dễ bị căng thẳng về tâm lý do chẩn đoán, tiên lượng không chắc chắn và những hậu quả tiêu cực do các triệu chứng của bệnh và phương pháp điều trị gây ra. Việc đánh giá sự điều chỉnh cảm xúc của bệnh nhân trong các giai đoạn bệnh khác nhau là rất quan trọng.

Những rối loạn nhận thức thần kinh liên quan bao gồm khó khăn về trí nhớ, khả năng tập trung, sự chú ý và chức năng điều hành. Nó có thể là tác dụng phụ của hóa trị liệu hoặc phản ứng căng thẳng lo âu tức thời kết hợp với hóa trị, xạ trị...Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen hàng ngày khi bệnh nhân cố gắng trở lại làm việc.

Các nhà trị liệu ngày càng phải nhận thức rõ hơn về tác động của ung thư xương và các tác dụng phụ liên quan đến điều trị, đặc biệt là suy giảm nhận thức thần kinh, đối với khả năng sống sót và chất lượng cuộc sống. Việc đánh giá tâm lý thần kinh được sử dụng để hỗ trợ xác định sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của ung thư, rối loạn chức năng nhận thức thần kinh liên quan đến điều trị, theo dõi tiến trình lâm sàng và đánh giá hiệu quả của các biện pháp can thiệp. Kiểm tra tập trung vào trí thông minh, sự chú ý, tốc độ xử lý, trí nhớ, ngôn ngữ, chức năng vận động và kỹ năng điều hành.

Trong quá trình phục hồi chức năng về thể chất chung và hoàn thiện chức năng chi thể cần lồng ghép việc khuyến khích động viên, tạo cảm giác an tâm cho người bệnh khắc phục sự nhận thức, hành vi. Mục tiêu của điều trị luôn là khôi phục chất lượng cuộc sống và tiếp tục trở lại mức hoạt động gần nhất có thể.

Có bằng chứng cho thấy các can thiệp tâm lý và hành vi (liệu pháp nhận thức hành vi, thiền, yoga và hoạt động thể chất) sẽ giúp giảm thiểu rối loạn chức năng nhận thức thần kinh liên quan đến điều trị ung thư.

Thể thao và vui chơi trị liệu:

Bệnh nhân bị mắc ung thư xương hay bị căng thẳng về tâm lý dẫn đến khó khăn về trí nhớ, khả năng tập trung, sự chú ý và chức năng điều hành. Việc lồng ghép các bài tập được thực hiện trong môi trường vui nhộn, có thể ở cả dưới nước hoặc hình thức như các môn thể thao cụ thể và phù hợp với lứa tuổi sẽ được lựa chọn trên cơ sở bệnh nhân mong muốn. Ngoài tác dụng tăng cường thể lực chung và chi thể phẫu thuật, còn giảm căng thẳng về tâm lý, tăng khả năng tập trung, chú ý và khả năng điều hành giúp tăng cường đáng kể sự tuân thủ của người bệnh trong quy trình phục hồi chức năng chung.

Ngoài các môn thể thao- vui chơi ở trạng thái động, với người bệnh nên thư giãn và thực hành sự tập trung chú ý ở trạng thái tĩnh. Những môn thể thao giúp ích như yoga, thiền phật giáo được khuyến khích luyện tập.

Phục hồi chức năng dinh dưỡng:

Khoảng 15% đến 80% bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng mãn tính là một tác dụng phụ của các biến chứng sinh lý, chuyển hóa của bệnh và quá trình hóa trị liệu. Ngoài ra dinh dưỡng kém cũng có liên quan đến các biến chứng sau phẫu thuật hoặc điều trị hậu phẫu. Vai trò của chuyên gia dinh dưỡng bao gồm xác định các yếu tố nguy cơ dinh dưỡng, tình trạng dinh dưỡng và nhu cầu; xác định bổ sung thích hợp và cung cấp lời khuyên về chế độ ăn uống.


Xoa bóp giúp làm tăng lưu thông tuần hoàn chi thể
Xoa bóp giúp làm tăng lưu thông tuần hoàn chi thể

5. Kết luận

Phẫu thuật bảo tồn chi điều trị ung thư đầu trên xương chày là một phẫu thuật phức tạp, yêu cầu sự tư duy và kỹ năng hoàn hảo nhất để đạt được chức năng và thẩm mỹ của người bệnh.

