Đột quỵ là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Trên lâm sàng, có những dấu hiệu gợi ý cho một tình trạng đột quỵ xảy ra mà người bệnh cần lưu ý. Theo dõi bài viết dưới đây để biết nên làm gì khi có dấu hiệu đột quỵ.
1. Tìm hiểu về bệnh đột quỵ
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng bệnh lý gây ra do tuần hoàn máu lên não bị gián đoạn hoặc bị vỡ một mạch máu não trong đó. Khi tình trạng này diễn ra, máu lên nuôi não bị thiếu hụt nên giảm thiểu lượng oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết khác. Nếu không được xử trí sớm thì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Một số biến chứng nặng nề sau đột quỵ mà người bệnh có thể gặp đó là liệt nửa người, mất ngôn ngữ, rối loạn về cảm xúc hoặc suy giảm thị giác.
Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ đó là:
- Tuổi cao, nhất là người bệnh sau 55 tuổi thì có khả năng bị đột quỵ và tái phát sau đó nhiều hơn so với người trẻ.
- Nam giới có tỉ lệ bị đột quỵ nhiều hơn nữ giới.
- Trong gia đình có người đã từng bị đột quỵ.
- Những người bệnh là người Mỹ gốc Phi theo thống kê sẽ dễ bị đột quỵ hơn so với người da trắng.
- Người đã từng bị đột quỵ trước đây có nguy cơ tái phát bệnh nhiều hơn người bình thường.
- Người mắc một số bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch...
- Người có tiền sử hoặc hiện tại đang bị tăng huyết áp sẽ gây ra tình trạng tổn thương thành mạch, tạo điều kiện hình thành huyết khối gây ra đột quỵ.
- Người bị tăng cholesterol máu cũng gây nhiều khả năng tắc nghẽn mạch máu não hơn.
- Bệnh nhân thừa cân, béo phì cũng dễ bị các bệnh lý liên quan đến huyết áp, thành mạch nhiều hơn nên tăng nguy cơ mắc phải tình trạng đột quỵ.
- Người hút thuốc lá tăng nguy cơ bị đột quỵ.
- Người có một lối sống không lành mạnh về dinh dưỡng, vận động, thói quen...
Phân loại đột quỵ:
- Đột quỵ do nguyên nhân thiếu máu cục bộ: Là thể đột quỵ phổ biến, chiếm khoảng 85%. Nguyên nhân do huyết khối hình thành trong thành mạch khiến mạch máu não bị tắc nghẽn, giảm lưu thông.
- Đột quỵ do nguyên nhân vỡ mạch máu não: Hay còn gọi là tình trạng đột quỵ do xuất huyết não, là khi mạch máu não bị vỡ khiến tình trạng chảy máu một cách ồ ạt xảy ra, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh trong thời gian rất nhanh.
- Đột quỵ thể thiếu máu não thoáng qua: Đây là những cơn đột quỵ nhỏ hay thiếu máu não diễn ra nhanh chóng, khoảng vài phút với triệu chứng tương tự như đột quỵ.
2. Có dấu hiệu đột quỵ nên làm gì?
Một số dấu hiệu dễ nhận biết trên lâm sàng khi xuất hiện cơn đột quỵ đó là:
- Bất cân xứng trên khuôn mặt như nhân trung lệch, miệng méo, nếp mũi má bị rũ xuống ở bên bị liệt...
- Mắt nhìn mờ, thị lực giảm sút ở 1 hoặc cả 2 mắt.
- Tay chân có biểu hiện tê, mất cảm giác, khó cử động, không thực hiện được các động tác cầm nắm, thường xuất hiện ở nửa người.
- Mất nhận thức, không diễn đạt thành lời được, rối loạn trí nhớ...
- Nói ngọng một cách bất thường, phát âm không rõ, thực hiện động tác mở miệng gặp nhiều khó khăn...
- Đau đầu đột ngột, chóng mặt.
- Buồn nôn, nôn.
Trên thực tế, cơn đột quỵ thường xuất hiện vào thời gian bệnh nhân đang ngủ hoặc trong tình huống bệnh nhân ngã gục một cách đột ngột, xuất hiện các triệu chứng kể trên và có thể bất tỉnh, hôn mê sau đó. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn là vài phút thì các tế bào não bị tổn thương và không được nuôi dưỡng kịp thời sẽ bắt đầu chết, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nên trong những tình huống như vậy, người bệnh cần nhân được sự hỗ trợ từ những người xung quanh và cơ sở y tế gần nhất.
Cách xử lý khi có dấu hiệu đột quỵ bao gồm các bước như sau:
- Gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất.
- Giữ người bệnh nằm yên và tránh bị té ngã.
- Không tự ý thực hiện những thao tác như cạo gió, châm cứu, bấm huyệt hay dùng bất cứ loại thuốc nào cho bệnh nhân, kể cả thuốc hạ huyết áp.
- Tiếp tục theo dõi những triệu chứng bất thường như co giật, nôn mửa, chóng mặt, méo miệng, suy giảm ý thức...
- Đặt bệnh nhân nằm nghiêng để bảo vệ đường thở.
- Không cho bệnh nhân ăn hay uống bất cứ thứ gì vì sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp, dễ bị sặc và làm tắc nghẽn đường thở của người bệnh
- Trong điều trị cấp cứu cho bệnh đột quỵ, thời gian tối ưu nhất nên cho bệnh nhân dùng thuốc tan huyết khối là 4 – 5 giờ đồng hồ, và các biện pháp can thiệp mạch để lấy cục máu đông là 6 giờ đồng hồ.
Biết được những bước sơ cứu và làm gì khi có triệu chứng đột quỵ sẽ hỗ trợ được rất nhiều cho những bác sĩ trong điều trị bệnh lý này. Mặc dù đây là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao thứ 2 trên thế giới nhưng nếu được cấp cứu kịp thời thì vẫn có thể kiểm soát được bệnh và giảm những biến chứng nguy hiểm khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.