Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị huyết áp.
Nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp, bệnh nhân chỉ biết khi thông qua các lần tình cờ khám sức khỏe, hoặc cho tới khi các biến chứng của bệnh xuất hiện như đột quỵ não hay nhồi máu cơ tim. Và ngay kể cả khi đã phát hiện ra tình trạng tăng huyết áp, cũng có một tỉ lệ không nhỏ bệnh nhân chưa có sự kiểm soát và điều trị hợp lý tình trạng huyết áp của mình.
1. Các triệu chứng của tăng huyết áp
Hầu hết những người bị huyết áp cao không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, ngay cả khi chỉ số huyết áp đạt đến mức cao nguy hiểm. Một số người bị huyết áp cao có thể bị đau đầu, khó thở hoặc chảy máu cam, nhưng những dấu hiệu và triệu chứng này không đặc hiệu và thường không xảy ra cho đến khi huyết áp cao đến giai đoạn nghiêm trọng hoặc đe dọa đến tính mạng.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên là rất quan trọng, vì thường sẽ không có triệu chứng nào để cảnh báo bạn về căn bệnh này.
Huyết áp cao thường là một tình trạng mãn tính dần dần gây ra nhiều tác hại âm thầm trong khoảng thời gian dài. Nhưng đôi khi huyết áp tăng quá nhanh và nghiêm trọng đến mức nó trở thành một cấp cứu y tế cần điều trị ngay lập tức, thường phải nhập viện.
Trong những tình huống này, huyết áp cao có thể gây ra:
- Mất trí nhớ, thay đổi tính cách, khó tập trung, dễ cáu gắt hoặc mất dần ý thức
- Đột quỵ
- Tổn thương nghiêm trọng đến động mạch chính của cơ thể ( bóc tách động mạch chủ)
- Đau thắt ngực - nhồi máu cơ tim
- Chức năng tim đột ngột bị suy yếu, dẫn đến phù phổi cấp
- Mất chức năng thận đột ngột
- Biến chứng ở phụ nữ mang thai (tiền sản giật hoặc sản giật)
2. Chỉ số huyết áp bình thường và chỉ số cao huyết áp
Huyết áp thường được đo bằng hai chỉ số là: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Dựa trên 2 giai đoạn co bóp và giãn nghỉ của cơ tim tương ứng với áp lực lớn nhất và áp lực nhỏ nhất của dòng máu trong động mạch.
Huyết áp bình thường: Đối với người lớn, huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg thì được gọi là huyết áp bình thường.
Huyết áp cao: Khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên thì chẩn đoán là cao huyết áp.
3. Theo dõi huyết áp như thế nào?
Để kiểm soát tốt bệnh thì việc theo dõi huyết áp tại nhà rất cần thiết, nhất là với những người có tiền sử bệnh huyết áp hay người già có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
Việc tự đo huyết áp cũng không còn nhiều khó khăn, bởi những loại máy đo huyết áp điện tử hiện nay được thiết kế rất dễ sử dụng từ việc sử dụng máy đo huyết áp tại nhà giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cho hợp lý.
Tuy nhiên thường có hai hiện tượng đặc trưng khi đo huyết áp ảnh hưởng đến con số thực của huyết áp đó là tăng huyết áp áo choàng trắng và tăng huyết áp giấu mặt.
- Tăng huyết áp áo choàng trắng: là trường hợp huyết áp của người bệnh thường tăng khi đo ở các cơ sở y tế nhưng lại thấp ở nhà.
- Tăng huyết áp giấu mặt: là trường hợp khi đo ở các cơ sở y tế thì bình thường nhưng về nhà thì lại tăng cao.
Trong trường hợp này, máy đo huyết áp tại nhà sẽ giúp người bệnh và bác sĩ có đầy đủ thông tin hơn về huyết áp của người bệnh.
Thêm một lý do để thấy lợi ích của việc theo dõi huyết áp tại nhà: nếu xét về mặt tâm lý, theo dõi thường xuyên huyết áp tại nhà sẽ giúp người bệnh quen dần và không còn cảm thấy lo lắng áp lực bệnh tật nữa. Ngoài ra còn có động lực hơn để kiểm soát huyết áp của bạn với một chế độ ăn uống được cải thiện, hoạt động thể chất và sử dụng thuốc thích hợp.
4. Hướng dẫn cách đo huyết áp
Để có được kế hoạch điều trị phù hợp, việc tự theo dõi huyết áp tại nhà đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đây là tư liệu vô cùng đáng giá để giúp bác sĩ nhận biết và có sự điều chỉnh phù hợp trong chiến lược điều trị tăng huyết áp, nhằm duy trì mức huyết áp mục tiêu và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh thầm lặng này.
4.1 Tư thế đo
Tư thế tưởng chừng như không quan trọng nhưng nó là một trong những yếu tố đầu tiên được xét đến khi kết quả đo huyết áp không chính xác. Trước khi đo người bệnh cần phải ngồi thoải mái và thư giãn khoảng 5 phút, không nên đo huyết áp ngay sau khi vận động mạnh hoặc ăn quá no, quá đói, quá mệt thì sẽ ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp.
4.2 Vị trí đo
Với máy đo huyết áp điện tử tại nhà thì có 2 loại: máy đo huyết áp bắp tay: Đặt cánh tay nằm ngửa trên mặt bàn với điểm cảm ứng nằm trên nếp khuỷu tay 2 cm và máy đo huyết áp cổ tay: Khi đó bạn nên nằm và duỗi thẳng tay hoặc có thể ngồi trên ghế, cánh tay và cổ tay đặt trên mặt phẳng (ngang tim).
4.3 Chọn máy đo huyết áp tại nhà
Đa phần những máy đo huyết áp điện tử hiện nay đều có độ chính xác cao. Nhưng cũng cần phải lưu ý một số điểm khi chọn sản phẩm, máy có thao tác đơn giản. bơm nhanh và êm, tính cảm ứng cao
4.4 Bao quấn tay
Dài tối thiểu là 33cm nếu đo ở bắp tay và 19.5 cm khi đo ở cổ tay.
Việc kiểm tra huyết áp phải được tiến hành hàng ngày ít nhất một lần để phát hiện mức độ cao huyết áp. Từ đó, đưa ra hướng xử trí và điều trị kịp thời tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Tăng huyết áp là một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng không nhỏ số người bệnh chưa được chẩn đoán tăng huyết áp. Dẫn đến các hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Ngoài ra, còn một lượng lớn bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp nhưng huyết áp không được kiểm soát dẫn đến những hậu quả khó lường. Vì vậy, việc tìm kiếm một bệnh viện chất lượng với các chuyên gia đầu ngành là vô cùng quan trọng giúp cho huyết áp của bạn luôn luôn ở mức ổn định.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Hội Tim mạch học Việt Nam