Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Trọng - Bác sĩ chuyên khoa Ngoại Nhi, phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Hẹp môn vị phì đại là một cấp cứu hay gặp ở trẻ sơ sinh gây hẹp đường ra dạ dày và là nguyên nhân ngoại khoa hay gặp nhất của triệu chứng nôn. Vì sao trẻ bị hẹp môn vị phì đại?
1. Bệnh hẹp môn vị phì đại là gì?
Chứng hẹp môn vị phì đại là 1 dạng bệnh lý bẩm sinh ở đường tiêu hóa do lớp cơ môn vị (phần nối liền dạ dày với ruột non) phì đại tăng sinh dày lên làm lòng môn vị bị hẹp lại, khiến thức ăn từ dạ dày không qua được để xuống ruột.
Hẹp phì đại môn vị nếu chẩn đoán muộn và điều trị không đúng sẽ đưa đến tình trạng mất nước, sút cân nhanh chóng, suy kiệt nặng và khó hồi phục. Sự tiến bộ của kỹ thuật mổ và gây mê hồi sức trong thời gian gần đây đã đem lại cho bệnh nhi những kết quả rất khả quan.
Hẹp phì đại môn vị điều trị chủ yếu là phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật bệnh nhân có thể được điều trị bù nước, điện giải.
Siêu âm hẹp môn vị phì đại thấy hình ảnh u cơ môn vị là một vòng giảm âm đó là vị trí cơ môn vị bị phì đại và vùng tăng âm ở trung tâm tương ứng với ống môn vị bị hẹp.
2. Vì sao trẻ bị hẹp môn vị phì đại?
Đến nay vẫn chưa biết được nguyên nhân gây hẹp môn vị phì đạiMột số tác giả đưa ra một số nguyên nhân như:
- Hẹp phì đại môn vị theo nhiều tác giả là một bệnh lý bẩm sinh.
- Hẹp phì đại môn vị có thể có liên quan đến các hormone kiểm soát môn vị như gastrin tăng cao gây hẹp phì đại môn vị.
- Một số tác giả cho thấy có liên quan đến chi phối thần kinh của môn vị.
- Do thiếu các peptid ức chế làm môn vị đã không giãn ra được dẫn đến phì đại các cơ trơn và tắc môn vị.
- Hẹp môn vị có liên quan đến yếu tố gia đình và di truyền. Một số bệnh nhân bị hẹp phì đại môn vị có bố hoặc mẹ đã bị hẹp phì đại môn vị. Mẹ bị bệnh có khả năng con bị bệnh cao gấp 4 lần bố bị bệnh.
- Có tác giả cho rằng cục sữa vón được dạ dày đẩy qua môn vị bị co thắt làm cho niêm mạc và tổ chức dưới niêm mạc bị phù nề làm cho lòng của môn vị bị hẹp. Ngoài ra cơ môn vị và hang vị bị phì đại do tăng cường co bóp dẫn đến phì đại.
3. Dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của trẻ bị hẹp môn vị phì đại
- Nôn sau ăn: Nôn nhiều bắt đầu từ tuần thứ 4 đến tuần 8 sau sinh, nôn càng lúc càng nhiều, nôn xuất hiện sau bữa ăn, nôn ra sữa, sau nôn trẻ thường đòi ăn ngay. Đôi khi có thể nôn ra dịch lẫn máu hoặc dịch xanh vàng.
- Bệnh không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng mất nước, giảm cân, suy dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa, hôn mê.
Yếu tố nguy cơ:
- Giới: trẻ nam mắc nhiều hơn trẻ nữ.
- Hẹp phì đại môn vị thường xảy ra ở người da trắng ở Bắc Âu, ít xuất hiện hơn ở người Mỹ gốc Phi và người Châu Á.
- Trẻ sinh non: Bệnh hẹp phì đại môn vị thường gặp hơn ở trẻ sinh non hơn trẻ đẻ đủ tháng.
- Hút thuốc trong quá trình mang thai: gây tăng gần gấp đôi nguy cơ bị hẹp phì đại môn vị.
- Sử dụng kháng sinh sớm ở trẻ sơ sinh trong tuần đầu sau sinh như erythromycin điều trị ho gà. Ngoài ra, những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ sử dụng kháng sinh trong quá trình mang thai cũng tăng nguy cơ bị hẹp phì đại môn vị.
- Sử dụng sữa công thức cũng có thể làm tăng nguy cơ bị hẹp phì đại môn vị hơn so với dùng sữa mẹ.
4. Biến chứng của hẹp môn vị phì đại
Hẹp phì đại môn vị có thể gây ra 1 số biến chứng như:
- Chậm phát triển thể chất.
- Gây mất nước điện giải do nôn nhiều lần.
- Viêm dạ dày: nôn nhiều lần có thể gây ra tình trạng xung huyết dạ dày, chảy máu dạ dày.
- Vàng da hiếm xảy ra do chức năng gan có thể bị ảnh hưởng dẫn đến tăng nồng độ bilirubin trong máu gây nên vàng da.
Bác sĩ Trọng đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong Phẫu thuật Nhi và Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, và đã sớm trở thành một trong những bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực Phẫu thuật Trẻ em đặc biệt là Phẫu thuật Nội soi và Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM: