Phát hiện sớm, chẩn đoán và phân giai đoạn ung thư cổ tử cung

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh, Khoa giải phẫu bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Phát hiện ung thư sớm giúp có nhiều lựa chọn điều trị hơn. Một số bệnh ung thư sớm có thể có các dấu hiệu và triệu chứng có thể nhận thấy, nhưng không phải luôn như vậy.

1. Ung thư cổ tử cung có thể được phát hiện sớm?

Cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là kiểm tra thường xuyên bằng xét nghiệm Pap (có thể kết hợp với xét nghiệm tìm HPV). Nhận thức được bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng của ung thư cổ tử cung cũng có thể giúp tránh sự chậm trễ trong chẩn đoán. Phát hiện sớm giúp cải thiện đáng kể cơ hội điều trị thành công tiền ung thư và ung thư.

1.1 Hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về ngăn ngừa và phát hiện sớm ung thư Cổ tử cung

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ nên tuân thủ các nguyên tắc này để giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Thực hiện theo các hướng dẫn này cũng có thể phát hiện tiền ung thư, để có thể được điều trị kịp thời

  • Tất cả phụ nữ nên bắt đầu xét nghiệm ung thư cổ tử cung (sàng lọc) khi 21 tuổi.
  • Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi, nên làm xét nghiệm Pap mỗi 3 năm. Không nên sử dụng xét nghiệm HPV để sàng lọc ở nhóm tuổi này trừ khi có kết quả xét nghiệm Pap bất thường.
  • Bắt đầu 30 tuổi, phụ nữ nên được tầm soát bằng xét nghiệm Pap kết hợp với xét nghiệm HPV mỗi 5 năm miễn khi có kết quả xét nghiệm bình thường, và nên tiếp tục cho đến 65 tuổi. Một lựa chọn hợp lý khác cho phụ nữ từ 30 đến 65 là chỉ xét nghiệm Pap mỗi 3 năm.
  • Phụ nữ trên 65 tuổi đã được kiểm tra thường xuyên trong 10 năm qua với kết quả bình thường nên ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung. Phụ nữ có tiền sử tiền ung thư mức độ nặng, như CIN2 hoặc CIN3 nên tiếp tục xét nghiệm ít nhất 20 năm sau, ngay cả khi đã quá 65 tuổi.
  • Phụ nữ đã phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn (cắt bỏ tử cung và cổ tử cung) nên ngừng sàng lọc (như xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV), trừ khi phẫu thuật cắt tử cung do điều trị tiền ung thư (hoặc ung thư) cổ tử cung. Phụ nữ đã phẫu thuật cắt tử cung mà không cắt bỏ cổ tử cung nên tiếp tục sàng lọc ung thư cổ tử cung theo hướng dẫn ở trên.
  • Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao do hệ thống miễn dịch bị ức chế (ví dụ do nhiễm HIV, ghép tạng hoặc sử dụng steroid kéo dài) hoặc do họ tiếp xúc với DES trong tử cung có thể cần được kiểm tra thường xuyên hơn. Họ nên làm theo các khuyến nghị của chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
  • Phụ nữ ở mọi lứa tuổi KHÔNG nên được sàng lọc hàng năm bằng bất kỳ phương pháp sàng lọc nào nếu xét nghiệm Pap của họ là bình thường và họ không nhiễm HIV hoặc các nguyên nhân khác do hệ thống miễn dịch bị suy yếu.
  • Phụ nữ đã được tiêm vắc-xin ngừa HPV vẫn nên tuân theo các hướng dẫn này theo đúng các nhóm tuổi của họ.

Một số phụ nữ tin rằng họ có thể ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung khi họ ngừng sinh con. Điều này không đúng. Họ nên tiếp tục làm theo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ.

Mặc dù không nên thực hiện sàng lọc hàng năm, nhưng những phụ nữ có kết quả sàng lọc bất thường có thể cần phải làm xét nghiệm Pap theo dõi (đôi khi cả xét nghiệm HPV) trong 6 tháng hoặc một năm.

Các hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung không áp dụng cho những phụ nữ đã được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung hoặc tiền ung thư cổ tử cung. Những phụ nữ này nên được xét nghiệm theo dõi và sàng lọc ung thư cổ tử cung theo khuyến nghị của chuyên gia chăm sóc sức khỏe của họ.


Phụ nữ nên được tiêm phòng HPV
Phụ nữ nên được tiêm phòng HPV

1.2 Tầm quan trọng của việc sàng lọc ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung từng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ các nước. Tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung giảm đáng kể khi tăng cường xét nghiệm Pap để sàng lọc.

Các xét nghiệm sàng lọc mang đến cơ hội tốt nhất để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung và có thể điều trị thành công nhất. Sàng lọc thực sự có thể ngăn ngừa hầu hết các ung thư cổ tử cung bằng cách tìm thấy những thay đổi bất thường của tế bào cổ tử cung (tiền ung thư) do đó có thể được điều trị trước khi chúng có cơ hội tiến triển thành ung thư cổ tử cung.

Mặc dù có nhiều lợi ích trong việc sàng lọc ung thư cổ tử cung, không phải tất cả phụ nữ đều được sàng lọc. Hầu hết ung thư cổ tử cung được tìm thấy ở những phụ nữ chưa bao giờ hoặc gần đây không làm xét nghiệm Pap.

1.3 Xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung

Cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là kiểm tra thường xuyên bằng xét nghiệm Pap (có thể kết hợp với xét nghiệm tìm HPV). Khi xét nghiệm Pap trở thành thường quy, việc phát hiện các tổn thương tiền xâm lấn (tiền ung thư cổ tử cung) của cổ tử cung trở nên phổ biến hơn nhiều so với phát hiện ung thư xâm lấn. Cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng của ung thư cổ tử cung cũng có thể giúp tránh sự chậm trễ không cần thiết trong chẩn đoán. Phát hiện sớm giúp cải thiện đáng kể cơ hội điều trị thành công và có thể ngăn ngừa các biến đổi sớm tế bào cổ tử cung trở thành ung thư.

  • Xét nghiệm DNA HPV

Các bác sĩ hiện có thể kiểm tra chủng HPV (loại có nguy cơ cao) có khả năng gây ung thư cổ tử cung bằng cách tìm kiếm các đoạn DNA của chúng trong các tế bào cổ tử cung. Xét nghiệm có thể được thực hiện cùng lúc với xét nghiệm Pap.

  • Xét nghiệm Pap (Papanicolaou)

Xét nghiệm Pap là phương pháp thu thập các tế bào từ cổ tử cung, quan sát chúng dưới kính hiển vi trong phòng xét nghiệm để tìm ung thư và tiền ung thư.

  • Kết quả xét nghiệm Pap bất thường

Bước đầu tiên trong việc tìm ra ung thư cổ tử cung thường là kết quả xét nghiệm Pap bất thường. Từ đây sẽ dẫn đến các xét nghiệm sâu hơn, có thể chẩn đoán ung thư cổ tử cung.

2. Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư cổ tử cung

Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung sớm và tiền ung thư thường không có triệu chứng. Các triệu chứng thường không bắt đầu cho đến khi khối u lớn hơn và phát triển vào các mô xung quanh. Khi điều này xảy ra, các triệu chứng phổ biến nhất là:

  • Chảy máu âm đạo bất thường, như chảy máu sau khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, chảy máu sau mãn kinh, chảy máu và cục máu tụ giữa các chu kỳ kinh nguyệt, hoặc thời gian kinh nguyệt dài hơn bình thường, cũng có thể chảy máu sau khi thụt rửa.
  • Tiết dịch bất thường từ âm đạo - dịch tiết ra có thể chứa một ít máu và có thể xảy ra giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh.
  • Đau khi quan hệ
  • Đau ở vùng chậu

Các dấu hiệu và triệu chứng khi bệnh tiến triển hơn có thể bao gồm:

  • Sưng phồng chân
  • Gặp vấn đề đi tiểu hoặc đi tiêu
  • Máu trong nước tiểu

Những dấu hiệu và triệu chứng này cũng có thể do các vấn đề khác không phải ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức. Việc bỏ qua các triệu chứng có thể làm ung thư phát triển đến giai đoạn tiến triển hơn và giảm cơ hội điều trị thành công.

Để có cơ hội điều trị thành công tốt nhất, đừng chờ đợi các triệu chứng xuất hiện. Hãy làm xét nghiệm sàng lọc thường xuyên.


Đau khi quan hiệu có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung
Đau khi quan hiệu có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung

3. Xét nghiệm ung thư cổ tử cung

Bước đầu tiên trong việc tìm ra ung thư cổ tử cung thường là kết quả xét nghiệm Pap bất thường. Sau đó sẽ làm các xét nghiệm sâu hơn có thể chẩn đoán ung thư cổ tử cung.

Nếu bạn có các triệu chứng như chảy máu âm đạo bất thường hoặc đau khi quan hệ tình dục, bác sĩ phụ khoa thường cho làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán tiền ung thư và ung thư.

Nếu được chẩn đoán ung thư xâm lấn, bác sĩ nên giới thiệu bạn đến bác sĩ ung thư phụ khoa, người chuyên về ung thư hệ thống sinh dục của phụ nữ.

3.1. Đối với phụ nữ có triệu chứng ung thư cổ tử cung hoặc kết quả Pap bất thường

  • Tiền sử y tế và khám sức khỏe

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử cá nhân và gia đình của bạn. Điều này bao gồm thông tin liên quan đến các yếu tố nguy cơ và triệu chứng ung thư cổ tử cung. Kiểm tra sức khỏe tổng quát để đánh giá tình trạng sức khỏe chung của bạn. Bác sĩ sẽ khám vùng chậu và có thể làm xét nghiệm Pap nếu chưa được làm. Ngoài ra, khám hạch bạch huyết để phát hiện các dấu hiệu di căn (ung thư lan rộng).

Xét nghiệm Pap là xét nghiệm sàng lọc, không phải là xét nghiệm chẩn đoán. Nó không cho biết chắc chắn rằng bạn bị ung thư cổ tử cung. Một kết quả xét nghiệm Pap bất thường có nghĩa là cần thêm xét nghiệm, để xem liệu ung thư hoặc tiền ung thư có thực sự có hay không. Các xét nghiệm tiếp theo bao gồm soi cổ tử cung (với sinh thiết), nạo kênh tử cung và sinh thiết chóp.

  • Soi cổ tử cung

Nếu có một số triệu chứng gợi ý ung thư hoặc nếu kết quả xét nghiệm Pap của bạn có các tế bào bất thường, bạn sẽ cần soi cổ tử cung. Bạn sẽ nằm trên bàn như khi bạn khám phụ khoa. Bác sĩ sẽ đặt một mỏ vịt vào âm đạo để giúp giữ cho nó mở trong khi soi cổ tử cung bằng máy soi. Máy soi cổ tử cung là một dụng cụ ở bên ngoài cơ thể và có ống kính phóng đại, giúp bác sĩ nhìn rõ bề mặt cổ tử cung. Thủ thuật này được thực hiện an toàn ngay cả khi bạn đang mang thai. Cũng giống như xét nghiệm Pap, tốt hơn là không nên soi cổ tử cung trong kỳ kinh nguyệt.

Bác sĩ sẽ dùng dung dịch axit axetic nhẹ (tương tự giấm) bôi vào cổ tử cung giúp quan sát dễ hơn những vùng bất thường. Nếu thấy vùng bất thường, bác sĩ sẽ sinh thiết (lấy một mảnh mô nhỏ). Mẫu mô này sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích kỹ lưỡng. Sinh thiết là cách tốt nhất để biết chắc chắn vùng bất thường là tiền ung thư hoặc ung thư hay không. Mặc dù soi cổ tử cung thường không đau, sinh thiết cổ tử cung có thể gây ra một số khó chịu, chuột rút, chảy máu hoặc thậm chí đau ở một số phụ nữ.

  • Các loại sinh thiết cổ tử cung

Một số sinh thiết có thể chẩn đoán tiền ung thư và ung thư cổ tử cung. Nếu sinh thiết có thể loại bỏ hoàn toàn tất cả các mô bất thường, đó có thể là cách điều trị duy nhất cần thiết.

Soi cổ tử cung sinh thiết: Với cách sinh thiết này, đầu tiên cổ tử cung được kiểm tra bằng máy soi để tìm các vùng bất thường. Sử dụng kẹp sinh thiết, cắt một phần nhỏ ở vùng bất thường trên bề mặt cổ tử cung. Có thể gây ra chuột rút nhẹ, đau ít và chảy máu nhẹ sau đó.

Nạo kênh cổ tử cung: Nếu soi cổ tử cung không nhìn thấy bất kỳ vùng bất thường nào hoặc nếu không thể quan sát được vùng chuyển tiếp (vùng có nguy cơ nhiễm HPV và tiền ung thư), cần phải làm cách khác để kiểm tra vùng đó có tổn thương hay không. Có nghĩa là dùng một dụng cụ hẹp (có thể là curette hoặc bàn chải) đưa vào kênh cổ tử cung (phần cổ tử cung gần nhất với tử cung). Curette hoặc bàn chải được sử dụng để cạo bên trong kênh lấy một số mô, và được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra. Sau thủ thuật này, bệnh nhân có thể cảm thấy đau quặn, và họ cũng có thể bị chảy máu nhẹ.

Sinh thiết chóp cổ tử cung: Thủ thuật này còn được gọi là khoét chóp, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô hình chóp ra khỏi cổ tử cung. Đáy của hình chóp là cổ ngoài cổ tử cung (phần ngoài của cổ tử cung), và đỉnh của hình chóp là kênh cổ trong cổ tử cung. Mô được lấy trong hình chóp bao gồm vùng chuyển tiếp (ranh giới giữa cổ ngoài và cổ trong, nơi bắt đầu tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung). Khoét chóp có thể cũng là phương pháp điều trị để loại bỏ hoàn toàn nhiều tổn thương tiền ung thư và một số ung thư rất sớm.

Các thủ thuật thường dùng để khoét chóp là khoét chóp bằng vòng điện (loop electrosurgical excision procdure-LEEP = large loop excision of the transformation zone-LLETZ), và khoét chóp bằng dao lạnh.

  • Khoét chóp bằng vòng điện (LEEP, LLETZ): Với cách này, mô được cắt bỏ bằng một vòng dây mỏng được đốt nóng bằng điện và hoạt động như một con dao nhỏ. Khi làm thủ thuật, cần gây tê vùng, và có thể được thực hiện tại phòng khám.
  • Khoét chóp bằng dao lạnh: Thủ thuật này cần được làm trong bệnh viện. Sử dụng dao mổ hoặc laser để loại bỏ mô thay vì dây nóng. Bạn sẽ được gây mê trong quá trình phẫu thuật (gây mê toàn thân, hoặc gây tê tủy sống hoặc ngoài màng cứng).

Các biến chứng có thể xảy ra của khoét chóp bao gồm chảy máu, nhiễm trùng và hẹp cổ tử cung. Các phương pháp khoét chóp sẽ không ngăn cản hầu hết phụ nữ mang thai, nhưng nếu cắt bỏ một khối lượng lớn mô, có thể có nguy cơ sinh non cao hơn.


Khoét chóp có thể dẫn đến biến chứng sinh non
Khoét chóp có thể dẫn đến biến chứng sinh non

3.2. Đối với phụ nữ bị ung thư cổ tử cung

Nếu sinh thiết xác định ung thư, bác sĩ có thể yêu cầu thêm một số xét nghiệm để xem liệu ung thư đã lan rộng bao xa. Nhiều xét nghiệm được mô tả dưới đây có thể không cần thiết cho mọi bệnh nhân. Quyết định về việc sử dụng các xét nghiệm này dựa trên kết quả kiểm tra thể chất và sinh thiết.

  • Nội soi bàng quang, soi trực tràng và kiểm tra dưới gây mê

Thường được thực hiện ở những phụ nữ có khối u lớn. Chúng không cần thiết nếu ung thư được phát hiện sớm.

  • Trong nội soi bàng quang, một ống mảnh với ống kính và ánh sáng được đặt vào bàng quang thông qua niệu đạo. Điều này cho phép bác sĩ kiểm tra bàng quang và niệu đạo của bạn để xem ung thư có xâm lấn vào những vùng này không. Có thể làm sinh thiết trong quá trình soi bàng quang để xét nghiệm. Nội soi bàng quang có thể được thực hiện dưới gây tê tại chỗ, nhưng một số bệnh nhân có thể cần gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ cho bạn biết những mong đợi gì trước và sau khi làm thủ thuật.
  • Nội soi trực tràng: Là kiểm tra trực tràng thông qua một ống sáng để tìm sự xâm lấn của ung thư cổ tử cung vào trực tràng.
  • Bác sĩ cũng có thể khám vùng chậu trong khi bạn đang gây mê để xem ung thư có lan ra ngoài cổ tử cung hay không.
  • Chẩn đoán hình ảnh

Nếu bác sĩ phát hiện ra ung thư cổ tử cung, cần thêm một số xét nghiệm hình ảnh. Những xét nghiệm này có thể cho thấy ung thư đã lan rộng chưa và sẽ giúp bạn và bác sĩ quyết định kế hoạch điều trị.

  • X-quang ngực: Phát hiện ung thư đã lan đến phổi chưa.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Nếu khối u lớn hơn hoặc nếu có lo ngại về ung thư lan rộng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI phân tích các mô mềm đôi khi tốt hơn so với các xét nghiệm hình ảnh khác, như chụp CT. Bác sĩ sẽ quyết định xét nghiệm hình ảnh nào là tốt nhất trong tình huống của bạn.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (chụp PET): Đối với chụp PET, một dạng đường phóng xạ nhẹ (được gọi là FDG) được tiêm vào máu và nhìn thấy chủ yếu trong các tế bào ung thư.
  • Chụp PET/CT: Thường thì chụp PET được kết hợp với chụp CT bằng máy đặc biệt có thể thực hiện cả hai cùng một lúc. Điều này cho phép bác sĩ so sánh những vùng có hoạt động phóng xạ cao hơn khi chụp PET với hình ảnh chi tiết hơn trên CT scan. Đây là loại hình chụp PET thường được sử dụng ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung.

Bệnh nhân được chỉ định chụp MRI để chẩn đoán chính xác bệnh
Bệnh nhân được chỉ định chụp MRI để chẩn đoán chính xác bệnh

Xét nghiệm này có thể biết liệu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết chưa, nó cũng có thể hữu ích nếu bác sĩ của bạn nghĩ rằng ung thư đã lan rộng nhưng không biết ở đâu.

Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe