Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Bác sĩ Nội soi tiêu hoá - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Một trong những phương pháp tầm soát ung thư đại tràng được giới chuyên môn đánh giá cao hiện nay chính là nội soi đại tràng. Đây là phương pháp vừa có hiệu quả, độ chính xác cao đồng thời lại rất an toàn.
1. Tổng quan về nội soi đại tràng
Nội soi đại tràng (hay còn có tên gọi khác là nội soi đường tiêu hóa dưới) là một kỹ thuật trong y học được tiến hành nhằm mục đích phát hiện bất thường trong ruột già và trực tràng, đồng thời hỗ trợ công tác chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến đại trực tràng.
Hiện nay, nội soi đại tràng được xem là phương pháp đáng tin cậy và có hiệu quả cao nhất trong việc chẩn đoán polyp và ung thư đại tràng.
Có 2 phương pháp nội soi đại tràng chính được áp dụng tại các cơ sở y tế là nội soi gây mê và nội soi không gây mê. Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng.
1.1 Nội soi đại tràng không gây mê
Ưu điểm
- Giá thành rẻ hơn nhiều so với nội soi gây mê
- An toàn với người bệnh, tránh được các tình trạng sốc phản vệ hoặc dị ứng với thuốc gây mê,...
- Sau khi nội soi bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo bình thường.
Nhược điểm
- Người bệnh phải chịu cảm giác khó chịu hoặc đau khi máy nội soi được đưa vào hậu môn.
- Mặc dù ruột đã được làm sạch nhưng người bệnh vẫn có cảm giác muốn đi cầu khi ống nội soi bơm khí vào đại tràng.
- Gây khó khăn trong quá trình thực hiện đặc biệt là đối với các trường hợp bệnh nhân là trẻ nhỏ.
1.2 Nội soi đại tràng gây mê
Ưu điểm
- Hầu hết các nhược điểm của phương pháp nội soi không gây mê đều được giải quyết.
- Quá trình nội soi diễn ra dễ dàng và không gặp khó khăn do bệnh nhân không bị kích thích. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho việc tiến hành một số thủ thuật khác như cắt polyp đại tràng, chẩn đoán ung thư,...
Nhược điểm
- Chi phí cao
- Không áp dụng được với một số trường hợp chống chỉ định gây mê cụ thể.
2. Khi nào nên làm nội soi đại tràng?
Bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn về việc tiến hành nội soi đại tràng nếu xuất hiện một trong những triệu chứng sau:
- Đau bụng thường xuyên.
- Thói quen đại tiện thay đổi, trở nên bất thường, táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
- Cân nặng sụt giảm không kiểm soát và không rõ lý do.
- Trường hợp thiếu máu, thiếu sắt, hồng cầu nhỏ chưa xác định được nguyên nhân.
- Phân khi đi đại tiện có máu, khi làm xét nghiệm hồng cầu trong phân cho kết quả dương tính.
- Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh polyp hoặc ung thư đại tràng.
- Người bị bệnh Crohn, viêm loét đại tràng mạn tính.
Ngoài ra, bất kỳ ai có nhu cầu tầm soát các bệnh lý về đại tràng đều có thể thực hiện nội soi đại tràng.
3. Nội soi đại tràng cần chuẩn bị những gì?
Để nội soi đại tràng cho ra kết quả chính xác nhất, người bệnh cần lưu ý một số điều trước khi tiến hành nội soi đại tràng, cụ thể là:
3.1 Chế độ ăn uống
Nội soi đại tràng cần được thực hiện khi đại tràng sạch sẽ, do đó trong khoảng 2 – 3 ngày trước khi nội soi, bệnh nhân nên ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và ít chất xơ như cơm, bánh mỳ, trứng, thịt nạc, trái cây không hạt...
Đồng thời tránh và hạn chế các loại thức ăn như trái cây có hạt hoặc có vỏ, các món ăn giàu chất béo,...
Vào ngày trước khi làm nội soi, người bệnh cần uống nhiều nước lọc và không nên ăn các loại thực phẩm cứng, rắn hay những dạng nước có máu tím, đỏ, xanh... Đặc biệt, người bệnh không nên nhịn ăn uống trong vòng 2 giờ trước khi tiến hành nội soi.
3.2 Làm sạch ruột
Người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định dùng các loại thuốc nhuận tràng mạnh nhằm làm sạch đường tiêu hóa vào đêm trước ngày nội soi. Tùy thuộc vào từng cơ sở y tế mà phương pháp thực hiện có thể khác nhau, ví dụ như uống thuốc xổ hay thụt nước kèm theo sử dụng thuốc thông qua đường hậu môn.
Sau khi sử dụng thuốc, người bệnh cần nhịn ăn hoàn toàn, tuy nhiên nếu cảm thấy đói bụng có thể uống nước đường. Bệnh nhân có thể phải đi đại tiện nhiều lần nhưng không cần quá lo lắng vì đây là do tác dụng của thuốc.
4. Quá trình nội soi đại tràng
- Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra xem có bất kỳ tổn thương nào bên trong hậu môn của bệnh nhân hay không. Nếu có thì sẽ được xử lý ngay lập tức để tránh gây viêm nhiễm.
- Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nằm quay nghiêng về phía bên trái và từ từ đưa ống nội soi tới các đoạn ruột thông qua hậu môn. Người bệnh cần lưu ý thông báo ngay với bác sĩ nếu cảm thấy đau không chịu được.
- Hình ảnh được xử lý và chuyển hóa từ tín hiệu thu được từ đầu ống nội soi sẽ hiển thị trên màn hình để bác sĩ có thể quan sát dễ dàng và có cơ sở chẩn đoán.
- Quá trình nội soi thường diễn ra trong khoảng từ 15 – 30 phút và sau 1 – 2 giờ thì bệnh nhân nội soi gây mê có thể được xuất viện.
5. Một số lưu ý sau khi nội soi đại tràng
Thông thường, bệnh nhân được khuyến cáo ở lại phòng khám nhiều nhất là 2 giờ để chờ hết tác dụng của thuốc gây mê hoặc thuốc an thần. Sau khi tiến hành nội soi đại tràng, người bệnh có thể quay trở lại sinh hoạt như bình thường.
Một số trường hợp có thể xuất hiện các biến chứng sau khi nội soi đại tràng như:
- Đau bụng dữ dội
- Nhu động ruột
- Sốt cao, nôn mửa
- Hoa mắt, chóng mặt
- Cơ thể yếu ớt
- Đại tiện ra nhiều máu
Ngay khi có triệu chứng bất thường, người bệnh nên lập tức liên hệ với bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Nội soi đại tràng giúp phát hiện những bất thường trong ruột già và trực tràng, đồng thời cũng giúp tầm soát ung thư đại tràng. Vì vậy, khi có nghi ngờ người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để tiến hành nội soi đại tràng, từ đó phát hiện bệnh sớm và có phương pháp điều trị thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.