Phân biệt cơn đau ngực trong tim mạch với cơn đau ngực thông thường

Phân biệt cơn đau ngực là điều cần làm để theo dõi tình trạng sức khỏe cá nhân. Trên thực tế, không phải lúc nào cơn đau ngực cũng có nguyên nhân từ tim. Tuy nhiên, nếu bạn có cơn đau ngực kèm theo các triệu chứng khác như khó thở, buồn nôn hoặc đau lan ra cánh tay trái, đây có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Nguyễn Minh Sơn, chuyên ngành Tim mạch, tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Nha Trang

1. Dấu hiệu nhận biết cơn đau tim

Nhận biết các dấu hiệu của đau ngực rất quan trọng vì điều này sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bệnh.

  • Cảm giác nặng ngực khi cơn đau xảy ra: Cơn đau tim khiến người bệnh cảm thấy nặng ngực hoặc tức ngực liên tục. Sự xuất hiện đột ngột của cơn đau này là một dấu hiệu quan trọng để nhận biết.

Phân biệt cơn đau ngực giúp người bệnh nhận biết dấu hiệu bệnh tim
Phân biệt cơn đau ngực giúp người bệnh nhận biết dấu hiệu bệnh tim

  • Lan toàn bộ cơ thể: Cơn đau tim có thể không chỉ giới hạn ở ngực, mà còn lan ra các khu vực khác như sau lưng, lên cổ, hàm dưới và tay trái.
  • Thời gian kéo dài: Nếu cơn đau kéo dài hơn ba phút mà không có dấu hiệu suy giảm và ngày càng trở nên tồi tệ hơn, đó có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim.
  • Triệu chứng kèm theo: Sự xuất hiện của các triệu chứng như hụt hơi, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi và đổ mồ hôi cũng là dấu hiệu quan trọng cần chú ý.

2. Phân biệt cơn đau ngực do đau tim và các cơn đau ngực khác

2.1. Phân biệt cơn đau ngực qua thời gian kéo dài của cơn đau ngực

Cơn đau tim thường diễn ra ít nhất 30 phút và có thể kéo dài hơn. Nếu cơn đau chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và biến mất, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề khác của cơ thể như đau thần kinh liên sườn.

2.2. Cơn đau thuyên giảm khi người bệnh thay đổi vị trí và tư thế

Nếu việc thay đổi vị trí hay tư thế giúp làm giảm hoặc loại bỏ cơn đau, đây có thể không phải là cơn đau tim. Cơn đau tim thường không giảm đi khi thay đổi tư thế.

2.3. Sử dụng thuốc kháng axit và trào ngược dạ dày

Nếu thuốc kháng axit giúp giảm cơn đau, đó có thể là dấu hiệu của trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, người bệnh cần kiểm tra y tế để tìm rõ nguyên nhân gây ra cơn đau ngực

2.4. Hoạt động, vận động làm giảm cơn đau

Nếu hoạt động, vận động làm giảm triệu chứng đau ngực, có thể đó không phải là cơn đau tim. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đôi khi hoạt động cũng có thể kích thích các vấn đề tim mạch. Vì vậy, nếu cơn đau không giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn khi vận động, người bệnh cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

3. Thiếu máu cục bộ cơ tim thầm lặng - Dấu hiệu cần lưu ý

Một số bệnh nhân sẽ trải qua cơn đau tim với những triệu chứng rõ ràng như cảm giác nặng ở ngực và lan ra cánh tay trái. Ngược lại, cũng có những trường hợp mắc phải "Thiếu máu cục bộ cơ tim thầm lặng" không có triệu chứng rõ ràng hoặc chỉ có những triệu chứng nhẹ.


Cần lưu ý những cơn đau tim thầm lặng không có dấu hiệu rõ ràng
Cần lưu ý những cơn đau tim thầm lặng không có dấu hiệu rõ ràng

"Thiếu máu cục bộ cơ tim thầm lặng" đặt ra một thách thức lớn vì người bệnh có thể không nhận biết được tình trạng bệnh nhanh chóng. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về cơn đau ngực, đặc biệt là cơn đau không rõ nguyên nhân, việc tìm kiếm sự thăm khám từ các bác sĩ hoặc các chuyên gia là điều cần thiết để bảo vệ bản thân và duy trì cuộc sống khỏe mạnh.

4. Cần làm gì để phân biệt cơn đau ngực và xác định đúng tình trạng bệnh

Phân biệt cơn đau ngực để nhận biết dấu hiệu chính xác của cơn đau tim là vô cùng quan trọng để người bệnh điều trị kịp thời. Một số hành động cần thiết để giải quyết tình trạng này:

4.1. Gọi cấp cứu 115 ngay lập tức

Khi có dấu hiệu của cơn đau tim, lập tức gọi số 115 hoặc số cứu thương của cơ sở y tế gần nhất để liên hệ cấp cứu. Các chuyên gia y tế sẽ hướng dẫn cách xử lý tình huống và đảm bảo sự giúp đỡ ngay lập tức.


Gọi cấp cứu ngay lập tức là mấu chốt giúp bệnh nhân đau tim tăng khả năng sống sót
Gọi cấp cứu ngay lập tức là mấu chốt giúp bệnh nhân đau tim tăng khả năng sống sót

4.2. Nghỉ ngơi và giữ tư thế thoải mái

Người bệnh cần nghỉ ngơi và giữ tư thế thoải mái ngay khi có thể. Việc này sẽ giúp giảm áp lực lên tim và giảm nguy cơ tổn thương tim. Tránh các hoạt động hay vận động nặng, đồng thời giữ tâm trạng bình tĩnh để hỗ trợ quá trình hồi phục.

4.3. Uống một viên aspirin (nếu có)

Nếu có sẵn aspirin và không bị tình trạng dị ứng thuốc, bệnh nhân có thể cân nhắc uống một viên aspirin. Aspirin có khả năng giảm đau và ngăn chặn sự hình thành cục máu, giúp cải thiện sự tuần hoàn máu cho người bệnh trong khi chờ đợi đội cứu thương.

4.4. Không uống bất kỳ loại thuốc nào khác

Tuyệt đối không tự uống bất kỳ loại thuốc nào khác trừ khi có hướng dẫn của nhân viên y tế. Việc này có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn hoặc tương tác không an toàn với các loại thuốc khác.

4.5 Chờ đội cứu thương

Tiếp tục chờ đội cứu thương đến nơi, bệnh nhân không cố gắng tự di chuyển đến bệnh viện.

4.6 Ghi chú các triệu chứng và thông tin y tế

Nếu có thể, ghi chú chi tiết các triệu chứng mà người bệnh đã và đang trải qua như bệnh lý nền, thuốc đã sử dụng cùng các thông tin liên quan khác để hỗ trợ đội cứu thương đưa ra chẩn đoán và điều trị chính xác.


Cung cấp thông tin y tế của người bệnh giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị chính xác hơn.
Cung cấp thông tin y tế của người bệnh giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị chính xác hơn.

4.7. Hỗ trợ tinh thần người bệnh

Trong quá trình chờ đợi, người thân cần giúp bệnh nhân giảm lo lắng và căng thẳng nhằm duy trì tâm trạng tích cực - điều này rất quan trọng đối với bệnh trong quá trình hồi phục.

Bệnh nhân và người thân cần lưu ý rằng mỗi giây đều quan trọng khi đối mặt với cơn đau tim. Vì vậy, cần nhanh chóng thực hiện các điều trên và tuân thủ đúng các hướng dẫn từ đội cứu thương để tối ưu hóa quá trình phục hồi, giảm thiểu tổn thương đến tim.

Tóm lại, việc phân biệt cơn đau ngực rất quan trọng và người bệnh cần đặc biệt chú ý. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong ở người bệnh cũng như giúp giảm các nguy cơ biến chứng liên quan đến tim mạch, rút ngắn thời gian phục hồi sau cơn đau tim.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe