Nhận biết trẻ bị gãy xương

Gãy xương ở trẻ không phải là điều mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng muốn xảy ra với con mình và trong hầu hết các trường hợp, thường không phải lo lắng về những loại chấn thương bởi nó không đe dọa đến tính mạng.

Tình trạng gãy xương có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh khi sinh nở, vì da và xương của trẻ còn rất yếu. Trong nhiều trường hợp, bầm tím nhẹ là một phần bình thường của quá trình sinh nở, tuy nhiên gãy xương thường cho thấy có điều gì đó đã xảy ra trong quá trình sinh nở mà có thể được ngăn chặn. Trong bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để giúp những người chăm sóc trẻ kịp thời nhận biết và xử trí khi trẻ bị gãy xương.

1. Làm thế nào để nhận biết trẻ có bị gãy xương hay không?

Thực chất nếu để tự bản thân các bậc phụ huynh xác định được trẻ có bị gãy xương hay không có thể khó, vì một vài trường hợp có thể xương không bị gãy mà chỉ bị bong gân. Xương của trẻ nhỏ thường rất mềm dẻo nên ít khi bị gãy. Nếu vết thương của trẻ chỉ bị sưng lên một chút và bản thân trẻ cảm thấy không đau nhiều thì các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng, các bậc phụ huynh có thể sử dụng túi đá lạnh chườm lên vết sưng đó (nên có lót một miếng vải như khăn mặt) và theo dõi trong vòng một đến hai ngày. Nếu vết thương đó giảm sưng và trở lại bình thường, các bậc phụ huynh có thể yên tâm để trẻ tiếp tục tham gia các hoạt động bình thường, nhưng nếu vết thương không có dấu hiệu giảm sưng, thậm chí còn nặng hơn thì các phụ huynh nên gọi cho bác sĩ hoặc tới cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để kiểm tra cho trẻ. Tất nhiên, nếu các phụ huynh cảm thực sự lo lắng và không đảm bảo được mức độ của vết thương thì nên đưa trẻ đi khám ngay bác sĩ trong thời gian đầu tiên bị ngã.

Ngoài ra, các phụ huynh có thể nhận thấy được một số dấu hiệu gãy xương khác như:

  • Có một tiếng kêu như tiếng xương gãy
  • Vùng bị tổn thương bầm tím
  • Trẻ kêu đau dữ dội, đặc biệt ở một khu vực. Đau tăng lên khi có bất kỳ dấu hiệu cử động nào. Các bậc phụ huynh cũng không nên chủ quan khi có thấy trẻ có thể cử động tay chân hoặc đếm các chữ số trên bàn tay là tay trẻ không bị gãy.
  • Trẻ bước đi khập khiễng hoặc không có khả năng đứng hoặc đi lại đối với trẻ đã biết đi. Một số trẻ sẽ không thể đứng hoặc đi bộ do tổn thương vào xương nặng hơn so với bên ngoài.
  • Các bộ phận chân, tay của trẻ bị bẻ cong hoặc lệch khỏi vị trí ban đầu.

Trẻ kêu đau dữ dội, đặc biệt ở một khu vực tổn thương
Trẻ kêu đau dữ dội, đặc biệt ở một khu vực tổn thương

2. Các bậc phụ huynh nên làm gì nếu nhận thấy trẻ bị gãy xương?

Nếu trẻ bị tai nạn khiến xương đâm xuyên qua da (gãy xương hở), các phụ huynh lập tức gọi xe cứu thương tới hoặc nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được cấp cứu. Loại gãy này sẽ dẫn tới vết thương hở, khi có máy chảy ra thì nguy cơ nhiễm trùng khá cao, trở thành mối nguy hiểm có trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh hay những người xung quanh không nên chạm vào vết thương dù là để rửa vết thương nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng tối đa. Khi băng bó vết thương hở luôn luôn sử dụng găng tay y tế và gạc, vải vô trùng, kháng khuẩn.

Nếu các bậc phụ huynh nghi ngờ trẻ có những chấn thương vùng cổ, lưng hoặc hộp sọ, trẻ nằm bất động dưới đất,... thì nên đợi xe cứu thương tới để định hình các vị trí xương cổ, lưng cho trẻ trước khi đưa trẻ lên xe cứu thương. Sẽ rất nguy hiểm nếu những người xung quanh bế trẻ lên xe đi cấp cứu vì có thể sẽ làm tổn thương tới cột sống, xương cổ của trẻ.

Khi trẻ bị gãy xương, điều tốt nhất các bậc phụ huynh có thể làm là bảo vệ và cố định vùng bị tổn thương, đảm bảo rằng trẻ không bị những tổn thương nặng hơn. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng nên giúp bé bình tĩnh hơn bằng cách an ủi, động viên, vỗ về trẻ để trẻ không còn sợ hãi. Nếu trẻ bị gãy xương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu phụ huynh đưa trẻ đến phòng cấp cứu để kiểm tra (có thể kết hợp chụp X-quang chẩn đoán gãy xương) và đưa ra lời khuyên về các bước thực hiện di chuyển trẻ một cách an toàn. Các phụ huynh cũng nên lưu ý, không cho trẻ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, vì nó có thể gây cản trở trong quá trình điều trị y tế, nếu xương cần được đặt lại hoặc trong các trường hợp trẻ cần phẫu thuật, các bác sĩ phải đợi để gây mê cho trẻ trong tình trạng dạ dày trống rỗng. Phụ huynh và những người xung quanh nếu không có trình độ chuyên môn về điều trị y học thì đừng bao giờ cố gắng nắn thẳng lại vết thương hay tự ý thay đổi vị trí của khớp bị trật hoặc xương gãy, điều này rất nguy hiểm, có thể khiến vết thương nặng hơn, khó điều trị hơn.

Các bậc phụ huynh cũng cần đề phòng các triệu chứng sốc hoặc chảy máu trong, nếu thấy các vết thương ở đầu, ngực hoặc bụng thì lập tức gọi xe cứu thương hoặc đưa trẻ tới cơ sở khám chữa bệnh gần nhất. Ngoài ra, cũng nên đưa trẻ tới cơ sở khám chữa bệnh gần nhất khi trẻ có bất kỳ triệu chứng gãy xương sau:

  • Mạch của trẻ yếu hơn bình thường, nhanh hơn hoặc không đều.
  • Da trẻ sần sùi hoặc hơi xanh tái
  • Trẻ thở nhanh, nhịp thở nông
  • Trẻ mất đi ý thức hoặc lú lẫn, không nhớ chuyện gì đã xảy ra và không biết bản thân mình đang bị gì
  • Trẻ có biểu hiện ho ra máu hoặc nôn ra máu.

Chụp X-quang chẩn đoán gãy xương ở trẻ nhỏ
Chụp X-quang chẩn đoán gãy xương ở trẻ nhỏ

3. Làm thế nào để di chuyển trẻ an toàn?

Trong các trường hợp nghi ngờ trẻ bị chấn thương nghiêm trọng ở vùng đầu, cổ hoặc cột sống, các phụ huynh và những người xung quanh nếu không có chuyên môn thì không được tự ý di chuyển trẻ khỏi vị trí ban đầu. Nhưng nếu trẻ bị gãy xương nặng thì điều quan trọng là phải cố định xương hoặc khớp bị thương trước bằng các vật dụng như que nẹp, que định hình,... Điều này sẽ giảm thiểu bất kỳ chấn thương nào và sẽ thuận tiện cho việc di chuyển của trẻ dễ dàng hơn. Mỗi vùng tổn thương khác nhau sẽ có phương pháp sử dụng để bảo vệ vết thương riêng.

4. Nên làm gì nếu không thể nhận được trợ giúp của y tế ngay lập tức?

Trong một số trường hợp nhân viên y tế hoặc xe cứu thương đến chậm trễ hơn so với bình thường, các phụ huynh có thể sử dụng trước một số loại thuốc giảm đau cho trẻ sử dụng như acetaminophen và ibuprofen để kìm hãm cơn đau của trẻ. Ngoài ra, có thể làm theo các tiếp cận ICES (Ice Compression Elevation Support) như sau:

Sử dụng túi chườm đá làm giảm sưng và đau cho trẻ, nếu khi đó không có túi chườm đá bên cạnh, các phụ huynh hãy bọc một vài viên đá vào khăn lau bát đĩa hoặc túi nhựa và đập chúng bằng búa, hoặc lên một đồ dùng rắn nào đó. Hay đơn giản chỉ cần lấy một túi rau đông lạnh từ ngăn đá và bọc chúng trong một chiếc khăn. Giữ túi đã trên vùng bị tổn thương ít nhất 20 phút, sử dụng 4 lần/ngày.

Sau khi các phụ huynh đã chườm lạnh vết thương, hãy quấn băng thun hoặc vải xung quanh khu vực bị tổn thương, nó phải được quấn vừa phải, không được quấn quá chặt hoặc quá lỏng. Ngoài ra, trẻ cần được nằm yên tại một vị trí, hãy đặt một chiếc gối dưới chi bị ảnh hưởng để nó cao hơn tim của trẻ khoảng 6 inch nhằm hỗ trợ giúp cố định chi và giảm đau. Có thể đặt một thanh nẹp để cố định chi bị ảnh hưởng do trẻ có thể xê dịch vết thương trong quá trình cử động. Nếu các bậc phụ huynh nghi ngờ gãy tay, xương sườn hoặc xương đòn thì nên sử dụng một mảnh vải để giữ cánh tay ở tư thế uốn cong bên cạnh cơ thể trẻ.


Sử dụng túi chườm lạnh để kìm hãm cơn đau của trẻ
Sử dụng túi chườm lạnh để kìm hãm cơn đau của trẻ

5. Cố định vị trí gãy xương như thế nào?

Nếu trẻ bị gãy xương nặng thì tốt nhất các phụ huynh nên gọi xe cứu thương tới càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, sẽ có nhiều trường hợp xe cứu thương không phải là một lựa chọn tốt, hãy sử dụng bất kỳ thứ gì để tạo thành một thanh nẹp đơn giản. Ví dụ, các phụ huynh có thể sử dụng thước kẻ, cuộn khăn giấy, gối cứng nhỏ, sách hoặc bất kỳ vật thể cứng, thẳng nào khác. Đảm bảo rằng thanh nẹp đó dài hơn một chút so với xương khớp bị gãy, sau đó quấn vật hỗ trợ đó bằng dây vải mềm để bảo vệ da, sử dụng khăn tay, thắt lưng, dải vải, dây giày, khăn hoặc ngay cả cà vạt để buộc cố định, không di chuyển chi bị thương- tại các khớp trên và dưới. Ví dụ, nếu cẳng chân của trẻ bị gãy, các phụ huynh nên buộc nẹp ở đầu gối và mắt cá chân của trẻ hay với những trường hợp gãy xương đòn, hãy nâng cánh tay của bên bị thương và buộc đai quanh vai ở bên đối diện. Nếu các phụ huynh có thể di chuyển trẻ mà không làm trẻ đau nhiều, không ảnh hưởng tới vết thương thì bỏ qua giai đoạn cấp cứu và đưa trẻ tới phòng bác sĩ gần nhất.

Gãy xương là tình trạng nguy hiểm đối với trẻ đặc biệt là với những xương lớn trong cơ thể và có thể khiến trẻ cảm thấy rất đau đớn. Nhận biết gãy xương tương đối khó, đặc biệt là những trường hợp gãy xương kín. Đối với trẻ bị gãy xương hở, các bậc cha mẹ có thể dễ dàng nhận biết và gọi xe cấp cứu đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức, tuy nhiên với gãy xương kín, tình trạng này cần phải được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán, thậm chí làm các xét nghiệm hình ảnh để có thể khẳng định chắc chắn trẻ có bị gãy xương hay không. Các bậc cha mẹ cũng tuyệt đối không được sờ hay nắn vào vị trí nghi ngờ xương gãy bởi điều này có thể khiến chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com; whattoexpect.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe