Thực hiện phẫu thuật giảm cân: Bạn mong đợi điều gì?

Phẫu thuật giảm cân và hiệu quả giảm cân nhanh là biện pháp cuối cùng được sử dụng cho những người béo phì nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó cũng làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Do đó, bạn cần cân nhắc lựa chọn loại phẫu thuật phù hợp với tình trạng sức khỏe.

1. Phẫu thuật giúp giảm cân bằng cách nào?

Các loại phẫu thuật giảm cân đều làm thu hẹp dạ dày, từ đó tạo ra tác dụng giảm cân theo nhiều cách khác nhau:

  • Hạn chế khả năng lưu trữ thức ăn của dạ dày, làm giảm ham muốn thèm ăn, giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể giúp giảm cân
  • Ngăn chặn hệ thống tiêu hóa hấp thụ một lượng đáng kể calo và chất dinh dưỡng có trong thực phẩm
  • Kết hợp cả hai cách trên

2. Yêu cầu về cân nặng trong phẫu thuật giảm cân

Đối tượng được chỉ định phẫu thuật giảm cân là những người có:

  • Chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên (thừa hơn 45kg cân nặng).
  • BMI từ 35 - 40 (thừa khoảng 36kg cân nặng) kết hợp với bệnh tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, hen suyễn, bệnh tim mạch hoặc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
  • BMI từ 30 - 35 kết hợp với bệnh tiểu đường hoặc hội chứng chuyển hóa.

Nên phẫu thuật giảm cân khi nào?
Nên phẫu thuật giảm cân khi nào?

3. Các loại phẫu thuật giảm cân

Phẫu thuật giảm cân có nhiều loại khác nhau gồm có cắt tạo hình dạ dày hình ống (Gastric Sleeve), thắt đai dạ dày (Lap Band), thắt đai dạ dày theo chiều dọc (Vertical Gastric Banding) là các phẫu thuật hạn chế kích thước dạ dày; chuyển dòng mật tụy (Biliopancreatic Diversion), nối tắt dạ dày (Gastric Bypass) là các phẫu thuật làm giảm khả năng hấp thụ thức ăn.

3.1. Phẫu thuật nối tắt dạ dày kiểu Roux-en-Y

Trong phẫu thuật nối tắt dạ dày, bác sĩ sẽ sử dụng ghim phẫu thuật (surgical staples) cắt đoạn trên của dạ dày thành một túi nhỏ. Túi này có chức năng như một chiếc dạ dày mới với khả năng chứa khoảng 1 chén thức ăn. Phần còn lại của dạ dày vẫn được giữ lại nhằm cung cấp các chất được tiết ra từ tuyến tụy giúp tiêu hóa thức ăn đến từ túi dạ dày nhỏ.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ cắt phần ruột non gắn với dạ dày để gắn vào túi dạ dày nhỏ mới tạo ra. Rồi nối đoạn dạ dày còn lại (đã bị cắt khỏi ruột non) với đoạn dưới của ruột non tạo thành hình chữ “Y”. Đó là giai đoạn nối tắt dạ dày (Bypass) của phẫu thuật. Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng phương pháp nội soi.

3.2. Phẫu thuật cắt tạo hình dạ dày hình ống (Gastric Sleeve)

Trong phẫu thuật cắt tạo hình dạ dày hình ống, bác sĩ sẽ cắt bỏ gần hết dạ dày (75%) theo chiều dọc, tạo ra một dạ dày hình ống vẫn còn gắn liền với ruột non. Sau phẫu thuật, dạ dày chỉ còn khả năng chứa khoảng 57 - 85g thức ăn làm bạn cảm thấy no sớm hơn. Ngoài ra, bạn cũng ít cảm thấy đói hơn vì sau phẫu thuật hầu hết các loại hormone kích thích cảm giác thèm ăn (ghrelin) sẽ bị loại bỏ.

3.3. Phẫu thuật thắt đai dạ dày (Lap Band)

Trong phẫu thuật thắt đai dạ dày, bác sĩ sẽ quấn một vòng bơm hơi quanh đỉnh dạ dày, bơm phồng vòng bơm làm bóp chặt phần trên dạ dày tạo ra một túi dạ dày nhỏ với một lỗ hẹp thông với phần dạ dày bên dưới. Phẫu thuật giúp giảm cân theo cơ chế: Sau khi ăn, thức ăn đẩy vào thành dạ dày đã bị thắt lại, gửi tín hiệu đến não bộ giúp kiềm chế cảm giác thèm ăn. Phẫu thuật lần 2 hoặc nhiều hơn có thể cần thực hiện để điều chỉnh vòng bơm quấn quanh dạ dày.


Phẫu thuật thắt đai dạ dày
Phẫu thuật thắt đai dạ dày

3.4. Thắt đai dạ dày theo chiều dọc (Vertical Gastric Banding)

Phẫu thuật thắt đai dạ dày theo chiều dọc được ít sử dụng dần. Bác sĩ phẫu thuật cắt một lỗ ở đoạn trên của dạ dày rồi đặt các ghim phẫu thuật có tác dụng giống như may phần phía trên dạ dày làm thành một cái túi nhỏ. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt một vòng nhựa xuyên qua lỗ, quấn quanh phần dưới túi dạ dày. Sau phẫu thuật, thức ăn sẽ di chuyển từ túi dạ dày qua một cái lỗ nhỏ ở vòng nhựa rồi mới đi đến phần phía dưới của dạ dày.

3.5. Phẫu thuật chuyển dòng mật tụy (Biliopancreatic Diversion)

Phẫu thuật chuyển dòng mật tụy là dạng phẫu thuật giảm hấp thu giúp cắt giảm lượng calo và chất dinh dưỡng hấp thụ từ thực phẩm. Đầu tiên, bác sĩ sẽ tạo thành một túi nhỏ từ dạ dày như phẫu thuật nối tắt dạ dày. Túi chỉ chứa 110 - 140g thức ăn, giúp làm giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, khác với phẫu thuật nối tắt dạ dày, bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ phần còn lại của dạ dày và hầu hết ruột non. Đây là loại phẫu thuật giúp giảm cân nhanh nhất vì làm giảm hấp thu rất nhiều chất dinh dưỡng.

4. Cân nhắc ưu và nhược điểm của phẫu thuật giảm cân

Phẫu thuật giảm cân có nhiều ưu và nhược điểm khác nhau, bác sĩ sẽ giải thích để bạn cân nhắc lựa chọn loại phẫu thuật phù hợp. Ngoài ra, kiểm tra khám sức khỏe tổng quát là việc làm cần thiết để chuẩn bị sẵn sàng trước cuộc phẫu thuật. Bạn cũng cần phải cam kết với bản thân là bên cạnh những thay đổi lớn trong cơ thể, bạn sẽ kết hợp với các biện pháp giảm cân khác để tăng hiệu quả giảm cân. Trước phẫu thuật, bạn sẽ được yêu cầu bỏ thuốc lá, giảm cân và đảm bảo lượng đường trong máu ổn định.


Cần khám sức khỏe tổng quát trước khi phẫu thuật giảm cân
Cần khám sức khỏe tổng quát trước khi phẫu thuật giảm cân

5. Chuẩn bị cho phẫu thuật giảm cân

Bác sĩ sẽ thông tin cho bạn những việc cần chuẩn bị cho phẫu thuật: Tránh sử dụng thuốc aspirin và bất kỳ sản phẩm chứa aspirin, các thực phẩm chức năng 1 tuần trước phẫu thuật; Cần ăn hoặc uống các loại thức ăn lỏng trong vòng 24 - 48 giờ trước phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, bạn sẽ được gây mê toàn thân.

6. Phương pháp phẫu thuật giảm cân

Phương pháp phẫu thuật giảm cân gồm có mổ mở hoặc nội soi. Trong đó, mổ nội soi có nhiều ưu điểm hơn như để lại sẹo nhỏ hơn, ít biến chứng và thời gian phục hồi nhanh hơn. Đối với mổ nội soi, bác sĩ sẽ cắt một số vết nhỏ trên vùng bụng để tạo đường vào ổ bụng, luồn dụng cụ nội soi và quan sát hình ảnh bên trong cơ thể thông qua màn hình. Đối với mổ mở, bạn sẽ được cắt từ 20 - 25cm trên bụng để mở đường vào dạ dày.

7. Hồi phục sau phẫu thuật giảm cân

Sau phẫu thuật, bạn cần ở lại bệnh viện trong một thời gian ngắn đến khi sức khỏe ổn định. Bạn sẽ được chỉ định thuốc giảm đau và được bác sĩ theo dõi chặt chẽ để phát hiện các dấu hiệu thất thường như lượng đường trong máu thấp, mất nước hoặc cục máu đông.


Cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ sau phẫu thuật
Cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ sau phẫu thuật

Bạn cần ăn kiêng một vài tuần trước khi có thể ăn thức ăn rắn và được tư vấn dinh dưỡng bởi các chuyên gia dinh dưỡng và các bác sĩ chuyên khoa để lên kế hoạch ăn uống phù hợp. Chế độ ăn sẽ chuyển sang ăn khẩu phần ít calo và giàu chất dinh dưỡng hơn làm thay đổi thói quen ăn uống theo thời gian.

8. Hiệu quả giảm cân sau phẫu thuật

Mức độ giảm cân có thể rất ấn tượng, một số trường hợp có thể giảm tới 0,5kg/ngày trong 3 tháng đầu. Phẫu thuật kết hợp vừa thu hẹp dạ dày vừa làm giảm khả năng hấp thu thức ăn sẽ làm giảm cân nhanh hơn so với phẫu thuật thu hẹp dạ dày. Phẫu thuật giảm hấp thu làm giảm cân nhanh và hiệu quả nhất nhưng có thể gây ra bệnh tật do thiếu một số chất dinh dưỡng mà cơ thể cần.

9. Lợi ích sức khỏe khác sau phẫu thuật giảm cân

Các vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, tiểu đường hoặc các vấn đề khác liên quan đến cân nặng sẽ được cải thiện hoặc biến mất sau phẫu thuật. Bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn về các loại thuốc điều trị bệnh liên quan đến cân nặng. Giảm cân cũng có thể giúp giảm viêm khớp, đau khớp, chứng ngưng thở khi ngủ và giúp bạn dễ dàng thực hiện các hoạt động thể chất.


Giảm cân có thể giúp giảm viêm khớp
Giảm cân có thể giúp giảm viêm khớp

10. Thay đổi lối sống sau phẫu thuật

Bạn cần thay đổi lối sống và duy trì để nó trở thành thói quen. Như vậy thì quá trình giảm cân mới được lâu dài và bạn có thể sống với cân nặng tiêu chuẩn, tránh xa các vấn đề sức khỏe liên quan đến cân nặng. Hãy thực hiện chia nhỏ bữa ăn, thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục hàng ngày.

11. Rủi ro gặp phải trong phẫu thuật giảm cân

Đối với phẫu thuật giảm cân, rủi ro thường xảy ra ở người lớn tuổi, có tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu (cục máu đông) và béo phì nặng. Cách tốt nhất để tránh các rủi ro xảy ra trong cuộc phẫu thuật là chuẩn bị thật tốt cho nó. Bạn cần thường xuyên khám sức khỏe, tuân thủ kế hoạch ăn kiêng và luyện tập theo nguyên tắc sống mà bạn đã đặt ra.

12. Biến chứng sau phẫu thuật giảm cân

Phẫu thuật giảm cân có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng như:


Có thể bị viêm loét dạ dày sau phẫu thuật giảm cân
Có thể bị viêm loét dạ dày sau phẫu thuật giảm cân

  • Sỏi mật
  • Thiếu chất dinh dưỡng
  • Các vấn đề với vòng bơm hoặc dây thắt dạ dày (nếu thực hiện loại phẫu thuật đó)
  • Da chảy xệ ở các vị trí giảm cân. Phẫu thuật cắt phần da thừa chỉ được thực hiện ít nhất sau 18 tháng phẫu thuật giảm cân.

13. Hội chứng Dumping

Phẫu thuật giảm cân khiến thức ăn và đồ uống di chuyển quá nhanh qua ruột non gây ra các triệu chứng bao gồm buồn nôn, yếu, đổ mồ hôi, ngất xỉu, tiêu chảy sau khi ăn, không thể ăn đồ ngọt. Để tránh hội chứng dumping, bạn cần tuân thủ các lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng và đến gặp bác sĩ nếu có xuất hiện các triệu chứng bất thường.

14. Bổ sung chất dinh dưỡng sau phẫu thuật giảm cân

Sau phẫu thuật giảm cân, khả năng hấp thụ các loại vitamin A, D, E, vitamin K, B12 và khoáng chất sắt, đồng, canxi và các chất dinh dưỡng khác có thể giảm xuống. Sản phẩm chức năng bổ sung các dưỡng chất này có thể được sử dụng khi cần nhằm ngăn ngừa các loại bệnh như thiếu máuloãng xương. Để theo dõi nồng độ các chất dinh dưỡng trong cơ thể, bạn cần xét nghiệm kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

15. Điều chỉnh lối sống mới

Phẫu thuật giảm cân có thể mang lại cho bạn nhiều cảm xúc khác nhau. Hạnh phúc vì cân nặng giảm xuống hàng ngày. Bên cạnh đó là thất vọng, choáng ngợp vì cần thay đổi chế độ ăn uống, hoạt động và lối sống. Bạn cần học cách chấp nhận với những thay đổi về tinh thần và thể chất trong cơ thể. Hãy gọi bác sĩ để nhờ tư vấn nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến những thay đổi trong cơ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe