Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh, Khoa giải phẫu bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Ung thư tuyến tiền liệt là ung thư phổ biến nhất ở nam giới, nhưng thường có thể điều trị thành công. Nếu bạn hoặc người thân mắc ung thư tuyến tiền liệt, bạn có thể tìm hiểu tất cả về bệnh lý này, bao gồm các yếu tố nguy cơ, triệu chứng, cách phát hiện và tiếp cận điều trị.
1. Ung thư tuyến tiền liệt là gì?
Ung thư bắt đầu khi các tế bào trong cơ thể phát triển ngoài tầm kiểm soát. Tế bào ở gần như bất kỳ bộ phận nào của cơ thể đều có thể trở thành tế bào ung thư, và sau đó có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu khi các tế bào trong tuyến tiền liệt phát triển ngoài tầm kiểm soát. Tuyến tiền liệt là một tuyến chỉ có ở nam giới. Nó tạo ra một số chất lỏng là một phần của tinh dịch.
Tuyến tiền liệt nằm dưới bàng quang (cơ quan rỗng, nơi chứa nước tiểu) và phía trước trực tràng (phần cuối cùng của ống tiêu hóa). Ngay sau tuyến tiền liệt là các tuyến được gọi là túi tinh, tạo ra phần lớn chất lỏng cho tinh dịch. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu và tinh dịch ra ngoài cơ thể qua dương vật, đi qua trung tâm của tuyến tiền liệt.
Kích thước của tuyến tiền liệt có thể thay đổi khi đàn ông già đi. Ở đàn ông trẻ tuổi, nó có kích thước bằng một quả óc chó, nhưng có thể lớn hơn nhiều khi già đi.
2. Các loại ung thư tuyến tiền liệt
Hầu hết tất cả ung thư tuyến tiền liệt đều là ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma), nghĩa là phát triển từ các tế bào tuyến (tế bào tạo ra dịch tuyến tiền liệt được thêm vào tinh dịch).
Các loại ung thư khác có thể bắt đầu ở tuyến tiền liệt bao gồm:
- Ung thư biểu mô tế bào nhỏ (small cell carcinoma)
- Các khối u thần kinh nội tiết (neuroendocrine tumors)
- Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (transitional cell carcinomas)
- Sarcomas
Những loại ung thư tuyến tiền liệt khác rất hiếm. Nếu bạn được thông báo rằng bạn bị ung thư tuyến tiền liệt, thì gần như đó là ung thư biểu mô tuyến.
Một số loại ung thư tuyến tiền liệt phát triển và lan rộng nhanh chóng, nhưng hầu hết phát triển chậm.
3. Các tổn thương tiền ung thư có thể có của tuyến tiền liệt
Một số nghiên cứu cho thấy rằng ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu như một tình trạng tiền ung thư, mặc dù điều này vẫn chưa được biết chắc chắn. Những tổn thương này đôi khi được tìm thấy khi họ được làm sinh thiết tuyến tiền liệt (cắt các mảnh nhỏ của tuyến tiền liệt để tìm ung thư).
Tân sinh trong biểu mô tuyến tiền liệt (Prostactic intraepithelial neoplasia-PIN)
Trong PIN, có những thay đổi của các tế bào tuyến tiền liệt khi quan sát dưới kính hiển vi, nhưng chúng trông không giống như tế bào ung thư. Dựa trên hình thái bất thường của các tế bào, chúng được phân loại thành:
- PIN độ thấp: các tế bào tuyến tiền liệt gần như bình thường.
- PIN độ cao: các tế bào trông bất thường hơn.
PIN độ thấp không được cho là có liên quan đến nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Trong khi PIN độ cao được cho là tiền thân của ung thư tuyến tiền liệt. Nếu bạn được sinh thiết tuyến tiền liệt và thấy có tổn thương PIN độ cao, thì có nhiều khả năng bạn sẽ mắc ung thư tuyến tiền liệt theo thời gian.
PIN bắt đầu xuất hiện trong tuyến tiền liệt ở một số nam giới ngay từ độ tuổi 20. Nhưng nhiều người đàn ông có PIN sẽ không bao giờ bị ung thư tuyến tiền liệt.
Tăng sinh dạng viêm teo (Proliferative inflammatory atrophy-PIA)
Trong PIA, các tế bào tuyến tiền liệt trông nhỏ hơn bình thường và có dấu hiệu viêm. PIA không phải là ung thư, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng PIA đôi khi có thể dẫn đến PIN độ cao, hoặc có thể trực tiếp gây ung thư tuyến tiền liệt.
4. Các yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến tiền liệt
Yếu tố nguy cơ là bất cứ điều gì làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các ung thư khác nhau có các nguy cơ khác nhau. Một số yếu tố nguy cơ, như hút thuốc, có thể thay đổi được. Những yếu tố khác như tuổi hoặc tiền sử gia đình thì không thể thay đổi được.
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới như sau:
Tuổi:
- Hiếm gặp dưới 40 tuổi
- Nguy cơ mắc bệnh tăng nhanh sau tuổi 50
- Khoảng 6/10 trường hợp được phát hiện ở nam giới trên 65 tuổi.
Chủng tộc / dân tộc:
- Tỉ lệ cao hơn ở người Mỹ gốc Phi và Caribe có tổ tiên gốc Phi hơn các chủng tộc khác, và có xu hướng trẻ hơn.
- Ít gặp hơn ở người Mỹ gốc Á và gốc Tây Ban Nha / Latino hơn so với người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.
Tuy nhiên lý do cho những khác biệt chủng tộc và sắc tộc này không rõ ràng.
Vùng địa lý:
- Phổ biến nhất ở Bắc Mỹ, Tây Bắc Châu Âu, Úc và các đảo Caribe
- Ít gặp hơn ở Châu Á, Châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Tuy nhiên những lý do cho điều này không rõ ràng. Sự khác biệt một phần có thể do việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt chuyên sâu hơn ở một số nước phát triển cũng như sự khác biệt về lối sống (chế độ ăn uống, v.v.)
Tiền sử gia đình
Ung thư tuyến tiền liệt trong một số trường hợp có thể có yếu tố di truyền. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh ung thư tuyến tiền liệt không có tiền sử gia đình.
- Có cha hoặc anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt làm tăng hơn gấp đôi nguy cơ mắc bệnh
- Nguy cơ cao hơn đối với những người có anh trai mắc bệnh so với những người có cha mắc bệnh
- Đặc biệt nguy cơ cao hơn nếu người thân mắc ung thư khi còn trẻ.
Biến đổi gen
Một số biến đổi gen di truyền (đột biến) dường như làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, nhưng có lẽ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ các trường hợp ung thư nói chung. Ví dụ:
- Các đột biến di truyền của gen BRCA1 hoặc BRCA2, có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng ở một số gia đình, cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới (đặc biệt là đột biến ở BRCA2).
- Nam giới mắc hội chứng Lynch (còn gọi là ung thư đại trực tràng không đa polyp di truyền, hoặc HNPCC), do những biến đổi gen di truyền, có tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư tuyến tiền liệt.
Một số yếu tố nguy cơ không rõ ràng:
- Chế độ ăn
- Béo phì
- Thuốc lá
- Tiếp xúc hóa chất
- Tình trạng viêm tuyến tiền liệt
5. Nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt
Các nhà nghiên cứu chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng họ đã tìm ra một số yếu tố nguy cơ và đang cố gắng tìm hiểu xem những yếu tố này có thể khiến các tế bào tuyến tiền liệt trở thành tế bào ung thư như thế nào.
Ở mức độ cơ bản, ung thư tuyến tiền liệt là do những thay đổi trong DNA của tế bào tuyến tiền liệt bình thường. Những loại thay đổi gen này có thể dẫn đến các tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát.
Những thay đổi về DNA có thể được di truyền từ cha mẹ hoặc có thể mắc phải trong suốt cuộc đời của một người.
Đột biến gen di truyền
Một số đột biến gen có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được tìm thấy trong tất cả các tế bào trong cơ thể. Thay đổi gen di truyền có vai trò trong khoảng 10% trường hợp ung thư tuyến tiền liệt. Ung thư do gen di truyền được gọi là ung thư di truyền. Một số gen đột biến di truyền có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt di truyền, bao gồm:
- BRCA1 và BRCA2: các đột biến di truyền trong các gen ức chế khối u này thường gây ra ung thư vú và ung thư buồng trứng ở phụ nữ. Nhưng những thay đổi trong các gen này (đặc biệt là BRCA2) cũng chiếm một tỉ lệ nhỏ các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt.
- CHEK2, ATM, PALB2 và RAD51D: các đột biến trong các gen sửa chữa DNA này cũng có thể là nguyên nhân gây ra một số ung thư tuyến tiền liệt di truyền.
- Các gen sửa chữa không phù hợp DNA (như MSH2, MSH6, MLH1 và PMS2): nam giới có đột biến di truyền ở một trong những gen này gọi là hội chứng Lynch, làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, tuyến tiền liệt và một số bệnh ung thư khác.
- RNASEL (trước đây là HPC1): các đột biến di truyền trong gen này có thể cho phép các tế bào bất thường sống lâu hơn bình thường, điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
- HOXB13: gen này rất quan trọng trong sự phát triển của tuyến tiền liệt. Các đột biến trong gen này có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt khởi phát sớm (được chẩn đoán khi còn trẻ) xảy ra trong một số gia đình. May mắn thay, đột biến này rất hiếm.
Đột biến gen mắc phải
Một số gen đột biến trong suốt cuộc đời và đột biến này không được truyền sang con cái, được gọi là đột biến mắc phải. Hầu hết các đột biến gen liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt dường như do mắc phải hơn là do di truyền.
Khi một tế bào phân chia thành 2 tế bào mới, nó phải sao chép DNA. Quá trình này không hoàn hảo và đôi khi xảy ra lỗi, để lại DNA bị lỗi trong tế bào mới. Các tế bào tuyến tiền liệt phát triển và phân chia càng nhanh thì càng có nhiều cơ hội cho các đột biến xảy ra. Do đó, bất cứ điều gì đẩy nhanh quá trình này đều có thể khiến khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.
Ví dụ:
- Nội tiết tố nam (androgen) như testosterone, thúc đẩy sự phát triển của tế bào tuyến tiền liệt, do đó androgen cao hơn có thể góp phần vào nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở một số nam giới.
- Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tình trạng viêm tuyến tiền liệt có thể liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt.
- Tiếp xúc với bức xạ hoặc hóa chất gây ung thư có thể gây ra đột biến DNA ở nhiều cơ quan, nhưng cho đến nay những yếu tố này vẫn chưa được chứng minh là nguyên nhân quan trọng gây ra đột biến trong tế bào tuyến tiền liệt.
6. Ung thư tuyến tiền liệt có thể ngăn ngừa được?
Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt. Không thể kiểm soát được nhiều yếu tố nguy cơ như tuổi tác, chủng tộc và tiền sử gia đình. Nhưng có một số điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt gồm:
Kiểm soát trọng lượng cơ thể, hoạt động thể chất và chế độ ăn uống
Ảnh hưởng của trọng lượng cơ thể, hoạt động thể chất và chế độ ăn uống đối với nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt không hoàn toàn rõ ràng, nhưng có những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Hiện tại, lời khuyên tốt nhất về chế độ ăn uống và sinh hoạt để có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt là:
- Đạt được và duy trì cân nặng hợp lý.
- Tiếp tục hoạt động thể chất.
- Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời tránh hoặc hạn chế các loại thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, đồ uống có đường và thực phẩm đã qua chế biến.
Vitamin, khoáng chất và các chất bổ sung khác
- Vitamin E và selen: Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng bổ sung vitamin E hoặc selen có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
- Đậu nành và isoflavone: Một số nghiên cứu ban đầu đã gợi ý những lợi ích có thể có từ protein đậu nành (isoflavone) trong việc giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Một số nghiên cứu hiện đang xem xét kỹ hơn những tác động có thể có của các protein này.
Dùng bất kỳ chất bổ sung nào có thể có cả rủi ro và lợi ích. Trước khi bắt đầu bổ sung vitamin hoặc các chất bổ sung khác, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.