Những lầm tưởng về ung thư phổi thường gây nhầm lẫn và lo lắng cho nhiều người. Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến những người hút thuốc mà còn có thể xảy ra ở những người không có thói quen này. Bên cạnh đó, một số quan niệm sai lầm về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa ung thư phổi khiến cho việc nhận thức và điều trị trở nên khó khăn hơn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Bỏ thuốc lá không mang lợi ích gì?
Ngày nay, nhiều người tin rằng việc bỏ thuốc lá sau khi đã hút trong nhiều năm không mang lại lợi ích gì nhiều do tổn thương đã gây ra là không thể hoàn hồi được. Tuy nhiên, đây là một trong những lầm tưởng về ung thư phổi phổ biến và sự thật là ngược lại.
Việc bỏ thuốc mang lại những lợi ích gần như ngay lập tức, cơ thể người bệnh bắt đầu trả về trạng thái tự nhiên và bắt đầu phục hồi từ tác động của hút thuốc. Hệ thống tuần hoàn sẽ cải thiện, từ đó da người bệnh sẽ trở nên sáng hơn và phổi cũng sẽ dần hồi phục, giảm thiểu khả năng bị tổn thương cũng như tăng cường khả năng chống lại bệnh tật.
Sau 10 năm từ bỏ thói quen hút thuốc, nguy cơ tử vong vì ung thư phổi sẽ giảm đến 50% so với những người tiếp tục hút thuốc.
2. “Thuốc lá nhẹ" an toàn hơn thuốc lá thông thường
Mặc dù thuốc lá có hàm lượng hắc ín thấp, tạo ra ít khói hơn khi hút nhưng vẫn chứa nhiều hợp chất độc hại như khí carbon monoxide, nitric oxide và các chất gây ung thư. Thuốc lá "nhẹ" thường có hàm lượng nicotin và các chất gây ung thư tương tự như thuốc lá thông thường. Điều này có thể khiến người hút cần phải hút nhiều hơn để đạt được cảm giác thỏa mãn, dẫn đến việc hút nhiều hơn và gây hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, thuốc lá có hương vị bạc hà có thể mang lại cảm giác mát lạnh dễ chịu nhưng thực tế có thể làm cho người hút hút sâu hơn và hít vào nhiều khói hơn.
2. Cần sa không gây hại cho phổi như thuốc lá
Hút thuốc cần sa là một thói quen gây lo ngại trong xã hội hiện đại và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Mặc dù nhiều người tin rằng hút cần sa không gây hại cho phổi như hút thuốc lá nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại.
Các chất hóa học trong thuốc cần sa khi đốt cháy và hít vào phổi, có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe phổi, bao gồm tăng nguy cơ mắc các bệnh phổi như viêm phổi, viêm phế quản và thậm chí ung thư phổi.
Hơn nữa, việc kết hợp hút cả thuốc lá và cần sa cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Các chất hóa học từ cả hai loại thuốc lá này khi kết hợp lại có thể tạo ra tác động gây hại đến các tế bào phổi và tăng cơ hội phát triển các tế bào ung thư.
3. Những lầm tưởng về ung thư phổi: Thực phẩm chức năng chống oxy hóa sẽ bảo vệ phổi
Thực phẩm bổ sung chống oxy hóa đã được quảng cáo như một cách để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật, bao gồm cả ung thư phổi. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã cho thấy dùng thực phẩm bổ sung như beta-carotene trong giai đoạn hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư.
Thay vào đó, người bệnh nên thảo luận với bác sĩ về cách duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và cung cấp đủ chất chống oxy hóa thông qua tiêu thụ trái cây, rau quả tươi - nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tự nhiên, an toàn nhất cho cơ thể.
4. Thuốc tẩu và xì gà không gây hại cho phổi
Một trong những lầm tưởng về ung thư phổi là cho rằng thuốc tẩu và xì gà không tác động đến cơ thể như thuốc lá. Sự thật là, cả thuốc tẩu và xì gà đều chứa các chất độc hại tương tự như thuốc lá, tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư miệng, cổ họng, thực quản và phổi. Ngoài ra, cả hai thói quen này cũng có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch và phổi. Nhiều người có thể nghĩ rằng thuốc tẩu và xì gà ít nguy hiểm hơn so với thuốc lá nhưng thực tế cũng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
5. Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư phổi?
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất. Khí radon - một loại khí không màu và không mùi, được sinh ra từ quá trình phân hủy tự nhiên của urani trong đất, đá và nước, cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng. Thêm vào đó, tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí như bụi mịn, PM2.5, NOx (oxit nitrogen) và SO2 (oxit lưu huỳnh) cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
6. Bột talc gây hại cho phổi
Bột talc thường có trong nhiều sản phẩm gia dụng và mỹ phẩm sử dụng hàng ngày, như bột trẻ em cùng các sản phẩm trang điểm. Mặc dù việc hít phải bột talc có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe như kích ứng phổi nhưng không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy chất này có thể gây ung thư phổi. Vì vậy, những lầm tưởng về ung thư phổi về liên quan đến bột talc là không có cơ sở.
Thay vào đó, nguy cơ mắc bệnh lý này thường liên quan đến tiếp xúc với các chất độc hại như amiăng và vinyl cloru - thường được sử dụng trong ngành công nghiệp cũng như xây dựng.
7. Bỏ thuốc lá là vô nghĩa khi đã mắc ung thư phổi
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người mắc ung thư phổi dừng hút thuốc có kết quả điều trị tốt hơn so với những người vẫn tiếp tục hút thuốc. Việc dừng hút thuốc cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề phụ thuộc vào thuốc điều trị cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Ngoài ra, nếu bệnh nhân phẫu thuật hoặc điều trị bằng xạ trị, dừng hút thuốc có thể cải thiện quá trình phục hồi và giảm các biến chứng sau điều trị. Ngoài ra, đối với bệnh nhân ung thư thanh quản thực hiện xạ trị, dừng hút thuốc có thể giảm nguy cơ bị khàn giọng sau khi điều trị.
8. Tập thể dục và ung thư phổi không liên quan
Tập thể dục và hoạt động thể chất đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh, kể cả phòng ngừa ung thư phổi. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thực hiện các hoạt động vận động thường xuyên có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư.
9. Ô nhiễm không khí không ảnh hưởng đến phổi
Mặc dù hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, ô nhiễm không khí cũng góp phần quan trọng trong việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí, đặc biệt là các chất ô nhiễm như khói xe, bụi mịn và các hợp chất hữu cơ bay hơi, có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.