Phác đồ điều trị hẹp môn vị phì đại ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có hơn 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội nhi - sơ sinh.

Hẹp môn vị phì đại là bệnh lý gây hẹp đường ra dạ dày thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Đây cũng là nguyên nhân ngoại khoa thường gặp của triệu chứng nôn ở trẻ nhỏ. Phương pháp chủ yếu để điều trị hẹp môn vị phì đại là phẫu thuật.

1. Hẹp môn vị phì đại là bệnh gì?

Hẹp phì đại môn vị là một dạng bệnh lý bẩm sinh ở đường tiêu hóa do sự phì đại của các lớp cơ trơn môn vị đặc biệt là lớp cơ vòng gây hẹp lòng ống môn vị. Đây là nguyên nhân gây tắc đường ra dạ dày thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân gây bệnh hẹp môn vị phì đại vẫn chưa được biết rõ.

2. Yếu tố nguy cơ của hẹp môn vị phì đại

  • Giới tính: Hẹp phì đại môn vị thường xảy ra ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ
  • Sinh non
  • Hút thuốc trong quá trình mang thai: Gây tăng gần gấp đôi nguy cơ bị hẹp phì đại môn vị ở trẻ sau sinh
  • Sử dụng kháng sinh sớm: Trẻ sơ sinh bị điều trị kháng sinh sớm trong tuần đầu sau sinh, như erythromycin điều trị ho gà, tăng nguy cơ hẹp phì đại môn vị. Bên cạnh đó, nếu những bà mẹ sử dụng kháng sinh trong quá trình mang thai cũng làm tăng nguy cơ bị hẹp phì đại môn vị ở trẻ.

Hút thuốc khi mang thai làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ nhỏ
Hút thuốc khi mang thai làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ nhỏ

3. Triệu chứng hẹp môn vị phì đại ở trẻ sơ sinh

  • Trẻ bị nôn sau ăn: Nôn nhiều thường từ tuần thứ 4 – 8 sau sinh, tần suất nôn xuất hiện ngày càng nhiều, nôn thường xuất hiện sau bữa ăn, nôn ra sữa, sau nôn trẻ thường háu đói và đòi ăn ngay. Đôi khi nôn ra dịch lẫn máu hoặc dịch xanh vàng
  • Nếu triệu chứng diễn biến lâu không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng mất nước, sụt cân, suy dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa, hôn mê.
  • Táo bón.

Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường như nôn vọt sau khi ăn, ít hoạt động hoặc dễ cáu kỉnh, tiểu ít, không tăng cân hoặc bị giảm cân nên ngay lập tức đưa trẻ đi khám.

4. Chẩn đoán hẹp môn vị phì đại ở trẻ sơ sinh

  • Xét nghiệm máu kiểm tra tình trạng mất nước và điện giải
  • Siêu âm đánh giá tình trạng môn vị và xác nhận chẩn đoán hẹp môn vị
  • Xquang hệ tiêu hóa, nếu siêu âm cho kết quả không rõ ràng

Xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán hẹp môn vị phì đại ở trẻ sơ sinh
Xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán hẹp môn vị phì đại ở trẻ sơ sinh

5. Điều trị hẹp môn vị phì đại ở trẻ sơ sinh

Nguyên tắc điều trị hẹp môn vị phì đại ở trẻ sơ sinh là hồi sức nội khoa và phẫu thuật mở cơ môn vị ngoài niêm mạc. Đối với hồi sức nội khoa, bác sĩ sẽ tiến hành đặt thông dạ dày, nuôi ăn tĩnh mạch, bồi hoàn nước điện giải.

Phẫu thuật mở cơ môn vị ngoài niêm mạc gồm các bước:

5.1 Chuẩn bị trước mổ

  • Xét nghiệm tiền phẫu.
  • Sử dung kháng sinh dự phòng (đường tĩnh mạch)

5.2 Phẫu thuật có thể tiến hành qua mổ nội soi hoặc mổ hở:

  • Phẫu thuật nội soi: Mở cơ môn vị ngoài niêm mạc.
  • Phẫu thuật hở: Đường ngang dưới sườn phải hay đường vòng cung trên rốn.

5.3 Điều trị sau mổ

  • Rút ống thông dạ dày ngay khi bé tỉnh.
  • Trong trường hợp bị thủng tá tràng, tiếp tục dẫn lưu dạ dày sau mổ và kháng sinh điều trị.
  • Tiếp tục nuôi ăn tĩnh mạch cho đến khi bé ăn uống lại hoàn toàn bằng đường miệng.
  • Bắt đầu ăn lại 4 giờ sau mổ với lượng 15ml sữa, tăng dần cho đến khi đủ lượng nhu cầu (nếu bệnh nhân không ói).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe