Nội soi đại trực tràng hiện nay vẫn là phương pháp chủ yếu được dùng để tầm soát và điều trị các bệnh lý tiêu hóa. Các kỹ thuật cận lâm sàng như X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp (CT) và cộng hưởng từ (MRI)... mặc dù rất tiên tiến nhưng thường không được sử dụng nhiều như nội soi đại tràng, bởi không đạt được độ chính xác cao.
Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Bác sĩ Nội soi tiêu hoá, Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Ưu điểm nội soi đường tiêu hóa
Các phương tiện thăm khám như chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính đa dãy, chụp cộng hưởng từ hay thậm chí là Y học hạt nhân không thể khảo sát chi tiết được tất cả tổn thương bên trong lòng ống tiêu hoá. Chính vì thế, nhiều trường hợp chỉ được phát hiện khi bệnh đã trở nên quá nghiêm trọng.
Những nhược điểm trên đã được giải quyết nhờ kỹ thuật nội soi đường tiêu hóa, đặc biệt là nội soi đại tràng. Khi tiến hành nội soi đại trực tràng, bác sĩ sẽ đưa một thiết bị chuyên dụng vào trong lòng đại trực tràng qua đường hậu môn hoặc miệng, từ đó quan sát trực tiếp những tổn thương bên trong lòng ống tiêu hóa.
2. Phương pháp nội soi đại trực tràng
- Nội soi đại trực tràng ống cứng: Bác sĩ sẽ đưa một ống rỗng và cứng, dài khoảng 30cm qua hậu môn vào trực tràng, sau đó quan sát trực tiếp lòng ruột bằng mắt thường. Tuy nhiên, phạm vi quan sát sẽ bị hạn chế và nhiều tai biến.
- Nội soi đại tràng bằng viên nang có gắn camera: Viên nang được đưa vào cơ thể qua đường miệng, di chuyển từ thực quản qua dạ dày, rồi nhờ nhu động xuống đến ruột non và đại tràng. Tuy vậy, phương pháp này không quan sát kỹ các tổn thương theo ý muốn, không thể thực hiện sinh thiết cũng như không can thiệp được.
- Nội soi ảo: Thông qua chụp cắt lớp vi tính đa dãy, lòng ống sẽ được mô phỏng lại.
- Nội soi đại tràng bằng ống soi mềm: Một bước tiến lớn của công nghệ kỹ thuật y tế là phương pháp nội soi trực tràng bằng ống soi mềm. Bác sĩ sẽ sử dụng ống soi mềm có gắn camera ở đầu để đưa vào bên trong lòng đại trực tràng. Nhờ đó, bác sĩ sẽ theo dõi chi tiết các tổn thương trong lòng đại trực tràng. Ống soi này còn có các kênh riêng để có thể sử dụng thêm các dụng cụ chuyên dụng, giúp thực hiện các thủ thuật như sinh thiết tổn thương, can thiệp cấp cứu hoặc điều trị (cắt polyp, cắt niêm mạc để điều trị ung thư sớm)...
Phương pháp này tuy hiệu quả nhưng cũng mang lại một số phiền toái, chẳng hạn như làm người bệnh đau đớn trong quá trình nội soi, tai biến thủng, chảy máu,… Do đó, nội soi đại trực tràng gây mê đã được phát triển để khắc phục những nhược điểm này.
3. Nội soi đại trực tràng gây mê là thế nào?
Quá trình nội soi đại tràng gây mê diễn ra khi người bệnh được gây mê trong toàn bộ thời gian thực hiện nội soi. Bác sĩ sẽ tiêm một liều thuốc gây mê nhẹ để khiến người bệnh rơi vào trạng thái "ngủ", sau đó mới tiến hành kỹ thuật nội soi.
Trong suốt quá trình nội soi, người bệnh sẽ nằm yên và không cảm thấy đau đớn hay khó chịu. Khi nội soi đại tràng kết thúc sau khoảng 5 phút, người bệnh có thể hoàn toàn tỉnh táo và trở lại ăn uống như bình thường.
Nhờ vào phương pháp này, các tai biến không đáng có đã được giảm thiểu nhiều vì quyền chủ động sẽ thuộc về bác sĩ, không bị ảnh hưởng bởi tình trạng co cơ hay giãy giụa của người bệnh.
Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất của nội soi gây mê là khi người bệnh nằm yên, bác sĩ có thể quan sát và xác định chính xác các tổn thương, thực hiện sinh thiết hoặc các thủ thuật can thiệp chính xác nhất.
4. Quy trình nội soi đại trực tràng
Trước khi đưa ra chỉ định nội soi đại trực tràng, bác sĩ sẽ thực hiện một quy trình bao gồm hỏi về triệu chứng, bệnh sử cá nhân và gia đình cũng như các yếu tố liên quan, sau đó tiến hành khám lâm sàng cẩn thận và chi tiết, đồng thời thực hiện các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, điện tim đồ, siêu âm bụng và các xét nghiệm X-quang….
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra loại trừ các chống chỉ định nội soi đại tràng như nhồi máu cơ tim cấp, nghi ngờ thủng tạng rỗng hoặc mới phẫu thuật để đánh giá lợi ích và đưa ra chỉ định cho nội soi đại trực tràng.
Trước khi thực hiện nội soi dưới gây mê, người bệnh sẽ được khám tiền mê để đảm bảo không có vấn đề gì. Nếu không phát hiện điều gì đáng lo ngại, người bệnh sẽ nhận được hướng dẫn làm sạch đại tràng trước khi tiến hành nội soi.
Các phương pháp làm sạch đại tràng sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể như thụt nước, thụt thuốc hoặc uống thuốc sổ. Trong số các phương pháp này, uống Fortrans là cách được sử dụng phổ biến nhất.
Để thực hiện nội soi đại tràng, trước tiên đại tràng của người bệnh sẽ được làm sạch. Thủ thuật này là một quy trình khó khăn đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo cẩn thận. Người bệnh sẽ được hướng dẫn để phối hợp trong suốt quá trình nội soi không gây mê.
Thời gian thực hiện nội soi sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng người bệnh cũng như phương pháp chẩn đoán hay can thiệp được áp dụng. Đối với những bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, quá trình nội soi chẩn đoán diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, thời gian nội soi không nên dưới 20 phút để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ tổn thương nào.
Dựa vào triệu chứng sau khi nội soi cũng như chỉ định nội soi (chẩn đoán hay can thiệp) và tình trạng của từng người, bệnh nhân có thể được phép ra về ngay hoặc cần theo dõi từ vài giờ đến vài ngày với các thủ thuật can thiệp có nguy cơ thủng hoặc chảy máu thứ phát cao.
Cuối cùng, bác sĩ sẽ cùng người bệnh thảo luận để giải thích các vấn đề người bệnh gặp phải, sau đó thống nhất phương pháp giải quyết những vấn đề đó hiệu quả nhất.
5. Các biến chứng nội soi đại trực tràng có thể xảy ra
Trong bất kỳ quy trình nội soi đại tràng nào, biến chứng cũng có khả năng xảy ra từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, nếu quá trình khám được thực hiện cẩn thận, quy trình nội soi được đảm bảo chặt chẽ và bác sĩ nội soi có tay nghề tốt thì các biến chứng này sẽ được kiểm soát ở mức thấp nhất.
5.1 Những tai biến có thể gặp phải
5.1.1 Trong khi thăm khám:
- Các chống chỉ định như thủng tạng rỗng và nhồi máu cơ tim không được loại trừ.
- Nguy cơ tai biến như viêm túi thừa có khả năng gây thủng trong lúc nội soi, sẹo mổ cũ gây dính và động mạch chủ bụng có thể bị phình tách lớn,... không thể dự đoán được.
5.1.2 Trong khi làm sạch đại tràng:
- Tổn thương đại tràng có thể xảy ra khi sử dụng thuốc sổ hoặc thụt tháo.
- Trong khi thực hiện thủ thuật, các tai biến thường gặp là tình trạng thủng hoặc chảy máu.
5.1.3 Trong quá trình gây mê:
Biến chứng có thể xảy ra khi việc khám tiền mê được thực hiện qua loa hoặc không thực hiện. Tuy nhiên, dù đã khám cẩn thận, việc người bệnh không thông báo cho bác sĩ về những vấn đề của bản thân, nhất là khi che giấu tiền sử sử dụng bia rượu và chất kích thích cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
5.1.4 Trong quá trình theo dõi:
Không phát hiện hoặc bỏ qua các triệu chứng của tai biến.
Nhìn chung, nội soi đại trực tràng là phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh lý trong lòng ống tiêu hoá hiệu quả nhất. Đây cũng là phương pháp giúp người bệnh phát hiện sớm các tổn thương nghi ngờ là ung thư, từ đó bác sĩ có thể can thiệp sớm và điều trị hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.