Phẫu thuật giảm cân là phương pháp can thiệp ngoại khoa điều trị béo phì, giúp người bệnh đạt được mức cân nặng mong muốn nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên sau phẫu thuật giảm cân, khi cân nặng không còn là nỗi lo lớn nhất thì những vấn đề mới sẽ xuất hiện. Hầu hết đó là các vấn đề tâm lý mà bạn không bao giờ nghĩ mình sẽ gặp phải.
Rất nhiều người thừa cân, béo phì coi việc giảm cân là mục tiêu lớn nhất đời mình và cuộc sống của họ thường xoay quanh việc làm sao để đạt được mục tiêu đó. Vì vậy khi đã giảm cân thành công, một vài người bắt đầu có cảm giác mất mát, thậm chí là mất phương hướng khi không biết phải làm gì tiếp theo bởi mục tiêu họ xem là quan trọng nhất đã hoàn thành.
Ngoài ra, còn khá nhiều vấn đề tâm lý khác diễn ra ở người vừa trải qua phẫu thuật giảm cân, đến từ những thay đổi đột ngột trong cuộc sống và từ chính cơ thể mà họ chưa kịp thích nghi. Nắm được những điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị cho mình một tâm lý tốt nhất để trải qua thời kỳ hậu phẫu lành mạnh và suôn sẻ.
1. Hiệu quả của phẫu thuật giảm béo đối với cuộc sống
Một người dù có bị thừa cân hay không thì đều phải đối mặt với vô vàn những thách thức trong cuộc sống, cân nặng chỉ là một trong số đó. Do vậy, việc giảm cân thành công không có nghĩa là bạn không còn gặp phải các thách thức khác ngoài cân nặng, kể cả khi bạn có coi nó là trở ngại lớn nhất đi nữa.
Rosalia O'Donoghue, một giáo viên tại Pennsylvania (Mỹ) đã giảm được 103 pound (tương đương 46,72kg) bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục. Cô mong muốn với diện mạo mới mình sẽ trở nên năng động, tự tin hơn. “Tuy nhiên tôi đã lầm. Gầy không thể giúp tôi trở thành một người hướng ngoại”.
Không riêng trường hợp của Rosalia, rất nhiều người sau khi giảm cân cũng có tâm trạng buồn bã và thất vọng, khi nhận ra hiệu quả mà phẫu thuật điều trị béo phì mang lại cho cuộc sống của họ không như mong đợi. Thực tế, giải quyết được một vấn đề (cân nặng) không có nghĩa là tất cả các vấn đề còn lại cũng được giải quyết.
Để hiểu được điều này, bạn hãy thử nghĩ về những người có mức cân nặng lý tưởng mà bạn biết. Cuộc sống của họ có hoàn hảo không? Trung thực mà nói thì là không.
Nếu cân nặng là điều duy nhất quyết định hạnh phúc của con người thì mọi thứ sẽ trở nên thật đơn giản. Tuy nhiên thực tế lại không như vậy và bạn phải chấp nhận thực tế đó.
Nếu gặp phải những khó khăn khi xử lý những vấn đề trong cuộc sống sau phẫu thuật giảm cân, bạn hãy liên hệ với bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được tư vấn, giải đáp và thực hiện các phương pháp trị liệu nếu cần thiết.
2. Tập làm quen với cơ thể mới
Những ký ức về diện mạo và cân nặng cũ có thể vẫn còn lưu lại rất lâu và sâu trong trí nhớ của bạn. Nhiều người cảm thấy bứt rứt, lóng ngóng ngay với cơ thể của chính mình. Thậm chí khi đã giảm size quần áo xuống 2-3 lần so với size cũ và được mọi người khen ngợi ngoại hình, họ vẫn có suy nghĩ mình bị béo phì và do đó không thể quen ngay được cơ thể mới.
Các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng, thay vì nghĩ mình “béo” hoặc vừa “biến đổi hình dạng”, bạn hãy nghĩ về bản thân gắn với các tính từ tích cực như “gầy”, “khỏe mạnh” hay “tràn đầy năng lượng”. Viết những cụm từ này lên giấy ghi chú và dán chúng trong xe hơi, cửa phòng ngủ hoặc bất cứ không gian cá nhân nào bạn hay lui tới để có thể nhìn thấy chúng suốt cả ngày. Cách làm này sẽ giúp đào tạo lại cách mà bộ não bạn suy nghĩ.
Một vấn đề khác mà người sau phẫu thuật giảm cân thường gặp phải là vẫn mặc những bộ quần áo quá lớn so với cơ thể, mà thậm chí không nhận ra sự không vừa vặn này. Họ cũng tránh nhìn vào gương, và mỗi lần nhìn lại cảm thấy ngạc nhiên khi thấy trong gương là một người gầy hơn.
Đó là những gì đã xảy ra với Lisa Durant - một người đã giảm 115 pound (tương đương 52 kg) nhờ ăn kiêng và tập thể hình. Sau khi giảm cân, cô vẫn có thói quen mặc những bộ đồ lớn hơn 1 size so với size mà cô nên mặc. “Tôi không hề nhận ra rằng chúng quá lớn với mình. Nếu những bộ đồ khiến tôi có cảm giác kỳ lạ so với trước kia, tôi chỉ đơn giản nghĩ là do chúng không phù hợp với vận động của cơ thể”.
Cho tới khi thử mặc một chiếc váy size 2 có khóa kéo và hoàn toàn vừa vặn, cô mới nhận ra mình thực sự cần thay đổi. “Giống như thể bạn phải học cách ăn mặc cho một người hoàn toàn mới vậy”, cô cho biết.
Đây cũng là tình trạng nhiều người gặp phải sau giảm cân, đặc biệt là trường hợp cân nặng giảm nhanh do phẫu thuật. Để khắc phục điều này, các chuyên gia khuyên bạn nên nhìn ngắm mình trong gương nhiều hơn và tự mỉm cười với chính mình. Tập trung vào một cái gì đó cụ thể mà bạn thích trên cơ thể mới, chẳng hạn phần bụng đã nhỏ hơn so với trước kia. Việc này giúp bạn quen dần với diện mạo mới, hiểu được cơ thể đã thay đổi ra sao và nên mặc những trang phục size nào cho phù hợp.
3. Người khác sẽ nhìn bạn như thế nào?
Sau phẫu thuật giảm cân, bạn có thể nhận được cách đối xử khác hơn so với trước kia, ví dụ những lời khen về ngoại hình, sự chú ý và giúp đỡ nhiệt tình từ nam giới...
Cho dù có thích sự công nhận này của mọi người hay không, bạn vẫn cần phải làm quen với chúng. Những thay đổi về diện mạo sẽ khiến bạn nhận được nhiều sự chú ý, bình phẩm hơn và mặc dù đó là những lời bình phẩm tích cực, bạn vẫn có thể cảm thấy không thoải mái, thậm chí khó chịu vì bị xâm phạm quyền cá nhân. Đây là vấn đề rất phổ biến mà những người sau phẫu thuật giảm cân gặp phải. Hãy trao đổi với bác sĩ tâm lý để tìm cách giải quyết.
Một tình trạng khác cũng rất thường gặp, đó là thay vì được khen ngợi thì ngược lại, bạn có thể phải nhận những chỉ trích. Một số người sẽ nhận xét rằng bạn đã giảm cân quá mức và trở nên gầy gò ốm yếu; bởi họ đã quen với hình ảnh bạn là một người thừa cân.
Việc lường trước được tất cả những phản ứng này sẽ giúp bạn không quá sốc và chủ động ứng phó khi chúng xảy ra.
4. Mối quan hệ với những người thân thiết
Theo các chuyên gia, giảm cân cũng có thể ảnh hưởng theo một cách nào đó tới mối quan hệ của bạn với vợ/người yêu, thành viên trong gia đình hoặc bạn bè.
Ví dụ, một người đàn ông thường có kỳ vọng rằng nếu giảm cân, chuyện chăn gối của họ sẽ trở nên thuận lợi, viên mãn. Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Có trường hợp, sự tự tin tăng lên của người đàn ông sau khi giảm cân lại khiến người vợ/người yêu cảm giác bị lép vế và thiếu tự tin, đặc biệt nếu họ cũng có khiếm khuyết nào đó về ngoại hình. Hãy tìm cách trấn an bạn tình của mình rằng họ vẫn là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn, và bạn trân trọng sự hiện diện của họ như thế nào.
Sau phẫu thuật giảm cân, rất có thể bạn sẽ phải nghe những lời không mấy tốt đẹp kiểu như “Bạn đẹp lên là nhờ phẫu thuật”, hoặc “Bạn sẽ tăng cân trở lại như ban đầu mà thôi”. Nên tránh xa những người này bởi họ không mang lại năng lượng tích cực và sự ủng hộ chân thành cho bạn.
Một số căng thẳng có thể xuất hiện trong các mối quan hệ của bạn sau khi giảm cân. Đôi khi nó xuất phát từ những điều rất nhỏ như khác biệt trong cách nấu ăn hoặc cách chọn lựa thực phẩm. Bất đồng này thường gặp trong phạm vi gia đình và bạn cần có sự chuẩn bị trước để nhận được sự cảm thông từ mọi người.
5. Tận hưởng cơ thể mới
Hãy lấp đầy cuộc sống của mình bằng những việc bạn không thể làm trước đây, chẳng hạn như đi du lịch, chơi với con, tham gia các chương trình tình nguyện vì cộng đồng, học một môn thể thao mới hoặc mua sắm những bộ đồ mới cho mình.
Sau phẫu thuật giảm cân, hãy yêu bản thân mình nhiều hơn và tận hưởng những điều tuyệt vời mà việc giảm cân mang tới cho cuộc sống của bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com