Nội soi can thiệp cắt 1 polyp ống tiêu hóa < 1cm

Polyp ống tiêu hóa là một u nhú niêm mạc ống tiêu hóa, có thể gặp ở bất kỳ đoạn nào trên ống tiêu hóa. Thông thường, polyp ống tiêu hóa là tình trạng lành tính, tuy nhiên nó có thể dẫn tới biến chứng ung thư hóa nên rất nguy hiểm. Do đó, nội soi can thiệp cắt polyp ống tiêu hóa được thực hiện nhằm hạn chế nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

1. Nội soi can thiệp cắt polyp ống tiêu hóa là gì?

Nội soi can thiệp cắt polyp ống tiêu hóa là phương pháp can thiệp điều trị cắt polyp tại đường tiêu hóa (chủ yếu là cắt polyp ở trực tràng, đại tràng và polyp dạ dày hành tá tràng). Bên cạnh việc điều trị các triệu chứng, việc cắt polyp ống tiêu hóa ngoài còn giúp ngăn ngừa biến chứng ung thư hóa.

Đây là phương pháp tốt nhất trong điều trị polyp ống tiêu hóa vì xâm lấn tối thiểu, ít ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân, đa phần không cần nằm viện và người bệnh phục hồi nhanh chóng, không để lại sẹo...

Phương pháp này an toàn và có nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, là một biện pháp xâm lấn tối thiểu nên cũng có nguy cơ xảy ra một số biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, rách niêm mạc hay thủng tạng rỗng...

2. Chỉ định và chống chỉ định cắt polyp ống tiêu hóa < 1cm bằng nội soi

Chỉ định thực hiện khi:

  • Phương pháp này được chỉ định khi nội soi ống tiêu hóa phát hiện tổn thương kích cỡ polyp tiêu hóa < 1 cm.

Chống chỉ định thực hiện khi:

  • Người bệnh mắc rối loạn đông máu chưa được điều trị ổn định, giảm tiểu cầu.
  • Người bệnh đang dùng thuốc chống đông máu, cần ngừng thuốc chống đông trước khi thực hiện thủ thuật theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu cắt polyp dạ dày thì không thực hiện khi có chống chỉ định nội soi dạ dày như thủng dạ dày, bệnh tim-phổi nặng...
  • Nếu cắt polyp đại tràng, người bệnh có chống chỉ định soi đại tràng như viêm đại tràng, thủng đại tràng, suy tim, suy hô hấp, phình động mạch chủ bụng..
  • Khi nghi ngờ bị thủng ruột, thủng dạ dày, viêm phúc mạc thì người bệnh không được nội soi can thiệp cắt polyp ống tiêu hóa < 1cm.
  • Trụy tim mạch và tình trạng hô hấp không ổn định, suy hô hấp cấp.
  • Chấn thương đốt sống cổ, người bệnh bị gù vẹo cột sống.
  • Tăng huyết áp kịch phát chưa được điều trị ổn định.
  • Nhồi máu cơ tim mới xuất hiện, suy tim và các bệnh tim khác.
  • Nhiễm khuẩn huyết.

Nội soi can thiệp cắt polyp ống tiêu hóa chỉ định khi kích cỡ polyp tiêu hóa < 1 cm
Nội soi can thiệp cắt polyp ống tiêu hóa chỉ định khi kích cỡ polyp tiêu hóa < 1 cm

3. Các bước tiến hành cắt polyp ống tiêu hóa qua nội soi

3.1. Chuẩn bị trước nội soi

Người thực hiện: Bác sĩ đã được đào tạo nội soi ống tiêu hóa, điều dưỡng.

Phương tiện gồm:

  • Máy nội soi dạ dày hay đại tràng có ống mềm.
  • Thòng lọng cắt polyp bằng nhiệt điện với nhiều kích thước khác nhau và các loại dây khác nhau.
  • Tay nắm điều khiển, kìm nhiệt, kim gắp polyp ra ngoài, lưới đựng polyp.
  • Dụng cụ cầm máu.
  • Catheter để bơm chất nhuộm khi cần.
  • Nguồn cắt điện: Dùng dòng điện xoay chiều với tần số cao. Bởi với tần số này không gây ra tình trạng điện giật, không gây rung thất.

Người bệnh:

  • Được giải thích kỹ về thủ thuật, những ưu điểm, lợi ích cũng như rủi ro có thể gặp phải trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật. Để người bệnh đồng ý thực hiện thủ thuật.
  • Phải làm sạch vùng cần cắt polyp. Nếu là polyp thực quản, dạ dày, tá tràng thì người bệnh phải nhịn ăn trước đó ít nhất khoảng 6 giờ. Nếu là polyp ở đại tràng thì sử dụng thuốc uống nhằm làm sạch phân. Nếu là polyp trực tràng thì phải thụt tháo sạch phân.
  • Làm một số xét nghiệm nhằm đánh giá nguy cơ.

3.2. Các bước tiến hành

Đầu tiên, bác sĩ cần kiểm tra xem người bệnh đã được làm sạch vùng polyp cần cắt chưa, trấn an người bệnh để giảm bớt lo lắng.

Cắt loại polyp có cuống:

  • Đo kích thước của polyp bằng tay cầm của thòng lọng.
  • Đưa thòng lọng đến đúng vị trí của polyp, mở thòng lọng ra và ôm lấy đầu polyp. Sau đó, tụt dần xuống phía cuống ôm lấy cuống polyp. Đẩy phần vỏ ngoài của thòng lọng sát với cuống của polyp.
  • Tiếp theo, tiến hành thắt từ từ thòng lọng cho đến khi có cảm giác chặt tay rồi sau đó kéo nhẹ đầu polyp lên.
  • Kiểm tra xem niêm mạc ống tiêu hóa có chui vào trong thòng lọng hay không. Nếu trường hợp có niêm mạc nằm trong thòng lọng thì phải để thòng lọng ra khỏi vỏ catheter rồi mở ra và nhấc thòng khỏi đầu polyp để loại bỏ niêm mạc đường tiêu hóa. Sau đó, thắt lại polyp.
  • Cắt polyp: Nguồn cắt điện được sử dụng trong vòng khoảng 2 đến 3 giây, xen kẽ giữa pha dùng dao cầm máu và pha cắt. Trong khi đó, thòng lọng sẽ từ từ thắt chặt lại cho đến khi polyp bị cắt rời hoàn toàn.
  • Lấy polyp ra ngoài để xét nghiệm mô bệnh học bằng các cách kéo thòng lọng cắt polyp ra ngoài, dùng kẹp gắp polyp, sử dụng kìm kẹp gắp polyp rồi kéo nó ra ngoài.
  • Nếu polyp có kích thước nhỏ thì có thể hút polyp và hứng bằng lưới mà không cần phải rút máy soi ra ngoài.
  • Phải ghi rõ vị trí của polyp vào giấy xét nghiệm mô bệnh học.

Cắt polyp không cuống:

  • Dùng Adrenalin với tỷ lệ 1/10.000 và Natriclorua bơm xuống dưới niêm mạc.
  • Đầu tiên dùng thòng lọng thắt từng phần của polyp vừa thắt chặt thòng lọng và cắt điện. Chú ý, khi cắt polyp thì không được cắt luôn một nhát, vì như vậy có nguy cơ chảy máu rất cao. Tiến hành cắt từng phần của polyp kết hợp với cầm máu cho đến khi cắt hết polyp và chỉ còn trơ lại phần niêm mạc.
  • Nếu trường hợp không cắt từng phần thì phải cắt polyp làm nhiều mảnh nhỏ. Có thể cắt polyp trong một hoặc nhiều buổi nội soi để hạn chế biến chứng.

Nội soi can thiệp cắt polyp ống tiêu hóa được thực hiện nhằm hạn chế nguy cơ biến chứng
Nội soi can thiệp cắt polyp ống tiêu hóa được thực hiện nhằm hạn chế nguy cơ biến chứng

3.3. Theo dõi sau cắt ống tiêu hóa qua nội soi

  • Trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật cần theo dõi toàn trạng, dấu hiệu sinh tồn.
  • Người bệnh theo dõi và nằm nội trú tại bệnh viện trong 24h.
  • Chú ý các triệu chứng báo động biến chứng như đau bụng đi ngoài ra máu.
  • Theo dõi lâu dài: Tùy vào kết quả mô bệnh học mà có kế hoạch theo dõi thích hợp.

3.4. Những tai biến và cách xử trí tai biến

  • Chảy máu: Là biến chứng hay gặp nhất, xử trí bằng các biện pháp cầm máu qua nội soi, tiêm cầm máu, truyền máu nếu cần.
  • Thủng tạng: Điều trị bảo tồn trong trường hợp đại tràng chuẩn bị sạch, sử dụng kháng sinh, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, hút dịch dạ dày liên tục. Phẫu thuật khi không thể điều trị bảo tồn, đây là phương pháp điều trị trong đa số các trường hợp.

Cắt polyp ống tiêu hóa <1 cm bằng can thiệp qua nội soi là phương pháp an toàn, xâm lấn ít, thời gian phục hồi nhanh chóng, chi phí hợp lý được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên cần phải lưu ý những biến chứng có thể xảy ra để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe