Nguyên nhân và cách phòng tránh suy giáp trong thời kỳ mang thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bị suy giáp khi mang thai sẽ gây nên những biến chứng và ảnh hưởng không nhỏ cho cả mẹ và em bé. Do đó, bà mẹ cần nắm rõ nguyên nhân và cách phòng tránh suy giáp khi mang thai để mẹ và bé luôn khỏe mạnh trong suốt thai kỳ.

1. Suy giáp khi mang thai là gì?

Trong cơ thể con người, tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng, có chức năng điều tiết quá trình chuyển hóa của cơ thể. Khi mang thai, tuyến giáp tăng sự quy nạp iot để bảo đảm mức độ bình thường của sản xuất hormon tuyến giáp. Vì vậy ở những phụ nữ mang thai có chế độ ăn mà lượng iot trong thức ăn hằng ngày không đủ, tuyến giáp có thể to lên trong khi có thai.

Suy giáp khi mang thai là khi chức năng của tuyến giáp bị rối loạn, lượng hormone tuyến giáp không phóng thích ra đủ, dẫn đến tình trạng giảm nồng độ hormone tuyến giáp trong máu gây nên bệnh suy giáp. Suy giáp trong thời kỳ mang thai chiếm khoảng 1% trong số phụ nữ mang thai.

Suy giáp trong thời kỳ mang thai ảnh hưởng đến cả mẹ và em bé như sau:

  • Ảnh hưởng tới phụ nữ mang thai: Có thể gặp những biến chứng của suy giáp như chậm chạp, thiếu máu, táo bón, suy tim sung huyết, đau yếu cơ... Và cả những biến chứng của sản khoa bao gồm: tiền sản giật, chảy máu sau đẻ,... Trường hợp nặng có thể dẫn tới sảy thai.
  • Ảnh hưởng tới thai nhi: Gây khuyết tật bẩm sinh, chứng đần độn, dễ bị sảy thai, thai chết lưu. Trẻ bị suy giáp bẩm sinh có thể gặp những bất thường về sự phát triển trí tuệ và thể chất, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Suy giáp khi mang thai là khi chức năng của tuyến giáp bị rối loạn
Suy giáp khi mang thai là khi chức năng của tuyến giáp bị rối loạn

2. Nguyên nhân suy giáp khi mang thai

Nguyên nhân thường gặp nhất gây nên bệnh suy năng tuyến giáp trong thời kỳ mang thai là do bệnh Hashimoto, bệnh có tính chất tự miễn do viêm tuyến giáp mạn tính.

Các nguyên nhân khác gây bệnh suy năng tuyến giáp bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai bị cắt tuyến giáp.
  • Sản phụ đang điều trị iot phóng xạ.
  • Sản phụ đang điều trị Basedow bằng thuốc kháng giáp tổng hợp liều cao.

Những người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh suy giáp gồm:

  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh suy giáp.
  • Sản phụ có bướu cổ.
  • Sản phụ đã bị viêm tuyến giáp.
  • Suy năng tuyến giáp trong lần mang thai trước.
  • Chế độ ăn thiếu iot.

3. Điều trị suy giáp khi mang thai

Cần phối hợp bác sĩ nội khoa và sản khoa để theo dõi thai nghén và điều trị bệnh.

Cách thức điều trị suy giáp ở những phụ nữ mang thai cũng giống như những người không mang thai, bằng cách bổ sung dạng hormon tuyến giáp tổng hợp.

Tốt nhất và an toàn nhất là phụ nữ có thai được điều chỉnh liều tối ưu, đạt bình giáp từ trước khi có thai.

Cần xét nghiệm chức năng tuyến giáp (FT4 và TSH) mỗi 4-6 tuần (mỗi lần khi đi khám thai). Nếu phải thay đổi liều Levothyroxin thì nên kiểm tra lại sau 4 tuần. Mục tiêu là đảm bảo nồng độ FT4 và TSH trong giới hạn bình thường.

Với những người đã có suy giáp và đang điều trị bằng hormon tuyến giáp (Levothyroxin), thì khi biết có thai cần làm ngay xét nghiệm FT4 và TSH và hàng tháng trong suốt thời gian mang thai vì nhu cầu hormon tuyến giáp tăng lên trong thời kỳ mang thai, đòi hỏi phải tăng liều thuốc điều trị.

Ngay sau khi đẻ, người bệnh nên quay trở lại liều như trước khi có thai. Các vitamin có chứa sắt dùng trước khi sinh có thể làm giảm sự hấp thu hormon tuyến giáp ở đường tiêu hoá. Vì vậy, hai thuốc này nên được dùng cách nhau ít nhất 2-3 giờ đồng hồ.

Nếu người chưa mắc bệnh tuyến giáp và xét nghiệm TSH lần đầu sau có thai là bình thường thì hầu như không cần kiểm tra lại tình trạng tuyến giáp.


Nếu người chưa mắc bệnh tuyến giáp và xét nghiệm TSH bình thường thì không cần kiểm tra lại
Nếu người chưa mắc bệnh tuyến giáp và xét nghiệm TSH bình thường thì không cần kiểm tra lại

4. Phòng tránh suy giáp khi mang thai

Suy giáp trong thời kỳ mang thai gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Do đó, các bà mẹ đang mang thai cần biết cách phòng tránh bệnh suy giáp để luôn được khỏe mạnh trong suốt thai kỳ. Một số biện pháp phòng tránh suy năng tuyến giáp trong thời kỳ mang thai bao gồm:

  • Trong bữa ăn hàng ngày, sử dụng muối iot thay cho muối thường.
  • Phụ nữ mang thai cần lựa chọn những thực phẩm giàu iot như các loại cá biển, trứng, sữa, rau có màu xanh đậm, quả chín có màu vàng...
  • Trước khi cho muối vào canh cần để nguội để tránh bay hơi, vì iot rất dễ bay hơi khi gặp nhiệt độ cao.
  • Từ tuổi vị thành niên, nếu phát hiện bướu cổ phải điều trị sớm dù là bướu cổ đơn thuần.
  • Các bà mẹ ở trong 3 tháng đầu thai kỳ và cả những phụ nữ muốn có thai cần được sàng lọc. Đặc biệt ở những phụ nữ có nguy cơ suy giáp.
  • Phụ nữ bị bệnh tuyến giáp nếu muốn có thai tốt nhất là điều trị ổn định bệnh cho đến khi khỏi hẳn. Trong khi đang điều trị bệnh, nếu có thai ngoài ý muốn mà muốn giữ thai cần đến ngay cơ sở y tế khám chuyên khoa nội tiết để được tư vấn và đưa ra lời khuyên tốt nhất.
  • Sàng lọc sơ sinh ngay sau sinh để phát hiện sớm các trường hợp mắc suy năng tuyến giáp bẩm sinh để có thể điều trị sớm cho trẻ, tránh các hậu quả lâu dài.

Tóm lại, nguyên nhân gây bệnh suy năng tuyến giáp trong thời kỳ mang thai vẫn chưa rõ, nhưng nó để lại những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và em bé. Để phòng tránh tốt bệnh suy giáp khi mang thai, sản phụ cần có chế độ ăn hợp lý, bổ sung đủ lượng iot bằng cách sử dụng muối iot thay cho muối thường trong bữa ăn hàng ngày. Sàng lọc trong 3 tháng đầu thai của thai kỳ, đặc biệt là những phụ nữ có yếu tố nguy cơ cao. Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng cần được sàng lọc để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe