Di chứng nặng nề của tai biến mạch máu não
Ông Lê Văn Q, 80 tuổi (Xã Phù Mỹ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) bị tai biến mạch máu não từ đầu năm 2012. Hậu quả, ông bị liệt nửa người bên phải, không nuốt được thức ăn mà phải đặt sonde qua mũi để hàng ngày bơm thức ăn lỏng qua sonde vào dạ dầy do bệnh nhân bị "nghẹn đặc sặc lỏng“ khi đưa thức ăn, nước uống vào miệng...
Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị biến chứng do tai biến mạch máu não, căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ ba chỉ sau các bệnh ung thư và tim mạch và là loại bệnh đứng trong các bệnh thần kinh để lại nhiều di chứng, gây nên tàn tật nặng nề dẫn đến tàn phế, đặc biệt về vận động. Theo các chuyên gia về thần kinh và tim mạch, có 50% bệnh nhân tai biến mạch máu não sống sót để lại di chứng trong đó 92,96% di chứng về vận động; 50% bệnh nhân phụ thuộc trong các hoạt động tự chăm sóc; 71% giảm khả năng lao động; 66% mất khả năng lao động; 62% giảm các hoạt động xã hội; 92% người bệnh đang sống tại gia đình và cộng đồng vẫn cần tập luyện phục hồi chức năng. Người bệnh bị di chứng tai biến mạch máu não thuộc loại đa khuyết tật vì ngoài khó khăn về vận động nhiều người còn có những rối loạn khác như rối loạn nói và nuốt, rối loạn cảm xúc, rối loạn về nhận thức...
Luyện tập phục hồi chức năng
Bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não cần được phục hồi chức năng càng sớm càng tốt để phòng ngừa các thương tật thứ cấp, phòng ngừa và hạn chế co cứng và di chứng, đặc biệt là tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi sau này. Với trường hợp bệnh nhân Q, khi tới Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, ông vẫn phải ngồi xe lăn, có một ống sonde qua lỗ mũi, được cố định bằng băng dính trên mặt, để bơm thức ăn vào dạ dầy. Bệnh nhân luôn phải cầm trong tay một khăn mặt để lau nước dãi chảy qua miệng và nhổ nước bọt ứ đọng trong miệng vì không nuốt được.
Được chuyên gia của Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện Vinmec lên kế hoạch điều trị phục hồi, bệnh nhân đã được điều trị bằng điện xung, châm cứu, tư vấn tâm lý và tập nuốt kết hợp với tập điều chỉnh tư thế đúng khi ngồi, vận động tăng cường thể lực toàn thân bằng các máy móc chuyên dụng về phục hồi chức năng. Chỉ sau 8 ngày điều trị và tập luyện, bệnh nhân đã có tiến triển tốt, rút bỏ được sonde và tự ăn, uống trực tiếp qua miệng, trở lại sinh hoạt bình thường. Ông Q chia sẻ: “Khi phải dùng sonde để ăn, tôi cứ luôn có cảm giác mình như... con trâu bị xỏ trão vậy. Tôi đâm ra luôn cáu gắt với tất cả mọi người, kể cả những người thân đang ngày ngày chăm sóc mình. Tôi không thể tin được việc luyện tập phục hồi chức năng lại có hiệu quả tốt như thế này...”.
Theo PGS – TS Trần Văn Chương, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, bệnh viện Vinmec cho biết, phục hồi chức năng có thể kết hợp với điều trị nhiều loại bệnh khác nhau, đặc biệt với các bệnh nhân chấn thương chỉnh hình như phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối, nối gân, chuyển gân; phẫu thuật cột sống, phẫu thuật tim mạch, hô hấp... Phục hồi chức năng cũng đặc biệt hữu ích đối với bệnh nhân tổn thương thần kinh trung ương như liệt nửa người do tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não; các bệnh về cơ, xương, khớp... Có thể nói, phục hồi chức năng có vai trò quan trọng giúp người bệnh tái hoà nhập với gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Để làm được điều đó, bên cạnh máy móc hiện đại chuyên dụng và phương pháp luyện tập khoa học, thì để điều trị phục hồi có hiệu quả cũng cần thời gian và sự kiên trì của cả người tập và người bệnh.
Hiện tại, Vinmec là một trong số ít các bệnh viện có khoa Phục hồi chức năng hiện đại theo đúng mô hình chăm sóc sức khoẻ toàn diện của các bệnh viện lớn trên thế giới. Nhiều trang thiết bị điều trị và tập luyện tại đây duy nhất có tại Việt Nam như các máy hỗ trợ tập dành cho bệnh nhân thay khớp háng và khớp gối, máy siêu âm, điện xung...
Bệnh viện đã điều trị cho nhiều bệnh nhân thay khớp có thể đi lại chỉ sau khoảng từ 2 đến 4 tuần luyện tập. Bên cạnh việc điều trị bệnh cho hiện tại, khoa phục hồi chức năng của Vinmec còn hướng dẫn cho bệnh nhân tự tập tại nhà để điều trị dự phòng, tránh việc tái bị lại trong tương lai.