Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Trần Tuyến - Bác sĩ Ngoại Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Lõm ngực bẩm sinh là một trong các biến dạng bẩm sinh phổ biến nhất trong nhóm bệnh biến dạng lồng ngực ở trẻ. Bệnh ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển về thể chất cũng như ảnh hưởng tới tinh thần và tâm lý của trẻ. Lõm ngực bẩm sinh có thể được điều trị thông qua phẫu thuật.
1. Nhận biết lõm ngực bẩm sinh trên lâm sàng
Ở trẻ lõm ngực bẩm sinh, lồng ngực bị lõm ở phía trước, có thể nhìn thấy ở vùng xương ức hoặc lệch về bên ngực trái hoặc ngực phải. Lõm ngực có thể nhìn thấy ngay khi trẻ vừa sinh ra hoặc thời gian sau đó, chủ yếu được phát hiện ở trẻ từ 1 tuổi trở lên, khi xương bắt đầu phát triển. Nguyên nhân chưa được miêu tả rõ ràng trong y văn, tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng trong lõm ngực bẩm sinh có thể có yếu tố di truyền. Bệnh có thể được chẩn đoán thông qua quan sát (quan sát hình dạng lồng ngực, vị trí, mức độ lõm và độ sâu vết lõm). Ngoài ra bệnh còn có thể được chẩn đoán thông qua chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Bác sĩ sẽ đo lường chỉ số Haller (HI): là tỉ số được đo giữa đường kính ngang lồng ngực và đường kính trước sau ức-cột sống. Nếu HI>3,25 thì bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phẫu thuật.
2. Nguyên nhân dẫn đến lõm ngực bẩm sinh
Nguyên nhân dẫn đến lõm ngực bẩm sinh vẫn còn chưa được xác định rõ ràng. Một số quan điểm cho rằng đó là bệnh di truyền, tuy nhiên quan điểm này hiện vẫn còn nhiều tranh cãi và chưa được khẳng định chắc chắn. Bệnh thường được chẩn đoán từ trẻ 1 tuổi trở lên và được can thiệp bằng phẫu thuật với mục đích nâng ngực, điều chỉnh lại lồng ngực, có sử dụng 1 thanh kim loại nhằm mục đích định hình xương.
Trắc nghiệm: các chỉ số cần chú ý về sự phát triển thể chất của trẻ
Chiều cao, cân nặng của bé ở từng giai đoạn nên là bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường? Cùng ThS.BS Ma Văn Thấm điểm lại xem bạn đã nắm được các chỉ số phát triển thể chất của bé chưa nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
3. Phân loại lõm ngực bẩm sinh
- Lõm ngực bẩm sinh đơn thuần (thể cân đối): phần dưới cùng của xương ức lõm xuống.
- Lõm ngực bẩm sinh không cân đối: lõm hai bên không đều nhau, chỉ lõm một bên
- Lõm ngực bẩm sinh nửa lồi nửa lõm: phần trên cùng xương ức lồi ra trong khi phần dưới xương ức lõm lại.
4. Biểu hiện lõm ngực ở trẻ
Lõm ngực ở trẻ có thể phát hiện thông qua quan sát và thăm khám. Ngoài ra các biểu hiện nghi ngờ ở trẻ lõm ngực bẩm sinh có thể là trẻ thường có hơi thở ngắn, nặng nề và mệt mỏi. Lõm ngực gây tăng áp lực lên tim phổi, ảnh hưởng đến các chức năng của tim và phổi. Ngoài ra còn gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ của trẻ, khiến cho trẻ cảm thấy tự ti, khó hòa nhập cùng bạn bè.
5. Điều trị lõm ngực bẩm sinh
Phẫu thuật là phương pháp điều trị thích hợp và được áp dụng nhiều nhất hiện nay đối với trẻ lõm ngực bẩm sinh. Độ tuổi thích hợp để phẫu thuật là từ 8-12 tuổi. Tuy nhiên tùy theo tình trạng của trẻ mà phẫu thuật có thể được thực hiện sớm hơn (khi trẻ 7 tuổi) nếu tình trạng lõm nhiều, gây ảnh hưởng nên các chức năng tim và phổi. Một số tác giả khác chọn thời điểm để phẫu thuật khá sớm, có thể tiến hành khi trẻ 3 tuổi. Điều quan trọng nhất là trẻ nên được phẫu thuật trước tuổi dậy thì. Do sau khi dậy thì, xương trẻ đã phát triển thì nguy cơ bị lõm lại sau phẫu thuật có khả năng cao hơn.
Phẫu thuật Nuss là phẫu thuật hiện đang được tiến hành để điều trị cho các bệnh nhân lõm ngực bẩm sinh. Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, dùng 1 thanh kim loại để nâng xương chỗ ngực lõm lên. Đây là phương pháp ưu việt nhất hiện nay, đã được tiến hành trong hơn 20 năm, giúp rất nhiều bệnh nhân hòa nhập với cuộc sống bình thường sau phẫu thuật.
6. Biến chứng sau phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị lõm ngực bẩm sinh có thể gặp phải một số biến chứng sau:
Biến chứng trong quá trình phẫu thuật bao gồm:
- Thanh nâng ngực bị xoay
- Rách ở tim: rách màng nhĩ hoặc màng tim, có thể có chảy máu. Có thể xảy ra trong quá trình đưa thanh nâng ngực vào.
- Các biến chứng có thể gặp sau khi phẫu thuật: Tràn khí màng phổi, tràn máu màng phổi, dị ứng kim thanh đỡ, tụ dịch vết mổ.
Tuy nhiên tỷ lệ xảy ra biến chứng là khá thấp do đây là phẫu thuật mổ nội soi và các phẫu thuật viên thường có trình độ và kinh nghiệm, có sự thành thạo rất cao.
7. Chăm sóc sau điều trị lõm ngực bẩm sinh
Trẻ sau điều trị lõm ngực bẩm sinh bằng phẫu thuật cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý, chế độ ăn đầy đủ chất, dễ tiêu hóa, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Bố mẹ nên giữ cho trẻ hạn chế vận động trong vòng 6 tháng đầu, nên trao đổi với các thầy cô giáo của bé để phối hợp giúp trẻ hạn chế vận động và không tập các bài tập thể dục gắng sức trong vòng ít nhất 6 tháng đầu sau phẫu thuật. Sau 6 tháng thì bé có thể dần dần quay trở lại chế độ vận động bình thường.
Thời điểm để tháo khung kim loại cố định cho trẻ khác nhau ở từng độ tuổi. Đối với trẻ nhỏ (trẻ phẫu thuật ở độ tuổi từ 3-8 tuổi thì thời gian bỏ thanh kim loại là 3 năm. Đối với người lớn hoặc trẻ lớn hơn, khi phẫu thuật lõm ngực thì thời gian bỏ thanh kim loại khoảng 2 năm.
Bố mẹ nên để ý theo dõi các triệu chứng của trẻ sau phẫu thuật để phát hiện sớm lõm ngực trở lại. Nếu trẻ bị lõm ngực trở lại thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám Bác sĩ để được tư vấn.
Lõm ngực bẩm sinh là bệnh lý thường gặp trong nhóm bệnh lý dị dạng lồng ngực của trẻ. Tuy nhiên các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng vì với sự phát triển của y học hiện đại, tình trạng này có thể được điều trị thông qua phẫu thuật. Bố mẹ cần phải để ý trẻ nhiều hơn và đi khám bác sĩ khi trẻ có vấn đề về sức khỏe. Bố mẹ cũng nên có những hiểu biết đầy đủ về bệnh lõm ngực bẩm sinh, điều trị và phẫu thuật. Từ đó bố mẹ sẽ có những chăm sóc tốt và phù hợp cho trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Video đề xuất:
Tầm soát thai nhi - Bé khỏe chào đời