Mặc dù phẫu thuật bảo tồn chi đối với các khối u xương ác tính nguyên phát vùng quanh gối, đặc biệt là đầu trên xương chày đã đạt được những tiến bộ đáng khen ngợi trong kỹ thuật phẫu thuật và những đối tác thiết kế sản xuất bộ phận xương khớp gối giả. Nhưng nếu không có sự phục hồi thể chất trước, sau phẫu thuật tối ưu và kịp thời; sự cam kết và tuân thủ chương trình vật lý trị liệu của người bệnh thì việc đạt được kết quả chức năng và chất lượng cuộc sống như mong muốn có thể không khả thi. Do vậy điều trị ung thư xương đòi hỏi nhiều chuyên ngành tham gia cùng phối hợp trước và sau phẫu thuật như bác sĩ chuyên khoa ung thư chỉnh hình, bác sĩ nội khoa ung thư (hóa chất tiền phẫu,...), bác sĩ phục hồi chức năng, chuyên gia tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng, điều dưỡng chăm sóc và các nhà vật lý trị liệu.

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của phẫu thuật xương khớp thông thường (vật lý trị liệu ngay sau mổ, vấn đề tập vận động tăng sức cơ và tầm vận động khớp, vấn đề chịu lực khi đi lại...), ngoài ra phải chấp hành nghiêm ngặt những nguyên tắc của phẫu thuật ung thư xương chày và thay khớp gối: tránh các tác nhân vật lý ảnh hưởng tế bào ác tính, vai trò chức năng riêng biệt vùng khớp gối, đặc biệt căn cứ thực tế vùng tổn thương( xương hoặc kèm theo phần mềm...) và phương pháp phẫu thuật bảo tồn vùng gối và đầu trên xương chày, cũng đồng nghĩa với quá trình hồi phục phần mềm cũng khác nhau.

Trong phạm vi những phương pháp, kỹ thuật mà nhóm phẫu thuật u xương và phần mềm Trung tâm Chấn thương chỉnh hình- Y học thể thao Vinmec đã thực hiện cùng những quan điểm phục hồi chức năng sau phẫu thuật của chúng tôi đang áp dụng điều trị cho người bệnh đã nêu bật một số nguyên tắc phục hồi chức năng quan trọng và chúng tôi có phác đồ phục hồi tóm tắt cụ thể. Hầu hết người bệnh ung thư cắt bỏ đầu trên xương chày và tái tạo khớp gối khác nhau từ cá nhân này sang cá nhân khác, ngay cả trong một vị trí cụ thể và nhu cầu phương thức phục hồi chức năng cũng được điều chỉnh. Với những nội dung này sẽ là một hướng dẫn cơ bản cần thiết để thiết kế, xây dựng chương trình phục hồi chức năng cho từng cá thể.

6. Những ưu điểm đặc biệt khi điều trị ung thư xương tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình- Y học thể thao Vinmec

  • Với sự tham gia của các chuyên gia phẫu thuật Việt Nam về lĩnh vực phẫu thuật thay khớp bảo tồn chi cho những bệnh nhân ung thư xương, cùng các trang thiết bị hiện đại trong phẫu thuật.
  • Các chuyên gia phục hồi chức năng về lĩnh vực phục hồi sau phẫu thuật bảo tồn chi cho những bệnh nhân ung thư xương, cùng các trang thiết bị phục hồi hiện đại bậc nhất.
  • Các chuyên gia điều trị hóa chất chuyên sâu cho bệnh nhân ung thư xương trước và sau phẫu thuật thay khớp.
  • Sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia phẫu thuật thay khớp, điều trị hóa chất và phục hồi chức năng ngay trước và sau phẫu thuật chỉ có ở Vinmec.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec là một trong số ít các Trung tâm đạt chuẩn FIFA trên thế giới và đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm được đầu tư lớn về công nghệ như 3D Technology in Medicine Center (Trung tâm nghiên cứu Công nghệ 3D trong Y học), Motion Analysis Lab (Phòng nghiên cứu, phân tích chuyển động) đầu tiên tại Việt Nam, ngang tầm với khu vực và trên thế giới.

Về chuyên môn, Vinmec đã làm chủ kỹ thuật thay khớp và tạo ra sự đột phá trong điều trị, với các kĩ thuật thay khớp tiên tiến cá thể hóa trong điều trị như ánh xạ giải phẫu, phẫu thuật chính xác sử dụng Robot trong mổ, phục hồi chức năng và dinh dưỡng chuyên sâu ... đồng thời có mạng lưới hợp tác với nhiều chuyên gia về lĩnh vực y học thể thao trên thế giới. Chính vì vậy ngày 23/03/2022, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức kí hợp tác cùng Vinmec nhằm nâng cao chất lượng công tác y tế dành cho các cầu thủ trong đội tuyển. Bên cạnh việc điều trị chấn thương phục vụ thi đấu, hợp tác giữa VFF và Vinmec còn bao gồm hoạt động nghiên cứu và đào tạo y học thể thao bài bản và chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe