Nội soi đại tràng có đáng sợ không? Đây là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi được bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm này. Thực tế, với sự phát triển của y học hiện đại, nội soi đại tràng đã trở nên an toàn và hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây. Thay vì lo lắng, mọi người nên hiểu rõ về thủ thuật này để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
1. Nội soi đại tràng là gì?
Nội soi đại tràng là phương pháp bác sĩ sử dụng một ống mềm có gắn camera để kiểm tra bên trong đại tràng. Hình ảnh thu được sẽ giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề như: u, loét, polyp, cũng như những vị trí bị viêm hoặc có dấu hiệu chảy máu.
2. Đối tượng cần phải nội soi
Nội soi đại tràng được chỉ định cho những bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng như:
- Đau bụng mạn tính.
- Rối loạn đại tiện (táo bón, tiêu chảy).
- Có máu trong phân, phân đen.
- Thiếu máu.
- Những người có tiền sử viêm đường ruột mãn tính, viêm loét đại trực tràng.
- Bên cạnh đó, người có kết quả X-quang hoặc CT scan đại tràng bất thường cũng là đối tượng chỉ định cho nội soi.
- Đặc biệt, những cá nhân có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử polyp đại tràng, ung thư đại trực tràng trong gia đình hoặc viêm đại tràng xuất huyết nặng cũng cần được cân nhắc nội soi định kỳ.
Các chuyên gia y tế khuyến nghị rằng, những người từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ mắc ung thư đại tràng ở mức trung bình nên thực hiện nội soi đại tràng 10 năm một lần hoặc có thể sớm hơn để tầm soát ung thư đại tràng.

3. Quy trình thực hiện nội soi đại tràng
Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp như sinh thiết để lấy mẫu tế bào, đánh giá mức độ biến đổi tế bào và chẩn đoán ung thư chính xác.
Nội soi đại tràng cũng cho phép bác sĩ can thiệp để ngừng chảy máu (nếu có) hoặc cắt bỏ polyp nhằm ngăn ngừa chảy máu hay hình thành ung thư. Vậy liệu nội soi đại tràng có đau không?
Thực tế, người bệnh có thể yên tâm khi lựa chọn nội soi đại tràng vì đây là một kỹ thuật không phức tạp, dễ thực hiện và không gây đau. Các bước trong quy trình nội soi đại tràng bao gồm:
Bước 1: Trước khi nội soi đại trực tràng, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết về các loại thuốc mình đang sử dụng ít nhất một tuần trước ngày làm thủ thuật. Đồng thời, người bệnh cũng cần cho bác sĩ biết nếu bản thân có dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào hoặc nếu có thai, nghi ngờ mang thai. Trong vòng 24 giờ trước khi nội soi, người bệnh chỉ nên uống chất lỏng và tránh ăn thức ăn dạng rắn.
Bước 2: Trong khi nội soi đại tràng
Sau khi thay đổi trang phục thành áo choàng bệnh viện, người bệnh sẽ được hướng dẫn nằm nghiêng và gập chân lại sao cho gần với bụng. Bác sĩ tiến hành đưa ống nội soi vào, bơm khí để làm phồng đại tràng, giúp dễ dàng quan sát niêm mạc đại tràng và trực tràng trên màn hình.
Trong trường hợp phát hiện polyp hoặc các tổn thương bất thường, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ ở cuối ống để cắt bỏ hoặc thực hiện sinh thiết. Quá trình này có thể gây chảy máu tại vị trí lấy mẫu mô.
Bước 3: Sau khi thực hiện nội soi đại tràng, bệnh nhân nên chờ ở lại bệnh viện ít nhất 2 giờ cho đến khi tác dụng của thuốc an thần hoặc thuốc gây mê không còn. Sau khi xong thủ thuật, bệnh nhân có thể tiếp tục các hoạt động thông thường như ăn uống. Kết quả sẽ có sau khoảng 5-7 ngày.
4. Biến chứng có thể gặp sau khi nội soi
Nội soi đại tràng dù là thủ thuật can thiệp ít xâm lấn nhưng vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ biến chứng.
- Biến chứng tại chỗ:
- Chấn thương đường tiêu hóa: Việc đưa ống nội soi vào đại tràng có thể gây trầy xước, chảy máu niêm mạc nhẹ hoặc trong trường hợp hiếm gặp hơn là thủng đại tràng, đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử viêm loét nặng, dính hoặc hẹp đại tràng.
- Nhiễm trùng: Mặc dù quá trình khử trùng dụng cụ kỹ lưỡng, nguy cơ nhiễm trùng vẫn tồn tại, chủ yếu là các vi khuẩn đường ruột như E. coli, Klebsiella, hoặc các virus như viêm gan B, C.
- Biến chứng toàn thân:
- Phản ứng với thuốc gây mê: Các phản ứng thường gặp là buồn nôn, nôn, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh. Trong một số trường hợp hiếm gặp có thể xảy ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc trụy tim mạch.
- Cục máu đông: Hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu và cục máu này có thể di chuyển đến phổi hoặc các cơ quan khác, mặc dù rất hiếm gặp.
5. Bệnh nhân sau nội soi nên ăn gì và kiêng gì?
Chế độ ăn uống sau nội soi đại tràng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình hồi phục và đảm bảo sức khỏe đường ruột. Việc tuân thủ một chế độ ăn phù hợp sẽ giúp giảm thiểu các triệu chứng khó chịu, thúc đẩy lành niêm mạc đại tràng.
Thực phẩm nên sử dụng:
- Các món ăn mềm, dễ tiêu: Cháo loãng, súp loãng hoặc các loại thực phẩm đã được xay nhuyễn giúp giảm thiểu gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
- Trứng gà: Nguồn cung cấp protein chất lượng cao và các vitamin thiết yếu, hỗ trợ quá trình tái tạo tế bào.
- Trái cây: Nên chọn các loại trái cây chín mềm, ít xơ, giàu vitamin và khoáng chất như chuối chín, bơ, đu đủ để bổ sung chất xơ hòa tan, giúp nhuận tràng nhẹ nhàng.
Thực phẩm cần tránh:
- Thức ăn dạng rắn, khó tiêu: Các loại thịt dai, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, các loại hạt cứng có thể gây tổn thương niêm mạc đại tràng.
- Đồ ăn cay nóng, lạnh: Các chất kích thích này có thể gây viêm loét và làm chậm quá trình lành niêm mạc.
- Đồ uống có ga, rượu bia, chất kích thích: Các chất này gây kích ứng niêm mạc dạ dày và làm tăng tiết acid dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
Với kỹ thuật nội soi hiện đại, cảm giác khó chịu trong quá trình nội soi rất nhẹ, nhiều người thậm chí không cảm thấy đau. Sau khi nội soi, mọi người có thể cảm thấy hơi mệt mỏi và đầy hơi, nhưng các triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.