Phẫu thuật bắc cầu dạ dày giảm cân

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại Tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Béo phì không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư,... Để điều trị béo phì, các biện pháp giảm cân và phẫu thuật giảm béo như thắt đai dạ dày, cắt vạt dạ dày, bắc cầu dạ dày,... đang được áp dụng rộng rãi hiện nay. Trong đó, phẫu thuật bắc cầu dạ dày đang thể hiện khá nhiều ưu điểm vượt trội.

1. Phẫu thuật giảm cân bắc cầu dạ dày là gì?

Béo phì được WHO xếp vào loại bệnh phát triển nhanh nhất trên thế giới. Nó có thể gây ra nhiều bệnh lý khác như tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu cao, dẫn tới suy thận, bệnh tim, đột quỵ, mù lòa,... hay thậm chí là tử vong. Giải pháp đơn giản nhất để phòng ngừa các bệnh do béo phì gây ra chính là giảm cân. Tuy nhiên, việc giảm cân bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện,... không hề đơn giản. Vì vậy, đã có nhiều bệnh nhân áp dụng các phương pháp phẫu thuật giảm cân.

Bắc cầu dạ dày là phương pháp phẫu thuật tạo ra một túi nhỏ từ dạ dày, kết nối nó vào ruột non. Khi người bệnh ăn uống, thức ăn nuốt xuống sẽ đi vào túi nhỏ dạ dày và trực tiếp đổ vào ruột non. Mục đích của phương pháp này là giúp giảm cân. Phương pháp này giúp duy trì kéo dài và ổn định cân nặng sau khi giảm. Bệnh nhân sau bắc cầu dạ dày thường cảm thấy no nhanh hơn và no lâu hơn bình thường.

Đồng thời, phương pháp này còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh do béo phì mang lại như: Bệnh tim, cao huyết áp, hội chứng ngưng thở khi ngủ, trào ngược dạ dày - thực quản, tiểu đường tuýp 2, cholesterol cao, đột quỵ, vô sinh,...


Phẫu thuật giảm cân bắc cầu dạ dày
Phẫu thuật giảm cân bắc cầu dạ dày

2. Chỉ định và chống chỉ định

Phẫu thuật bắc cầu dạ dày được chỉ định thực hiện khi chế độ ăn uống và tập thể dục không có tác dụng hoặc bệnh nhân gặp các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng do quá thừa cân.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể chống chỉ định với các trường hợp như: bệnh nhân có tiền sử lạm dụng thuốc, bệnh nhân có tiền sử rối loạn tâm thần nặng hoặc người mắc bệnh lý ở nội tạng giai đoạn cuối.

3. Quy trình phẫu thuật bắc cầu dạ dày

3.1 Chuẩn bị

Với bệnh nhân đủ tiêu chuẩn làm phẫu thuật bắc cầu dạ dày, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn các vấn đề cần thiết khi chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật, cụ thể là:

  • Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cần cho bác sĩ biết về danh sách các loại thuốc, vitamin, thực phẩm bổ sung, chế độ ăn uống,... của mình. Người bệnh có thể phải hạn chế ăn uống và dùng một số loại thuốc trước khi thực hiện phẫu thuật;
  • Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc làm loãng máu thì cần báo cho bác sĩ trước khi phẫu thuật vì các loại thuốc này có thể gây ảnh hưởng tới tình trạng đông máu và chảy máu;
  • Bệnh nhân bị tiểu đường cần trao đổi kỹ với bác sĩ điều trị tiểu đường để được hướng dẫn cụ thể về việc dùng thuốc hoặc điều chỉnh lượng thuốc sử dụng sau phẫu thuật;
  • Ngừng hút thuốc lá.

3.2 Tiến trình thực hiện

  • Bệnh nhân được gây mê toàn thân trước phẫu thuật. Hầu hết các ca phẫu thuật sẽ thực hiện bằng nội soi, số ít được thực hiện theo phương pháp mổ mở ở bụng;
  • Bác sĩ phẫu thuật cắt ngang phần đầu của dạ dày, khâu tách khỏi phần còn lại của dạ dày. Túi dạ dày nhỏ chỉ có thể đựng được một lượng thức ăn nhất định;
  • Bác sĩ cắt ruột non, khâu trực tiếp một phần ruột non vào túi dạ dày nhỏ. Thức ăn sẽ đi vào túi nhỏ dạ dày, trực tiếp đổ vào ruột non. Thức ăn sẽ không đi vào dạ dày và phần đầu tiên của ruột non mà đổ vào phần giữa của ruột non.

Quá trình phẫu thuật bắc cầu dạ dày thường kéo dài trong khoảng vài giờ. Tùy thuộc tình trạng phục hồi của bệnh nhân, thời gian nằm viện trung bình sẽ là 3 - 5 ngày.


Bệnh nhân được gây mê toàn thân trước phẫu thuật
Bệnh nhân được gây mê toàn thân trước phẫu thuật

3.3 Theo dõi và một số lưu ý sau phẫu thuật

  • Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục nằm trong phòng hồi sức để bác sĩ theo dõi đề phòng nguy cơ biến chứng;
  • Ngay sau phẫu thuật, người bệnh có thể ăn thức ăn lỏng, không nên ăn món đặc bởi dạ dày đang bắt đầu lành lại. Sau đó, bệnh nhân sẽ theo một chế độ ăn uống đặc biệt, đổi dần từ đồ lỏng sang thức ăn xay nhuyễn. Tiếp theo, người bệnh có thể ăn thực phẩm mềm rồi chuyển dần sang đồ cứng hơn;
  • Bệnh nhân nên bổ sung thêm vitamin và khoáng chất như vitamin B12, cắt, canxi,... sau phẫu thuật;
  • Người bệnh cần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên trong vài tháng đầu sau khi phẫu thuật giảm cân.

3.4 Nguy cơ tai biến

Các rủi ro liên quan tới phẫu thuật bắc cầu dạ dày giảm cân gồm:

  • Chảy máu;
  • Nhiễm trùng;
  • Xuất hiện cục máu đông;
  • Phản ứng gây mê;
  • Vấn đề về hô hấp;
  • Rò rỉ trong hệ thống tiêu hóa;
  • Tắc ruột, hội chứng dạ dày rỗng nhanh (hội chứng dumping), thủng dạ dày, loét dạ dày;
  • Biến chứng khác: sỏi mật, suy dinh dưỡng, hạ đường huyết,...

4. Lưu ý về chế độ ăn sau phẫu thuật bắc cầu dạ dày


Bệnh nhân nên lưu ý uống nước giữa các bữa ăn
Bệnh nhân nên lưu ý uống nước giữa các bữa ăn
  • Ăn chậm, nhai kỹ;
  • Nên chia nhỏ các bữa ăn trong một ngày;
  • Uống nước giữa các bữa ăn;
  • Ăn nhiều các nhóm thực phẩm giàu protein;
  • Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất theo khuyến nghị của bác sĩ;
  • Tránh ăn thực phẩm giàu chất béo và đường.

Với phẫu thuật bắc cầu dạ dày, bệnh nhân có thể giảm cân tốt, duy trì được mức cân nặng ở ngưỡng cho phép và cải thiện sức khỏe tổng thể hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt kết quả như mong đợi, người bệnh cần tới sự hỗ trợ của bác sĩ dinh dưỡng, có chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe