Ngoài tác dụng giúp làm ổn định nhịp tim, Adenosine còn được sử dụng để phát hiện những bất thường cục bộ trong co bóp do bệnh lý động mạch vành gây ra, cải thiện lưu lượng máu được vận chuyển đến tim trong các xét nghiệm tim gắng sức.
1. Adenosine có tác dụng gì?
Adenosine là một loại nucleoside, được dùng để điều trị bệnh loạn nhịp tim. Cơ chế hoạt động của thuốc là làm chậm những xung điện trong tim, từ đó làm chậm hoặc bình thường nhịp tim. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng cải thiện lưu lượng máu được vận chuyển đến tim trong các xét nghiệm tim gắng sức, do đó, thuốc được sử dụng trong các bài kiểm tra gắng sức tim.
Ngoài tác dụng chính trên, Adenosine còn được dùng để hỗ trợ kỹ thuật xạ hình tưới máu cơ tim để phát hiện những bất thường cục bộ trong co bóp do bệnh lý động mạch vành gây ra. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thuốc này tùy theo tình trạng bệnh.
Adenosine được bào chế với hàm lượng sau:
- Tiêm tĩnh mạch: lọ 6 mg/2 ml và 12 mg/4 ml.
- Truyền tĩnh mạch: lọ 30 mg/ml.
2. Adenosine nên dùng như thế nào?
2.1 Liều Adenosine dùng với người lớn
Để điều trị nhịp tim nhanh hoặc chẩn đoán điện tim trên thất trên bệnh nhân là người lớn, Adenosine được dùng như sau:
- Liều khởi đầu: Tiêm tĩnh mạch nhanh (từ 1 - 2 giây) 3 mg vào tĩnh mạch ngoại vi trung tâm, sau đó tiêm tiếp 6mg sau 1-2 phút nếu cần thiết. Trong khi tiêm tim mạch được kiểm soát song song.
- Liều thứ hai: Nếu liều khởi đầu không hiệu quả, sau 1 - 2 phút, tiêm tiếp 12 mg.
Đối với hình ảnh cơ tim, Adenosine được dùng như sau:
- Tiêm và truyền trong 6 phút liều 140 mcg/kg/phút. Sau 3 phút truyền, tiêm phóng xạ nuclit.
2.2 Liều Adenosine dùng với trẻ em
Để điều trị nhịp tim nhanh hoặc chẩn đoán điện tim trên thất trên bệnh nhân là trẻ em, Adenosine được dùng như sau:
- Liều khởi đầu: Tiêm tĩnh mạch 50-100 mcg/kg.
- Liều thứ hai: Nếu liều khởi đầu không hiệu quả, sau 1 - 2 phút có thể tiêm tiếp 50-100 mcg/kg đến khi kiểm soát được tình trạng rối loạn nhịp tim. Liều dùng tối đa là 300 mcg/kg.
Lưu ý khi dùng Adenosine người lớn hay trẻ em đều phải có sự theo dõi của bác sĩ cùng phương tiện hồi sức tim và hô hấp được trang bị sẵn.
3. Dùng Adenosine có gây tác dụng phụ không?
Adenosine có thể gây ra một số tác dụng phụ thường gặp như sau:
- Đau đầu, chóng mặt, choáng váng
- Khó thở, buồn nôn
- Đỏ mặt, mặt nóng bừng
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng hiếm gặp khác, nếu xảy ra người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức:
- Dị ứng nặng như ngứa, nổi mề đay, phát ban, khó thở, đau tức ngực, đau họng, sưng mặt, miệng
- Rối loạn nhịp tim, ngất
- Mất trí nhớ tạm thời, động kinh, bị liệt một bên
- Đau đầu, chóng mặt, mắt mờ, rối loạn ngôn ngữ
- Đau hàm, cổ họng, thở khó
4. Những đối tượng nào cần lưu ý khi dùng Adenosine?
Adenosine chống chỉ định với những đối tượng bệnh nhân sau:
- Bị hội chứng nút xoang nhưng không sử dụng máy tạo nhịp nhân tạo.
- Bị loạn nhịp tim độ hai hoặc độ ba nhưng không sử dụng máy tạo nhịp nhân tạo.
- Bị hen suyễn hoặc hen phế quản.
- Bị mẫn cảm hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của Adenosine.
Adenosine là thuốc chống loạn nhịp tim, có thể được dùng ở người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, thuốc được dùng dưới sự theo dõi của bác sĩ với thiết bị hồi sức tim và hô hấp.
Bệnh tim mạch thường diễn biến thầm lặng nhưng lại gây ra những hậu quả nặng nề. Khám sàng lọc tim mạch giúp phát hiện, chữa trị kịp thời trước khi quá muộn. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói Sàng lọc tim mạch - Khám cơ bản tim mạch, giúp phát hiện các bệnh tim mạch ngay cả khi chưa có triệu chứng, từ đó có phương pháp điều trị sớm để mang lại kết quả tối ưu.
Để đăng ký khám sàng lọc tim mạch tại Vinmec, Quý khách có thể liên hệ hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.