Nội soi phế quản dưới gây mê: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Nội soi phế quản dưới mê là một thủ thuật thăm khám bên trong cây phế quản, phục vụ trong việc chẩn đoán, chăm sóc và điều trị, và được thực hiện ở những bệnh nhân ho, kích thích nhiều và thủ thuật đòi hỏi phải cần thời gian kéo dài.

1. Vai trò của nội soi phế quản dưới gây mê

Nội soi có vai trò quan trọng trong việc mô tả tổn thương giải phẫu bên trong của phế quản. Thông qua mẫu bệnh phẩm được lấy để chẩn đoán, xác định nguyên nhân, phân biệt và tiên lượng bệnh, ngoài ra còn tiến hành các thủ thuật điều trị.

Nội soi phế quản dưới mê là một kỹ thuật chẩn đoán, chăm sóc và điều trị quan trọng được thực hiện đối với những người bệnh ho, kích thích nhiều hoặc trong can thiệp thủ thuật cần thời gian dài.


Nội soi có vai trò quan trọng trong việc mô tả tổn thương giải phẫu bên trong của phế quản
Nội soi có vai trò quan trọng trong việc mô tả tổn thương giải phẫu bên trong của phế quản

2. Chỉ định và chống chỉ định nội soi phế quản dưới gây mê

2.1 Chỉ định

Chỉ định nội soi phế quản dưới gây mê đối với những trường hợp:

  • Bệnh lý ác tính như: Chẩn đoán ung thư khí phế quản, phân giai đoạn ung thư phế quản, theo dõi sau điều trị ung thư phế quản, đánh giá những bệnh nhân có tổn thương ác tính vùng đầu cổ, đánh giá trong những trường hợp có ung thư thực quản,...
  • Khối trung thất
  • Nhiễm khuẩn: Viêm phổi tái phát hoặc có cải thiện chậm, nhiễm trùng ở người bệnh suy giảm miễn dịch, áp xe phổi, mủ màng phổi,...
  • Một số chỉ định khác: Ho ra máu, hít phải dị vật, xẹp phổi, bệnh phổi kẽ, chấn thương ngực, tràn dịch màng phổi dịch tiết không rõ nguyên nhân, xác định vị trí ống nội khí quản, khàn tiếng do liệt dây thanh quản, tràn khí màng phổi kéo dài,...

2.2 Chống chỉ định

Chống chỉ định nội soi phế quản dưới gây mê đối với những trường hợp sau:


Bệnh nhân suy hô hấp chống chỉ định thực hiện nội soi phế quản gây mê
Bệnh nhân suy hô hấp chống chỉ định thực hiện nội soi phế quản gây mê

3. Thực hiện nội soi phế quản dưới gây mê

3.1 Chuẩn bị

Thực hiện nội soi phế quản dưới gây mê bởi điều dưỡng và bác sĩ chuyên khoa hô hấp và gây mê hồi sức. Đối với người bệnh, sẽ được nhân viên y tế giải thích về mục đích và lợi ích cũng như các tai biến có thể gặp phải. Bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi nội soi 6 giờ. Ngoài ra, cần chuẩn bị một số dụng cụ cần thiết cho quá trình bao gồm:

  • Nguồn sáng bóng halogen hoặc xenon, bộ xử trí hình ảnh, camera, màn hình video và đầu ghi video hoặc in ảnh polaroid.
  • Ống nội soi phế quản sợi mềm có đường kính khác nhau, từ 3mm cho trẻ và 6mm dành cho người lớn.
  • Các catheter, bàn chải để lấy bệnh phẩm để tìm vi khuẩn và tế bào, kẹp lấy dị vật, kìm sinh thiết, các kim chọc hút.
  • Máy theo dõi, máy hút, hệ thống oxy, dụng cụ đặt nội khí quản, mở khí quản, các dụng cụ và thuốc cấp cứu khác.
  • Dụng cụ chuyên dụng rửa ống soi và tử đựng ống soi chuyên dụng
  • Các loại thuốc: thuốc gây mê, dung dịch lidocain, adrenalin, natriclorua
  • Bơm tiêm các loại
  • Gạc vô trùng
  • Săng vô trùng.

3.2 Các bước tiến hành

  • Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, thở oxy gọng kính 2-3 lít/phút
  • Đặt đường truyền tĩnh mạch
  • Mắc máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn
  • Tiến hành gây mê toàn thân. Tuy nhiên cần đảm bảo người bệnh tự thở, duy trì SpO2 >95%
  • Đưa ống nội soi qua lỗ mũi hoặc miệng nếu lỗ mũi hẹp. Không đưa ống soi qua mũi khi có rối loạn cầm máu, đông máu nhằm tránh biến chứng chảy máu mũi. Nếu đưa ống nội soi qua miệng cũng phải sử dụng dụng cụ bảo vệ để tránh người bệnh cắn vào ống nội soi.
  • Gây tê bổ sung bằng cách bơm xylocain 2% tử thanh môn tới phế quản
  • Khi nội soi phải đảm bảo ống nội soi luôn đi giữa lòng khí phế quản nhằm hạn chế tổn thương thành khí phế quản
  • Nguyên tắc khi soi cần đảm bảo: Soi bên lành trước để không làm lây nhiễm bệnh từ phổi bệnh sang phổi lành
  • Tiến hành kỹ thuật lấy bệnh phẩm tùy vào tổn thương trên phim phổi và hình ảnh qua soi phế quản như: Rửa phế quản phế nang, chọc hút xuyên thành khí phế quản, sinh thiết khối u phế quản. Cần lưu ý không sinh thiết xuyên vách phế quản.
  • Tiến hành can thiệp điều trị như: Cắt đốt khối u trong lòng khí phế quản, lấy dị vật, cắt đốt sẹo hẹp khí phế quản bằng điện đông cao tần, laser,...

Trong toàn bộ quá trình nội soi, cần theo dõi toàn trạng bệnh nhân tại phòng nội soi và chuyển bệnh nhân sang phòng hồi tỉnh khi bệnh nhân tỉnh hẳn.


Các bước tiến hành nội soi phế quản dưới gây mê
Các bước tiến hành nội soi phế quản dưới gây mê

3.3 Theo dõi và xử trí tai biến

Sau khi nội soi phế quản dưới gây mê bệnh nhân sẽ được theo dõi dấu hiệu sinh tồn: Mạch, nhiệt độ, huyết áp và độ bão hòa oxy, điện tim.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng như:

  • Thiếu oxy máu: Khi soi phế quản ống mềm thì phân áp Oxy ở máu động mạch PaO2 có thể giảm đi 10 mmHg, SaO2 giảm đi từ 2%-5% hoặc nhiều hơn. Nếu có tình trạng suy hô hấp cấp phải dừng ngay cuộc nội soi, tăng lưu lượng oxy, dùng các thuốc giãn phế quản qua đường khí dung hoặc tiêm truyền nếu cần.
  • Chảy máu: Biến chứng chảy máu thường xảy ra khi sinh thiết. Để đề phòng biến chứng ho máu nặng khi làm sinh thiết phế quản và sinh thiết xuyên thành phế quản, nên làm sinh thiết thử lần thứ nhất bấm mảnh nhỏ và nông để xem mức độ chảy máu, nếu không nguy hiểm thì mới sinh thiết thực sự.
  • Nhiễm khuẩn: Nếu sau soi người bệnh có sốt, ho khạc đờm màu đục thì nên cấy đờm tìm vi khuẩn gây bệnh.
  • Co thắt thanh phế quản: Biến chứng này thường xảy ra do gây tê không kỹ lưỡng để ức chế cảm thụ kích thích gây nên co thắt phế quản thông qua thần kinh phó giao cảm. Cần hết sức lưu ý dự phòng biến chứng này ở những người cơ địa tăng tính phản ứng phế quản như: Hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Tràn khí màng phổi: Gặp vào khoảng từ 5% - 5,5% khi sinh thiết xuyên thành phế quản, chải phế quản hoặc ở những người bệnh có giãn phế nang nặng. Nếu tràn khí ít có thể chỉ cần cho bệnh nhân thở oxy, chụp phim theo dõi. Trong trường hợp tràn khí màng phổi nhiều phải mở màng phổi dẫn lưu khí.

Tràn khí màng phổi có thể xảy ra sau khi nội soi phế quản
Tràn khí màng phổi có thể xảy ra sau khi nội soi phế quản
  • Các biến chứng và tai biến khác như: Dị ứng với thuốc tê lidocain làm test lidocain trước soi.

Tóm lại, nội soi phế quản dưới gây mê là một thủ thuật thăm khám bên trong cây phế quản, phục vụ trong việc chẩn đoán, chăm sóc và điều trị, và được thực hiện ở những bệnh nhân ho, kích thích nhiều và thủ thuật đòi hỏi phải cần thời gian kéo dài. Sau khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng như chảy máu, tràn khí màng phổi,... Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi, khi có dấu hiệu bất thường cần thông báo ngay với nhân viên y tế để được xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe