Nhu cầu của trẻ em

Khoảng thời gian trước 6 tuổi là những năm đầu đời, và là khoảng thời gian cần được chú ý để trẻ được chăm sóc về thể chất và hình thành nhân cách. Ở độ tuổi này, trẻ thực sự cần những gì? Có phải hàng ngày, trẻ nói là “con thích xem tivi”, “con muốn mua búp bê giống bạn Hoa”, “con không thích anh Khánh”... là trẻ đang cần những thứ đó không? Thật sự thì nhu cầu của trẻ cần những gì?

1. Tìm hiểu chung

Điểm qua một vài lý thuyết về nhu cầu ở tâm lý học phương Tây, các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng yếu tố “nhu cầu” có quan hệ mật thiết với hành vi và nhân cách của con người. Ví dụ, theo tâm lý học hành vi, một số nghiên cứu của các nhà khoa học như Wkoler, Ethordike, NE.Mil đã chỉ ra được rằng hành vi được thúc đẩy bởi nhu cầu và đưa ra kết luận “nhu cầu có thể quyết định hành vi”, đặc biệt là những nhu cầu cụ thể hoặc nhu cầu sinh lý. Tuy các thí nghiệm này mới chỉ thực hiện trên con vật nhưng kết luận đưa ra cũng có một phần hợp lý khi phân tích trên hành vi của con người, đặc biệt sau này, các nhà hành vi mới có thêm vào yếu tố trung gian như kinh nghiệm sống, thời gian chờ đợi, sự cân nhắc... trong việc các kích thích có tác động đến hành vi như thế nào.

Theo Clack Hull, một đại biểu của tâm lý học hiện sinh, thì cho rằng các nhu cầu sinh lý chi phối đời sống con người. Còn theo Erich Formm – theo trường phái phân tâm mới cũng cho rằng “nhu cầu tạo ra cái tự nhiên của con người”. Các nhu cầu có thể kể đến gồm có: nhu cầu quan hệ người – người; nhu cầu tồn tại “cái tâm” con người; nhu cầu đồng nhất bản thân và xã hội với dân tộc, giai cấp, tôn giáo; nhu cầu về sự bền vững và hài hòa; nhu cầu nhận thức/nghiên cứu.

Maslow – một đại diện của tâm lý học nhân văn cũng đưa ra tháp nhu cầu, trong đó liệt kê ra một số nhu cầu thiết yếu của con người, được sắp xếp từ đáy tháp là những nhu cầu thiết yếu (nhu cầu thiếu hụt) lên đến đỉnh tháp là nhu cầu ít thiết yếu hơn (nhu cầu phát triển). Các nhu cầu này được sắp xếp theo bậc thang, nhưng vẫn có sự linh hoạt và thay đổi từng điều kiện cụ thể. Henrry Mussay cũng nhắc tới nhu cầu “là một tổ chức cơ động, hướng dẫn và thúc đẩy hành vi”. Theo Phillip Kotler thì ông nghiên cứu nhu cầu trong kinh doanh có thể chia thành các loại như: nhu cầu được nói ra, nhu cầu thực tế, nhu cầu không được nói ra, nhu cầu thích thú, nhu cầu thầm kín...

Một số nhà nghiên cứu của tâm lý học Liên Xô cũng khẳng định: nhu cầu là yếu tố bên trong quan trọng đầu tiên thúc đẩy hoạt động của con người. Như Unetze cho rằng tương ứng với mỗi một hành vi là một nhu cầu, có thể dựa vào hành vi của họ để phân loại nhu cầu của họ. Lomov cũng cho rằng nhu cầu là một thuộc tính của nhân cách, mỗi người đều có nhiều loại nhu cầu: như nhu cầu cá nhân, nhu cầu xã hội, nhu cầu nhận thức, nhu cầu sáng tạo...


Nhu cầu của trẻ em ảnh hưởng tới hành vi
Nhu cầu của trẻ em ảnh hưởng tới hành vi

2. Nhu cầu của trẻ em

Có thể thấy được, nhu cầu ảnh hưởng tới hành vi, và hành vi trẻ thể hiện rõ những mong muốn của trẻ. Còn với trẻ con, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, chúng có những nhu cầu gì và chúng thể hiện ra bằng cách nào khi chưa có ngôn ngữ? Có thể tham khảo qua một vài nhu cầu dưới đây:

Nhu cầu về bản thân trẻ: là những nhu cầu phục vụ cho sự phát triển của trẻ như cần được ăn, uống theo liều lượng và sở thích của trẻ, được tự do lựa chọn những đồ cần với bản thân mình mà không bị ép buộc; cần có thời gian ngủ - vận động cho phù hợp lứa tuổi chứ không nhất thiết là phải ngồi yên một chỗ; được đảm bảo sự an toàn về cả thể chất lẫn tinh thần.

Trẻ có thể thể hiện bằng việc thích ăn món này mà không thích ăn món kia, hoặc bằng cách thích ngủ ở trong môi trường tối hoặc cần có nhạc. Điều này có thể thấy rõ ràng khi trẻ mới chỉ được vài tháng tuổi, rõ hơn nữa ở thời kỳ ăn dặm, trẻ sẽ thích một số vị hơn những vị khác. Hoặc các trẻ từ khi bắt đầu biết bò, biết đi (khoảng 9 tháng) sẽ hoạt động bằng cách leo trèo, chạy nhảy, sờ nắm, cắn... đồ vật để khám phá liên tục. Những hoạt động này có thể kéo dài đến khi trẻ 2 tuổi. Các bậc phụ huynh cần lưu ý đến nhu cầu này trong sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời để tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm.

Nhu cầu về sự yêu thương: trẻ em cần được bố mẹ nói hoặc thể hiện tình cảm yêu thương, được nâng đỡ cảm xúc, được người thân dành thời gian để trò chuyện, được gia đình âu yếm vỗ về khi thất bại, được che chở khi gặp nguy hiểm.... Có thể thấy được nhu cầu này qua các hành vi của trẻ như bám bố mẹ, luôn nhõng nhẽo, đòi hỏi bố mẹ, thích được bế bồng, đi đến nơi lạ có thể sẽ sợ và khóc... Nhu cầu này ở trẻ là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, có nhiều trẻ sẽ thể hiện ra bằng những hành vi chưa phù hợp như bám riết lấy bố mẹ, hoặc khóc ròng rã khi đến trường học mới, gây ảnh hưởng đến chức năng học tập và vui chơi của trẻ... Bố mẹ cần hiểu và thông cảm, qua đó tìm được những cách trấn an cảm xúc phù hợp cho trẻ.

Nhu cầu về tính trật tự: những gì diễn ra với trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, cần theo trật tự nhất định. Tính trật tự thể hiện qua việc người lớn sắp xếp môi trường, hoặc tạo các thói quen hàng ngày cho trẻ và tuân thủ theo nó. Ví dụ: cần có những quy tắc về việc sắp xếp khu vực học tập, sách vở để trên bàn, màu vẽ và bút vẽ để trong rổ, hộp bút để trên giá... luôn để ở vị trí cố định để trẻ nhớ và làm theo. Nếu mỗi hôm mà để đồ vật ở một nơi khác thì trẻ sẽ không biết cất hoặc tìm ở đâu, hình thành nên tính cách bừa bãi cho trẻ.

Lứa tuổi nhạy cảm với sự trật tự bắt đầu từ khoảng 18 tháng, khi trẻ đã có mức nhận thức nhất định. Trẻ sẽ có thể phân biệt đồ dùng của người này với đồ dùng của người khác, phân biệt được vị trí để cốc nước và chai nước, phân biệt được đường về nhà và đường đi học.... Đến 3 tuổi, tính trật tự vẫn duy trì ở trẻ, có thể một vài thời điểm, trẻ sẽ “cứng nhắc” và chỉ thực hiện theo những thói quen đã từng làm trước đó – nhưng việc đó cần được tôn trọng, được đáp ứng và thay đổi dần.


Trẻ em cần được bố mẹ nói hoặc thể hiện tình cảm yêu thương
Trẻ em cần được bố mẹ nói hoặc thể hiện tình cảm yêu thương

Nhu cầu về phát triển bản thân: Trẻ cần được tham gia vào các hoạt động trong cuộc sống, được phát triển 5 giác quan, được học các môn như âm nhạc, nghệ thuật, vận động... để trẻ sẵn sàng tham gia vào xã hội mới là môi trường lớp học. Trẻ cũng cần được tham gia vào các câu chuyện, được đóng góp ý kiến vào những vấn đề liên quan đến bản thân mình, ví dụ như: được chọn quần áo, được chọn đồ dùng mang đi học, được quyết định chơi trước hay sẽ uống sữa trước...

Nhu cầu được khẳng định bản thân: liên quan đến sự hình thành và phát triển ý chí, ví dụ như trẻ có thể nói “không” khi không thích, và cần phải chịu trách nhiệm nếu làm sai, như là cần phải dọn dẹp nếu trẻ làm đổ vỡ đồ. Trẻ thích và lựa chọn hoạt động nào là ở nhu cầu của trẻ, người lớn có thể định hướng nhưng không thể ép trẻ làm việc này, việc kia. Bố mẹ nên chia sẻ các câu chuyện hàng ngày với trẻ, để trẻ được nghe hiểu và được suy nghĩ, được nói ra ý kiến của mình.

Nhu cầu được cống hiến và được thừa nhận: Khi trẻ có khả năng làm việc thì sẽ có nhu cầu và trách nhiệm làm mọi việc, có thể là những việc nhỏ giúp đỡ bố mẹ trong gia đình như lau dọn nhà cửa, cất quần áo... hoặc giúp đỡ thầy cô giáo và bạn bè xung quanh: trông em bé, dắt em qua đường, sắp xếp bàn ghế ở lớp học... Khi được giao việc, trẻ sẽ có cảm giác tự tin và có cảm giác được thừa nhận, từ đó cơ thể sẽ sản sinh ra hoocmon dopamin - một loại hoocmon hạnh phúc – giúp trẻ vui vẻ và phấn chấn hơn. Bố mẹ nên cho trẻ bắt đầu từ những việc trong gia đình trước để trẻ được hướng dẫn, và có thể kiểm soát được, và từ những việc dễ trước, việc khó sau, và cần loại bỏ những thứ nguy hiểm cho trẻ. Sau đó, trẻ cần được người lớn khen và ghi nhận những gì trẻ làm, kết quả và cả công sức của trẻ. Làm được như vậy, bố mẹ sẽ giúp con nâng cao được lòng tự trọng của bản thân. Nhu cầu này thể hiện rằng trẻ cần được công nhận là 1 thành viên trong gia đình và ghi nhận công sức của trẻ

Nhu cầu được thấu hiểu: trẻ cần được người lớn lắng nghe những câu chuyện, những nỗi lòng của mình, những cảm xúc của trẻ, không phải là luôn bị áp đặt theo cách nghĩ và cảm xúc của người lớn. Việc này đặc biệt cần thiết khi trẻ khóc vì bị trêu, bị đánh, hoặc khi trẻ cảm thấy tủi thân.

Biết được trẻ có những nhu cầu như vậy, các bậc phụ huynh cần ứng xử như thế nào để thỏa mãn các nhu cầu của trẻ, và để giúp được trẻ phát triển tốt hơn? Các bậc phụ huynh có thể tham khảo một số việc làm bên dưới cùng con:

  • Khi nói chuyện với trẻ, nên ngồi xuống, để tầm mắt người lớn ngang với tầm mắt trẻ - tầm giao tiếp cùng mức độ với nhau – thể hiện sự tôn trọng trẻ
  • Chia sẻ với trẻ về những chuyện diễn ra hàng ngày, với bố mẹ và hỏi về những sự việc trẻ gặp – việc này có tác dụng tăng cường ngôn ngữ hiểu, khả năng chú ý, khả năng chờ đợi cho trẻ, lại cung cấp vốn từ và cho trẻ được đáp ứng nhu cầu khẳng định bản thân cho trẻ.
  • Khi bố mẹ mong muốn trẻ làm việc nào đó, hãy cho trẻ sự lựa chọn “Con thích đi xe đạp trước hay đi patin trước?”. Việc trẻ được tự quyết định những thứ mình thích sẽ giúp trẻ tự tin và tự do, nhưng vẫn ở trong giới hạn mà bố mẹ có thể quan sát được
  • Khi trẻ làm sai, hãy để trẻ chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình. Việc “chịu trách nhiệm” không phải là bị ăn mắng, bị đánh đòn, bị đi rêu rao khắp nơi, mà là giải quyết những việc trẻ gây ra trong khả năng của trẻ. Ví dụ: trẻ rót nước và làm đổ nước thì trẻ sẽ cần phải đi lấy khăn và lau chỗ ướt; trẻ làm hỏng đồ của bạn thì trẻ cần xin lỗi và đền bù thiệt hại (trong khả năng của trẻ)
  • Luôn hỏi ý kiến của trẻ trước những việc trong cuộc sống, về cảm xúc, về đánh giá hoặc cảm nhận của trẻ, hoặc về lựa chọn của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe