Mang thai tháng thứ mấy nên bổ sung sắt?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bác sĩ cho cháu hỏi mang thai tháng thứ mấy nên bổ sung sắt? Cháu cảm ơn bác sĩ.

Lâm Mộng Kha (1998)

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Mang thai tháng thứ mấy nên bổ sung sắt?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Thông thường, một người phụ nữ trong thời kỳ mang thai cần nhiều máu hơn so với bình thường, điều này giúp tăng cường sức khỏe và nhu cầu phát triển của thai nhi.

Bên cạnh đó, sắt cũng có tác dụng làm tăng cảm giác ngon miệng. Đối với những người khi mang bầu mà bị thiếu máu (do thiếu sắt) sẽ có cảm giác chán ăn, khó ngủ, người mệt mỏi vì lượng oxy lên não cũng như các tế bào trong cơ thể là rất ít. Thiếu sắt còn là nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng của mẹ dẫn đến nhiễm trùng. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ cao thiếu máu, dẫn đến tình trạng sức khỏe kém.

Đối với bà mẹ thiếu sắt sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, nhiễm trùng hậu sản, băng huyết sau sinh, suy nhược cơ thể,... Đây cũng là yếu tố dẫn đến sự suy dinh dưỡng bào thai, non tháng, nhẹ cân, ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và trí lực của trẻ sau này.

Vì vậy, việc bổ sung sắt trong thai kỳ là việc vô cùng quan trọng đối với các mẹ bầu. Thông thường, trước khi mang thai một người người phụ nữ cần tối thiểu 15mg/ngày. Đến khi có thai, cơ thể sẽ cần một lượng sắt gấp đôi tức là khoảng 30mg/ngày. Trong trường hợp không cung cấp đủ, bà bầu sẽ mắc chứng thiếu máu, ảnh hưởng tới sức khỏe của cả thai nhi.

Theo như Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo, phụ nữ lần đầu tiên phát hiện có thai nên sử dụng viên sắt mỗi ngày, uống kéo dài tới sau khi sinh một tháng. Liều bổ sung là 60mg sắt kèm theo acid folic 400mcg mỗi ngày. Ngoài ra, cũng nên sử dụng các thực phẩm có tăng cường sắt, acid folic cho phụ nữ mang thai. Nguồn bổ sung sắt an toàn và phong phú nhất cho các bà bầu chính là những loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Sắt có nhiều trong các loại thịt có màu đỏ như tim, gan, thịt gia cầm, cá, nghêu, hàu, lòng đỏ trứng; Các loại đậu, ngũ cốc, các loại rau có lá xanh đậm, bông cải, bí ngô và trái cây khô. Trong đó, nguồn gốc động vật được coi là nguồn hấp thụ sắt tốt hơn so với thực vật. Ở một người bình thường hấp thu có thể hấp thu được 10 - 15% sắt từ động vật, con số này chỉ còn là 5 - 10% sắt ở thực vật.

Ngoài việc bổ sung chất sắt thì các bà mẹ cũng nên lưu ý bổ sung thêm các chất khác như Folate và dạng acid folic tổng hợp của nó, Vitamin B-12,... Bởi các chất này cũng tham gia vào quá trình tạo máu. Hiện nay, trong viên thuốc vitamin tổng hợp thường có hàm lượng sắt khá cao, thông thường khoảng 24mg/ viên bổ tổng hợp. Vì vậy, ngay khi biết mình có thai thì bạn nên sử dụng sản phẩm vitamin tổng hợp có chứa sắt dành cho bà bầu.

Việc có phải bổ sung thêm viên sắt đơn hay không thì cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nếu bổ sung quá nhiều sắt khiến cơ thể thừa sắt gây hại cho gan và ảnh hưởng đến em bé, thậm chí có những trường hợp mẹ bầu mang gen tan máu khiến nồng độ sắt tự do trong cơ thể mẹ khá cao, khi bổ sung quá liều sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng thai phụ và em bé. Do đó, bạn cần đi khám bác sĩ để có chỉ định dùng thuốc đúng nhất.

Nếu bạn còn thắc mắc về bổ sung sắt, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe