Phân biệt suy dinh dưỡng và còi xương ở trẻ em

Còi xương và suy dinh dưỡng là hai bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên những tình trạng này khác nhau như thế nào? và cha mẹ nên làm gì để đảm bảo tốt sự phát triển cho con trong từng giai đoạn?

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

1. Còi xương và suy dinh dưỡng khác gì nhau?

1.1 Còi xương

Nguyên nhân do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, chuyển hóa canxi và phốt pho (là những chất cần thiết cho sự phát triển của xương). Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu ánh sáng mặt trời, do kiêng khem quá mức và chế độ ăn nghèo canxi – phốt pho, những trẻ không được bú mẹ dễ bị còi xương hơn trẻ bú mẹ.

Biểu hiện của tình trạng còi xương gồm:

  • Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ.
  • Xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn.
  • Các biểu hiện ở xương: Thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán, đầu bẹp cá trê.
  • Các trường hợp còi xương nặng có di chứng: chuỗi hạt sườn, dô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O
  • Răng mọc chậm, táo bón.
  • Chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, bò, đi, đứng...
  • Trong trường hợp còi xương cấp tính: trẻ có thể bị co giật do hạ canxi máu

Những trẻ dễ mắc còi xương gồm những đối tượng:

  • Trẻ đẻ non, đẻ sinh đôi.
  • Trẻ nuôi bằng sữa bò.
  • Trẻ quá bụ bẫm.
  • Trẻ sinh vào mùa đông

1.2 Suy dinh dưỡng

Nguyên nhân do chế độ ăn uống thiếu vitamin/ khoáng chất và cách nuôi dưỡng phản khoa học, có thể kể đến như cai sữa sớm, bắt đầu cho bé ăn không đúng giai đoạn, hay thức ăn kém chất lượng khiến bé dễ mắc bệnh nhiễm trùng và mãn tính, không thể phát triển khỏe mạnh.

Dấu hiệu thường gặp là trẻ bị đứng cân hoặc sụt cân, hay mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc và dễ bị bệnh, trẻ cũng không năng động, chậm mọc răng, chậm phát triển vận động. Nếu bị suy dinh dưỡng nặng còn được thể hiện ở 3 thể là: phù, teo đét và hỗn hợp.

  • Trẻ có bệnh lý nền cần điều trị dài ngày
  • Trẻ biếng ăn do thiếu các vitamin/ vi chất dinh dưỡng (kẽm, sắt, canxi,...)
  • Trẻ biếng ăn sinh lý ở giai đoạn mọc răng/ biết bò/ biết đi
  • Trẻ bị nhồi nhét, ép ăn dẫn tới chán ăn
  • Trẻ thiếu dưỡng chất (đạm/ đường/ bột/ chất xơ/ chất béo....)

Dựa trên những dấu hiệu trên, có thể thấy trẻ còi xương và trẻ suy dinh dưỡng rất khác nhau và cha mẹ có thể tự phân biệt được.Tuy nhiên cần lưu ý 2 điểm:

  • Có nhiều trẻ bụ bẫm, ăn ngủ tốt, không suy dinh dưỡng nhưng vẫn bị bệnh còi xương. Lý do là vì trẻ bị còi xương khi cơ thể thiếu hụt vitamin D dẫn tới khả năng hấp thu, chuyển hóa canxi và photpho không đáp ứng được nhu cầu phát triển của xương, gây ra các tổn thương trên xương. Bệnh còi xương có thể thường gặp ở những bé rất bụ bẫm do nhu cầu về canxi, photpho lớn hơn so với trẻ bình thường (còi xương thể bụ)
  • Ngược lại: Có nhiều trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng nhưng không hề bị còi xương. Lý do là trẻ bị suy dinh dưỡng có số đo về cân nặng và chiều cao đều thấp hơn trẻ bình thường nhưng có thể kèm còi xương hoặc không. Nếu cơ thể trẻ suy dinh dưỡng vẫn đủ canxi thì hệ xương sẽ phát triển tốt, dẫn tới trẻ không bị còi xương.

Suy dinh dưỡng và còi xương là những tình trạng rất hay gặp ở trẻ nhỏ
Suy dinh dưỡng và còi xương là những tình trạng rất hay gặp ở trẻ nhỏ

2. Phòng ngừa/ điều trị trẻ còi xương và trẻ suy dinh dưỡng như thế nào?

Phòng ngừa và điều trị trẻ còi xương:

  • Cho trẻ tắm nắng hàng ngày để hỗ trợ cơ thể chuyển hóa và hấp thu canxi, photpho.
  • Cho trẻ uống thêm vitamin D theo khuyến cáo của các bác sĩ.
  • Cho trẻ bị còi xương dùng thêm các chế phẩm có canxi như uống 1 – 2 ống canxi B1 – B2 – B6 mỗi ngày. Các trẻ lớn có thể ăn cốm canxi 1 – 2 thìa cà phê/ngày (theo khuyến cáo của các bác sĩ.)
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: cho trẻ bú mẹ, ăn bổ sung thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, trứng, sữa, gan động vật,... Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho dầu mỡ vào bữa ăn hằng ngày của trẻ với lượng vừa đủ vì vitamin D tan trong dầu nên cho thêm dầu giúp trẻ hấp thu vitamin D dễ hơn.

Phòng ngừa và điều trị trẻ suy dinh dưỡng:

  • Cần điều chỉnh chế độ ăn và tăng cường khẩu phần ăn, tìm và loại bỏ nguyên nhân gây suy dinh dưỡng. Lưu ý: Cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B) và vi chất (kẽm, canxi, sắt, photpho...) để trẻ tăng hấp thu. Đặc biệt kẽm có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời và đặc biệt cần thiết đối với trẻ suy dinh dưỡng. Kẽm là thành phần của hơn 300 enzyme tham gia các hoạt động của cơ thể, giúp tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, tăng cảm giác ngon miệng, tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Khi thiếu kẽm sẽ làm cho trẻ bị biếng ăn, dễ bị nhiễm trùng.
  • Cha mẹ cần theo dõi cân nặng hàng tháng của trẻ để đánh giá kịp thời tình trạng suy dinh dưỡng
  • Thực hiện tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm
  • Với những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng thì cần điều trị tại bệnh viện bằng các phương pháp như bù nước – điện giải, bổ sung vitamin và muối khoáng, truyền đạm, chống nhiễm khuẩn, điều trị thiếu máu, chống hạ thân nhiệt và chống hạ đường huyết,...

Tóm lại 2 tình trạng suy dinh dưỡng và còi xương ở trẻ đều là những vấn đề thường gặp và để lại những ảnh hưởng lớn cho sự phát triển của trẻ. Vì thế, khi nhận thấy con có những dấu hiệu của còi xương, suy dinh dưỡng, cha mẹ nên đưa con tới các cơ sở y tế để được kiểm tra và có hướng can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe