Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Nội soi đường tiêu hóa trên là kỹ thuật được sử dụng nhìn trực tiếp và kiểm tra đường tiêu hóa trên của người bệnh bằng camera nhỏ được gắn ở đầu ống nội soi. Phương pháp này được thực hiện để chẩn đoán và đôi khi, điều trị các tình trạng ảnh hưởng đến thực quản, dạ dày và phần đầu của ruột non (hay còn gọi là tá tràng).
1. Khi nào người bệnh cần nội soi đường tiêu hóa trên?
Nội soi đường tiêu hóa trên (tên tiếng Anh là An upper endoscopy) được sử dụng để chẩn đoán và đôi khi để điều trị các bệnh ở phần trên của hệ thống tiêu hóa, bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng. Tùy thuộc vào vị trí cần kiểm tra mà có các tên gọi khác nhau như nội soi thực quản, nội soi dạ dày. Bác sĩ có thể chỉ định kỹ thuật nội soi tiêu hóa để:
- Tìm hiểu nguyên nhân của các dấu hiệu và triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải như buồn nôn, nôn, đau bụng, khó nuốt và xuất huyết tiêu hóa.
- Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể kết hợp thêm lấy mẫu tế bào của đường tiêu hóa để sinh thiết trong trường hợp người bệnh có các triệu chứng như thiếu máu, chảy máu, viêm, tiêu chảy hoặc ung thư hệ tiêu hóa.
- Bác sĩ có thể đưa các dụng cụ đặc biệt thông qua ống nội soi để điều trị các vấn đề trong hệ thống tiêu hóa như cắt bỏ polyp hoặc loại bỏ dị vật.
- Nội soi đôi khi được kết hợp với các thủ tục khác, như siêu âm. Đầu dò siêu âm được gắn vào đỉnh đầu của ống nội soi để đi trực tiếp vào thành thực quản hoặc dạ dày để thực hiện siêu âm. Siêu âm nội soi giúp bác sĩ ghi nhận hình ảnh siêu âm có chất lượng cao của các cơ quan trong bụng, đặc biệt là các cơ quan khó tiếp cận, như tuyến tụy.
2. Kỹ thuật nội soi đường tiêu hóa trên có an toàn không?
Nội soi là kỹ thuật rất an toàn và hiếm khi xảy ra biến chứng. Các biến chứng hiếm gặp bao gồm:
- Chảy máu. Nguy cơ gặp biến chứng này có thể gặp sau khi nội soi và nguy cơ này tăng khi người bệnh kết hợp cả nội soi và sinh thiết hoặc bác sĩ phải điều trị hệ tiêu hóa thông qua nội soi.
- Nhiễm trùng. Hầu hết các nội soi bao gồm kiểm tra và sinh thiết đều có nguy cơ nhiễm trùng thấp. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm trùng tăng lên khi nội soi được thực hiện kết hợp với các phương pháp kỹ thuật điều trị khác. Hầu hết tình trạng nhiễm trùng diễn ra nhẹ và có thể được điều trị bằng kháng sinh. Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc kháng sinh dự phòng trước khi thực hiện thủ thuật nếu người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng cao.
- Tổn thương đường tiêu hóa. Vết rách hay xây xước ở thực quản hoặc các phần khác của hệ tiêu hóa trên có thể khiến người bệnh phải nhập viện và đôi khi phải phẫu thuật để điều trị biến chứng này. Nguy cơ của biến chứng này là rất thấp, nhưng sẽ tăng lên nếu người bệnh có thêm các kỹ thuật bổ sung khác như thắt tĩnh mạch thực quản qua nội soi để điều trị dự phòng tái xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản ở người bệnh mắc xơ gan.
- Phản ứng với thuốc an thần. Trước khi nội soi trên, người bệnh có thể sẽ được dùng thuốc an thần để người bệnh đỡ cảm thấy khó chịu khi ống nội soi đi vào hệ tiêu hóa trên. Các rất nhiều loại thuốc an thần khác nhau và người bệnh có thể phản ứng với các loại thuốc này, tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra.
Người bệnh có thể giảm nguy cơ biến chứng bằng cách tuân thủ đúng các lời khuyên và hướng dẫn của bác sĩ về khâu chuẩn bị trước khi thực hiện nội soi, như nhịn ăn và ngừng một số loại thuốc. Tuy nhiên, máy móc trang thiết bị thực hiện nội soi và trình độ bác sĩ, kỹ thuật viên thực hiện kỹ thuật nội soi đường tiêu hóa trên cũng đóng một vài trò hết sức quan trọng trong hạn chế các biến chứng và nếu có, kịp thời xử lý một cách an toàn và hiệu quả nhất. Chính vì lý do này, Bệnh viện Đa Khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng đã triển khai Kỹ thuật nội soi với dải tần ánh sáng hẹp (tên tiếng Anh là Narrow Banding Imaging và viết tắt là NBI) đã tạo nên bước đột phá trong với sàng lọc và chẩn đoán ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm và rất sớm, cũng như các tổn thương khác.
3. Tại sao nên thực hiện kỹ thuật nội soi với dải tần ánh sáng hẹp?
Kỹ thuật nội soi với dải tần ánh sáng hẹp cho phép bác sĩ quan sát chi tiết các mô bằng cách sử dụng các ánh sáng với một dải màu nhất định nhằm tạo ra sự tương phản tốt nhất về hình ảnh mô và niêm mạc. Từ đó, có thể tái tạo được chi tiết nhất các biến đổi bất thường trong cấu trúc trên bề mặt niêm mạc và mạng lưới mạch máu nằm trong niêm mạc. Với ưu thế này, các máy nội soi NBI có thế mạnh lớn trong khả năng theo dõi và phát hiện bệnh ung thư đường tiêu hóa ở giai đoạn sớm dựa trên những biến đổi nhỏ nhất của niêm mạc, cấu trúc mô và mạch máu.
Bên cạnh đó, kỹ thuật nội soi với dải tần ánh sáng hẹp cũng được thực hiện giúp chẩn đoán các bệnh lý tại dạ dày các ổ viêm loét, dị sản, loạn sản, ung thư sớm. Tại thực quản, kỹ thuật này dùng để theo dõi và chẩn đoán bệnh thực quản Barrett do trào ngược, đây là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư thực quản.
Kỹ thuật nội soi với dải tần ánh sáng hẹp là phương pháp tốt nhất để tầm soát ung thư thực quản, dạ dày. Hiện nay, kỹ thuật này đang được áp dụng thường quy tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sâu, nhiều kinh nghiệm nên đã làm chủ hoàn toàn hệ thống nội soi chẩn đoán hiện đại, kể cả hệ thống nội soi với dải tần ánh sáng hẹp nhằm mang lại cho người bệnh sự thoải mái, hài lòng và an tâm về chất lượng dịch vụ hoàn hảo để chẩn đoán, điều trị bệnh lý ở hệ thống tiêu hóa trên.
Nếu quý khách hàng có nhu cầu khám chữa bệnh tại bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.