Những câu hỏi thường gặp khi siêu âm tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Hải - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán bằng sóng siêu âm giúp các bác sĩ có góc nhìn tổng quát nhất về chức năng, hình thái và huyết động học ở tim. Siêu âm tim có thể bao gồm đánh giá các vị trí như vách tim, buồng tim, màng ngoài tim hay một số mạch máu lớn nối với tim.

1. Siêu âm tim là gì?

Siêu âm tim là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn giúp quan sát chuyển động của tim, đồng thời đánh giá chức năng bơm máu của cơ tim và van tim. Nhờ vào kết quả siêu âm tim, bác sĩ cũng biết được kích thước, hình dạng, độ dày của tim và các bất thường khác nếu có.

2. Phân loại siêu âm tim

Siêu âm tim được phân ra làm các loại khác nhau dựa trên vị trí và cách thức:

  • Siêu âm tim qua thành ngực: Là kỹ thuật siêu âm tim phổ biến nhất, dùng đầu dò khảo sát bên ngoài thành ngực, sát với tim để thu nhận hình ảnh.
  • Siêu âm tim qua thực quản: Sử dụng đầu dò gắn vào đầu của ống nội soi và đưa vào thực quản để giúp bác sĩ khảo sát rõ hơn các chi tiết của tim từ phía sau. Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh rõ nét và chi tiết hơn so với siêu âm tim truyền thống.
  • Siêu âm Doppler: Giúp khảo sát những biến đổi về mặt hình thái, chức năng cũng như lưu lượng máu ở tim, đo áp lực động mạch phổi. Kết quả của siêu âm Doppler có thể dùng để kiểm tra, phát hiện một số bệnh lý tim mạch và đánh giá cung lượng tim.
  • Siêu âm tim gắng sức: Kiểm tra gắng sức sẽ kết hợp việc tập thể dục (thường là đi bộ hoặc chạy bộ trên máy). Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim, huyết áp và xung điện của tim. Siêu âm tim sẽ tiến hành trước và sau khi tập thể dục. Phương pháp này giúp chẩn đoán: Bệnh lý thiếu máu cục bộ cơ tim, bệnh tim mạch vành, suy tim, các vấn đề ảnh hưởng đến van tim.
  • Siêu âm tim thai: Giúp đánh giá hoạt động của tim thai vào khoảng tuần thứ 18-22 trong thai kỳ.

Hình ảnh bệnh nhân được siêu âm qua thành ngực
Hình ảnh bệnh nhân được siêu âm qua thành ngực

Những mặt cắt cơ bản được áp dụng trong siêu âm tim bao gồm: Mặt cắt dưới sườn, mặt cắt cạnh ức, mặt cắt cạnh ức trục ngắn, mặt cắt từ mỏm.

3. Vai trò của siêu âm tim

Siêu âm tim là kỹ thuật chẩn đoán giúp bác sĩ khảo sát và đánh giá các chi tiết như:

  • Đánh giá hoạt động bơm máu của tim: hoạt động của van tim, hướng máu chảy qua tim, đo lưu lượng máu bị suy yếu trong tình trạng hẹp động mạch chủ.
  • Đánh giá điện tâm đồ (ECG): mức thay đổi dòng điện trong tim.
  • Chẩn đoán các bệnh lý tim mạch như hở van hai lá, xơ cơ tim, rối loạn nhịp tim, tràn dịch màng tim, tắc nghẽn hay giãn buồng tim, xác định vị trí huyết khối hoặc khối u trong tim.
  • Xác định bệnh lý tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị bệnh lý tim mạch như: Thuốc điều trị suy tim, van tim nhân tạo và máy tạo nhịp.
  • Kiểm tra sức khỏe tim định kỳ, tái đánh giá với bệnh nhân sau cơn đau tim, đột quỵ.

4. Khi nào nên siêu âm tim?

Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm tim nếu nghi ngờ bệnh nhân đang gặp các vấn đề về tim. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể báo hiệu nguy cơ bệnh tim bao gồm:

  • Nhịp tim không đều
  • Thường xuyên thấy khó thở
  • Huyết áp tăng giảm bất thường.
  • Kết quả điện tâm đồ bất thường.
  • Khám bằng ống nghe thấy tiếng thổi ở tim.
  • Phù chân.

Thường xuyên thấy khó thở người bệnh cần được thăm khám và siêu âm tim
Thường xuyên thấy khó thở người bệnh cần được thăm khám và siêu âm tim

5. Quy trình thực hiện siêu âm tim

Chuẩn bị trước siêu âm tim:

  • Nếu siêu âm tim từ bên ngoài thì cơ thể không cần phải chuẩn bị đặc biệt.
  • Với người siêu âm tim qua thực quản, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn, uống (trừ uống nước lọc) trong ít nhất 4 giờ trước khi tiến hành khảo sát.

Quy trình siêu âm tim sẽ được tiến hành lần lượt theo các bước:

  • Bệnh nhân nằm lên giường khám, cởi áo để lộ vùng ngực.
  • Bác sĩ bôi đều gel lên vị trí cần khảo sát để thu được hình ảnh chất lượng, sắc nét và làm mờ ánh sáng trong phòng siêu âm.
  • Sau đó bác sĩ điều chỉnh máy đến các vị trí siêu âm tim sao cho dễ dàng nhìn thấy các hình ảnh và thông số cần thiết. Nếu vô tình phát hiện có 1 lỗ trong tim hoặc cảm thấy cần thiết, bệnh nhân sẽ được chỉ định tiêm thuốc để hạn chế những rủi ro, biến chứng không đáng có.
  • Thời gian thực hiện siêu âm tim kéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng và để đạt được hiệu quả cao nhất, bác sĩ thường kết hợp với đo điện tâm đồ.

Kết thúc siêu âm:

  • Với siêu âm tim qua thành ngực, bệnh nhân có thể quay trở lại các hoạt động sinh hoạt bình thường .
  • Với trường hợp siêu âm tim qua thực quản, bệnh nhân có thể phải ở lại bệnh viện hoặc phòng theo dõi sức khỏe trong vài giờ trước khi ra về.
  • Những bệnh nhân có sử dụng thuốc an thần trong khi siêu âm tim cũng không nên lái xe trong vài giờ sau đó.

6. Các tác dụng phụ sau khi siêu âm tim

Siêu âm tim là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có nguy cơ tác dụng phụ thấp. Đôi khi siêu âm tim qua thực quản có thể gây kích thích phản xạ nuốt, khiến bệnh nhân có cảm giác hơi khó chịu ở họng sau khi kết thúc siêu âm. Các biến chứng như tổn thương cổ họng, dây thanh âm hoặc thực quản rất hiếm khi xảy ra.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc an thần, thuốc gây mê toàn thân, thuốc tương phản trong quá trình siêu âm tim có thể gây ra một số phản ứng phụ (hiếm gặp) như: đau đầu, buồn nôn, lo lắng bồn chồn, vấn đề về thị lực hoặc thính giác...

Một số người lại xuất hiện vấn đề huyết áp hoặc giảm cung cấp oxy cho tim trong quá trình kiểm tra tim gắng sức. Vì vậy, siêu âm tim gắng sức nên được thực hiện ở các cơ sở y tế được trang bị thiết bị tân tiến, nhân sự cấp cứu để sẵn sàng trong trường hợp gặp bất kỳ biến chứng nào trong quá trình thực hiện siêu âm tim.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe