Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ Trần Quốc Tuấn đã có hơn 12 năm kinh nghiệm về hồi sức cấp cứu.
Nhận biết được những việc làm có thể "phá hủy" trái tim sẽ giúp bạn sớm có hướng thay đổi lối sống cũng như thực hiện các biện pháp để bảo vệ trái tim khỏe mạnh.
1. Tiếp tục hút thuốc lá
Một trong những nguyên nhân chính của bệnh tim mạch do hút thuốc lá làm tăng huyết áp, gây ra cục máu đông và làm giảm mức HDL (cholesterol tốt). Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân có thể phòng ngừa được. Mặc dù hút thuốc lá có thể là thói quen khó bỏ nhất, nhưng những tác dụng có lợi của việc bỏ hút thuốc mà người bệnh nhận được cũng sẽ lớn nhất và diễn ra ngay lập tức.
Khi bỏ hút thuốc lá, nguy cơ mắc bệnh tim sẽ giảm chỉ sau vài ngày không hút. Trong vòng một năm, nguy cơ này sẽ giảm đi một nửa. Sau 10 năm sống mà không khói thuốc thì khi đó, bạn đã được xem là người chưa bao giờ hút thuốc.
2. Phớt lờ triệu chứng đau ngực
Khi bạn cảm thấy đau nhói ở ngực mà không biết tại sao, thì đó là triệu chứng cảnh báo mà bạn cần đi khám sức khỏe tổng quát để được kiểm tra.
Nếu bị đau ngực khi đang tập thể dục thì đó là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm có thể do vấn đề về bệnh tim mạch. Nhưng nếu đau ngực xảy ra sau bữa ăn no, thì nhiều khả năng nguyên nhân các vấn đề về dạ dày. Cảm giác của đau tim giống như là cảm giác bị đè nén nhiều hơn là đau thực thể. Người bệnh có xu hướng cảm thấy đau ở phía trước ngực và đôi khi đau kéo dài đến vai, lên hàm hoặc xuống cánh tay trái. Nếu cảm thấy đau như có một con voi đang ngồi trên ngực của bạn và bạn đang ra mồ hôi rất nhiều thì đó đã là trường hợp cấp cứu.
3. Chấp nhận di truyền bệnh tim mạch
Có người thân mắc bệnh tim là yếu tố nguy cơ mạnh dùng để dự đoán khả năng mắc bệnh tim của chính bạn. Ví dụ, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nếu có bố mẹ bị đau tim thì con trai có nguy cơ gấp 2 lần mắc bệnh này và ở con gái, nguy cơ này tăng lên khoảng 70%.
Tuy nhiên, bệnh tim mạch không chỉ là vấn đề di truyền mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Theo các chuyên gia, bạn vẫn có thể giảm tỷ lệ nguy cơ đáng kể bằng cách làm thực hiện lối sống lành mạnh cho tim. Ví dụ, giảm 50% LDL (đó là dạng cholesterol xấu) sẽ giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh tim.
Một nghiên cứu năm 1998 được đăng tải trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, khi dùng thuốc statin để làm giảm cholesterol máu thì có thể giúp những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim giảm nguy cơ xuống thấp hơn so với người không có tiền sử gia đình mắc bệnh tim.
Nhưng bạn chỉ có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh trên nếu bạn thực sự biết liệu bệnh tim có di truyền trong gia đình hay không. Để làm được điều này, bạn cần xin ý kiến của các bác sĩ và các chuyên gia di truyền học.
4. Không khám sức khỏe định kỳ
Khi không được bác sĩ kiểm tra thường xuyên, bạn có thể không nhận ra một số yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim đang diễn ra thầm lặng và khó phát hiện. Một số bệnh lý tim mạch phổ biến, nếu chưa không có triệu chứng thì chính là thời điểm dễ điều trị nhất, ví dụ như cholesterol cao và huyết áp cao.
5. Lười vận động
Càng ít vận động càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các hoạt động thể chất đơn giản đã giúp kéo dài tuổi thọ. Tập thể dục giúp giảm huyết áp, cải thiện mức cholesterol, giảm cân, có lợi cho chức năng mạch máu và giảm căng thẳng. Ngay cả khi bạn không tập thể dục trong vòng 20 năm qua, thì cũng không bao giờ quá muộn để tập thể dục và nhận được nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch.
6. Ngừng dùng thuốc
Nếu ngừng dùng thuốc điều trị bệnh tim, bạn có thể đang đặt mình vào tình huống nguy hiểm. Một số người nghĩ rằng chỉ khi bản thân có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc đột quỵ thì mới sử dụng thuốc statin để giảm cholesterol. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng nên sử dụng các loại thuốc này như là biện pháp bảo vệ người có nguy cơ mắc bệnh tim để phòng tránh cơn đau tim và đột quỵ. Lưu ý, người bệnh không bao giờ ngừng thuốc điều trị hoặc điều chỉnh liều lượng mà không có ý kiến bác sĩ trước.
7. Không chú ý đến vòng eo
Nếu kích thước vòng bụng đang to dần thì đây là yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Có càng nhiều mô mỡ dư thừa ở phần eo có thể có nghĩa là bạn đang mắc hội chứng chuyển hóa. Hội chứng chuyển hóa là sự kết hợp của nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc tiểu đường và có nguyên nhân là do xơ cứng động mạch, kháng insulin và viêm.
Vòng eo khổng lồ làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim, Đó là lý do bạn cần tăng gấp đôi nỗ lực của bản thân để có được cơ thể khỏe mạnh thông qua thực hiện lối sống lành mạnh.
8. Bỏ qua triệu chứng tim rung động nhanh
Cảm giác rung động trong tim gây khó chịu ở ngực, khó thở, bạn có cảm giác muốn ngất xỉu hoặc ngất xỉu thực sự thì đây có thể là dấu hiệu của rối loạn nhịp tim. Nguyên nhân là do dẫn truyền điện thế trong tim có vấn đề khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều.
Nếu bạn cảm thấy rung động trong một giây và nó biến mất, thì đó không phải là vấn đề nguy hiểm. Bạn có thể có thể bị rung động ngắn do sử dụng caffeine, sôcôla, hen suyễn hoặc có thể một số loại thuốc cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu rung động xảy ra thường xuyên hoặc có kèm theo các triệu chứng khác, thì bạn nên đi khám ngay lập tức.
9. Không kiểm soát huyết áp
Một cách nguy hiểm nhất để phá hủy trái tim là không kiểm soát tình trạng tăng huyết áp. Nhưng trên thực tế, chỉ có khoảng một nửa người Mỹ trưởng thành mắc huyết áp cao có thể kiểm soát bệnh.
Khi huyết áp ra khỏi tầm kiểm soát sẽ khiến tim phải làm việc nhiều hơn và điều này có thể dẫn đến suy tim. Ngoài ra, huyết áp cao có thể khiến động mạch cứng lại, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và các vấn đề khác. Mặc dù các triệu chứng của huyết áp cao khó phát hiện nhưng nó lại tương đối dễ chẩn đoán. Bạn thậm chí có thể tự kiểm tra huyết áp bằng máy đo huyết áp tại nhà.
10. Ăn với sự từ bỏ
Thừa cân hoặc béo phì góp phần gây ra bệnh tim, suy tim và rút ngắn tuổi thọ. Theo các chuyên gia, bạn chỉ cần giảm cân vừa phải cũng đã đủ để cải thiện các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch.
Bạn cần thực hiện chế độ dinh dưỡng với nhiều trái cây, rau và các loại hạt; ít chất béo bão hòa, cholesterol; và hầu như không có chất béo chuyển hóa. Điều này không có nghĩa là bạn cần tránh chất béo hoàn toàn. Chất béo có trong cá, ô liu và dầu ô liu, các loại hạt và bơ đều rất có lợi cho tim và bạn nên ăn ở mức độ vừa phải.
Giảm 100 calo lượng calo mỗi ngày, sẽ giúp giảm 4,5 Kg trong một năm. Tương đương với một lát bánh mì, một phần nước soda hoặc một nửa thanh kẹo.
Trái tim là một bộ phận quan trọng của cơ thể con người, vì thế việc bảo vệ sức khỏe tim mạch rất quan trọng. Bạn có thể bảo vệ trái tim bằng cách thay đổi lối sống, loại bỏ những thói quen gây hại cho tim mạch, đồng thời duy trì chế độ dinh dưỡng kết hợp rèn luyện cơ thể.
Để thăm khám sức khỏe các bệnh tim mạch và kiểm soát nguy cơ mắc bệnh, bạn có thể đến khám và sử dụng các gói khám tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com