Suy dinh dưỡng bào thai là tình trạng thai nhi kém hoặc chậm phát triển. Có nhiều nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai. Sau khi sinh trẻ kém phát triển về chiều cao, cân nặng, thường mắc bệnh do nhiễm khuẩn, ... là một trong những biến chứng khi bị suy dinh dưỡng bào thai.
1. Tổng quan về suy dinh dưỡng bào thai
Suy dinh dưỡng bào thai là tình trạng thai nhi kém hoặc chậm phát triển trong tử cung người mẹ.
Suy dinh dưỡng bào thai có thể được phát hiện thông qua khám thai định kỳ, dựa vào các chỉ số đo được bằng phương pháp siêu âm như chiều dài, cân nặng, chu vi vòng đầu, vòng bụng, chiều dài đùi của trẻ, chiều cao của tử cung người mẹ.
Nếu sau khi sinh ra, trẻ nặng dưới 2,5kg mặc dù sinh đủ tháng thì được xem là trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai.
2. Nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai
Có nhiều nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai như:
- Tuổi tác của người mẹ: Mẹ lớn tuổi (>35 tuổi) mang thai làm tăng nguy cơ các vấn đề về thai nhi như suy dinh dưỡng, dị tật tim bẩm sinh, hội chứng down, hở hàm ếch, ...
- Dinh dưỡng thai kỳ: Khi mang thai, nếu người mẹ không đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất đạm, bột, béo và vitamin, khoáng chất, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi.
- Sức khỏe người mẹ: Trong thai kỳ, nếu mẹ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, cúm ... sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, làm tăng các nguy cơ mắc dị tật, suy dinh dưỡng bào thai.
- Lao động quá sức: Nếu người mẹ mang thai lao động gắng sức, hoặc môi trường làm việc độc hại, ô nhiễm, công việc việc nặng nhọc, thường xuyên áp lực, căng thẳng, ... cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
3. Những biến chứng khi bị suy dinh dưỡng bào thai thường gặp ở trẻ
Suy dinh dưỡng trong bào thai có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của trẻ:
- Dễ bị nhiễm khuẩn: Trẻ bị suy dinh dưỡng sớm từ thời kỳ bào thai sẽ bị thiếu hụt các khoáng chất và vitamin, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ, do đó làm tăng khả năng bị nhiễm virus, vi khuẩn. Khi hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm, nghĩa là chức năng bảo vệ của các cơ quan bên trong cũng như bên ngoài bị ảnh hưởng, trẻ sẽ dễ mắc bệnh hơn trẻ bình thường, từ các bệnh như khô mắt, đến sởi, viêm phổi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ...
- Hạ thân nhiệt: Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai rất nhạy cảm với nhiệt độ của môi trường bên ngoài. Do đó, sau khi sinh, nếu trẻ không được ủ ấm, trẻ có thể bị hạ thân nhiệt nhanh và ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
- Hạ đường huyết: Đường huyết của trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai sau khi sinh thường rất thấp. Triệu chứng trẻ bị hạ đường huyết như co giật, run, rên, quấy khóc, tím, ngưng thở... Vì vậy, trẻ cần được theo dõi liên tục 3 - 4 giờ/lần các chỉ số bao gồm đường huyết, canxi, công thức máu, đông máu.
- Kém phát triển về chiều cao, cân nặng: Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai sẽ chậm phát triển về chiều cao và cân nặng hơn trẻ bình thường. Trẻ thường ốm yếu, gầy gò, thấp bé hơn những trẻ khác.
- Di chứng tâm thần: Nếu sau khi sinh ra, trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ và chu vi vòng đầu vẫn bình thường thì có thể trẻ không mắc phải di chứng về tâm thần. Tuy nhiên, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng thể nặng và ảnh hưởng đến kích thước vòng đầu thì có thể trẻ phải chịu những di chứng về tâm thần, thần kinh chậm phát triển.
4. Phòng tránh suy dinh dưỡng bào thai
Để phòng tránh suy dinh dưỡng bào thai, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai cần lưu ý:
- Bổ sung sắt trước và sau khi sinh để tránh bị thiếu máu.
- Ăn uống đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng để thai nhi phát triển khỏe mạnh.
- Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, áp lực ảnh hưởng đến thai nhi.
- Khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường về sức khỏe cũng như tình trạng thai nhi.
- Không sử dụng chất kích thích khi đang mang thai như thuốc lá, rượu bia.
- Tránh mang thai và sinh con dưới 18 tuổi hoặc trên 35 tuổi để giảm nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai.
- Nếu mắc các bệnh mãn tính, cần chữa khỏi bệnh rồi mang thai, đặc biệt là những bệnh lây truyền từ mẹ sang con.