Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Hậu môn nhân tạo bị chảy máu hoặc hậu môn nhân tạo bị tắc là một trong những biến chứng điển hình của việc đặt hậu môn nhân tạo. Vì vậy, khi thực hiện đặt hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân phải có những lưu ý nhất định tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.
1. Hậu môn nhân tạo là gì?
Hậu môn nhân tạo là một vị trí mở ra ở hồi tràng trên thành bụng. Đây là một phương pháp dùng để điều trị một số bệnh lý liên quan đến hồi tràng hay đại tràng, bao gồm 2 loại là hậu môn nhân tạo kiểu quai và hậu môn nhân tạo đầu tận.
Một số chỉ định đặt hậu môn nhân tạo như sau:
- Ung thư đại trực tràng
- Viêm ruột
- Túi thừa đại tràng
- Viêm loét đại tràng
- Chấn thương
- Són phân
- Khâu cơ vòng
Việc mở hậu môn nhân tạo cho những bệnh nhân thuộc những nhóm bệnh trên nhằm các mục đích như sau:
- Vô hiệu hóa đại tràng khi thực hiện nối và xử lý những tổn thương ở ruột kết và bàng quang
- Giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn, có thể do khối u trong bệnh lý ung thư đại tràng
2. Một số lưu ý trong quá trình đặt hậu môn nhân tạo
Mở hậu môn nhân tạo là kỹ thuật phức tạp và đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhất là hậu môn nhân tạo cho trẻ sơ sinh, cần tránh sai sót để không gây ra bất cứ biến chứng nào. Một số lưu ý cần kể đến trong quá trình đặt hậu môn nhân tạo như sau:
- Xác định vị trí đặt hậu môn nhân tạo ở vị trí có thành bụng phẳng, không có sẹo mổ cũ xung quanh, không đặt hậu môn nhân tạo ở vị trí có gồ xương lên, hậu môn nhân tạo không nên nằm ở thắt lưng của quần vì sẽ gây bất tiện cho bệnh nhân cũng như khó để tự quan sát và theo dõi trong suốt quá trình có hậu môn nhân tạo.
- Sau khi xác định vị trí mở hậu môn nhân tạo thì cần đánh dấu vị trí đó bằng mực chuyên dụng.
- Đảm bảo một số nguyên tắc như hai bên hậu môn nhân tạo cần được tưới máu đầy đủ, đại tràng làm hậu môn nhân tạo không được căng, thành bụng cần được sẻ với kích thước đủ lớn để tránh gây ra biến chứng hẹp miệng hậu môn, đảm bảo khâu kín thành bụng và thành đại tràng nhằm mục đích dịch và phân không đi vào xoang bụng được.
3. Các biến chứng thường gặp ở bệnh nhân có hậu môn nhân tạo
3.1 Hậu môn nhân tạo bị tắc
Sau khi mở hậu môn nhân tạo thì có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm, trong đó có hậu môn nhân tạo bị tắc.
Nguyên nhân của tình trạng này được giải thích như sau: Trong quá trình mở hậu môn nhân tạo thì lỗ mở quá hẹp nên gây nên tình trạng tắc nghẽn, hoặc do phía trước hậu môn nhân tạo bị tổn thương dẫn đến hiện tượng hẹp và gây tắc nghẽn lòng đại tràng.
Một trường hợp khác có thể xảy ra đó là do hậu môn nhân tạo đã xoắn vặn nhiều lần trong lúc phẫu thuật hoặc do trong quá trình chăm sóc không thực hiện đúng kỹ thuật nên đã làm hậu môn nhân tạo bị tắc.
Cũng có thể do tình trạng thoát vị thành bụng ngay cạnh hậu môn nhân tạo đã dẫn đến biến chứng này. Để xử lý thì bác sĩ điều trị sẽ có chỉ định phẫu thuật mở lại hậu môn nhân tạo và điều trị tắc ruột.
3.2 Hậu môn nhân tạo bị chảy máu
Hậu môn nhân tạo bị chảy máu là tình trạng bệnh lý do bệnh nhân có những rối loạn về chức năng đông máu và cầm máu nhưng trước phẫu thuật không được thăm khám và làm xét nghiệm kiểm tra về những vấn đề này, thường là do sử dụng một số loại thuốc dẫn đến tình trạng này hoặc có thể rối loạn đông cầm máu do ung thư gây nên.
Bệnh nhân có hậu môn nhân tạo bị chảy máu sẽ được xử trí khâu và cầm máu lại, sau đó điều trị bằng thuốc cầm máu.
3.3 Viêm da quanh hậu môn nhân tạo
Là biến chứng thường xuất hiện ở bệnh nhân có hậu môn nhân tạo hồi tràng. Bệnh nhân cần được hướng dẫn dán túi dán lại nhằm mục đích không để dịch từ ruột dây ra xung quanh gây viêm nhiễm.
Đồng thời, cần vệ sinh xung quanh hậu môn nhân tạo bằng xà phòng có tính chất trung tính và dùng thuốc mỡ Oxit Kẽm để bôi xung quanh. Nếu tình trạng viêm tấy nặng thì có thể được điều trị bằng kháng sinh.
3.4 Áp – xe quanh hậu môn nhân tạo
Nguyên nhân là do nhiễm trùng nặng khi làm hậu môn nhân tạo hoặc nhiễm trùng trong quá trình chăm sóc. Bệnh nhân sẽ được cắt chỉ và để một phần miệng hậu môn tách ra khỏi mép da để thoát mủ ra bên ngoài, đồng thời sẽ được điều trị bằng kháng sinh kết hợp.
3.5 Loét hậu môn nhân tạo
Do đoạn đại tràng thực hiện mở hậu môn nhân tạo bị xoắn hoặc mạch máu nuôi dưỡng không phù hợp nên dẫn đến tình trạng thiếu máu tại vị trí này, hoặc do ung thư, tắc mạch mạc treo nuôi dưỡng gây nên.
Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật lại hoặc theo dõi để thăm dò tình trạng tổ chức hoại tử có lan xuống thành bụng hay không?
3.6 Tụt hậu môn nhân tạo vào xoang bụng
Do đại tràng căng hoặc cố định đại tràng không đúng phương pháp và tình trạng hoại tử hậu môn nhân tạo gây nên. Bệnh nhân sẽ có chỉ định phẫu thuật lại hoặc đóng hậu môn nhân tạo.
3.7 Thoát vị cạnh hậu môn nhân tạo
Đây là biến chứng do lỗ mở hậu môn nhân tạo quá rộng hoặc kỹ thuật khâu cố định đại tràng sai phương pháp. Bệnh nhân sẽ được khâu lại sao cho lỗ hở hẹp hơn trước và khâu cố định đại tràng vào thành bụng, nếu có thể sẽ được đóng hậu môn nhân tạo lại.
3.8 Sa hậu môn nhân tạo
Xảy ra với hậu môn nhân tạo quai, hoặc hậu môn nhân tạo ở trẻ sơ sinh. Xử trí trong trường hợp này sẽ là đặt lại hậu môn nhân tạo hoặc dán túi hậu môn lại, thậm chí phải đóng hậu môn nhân tạo trong một số trường hợp.
4. Chăm sóc sau mổ hậu môn nhân tạo
Sau khi mổ hậu môn nhân tạo thì bệnh nhân cần được chăm sóc và hỗ trợ để có thể mau chóng bình phục, trong đó có thể lưu ý một số vấn đề như sau:
- Nhân viên y tế hoặc người nhà hỗ trợ bệnh nhân làm quen với hậu môn nhân tạo, cách dùng túi chứa phân đúng, không để miệng túi chứa phân có kích thước quá rộng, không để túi chứa phân bị hở, theo dõi sát những diễn biến của bệnh nhân khi có hậu môn nhân tạo để phát hiện ngay những biến chứng nguy hiểm.
- Thay túi chứa phân ngay sau có phân ra từ hậu môn nhân tạo
- Hỗ trợ và tập cho bệnh nhân đi lại dần dần
- Bệnh nhân cần được ăn uống với chế độ dinh dưỡng khoa học, không được bỏ ăn và tránh khỏi tình trạng suy dinh dưỡng.
- Bệnh nhân không uống rượu, bia và những loại thực phẩm có thể tạo ra nhiều hơi trong bụng.
- Bệnh nhân cần được hướng dẫn vệ sinh cơ thể, vệ sinh răng miệng và bộ phận sinh dục đúng cách. Đặc biệt cần phải vệ sinh thật kỹ vùng da xung quanh vị trí đặt hậu môn nhân tạo.
- Trong trường hợp bệnh nhân có hậu môn nhân tạo vĩnh viễn thì cần được hướng dẫn thụt tháo hậu môn nhân tạo tại nhà.
5. Kết luận
Hậu môn nhân tạo là một chỉ định khá phổ biến trong những bệnh lý đại trực tràng, trong đó có thể có hậu môn nhân tạo ở trẻ sơ sinh. Việc đặt hậu môn nhân tạo có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có hậu môn nhân tạo bị tắc hoặc hậu môn nhân tạo bị chảy máu. Vì vậy, bệnh nhân cần thực hiện phương pháp này ở những cơ sở y tế uy tín và có phương pháp chăm sóc sau phẫu thuật đúng đắn để hạn chế những biến chứng này.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.