Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thái Bảo - Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Ở đơn vị hồi sức cấp cứu, kỹ thuật nội soi phế quản có thể được ứng dụng để làm thông thoáng đường thở bằng cách hút sạch đờm, chất tiết bít tắc phế quản....Nội soi phế quản lấy nút đờm không thay thế cho các kỹ thuật hút đờm thông thường, liệu pháp hô hấp hàng ngày như vỗ rung, lật trở, tập thở...
1. Nội soi phế quản là gì?
Nội soi phế quản là thủ thuật được thực hiện bằng cách dùng ống soi có gắn camera luồn vào quan sát bên trong đường hô hấp. Soi phế quản được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý thuộc chuyên khoa hô hấp.
Ở đơn vị hồi sức cấp cứu, soi phế quản có thể được ứng dụng để làm thông thoáng đường thở bằng cách hút sạch đờm, chất tiết bít tắc phế quản.... Kết hợp với việc làm sạch đường thở, thủ thuật này có thể giúp lấy bệnh phẩm hoặc chẩn đoán sơ bộ hình thái của đường hô hấp.
Nội soi phế quản lấy nút đờm không thay thế cho các kỹ thuật hút đờm thông thường, liệu pháp hô hấp hàng ngày như vỗ rung, lật trở, tập thở...
2. Chỉ định nội soi phế quản khi nào?
Bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân nội soi phế quản trong trường hợp:
- Người bệnh đang nằm điều trị tại khoa hồi sức có thể đã có nội khí quản hoặc chưa, tăng tiết đờm dãi, ho khạc yếu.
- Bằng chứng X quang phổi có hình ảnh xẹp phổi
- Tình trạng hô hấp xấu đi hoặc không cải thiện
- Lấy bệnh phẩm chẩn đoán
3. Chống chỉ định nội soi phế quản
Chống chỉ định tuyệt đối:
- Rối loạn nhịp tim đe doạ tính mạng chưa khống chế được
- Không thể duy trình tình trạng oxy máu của người bệnh ở mức an toàn khi làm thủ thuật
- Suy hô hấp cấp có tăng CO2 máu (trừ trường hợp đã có nội khí quản thở máy).
Chống chỉ định tương đối:
- Với người bệnh tỉnh chưa có nội khí quản nhưng không hợp tác
- Mới bị nhồi máu cơ tim
- Tắc nội khí quản nặng (cần phải thay)
- Rối loạn đông máu chưa được khống chế
4. Quy trình nội soi phế quản lấy đờm trong hồi sức cấp cứu
Bước 1: Chuẩn bị
- Người bệnh: Cần nhịn ăn trước 4 giờ, bác sĩ sẽ giải thích cho người bệnh và gia đình về thủ thuật. Người bệnh ký cam kết thủ thuật và được hút sạch đờm dãi ở đường thở và miệng họng
- Phương tiện, dụng cụ: Chuẩn bị oxy, bóng Ambu mask có túi, ống hút, máy hút, bộ đặt nội khí quản: Đèn, guide, ống nội khí quản, ống nội khí quản 3 cỡ khác nhau: 1 ống cỡ hiện tại, 1 ống có đường kính nhỏ hơn và 1 ống có đường kính lớn hơn 0,5 cm. Atropine 0,25 mg (3 ống), Midazolam 5 mg (2 ống), Lidocain 1% xịt hoặc gel. Natriclorua 0,9% (500ml). Máy soi và dây soi, thiết bị hút, lấy bệnh phẩm nếu cần. Monitor theo dõi nhịp thở, nhịp tim, huyết áp
Bước 2: Các bước tiến hành
- Xác nhận lần cuối cùng tất cả dụng cụ đã sẵn sàng
- Bóp bóng qua NKQ cũ với oxy > 10 lít/phút, đạt SpO2 100%
- Hút miệng họng
- Tiêm tĩnh mạch, hoặc tiêm bắp Atropin 0,01 mg/kg để giảm tiết và giảm phản xạ cường phế vị
- Tiêm tĩnh mạch thuốc an thần Midazolam 5mg x 1 ống
- Gây tê tại chỗ bằng xịt lidocain hoặc bôi gel lidocain
- Luồn ống soi qua mũi miệng với người bệnh chưa đặt nội khí quản. Với người bệnh đã được đặt nội khí quản, soi phế quản có thể đặt thông thường cỡ ống nội khí quản ≥ 8mm việc di chuyển ống soi sẽ thuận lợi hơn
- Bơm rửa phế quản bằng Natriclorua 0,9% và hút đờm, chất tiết đường thở
- Chụp X quang phổi kiểm tra sau soi hút đờm.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.