Uống thuốc giảm đau nhiều có hại không?

Đa số các nhóm thuốc giảm đau đều có những tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp và thận. Để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, người bệnh cần chủ động thông báo cho bác sĩ về các tình trạng sức khỏe đang có như viêm dạ dày, bệnh tim mạch và các thuốc đang sử dụng kèm theo. Từ đó, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định thuốc giảm đau phù hợp và gây ít tác dụng phụ gây hại nhất có thể.

1. Một số tác dụng phụ của thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau có tác dụng trong điều trị các cơn đau do bệnh lý, chấn thương, trong và sau phẫu thuật. Tuy nhiên, uống thuốc giảm đau nhiều cũng gặp phải tác dụng ngược lại, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc gây ra các biến chứng nguy hiểm như sau:

1.1. Ảnh hưởng đường tiêu hóa gây viêm loét, xuất huyết

Paracetamol thường hiếm gây tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu sử dụng liều cao paracetamol hoặc dùng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến dạ dày gây ra các triệu chứng như đau bụng, ợ chua, buồn nôn hoặc nôn.

Khi sử dụng liều cao thuốc Aspirin và những loại thuốc kháng viêm không steroid có thể gây tổn hại lớp niêm mạc dạ dày, khó chịu thượng vị và gây chảy máu ở đường tiêu hóa trên. Một số biểu hiện người bệnh có thể gặp phải như: nôn ói, sụt cân. Sử dụng liều cao ibuprofen liên tục trong ba ngày cũng làm viêm loét xuất huyết dạ dày.

Đối tượng người bệnh lớn tuổi, có sức khỏe yếu hoặc uống nhiều rượu bia và thuốc lá thì tác dụng phụ trên đường tiêu hóa khi sử dụng các thuốc giảm đau này chuyển biến nhanh và nặng hơn có thể dẫn đến nhập viện.

1.2. Lạm dụng thuốc giảm đau dẫn đến gây nghiện

Nhiều bác sĩ đã kê cho bệnh nhân những thuốc giảm đau opioid như codein, morphin, tramadol trong những trường hợp đau mãn tính hoặc đau kéo dài. Nhóm thuốc này lại là những thuốc giảm đau gây nghiện, nhất là trường hợp làm dụng và sử dụng trong thời gian dài sẽ gặp khó khăn khi ngưng thuốc.

1.3. Ảnh hưởng đến tim mạch gây tăng huyết áp, đau tim và đột quỵ

Một số nghiên cứu cho thấy nếu phụ nữ sử dụng những loại thuốc giảm đau không chứa aspirin sẽ tăng khả năng bị cao huyết áp gấp hai lần. Riêng aspirin thì chưa có bằng chứng gây tăng huyết áp ở nữ giới.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy việc sử dụng paracetamol liều cao hơn liên quan tới các cơn đau tim, đột quỵ hoặc cao huyết áp. Tuy nhiên, paracetamol vẫn an toàn hơn thuốc giảm đau không steroid và có thể được chỉ định cho những người bị bệnh tim mạch để thay thế.


Giải đáp uống thuốc giảm đau nhiều có hại không?
Giải đáp uống thuốc giảm đau nhiều có hại không?

1.4. Tăng gãy xương trên người lớn tuổi

Nhóm thuốc giảm đau opioid có thể làm tăng tần suất gãy xương ở người già trên 60 tuổi. Nếu bạn sử dụng thuốc trên với liều lượng lớn hơn 50mg thì tác dụng phụ gãy xương gia tăng hơn và rõ rệt hơn trên đối tượng này.

1.5. Tăng men gan gây tổn thương gan

Dùng thuốc ở liều cao hoặc trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến gan do chức năng chính của gan là phân hủy các chất đưa vào cơ thể bằng đường uống kể cả thuốc, thảo mộc, thực phẩm chức năng.

Nếu dùng thuốc giảm đau đúng chỉ định thì paracetamol tương đối an toàn ngay cả với những người bị bệnh gan nhưng nếu quá liều paracetamol hay dùng liều cao liên tục trong vài ngày sẽ gây hủy hoại gan và suy gan cấp tính dẫn đến tử vong.

1.6. Giảm chức năng thận gây suy thận

Paracetamol và ibuprofen có thể gây tổn thương thận nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc được sử dụng trên những người đã có chức năng thận giảm. Vì vậy phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc giảm đau theo toa của bác sĩ.

2. Uống thuốc giảm đau nhiều có hại không?

Ngoài gây hại đến hệ tiêu hóa, tim mạch, gan và thận, bạn còn có thể gặp phải một số tác dụng phụ khác khi sử dụng thuốc giảm đau nhóm thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm không steroid và paracetamol như mệt mỏi, chóng mặt, dị ứng, phát ban da, ngứa, buồn ngủ.

Paracetamol vẫn được xem là thuốc giảm đau an toàn và ít gây tác dụng phụ hơn các thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm không steroid. Tuy nhiên, paracetamol không có tính kháng viêm nên NSAIDs vẫn là lựa chọn tối ưu để giảm đau trong các cơn đau kèm viêm.

3. Uống thuốc giảm đau ngắn ngày có tránh được tác dụng phụ không?

Uống thuốc giảm đau kháng viêm ngắn ngày vẫn không tránh khỏi tác dụng phụ của nó. Ngay những ngày đầu sử dụng, đa số các thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm không steroid đều có khả năng làm tăng nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa, đặc biệt là các thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm không steroid không chọn lọc và nguy cơ này có thể kéo dài suốt quá trình điều trị. Chính vì thế, cần sử dụng thuốc liều thấp và trong thời gian ngắn nhất nhưng vẫn mang lại hiệu quả điều trị. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thêm các thuốc như misoprostol hoặc PPIs để giúp bao bọc bảo vệ đường tiêu hóa hoặc chọn các thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm không steroid có chọn lọc COX-2 nhóm coxib ít gây tác dụng phụ lên đường tiêu hóa trong điều trị.

Theo các chuyên gia, người bệnh có nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch ngay từ tuần đầu tiên uống thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng viêm không steroid. Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình như: đau ngực, hụt hơi, thở ngắn, yếu một phần hay một bên cơ thể. Đây có thể là dấu hiệu của cơn đau tim hoặc đột quỵ, bạn cần ngưng dùng thuốc ngay lập tức và khám lại bác sĩ.

Với nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ như bệnh nhân lớn tuổi trên 65 tuổi, mắc bệnh lý nền (đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, suy gan, suy thận), bệnh nhân có tiền sử bị viêm loét, xuất huyết dạ dày và các bệnh nhân đã sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm không steroid dài hạn hoặc liều cao, hãy trao đổi ngay với bác sĩ để được tư vấn chỉ định hướng dẫn sử dụng thuốc sao cho phù hợp.


Một số loại thuốc giảm đau có thể ảnh hưởng đường tiêu hóa gây viêm loét, xuất huyết
Một số loại thuốc giảm đau có thể ảnh hưởng đường tiêu hóa gây viêm loét, xuất huyết

4. Có những lưu ý gì khi dùng thuốc giảm đau?

Thuốc giảm đau được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống. Uống thuốc giảm đau nhiều không hợp lý cũng sẽ gây ra một số nguy hiểm. Một vài lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị giảm đau dưới đây sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc phải các tác dụng phụ:

  • Đối với trẻ em dưới 16 tuổi không được sử dụng thuốc aspirin vì có thể ảnh hưởng tới não và gan do cơ thể và sự phát triển của trẻ em khác nhiều so với người lớn.
  • Đối với phụ nữ có thai và cho con bú không nên sử dụng các loại thuốc có thể ảnh hưởng tới thai nhi hoặc chất lượng sữa mẹ, trong đó có các loại thuốc liên quan đến giảm đau hạ sốt kháng viêm.
  • Đối với người cao tuổi cần hết sức thận trọng tác dụng phụ với các thành phần của thuốc do có thể giai đoạn này chức năng gan thận và đường tiêu hóa không còn khỏe mạnh như thời niên thiếu. Do vậy, cần phải lựa chọn chính xác loại thuốc giảm đau và liều lượng sử dụng chính xác để tránh các biến chứng không mong muốn.

Tóm lại, thuốc giảm đau cần được uống theo sự kê đơn của bác sĩ để tránh những rủi ro về sức khỏe không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe