Phát hiện bị ung thư có thể gây ra các cảm xúc nào?

Diễn biến tâm lý chung của bệnh nhân khi biết mình bị ung thư thường trải qua 5 giai đoạn: phủ nhận, phẫn nộ, thương lượng, trầm cảm và chấp nhận. ​Hiểu rõ được diễn biến tâm lý của bệnh nhân ung thư qua từng giai đoạn sẽ giúp ích rất nhiều trong điều trị nhằm làm giảm bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

1. Phủ nhận

Ở giai đoạn này sau khi nghe biết mình bị ung thư bệnh nhân rất sửng sốt và bất ngờ, có người còn rơi vào tình trạng trầm cảm, u uất, cáu gắt với tất cả mọi người. Sau đó vài ngày họ chuyển sang trạng thái nghi ngờ không biết bác sĩ hay bệnh viện có chẩn đoán đúng hay không? Họ hy vọng là bệnh viện và bác sĩ chẩn đoán sai.

Tìm mọi cách chứng minh rằng mình không phải bị ung thư và tìm đến rất nhiều bác sĩ, cơ sở y tế để khám và hy vọng vào khả năng không bị ung thư. Tâm lý của bệnh nhân khi biết mình bị ung thư ở giai đoạn này sự tư vấn về tâm lý hết sức khó khăn. Nhiều khi phải làm nghiệm pháp giả tức phải nói bệnh nhân chưa chắc đã bị ung thư mà chỉ nghi ngờ thôi...

Thường chỉ là một phản kháng tạm thời. “Không, tôi khỏe mà”; “Chuyện đó không thể xảy ra với tôi được”. Sau đó, người bệnh bị ung thư nhanh chóng nhận ra đang phải đối mặt với ung thư- một sự việc rất trầm trọng.

2. Phẫn nộ


Bệnh nhân càng mạnh mẽ càng có xu hướng bùng phát phẫn nộ
Bệnh nhân càng mạnh mẽ càng có xu hướng bùng phát phẫn nộ

Giai đoạn thứ hai phẫn nộ, người bệnh bị ung thư bắt đầu nhận ra rằng không thể tiếp tục phủ nhận mãi được. Họ có thể nổi cơn thịnh nộ và đố kỵ làm cho việc giao tiếp với họ là một thách thức rất lớn. “Tại sao là tôi, không công bằng chút nào hết?”; “Sao mà bệnh ung thư có thể xảy ra cho tôi được? “; “Ai gây ra chuyện này?”. Những cá nhân nào càng mạnh mẽ trong cuộc sống thì càng có khuynh hướng bùng phát sự phẫn nộ và đố kỵ.

Tinh thần bệnh nhân đối mặt với ung thư bớt dần căng thẳng, tin vào lời bác sĩ và nhân viên y tế; hy vọng vào phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác sẽ làm cho mình khỏi bệnh. Đây là giai đoạn tốt để các thầy thuốc can thiệp vào điều trị và trấn an tâm lý cho bệnh nhân.

Phối hợp với thầy thuốc ở giai đoạn này là những chuyên viên tâm lý Y khoa hoặc những điều dưỡng viên có kỹ năng về tâm lý Y khoa giúp bệnh nhân bị ung thư đang phải đối mặt với ung thư tin tưởng, hy vọng và hồi phục sức khỏe tốt.

3. Thương lượng

Giai đoạn thứ ba thương lượng liên quan đến sợ ung thư và sự hy vọng mà người bệnh bị ung thư mong rằng có thể kéo dài hoặc trì hoãn cái chết. Thông thường tâm lý của bệnh nhân đối mặt với ung thư ở giai đoạn này là tìm mọi cách thương lượng để kéo dài cuộc sống. “Chỉ cần cho tôi sống đến ngày con tôi tốt nghiệp”; “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể được để sống thêm vài năm nữa”; “Tôi hiểu là tôi sẽ chết nhưng chỉ mong có thêm thời gian hơn nữa”...

4. Trầm cảm

Giai đoạn thứ tư trầm cảm, người bệnh bị ung thư hiểu rằng cái chết là chắc chắn. Vì thế họ có thể trở nên im lặng, từ chối gặp người viếng thăm, dành nhiều thời gian để khóc và đau buồn. Quá trình này làm cho người bệnh cắt đứt liên hệ với những sự việc liên quan đến tình thương yêu và bệnh tật.

Sự cắt đứt này có tác dụng làm bệnh nhân bị ung thư nguôi ngoai nên trong giai đoạn này không nên tìm cách làm vui cho người bệnh cho mà để cho nỗi buồn được diễn tiến. “Tôi buồn quá, tôi sắp chết rồi. Tại sao phải quan tâm đến mấy cái chuyện khác làm gì?”; “Tôi sắp mất người thân yêu nhất trên đời của mình rồi”.

Ở giai đoạn này, những niềm tin về số mệnh về tôn giáo và gia đình sẽ an ủi họ rất nhiều để vượt qua được những đau đớn, khổ hạnh để đối mặt với ung thư.


Ở giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân thường im lặng và đau buồn
Ở giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân thường im lặng và đau buồn

5. Chấp nhận

Giai đoạn cuối chấp nhận, người bệnh bị ung thư bắt đầu chấp nhận cái chết sẽ đến với mình. “Rồi cũng sẽ xong thôi”; “Tôi không thể chống lại được nó, nên chuẩn bị đón nhận nó”.

Bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối, họ ít nghĩ đến cái chết, chấp nhận sự ra đi và hy vọng vào một cuộc sống tương lai ở thế giới khác. Giai đoạn này rất cần sự giúp đỡ của tôn giáo với các vị linh mục, nhà sư và những người thân trong gia đình. Vai trò của các chuyên gia tâm lý trong giai đoạn này cũng rất cần thiết để họ ra đi trong một niềm hy vọng.

Ngoài ra, mặc cảm về bị mất cơ quan bộ phận trong cơ thể xảy ra rất nhiều ở người trẻ tuổi. Ở những phụ nữ trẻ nếu bị đoạn nhũ, các rối loạn tâm lý tình dục sẽ xảy ra có khi phải vài năm mới khắc phục được.

Chính vì vậy khi tư vấn về phẫu thuật, thầy thuốc nên khuyên bệnh nhân bị ung thư phẫu thuật sớm khi khối u còn nhỏ. Ngoài việc điều trị tốt bệnh ung thư vú, bệnh nhân bị ung thư còn có cơ hội để tái tạo tuyến vú bằng chất liệu nhân tạo (túi ngực) hay bằng chính chất liệu của bản thân như dùng cơ lưng rộng, cơ thẳng bụng...

Theo các chuyên gia tâm lý, bệnh nhân bị ung thư cần được động viên tinh thần người bệnh và cung cấp thông tin điều trị đúng đắn. Tránh đi khám các thầy lang vườn lang băm mạnh miệng tuyên bố chữa hết bệnh ung thư bằng các phương pháp điều trị không chính thống, chỉ làm chậm trễ điều trị và tăng giai đoạn của bệnh ung thư cũng như tốn kém không cần thiết. Giai đoạn cuối là giai đoạn mà đa số các bệnh viện hiện nay "bỏ rơi" bệnh nhân bị ung thư. Rất nhiều đau khổ xuất hiện trên bệnh nhân và gia đình ở giai đoạn này vì họ phải đối mặt với ung thư và cái chết. Cần liên hệ với các bệnh viện có khoa chăm sóc giảm nhẹ để được chăm sóc cuối đời tích cực.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe