Chơi cùng còn và một cái chăn

Bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến - Chuyên viên Âm ngữ trị liệu Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City

Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, trẻ em nghỉ học, bố mẹ làm việc tại nhà điều này dẫn tới nhiều thay đổi trong nền nếp sinh hoạt của cả gia đình. Các bậc cha mẹ sẽ có nhiều thời gian hơn để học và chơi cùng con. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ sẽ nhanh chóng cảm thấy bị “bí ý tưởng” vì không biết chơi gì cùng con hoặc không biết làm thế nào để bắt đầu chơi với con thật vui hay duy trì được hoạt động chơi thật hấp dẫn, thú vị. “Mua thật nhiều đồ chơi” không phải là một ý tưởng hay ở thời điểm này. Một mẹo nhỏ dành cho các bố mẹ lúc này là hãy “tận dụng” hết tất cả mọi đồ dùng sinh hoạt hoặc bất cứ thứ gì trẻ quan tâm và biến nó thành một món đồ chơi thú vị. Ví như một cái chăn hay một cái ga trải giường, chúng ta có thể chơi gì nhỉ?

1. Chơi cùng con trò chơi “Ú òa”

Đây là một trò chơi rất đơn giản và phổ biến mà chắc hẳn các bố mẹ cùng con của mình đã từng chơi với nhau ít nhất 1 lần trong đời. Bạn có thể sử dụng một cái chăn nhỏ của con, một cái ga trải giường hoặc một mảnh vải có kích thước vừa đủ che được toàn bộ cơ thể của con.

Trong lúc chơi cùng con bạn có thể cường điệu hóa các biểu hiện khuôn mặt của mình trở nên thật vui vẻ hoặc ngốc nghếch để thu hút sự chú ý đồng thời kích thích con tiếp tục chơi.

2. Trò chơi “cuốn nem”

Với trò chơi này, bạn hãy cầm 2 đầu của chiếc chăn và đứng ở phía đối diện với con, chú ý đứng xa con khoảng 2m. Bạn gọi tên con và thông báo về hoạt động bạn sắp làm (ví dụ: ví dụ: Gấu ơi, giờ mẹ sẽ làm một cái nem rau nhé). Khi con đã chú ý tới bạn, bạn hãy hô khẩu lệnh (ví dụ: 1...2...3...cuốn nem), sau đó chạy đến và ôm con bằng cái chăn. Bạn có thể nâng con lên một chút, ôm con hoặc xoay nhẹ con để tăng sự hấp dẫn cho trò chơi và khiến trẻ cảm thấy vui vẻ hơn.

Đây là hoạt động mà cha mẹ có thể chơi cùng con mỗi ngày giúp gắn kết tình cảm gia đình được nhiều hơn.


Chơi cùng con mỗi ngày với chiếc chăn sẵn có
Chơi cùng con mỗi ngày với chiếc chăn sẵn có

3. Trò chơi “Đưa võng”

Bạn để trẻ nằm hoặc ngồi giữa chăn, bố mẹ đứng ở hai đầu chăn và bắt đầu nhấc con lên. Bố/ mẹ đọc khẩu lệnh “1...2...3...đi” sau đó cùng lắc lư chăn. Trong khi chơi, bạn có thể hát bài hát con yêu thích, đồng thời nhìn vào mắt con và thể hiện rằng bạn đang rất quan tâm đến con. Trong khi chơi, bạn có thể dừng đột ngột và chờ đợi xem trẻ có phản hồi lại như: nhìn bạn, yêu cầu bạn tiếp tục hay không. Nếu con tỏ ra muốn tiếp tục chơi nhưng chưa thể nói được, bạn hãy làm mẫu cho con, chẳng hạn “tiếp”, “đu”, “nữa” hoặc “con chơi tiếp”, “mẹ đu nữa”,...

4. Trò chơi “Lên xuống”

Một trong những trò chơi cùng con là trò lên xuống. Với trò này bạn trải chăn trên sàn và để trẻ nằm giữa chăn. Bạn và một người lớn trong nhà, mỗi người cầm một đầu chăn và đọc hiệu lên “1...2...3...lên/ xuống”. Trong khi chơi, bạn có thể lắc nhẹ chăn để tạo ra những thay đổi đột ngột xem liệu trẻ phản hồi như thế nào. Nếu trẻ cười và tỏ ra thích thú, bạn có thể gợi ý con nói nhằm thể hiện nhu cầu như: “chơi tiếp”. Nếu con tỏ ra khó chịu, bạn có thể hướng dẫn con thể hiện cảm xúc của mình như: “dừng lại”, “con không thích”, “con sợ”.

5. Trò chơi “Chui qua đường hầm”

Nếu nhà bạn có sân hoặc vườn rộng, hãy đưa con ra ngoài và tạo nên một đường hầm bằng việc phủ cái chăn lên. Bạn nên tìm những đồ vật chắc chắn, có độ cao vừa phải (ví dụ: ghế hoặc bàn) và xếp chúng thành 2 dãy đối diện nhau, sau đó phủ chăn lên. Bạn có thể hướng dẫn con chơi các trò chơi vận động liên hoàn như: chui qua đường hầm, vượt chướng ngại vật để về đích. Hoặc bạn có thể hướng dẫn con đẩy xe ô tô hoặc dẫn một quả bóng chui qua đường hầm.

6. Trò chơi “Cắm trại”

Bạn dựng lều bằng việc cố định 4 góc của chăn hoặc chỉ cần chui vào trong chăn và nói với con rằng mình sẽ đi cắm trại. Trong lều, bạn nên để một vài đồ chơi con yêu thích và chơi cùng con. Bạn cũng có thể cùng con trang trí lều của mình bằng cách vẽ hoặc dán các miếng dán nhỏ lên lều. Sẽ rất tuyệt nếu bạn chuẩn bị cho con thêm 1 cái bàn nhỏ và một cái gối lười để con có thể nằm hoặc ngồi xem sách. Nếu có thể, bạn hãy cùng con thảo luận xem cả gia đình sẽ tạo ra chiếc lều đó như thế nào và hướng dẫn con từ lúc dựng lều tới khi có thể ngồi trong lều để chơi.


Trò chơi cùng con với phong cách cắm trại
Trò chơi cùng con với phong cách cắm trại

7. Trò chơi “Sâu đua”

Bạn trải chăn trên sàn và để con nằm ở mép chăn. Sau khi đếm “1...2...3...cuộn”, bạn hướng dẫn con tự cuốn mình vào chăn và cố gắng trườn đi. Nếu trẻ chưa biết làm, bạn có thể làm mẫu và cố gắng khuyến khích trẻ chơi cùng. Trò chơi này đặc biệt hữu ích với những trẻ em có nhu cầu tìm kiếm cảm giác như: muốn được ôm siết vào cơ thể.

8. Lưu ý khi chơi cùng con

Nhằm mang đến sự vui vẻ và tạo sự hứng thú chơi cùng con mỗi ngày cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nương theo con: bạn có thể lựa chọn 2-3 hoạt động để con lựa chọn. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng, đó là hoạt động con yêu thích và con muốn chơi hoạt động đó.
  • Ngang tầm với con: ngang tầm về vị trí (đối diện, sao cho bạn và con có thể dễ dàng nhìn thấy nhau khi chơi) và ngang tầm về khả năng của con (chơi ở mức độ chơi của con, yêu cầu ở mức độ con hiểu biết và nói ở mức độ con sử dụng).
  • Có kế hoạch chơi: hãy chuẩn bị đồ dùng thật kỹ trước khi bắt đầu chơi. Bởi lẽ, con có thể sẽ chạy đi mất hoặc mất hứng thú trong khi chờ đợi bạn tìm đồ dùng. Việc có kế hoạch chơi cũng rất hữu ích khi bạn muốn giới thiệu với con một hoạt động chơi mới.
  • Linh hoạt: hãy nhạy cảm với tất cả các “dấu hiệu cơ thể” của con khi chơi, chẳng hạn: con mất tập trung, con muốn chạy trốn khỏi hoạt động. Có trẻ sẽ không thể nào duy trì được hoạt động trong một khoảng thời gian dài, hãy vui vẻ chấp nhận điều đó và quay trở lại chiến lược quan sát - chờ đợi - lắng nghe và nương theo con. Bởi lẻ, trẻ chỉ chơi và vui khi được chơi hoạt động mà trẻ thích.
  • Đừng sợ những khoảng trống: có đôi khi, bạn sẽ cảm thấy rằng: bạn đã rất nỗ lực nhưng con vẫn không hợp tác và không chịu chơi cùng bạn. Không sao cả, bạn đừng sợ những khoảng trống, hãy nghĩ rằng, đó là lúc bạn cho con thời gian để quen dần với hoạt động và cũng là thời gian để bạn có thể nghĩ thêm những ý tưởng chơi mới với con.

Hãy cùng con biến những ngày nghỉ dịch nhàm chán thành những kỷ niệm tuổi thơ thật đẹp của con các bố mẹ nhé!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: professionals.cid.edu

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe