Những dấu hiệu sớm của thai kỳ

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Vưu Khánh Linh - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Đối với những phụ nữ đang mong con, thời gian 2 tuần kể từ khi rụng trứng đến khi trễ kinh là 1 quãng thời gian tưởng như rất dài. Người phụ nữ có thể cảm nhận những dấu hiệu sớm của việc làm tổ của phôi, khoảng từ 8-10 ngày sau khi rụng trứng.

Khi mang thai 8 tuần, 90% phụ nữ sẽ cảm nhận được những thay đổi của thai kỳ. Những triệu chứng sớm khi mang thai và triệu chứng của tiền kinh nguyệt (trước hành kinh) thường giống nhau làm cho người phụ nữ dễ lẫn lộn. Nếu bạn nghi ngờ đang mang thai, bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra, dưỡng thai và theo dõi thai định kỳ.

12 triệu chứng sớm cho biết có thể bạn đang mang thai:

1. Trễ kinh

Trễ kinh thường là triệu chứng sớm nhất. Đôi khi bạn có thể ra ít huyết và đó là triệu chứng bình thường. Sự làm tổ của phôi vào nội mạc tử cung có thể gây chảy máu nhẹ và đôi khi nhầm lẫn với triệu chứng tiền kinh nguyệt, thường gây chảy máu vài giọt nhỏ đỏ tươi và kéo dài khoảng 1 ngày, xảy ra trước chu kỳ tiếp theo.

2. Buồn nôn

Buồn nôn là triệu chứng thường gặp nhất khi mang thai. Tuy nhiên, không phải tất cả thai phụ đều có triệu chứng này. Buồn nôn có thể xuất hiện sớm lúc thai 5 tuần và nặng hơn lúc thai 8 tuần.


Buồn nôn là dấu hiệu thường gặp nhất khi mang thai
Buồn nôn là dấu hiệu thường gặp nhất khi mang thai

3. Thay đổi ở vú

Thay đổi ở vú là dấu hiệu sớm của mang thai. Mô tuyến vú sẽ phát triển để chuẩn bị cho sự sản xuất sữa. Tĩnh mạch nổi rõ hơn và núm vú sậm màu hơn. Vú và núm vú trở nên nhạy cảm hơn với kích thích.

4. Tiểu lắt nhắt

Tử cung trở nên to hơn cùng với sự thay đổi của Hormone làm tăng lượng máu tuần hoàn và gây nên những triệu chứng khó chịu cho phụ nữ vào tam cá nguyệt thứ hai. Về sau, thai nhi lớn lên làm tăng áp lực lên bàng quang và gây nên triệu chứng tiểu lắt nhắt ở thai phụ. Nếu thai phụ có triệu chứng tiểu gắt, cần kiểm tra xem họ có bị nhiễm trùng tiểu hay không và cách tốt nhất là nên đến cơ sở y tế kiểm tra.

5. Mệt mỏi

Mệt mỏi thường là triệu chứng sớm của thai kỳ và đó là triệu chứng bình thường. Thai phụ nên ngủ nhiều hơn, chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng hơn và tập thể dục nhẹ. Mệt mỏi có thể kéo dài sang tam cá nguyệt thứ hai do sự mất năng lượng đột ngột.

6. Sự co thắt

Đôi khi có cảm giác như co thắt khi hành kinh. Tử cung co thắt nhẹ nhưng không xuất huyết trong tam cá nguyệt đầu do sự thay đổi về kích thước. Nếu bạn đang mang thai và đau bụng nhiều hơn kèm với xuất huyết âm đạo nên đến cơ sở y tế kiểm tra.

7. Đầy hơi, ợ nóng hoặc táo bón

Đầy hơi, ợ nóng hoặc táo bón là những triệu chứng sớm khi mang thai.

8. Sung huyết mũi

Sung huyết mũi đôi khi có thể bị bỏ qua. Cùng với sự gia tăng thể tích tuần hoàn, máu đến mũi cũng nhiều hơn làm sung huyết các mạch máu gây nên triệu chứng tắc nghẽn ở mũi.


Triệu chứng tắc nghẽn ở mũi do sung huyết mũi ở mẹ bầu
Triệu chứng tắc nghẽn ở mũi do sung huyết mũi ở mẹ bầu

9. Cảm giác thèm ăn hoặc chán ăn

Cảm giác thèm ăn hoặc chán ăn có thể là những triệu chứng trong thai kỳ sớm và muộn. Trong thai kỳ cần thiết cung cấp đủ calories, chất dinh dưỡng như protein và acid folic. Bạn nên lựa chọn và thay đổi chế độ ăn để có thể cung cấp đủ dưỡng chất cho thai kỳ.

10. Thay đổi cảm xúc

Thay đổi cảm xúc do sự thay đổi về hormone, mệt mỏi cũng như stress trong thai kỳ sớm, thai phụ tăng nhạy cảm với những thay đổi bên ngoài, lo lắng và có thể dẫn đến trầm cảm.

11. Hoa mắt, bồn chồn, chóng mặt đặc biệt khi thay đổi tư thế

Hoa mắt, bồn chồn, chóng mặt đặc biệt khi thay đổi tư thế. Điều này là bình thường nhưng nên để ý nếu bạn đã nằm nghỉ nhưng chóng mặt vẫn không giảm. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên thay đổi tư thế một cách từ từ, uống nhiều nước và ăn những thức ăn nhỏ, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa ăn nhỏ. Đôi khi triệu chứng này cũng có thể do bệnh lý thiếu máu nếu triệu chứng vẫn tồn tại lâu dài, lúc đó bạn nên đến khám và được tư vấn rõ hơn.

12. Đau đầu

Đau đầu là triệu chứng phổ biến trong thai kỳ sớm do sự thay đổi của hormone. Bạn nên đến gặp bác sĩ để xin các loại thuốc giảm đau không cần toa, không ảnh hưởng đến thai kỳ.


Tình trạng thai nghén kéo dài, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ ngay
Tình trạng thai nghén kéo dài, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ ngay

Chẩn đoán có thai

Những triệu chứng sớm của thai kỳ rất đa dạng, và để chẩn đoán xác định việc mang thai. Bác sĩ thường dùng 3 phương pháp sau:

Thứ nhất: Thử beta-hCG trong máu hoặc trong nước tiểu. beta-hCG là hormone được sản xuất ra sau khi phôi làm tổ. Có một số bệnh lý liên quan việc tăng hCG.

Thử máu và thử nước tiểu được làm bằng 2 phương pháp khác nhau. Thử máu có thể định lượng nồng độ beta-hCG trong máu ngày 10 khi phôi làm tổ. Thử nước tiểu để định tính beta-hCG, kết quả chậm hơn, kết quả (+) vào ngày 14 sau khi phôi làm tổ.

Thứ hai: Siêu âm thai là phương pháp thường dùng để xác nhận có thai. Vào thai kỳ sớm, ta có thể siêu âm ngã âm đạo để phát hiện thai. Siêu âm ngã âm đạo phát hiện ra thai sớm tốt hơn ngã bụng.

Thứ ba: Siêu âm Doppler xác nhận tim thai: sau khi đã xác định có thai, ta có thể dùng siêu âm Doppler để kiểm tra hoạt động của tim thai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe