Cần sàng lọc sớm suy giáp ở phụ nữ đang mang thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Hiện nay Việt Nam nằm trong vùng bị thiếu i-ốt nhất là ở các khu vực miền núi, nên các thai phụ có nguy cơ bị mắc bệnh tuyến giáp rất cao. Một trong những bệnh lý cần quan tâm đó là suy giáp. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

1. Tầm quan trọng của hormone tuyến giáp đối với thai nhi

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết, hình cánh bướm, thường nằm ở phía trước, dưới cổ. Chức năng của tuyến giáp là tổng hợp hormone giáp trạng, tiết vào máu và đến các mô trong cơ thể. Hormone tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ẩm, giúp não, tim và các cơ quan khác hoạt động ổn định.

Khi mang thai làm cho tuyến giáp của người mẹ phải tăng cường hoạt động để cung cấp nội tiết tố tuyến giáp cho thai nhi đặc biệt là 3 tháng đầu của thai sản. Hormon Thyroxin rất cần thiết cho sự phát triển của não và hệ thần kinh trung ương của thai nhi.

Trong 3 tháng đầu tuyến giáp của thai nhi chưa hoạt động có nghĩa chưa tự tổng hợp được hormon nên thai nhi phải sử dụng thyroxin hoàn toàn từ người mẹ. Sau đó các tháng tiếp theo thì thyroxin được lấy một phần từ mẹ và một phần tự tổng hợp được. Thyroxin được vận chuyển đến não của thai nhi và chuyển thành T3 tham gia sớm vào sự phát triển, sự trưởng thành của não bộ và hệ thần kinh trung ương. Vì vậy người mẹ bị suy giáp trong thời gian mang thai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thai. Nếu người mẹ không phát hiện và điều trị kip thời thì có thế con đẻ ra bị suy giáp nặng từ đó ảnh hưởng đến phát triển của trẻ đặc biệt phát triển trí tuệ dẫn đến đần độn.

2. Nguyên nhân phổ biến gây suy giáp trong thai kỳ


Người có bướu cổ to, người đã bị viêm tuyến giáp có nguy cơ bị suy giáp trong thời gian mang thai cao hơn bình thường
Người có bướu cổ to, người đã bị viêm tuyến giáp có nguy cơ bị suy giáp trong thời gian mang thai cao hơn bình thường

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giáp và tất cả đều có thể xảy ra ở các phụ nữ mang thai. Nguyên nhân phổ biến nhất đó là do viêm tuyến giáp mạn tính đay là bệnh lý tuyến giáp có tính chất tự miễn hay còn gọi là bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto (mang tên của vị bác sĩ người Nhật Bản đã phát hiện ra căn bệnh này). Bệnh Hashimoto có thể có từ trước khi mang thai (nhưng do là bệnh mạn tính, diễn biến từ từ nên có thể nhiều người không phát hiện ra nên bỏ sót) hoặc cũng có thể xuất hiện lần đầu tiên khi có thai.

Các nguyên nhân gây suy giáp khác có thể là do sau phẫu thuật cắt tuyến giáp do u hoặc nhân hoặc do điều trị Iod phóng xạ (I131) hoặc do đang điều trị basedow bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp liều quá cao không theo dõi và tái khám định kỳ.

Những phụ nữ có nguy cơ cao bị suy giáp trong thời gian mang thai bao gồm:

  • Đã hoặc đang điều trị cường giáp (bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, phẫu thuật, iod phóng xạ).
  • Có tiền sử gia đình nhiều người bị bệnh tuyến giáp.
  • Người có bướu cổ to, người đã bị viêm tuyến giáp hoặc suy giáp trong lần có thai trước...

3. Hậu quả của suy giáp trong thời kỳ mang thai


Suy giáp trong thời kỳ mang thai có thể gây nhiều biến chứng cho cả mẹ và thai nhi
Suy giáp trong thời kỳ mang thai có thể gây nhiều biến chứng cho cả mẹ và thai nhi

3.1. Với mẹ

Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đầy đủ thì người mẹ có thể bị tất cả các biến chứng cổ điển của suy giáp như thiếu máu, đau yếu cơ, suy tim sung huyết, tràn dịch màng ngoài tim hay gặp, chậm chạp, táo bón...

Ngoài ra, thai phụ còn có nguy cơ bị các biến chứng liên quan đến sản khoa khác như tiền sản giật, đẻ con nhẹ cân và chảy máu nhiều sau đẻ. Những biến chứng này có xu hướng phổ biến ở các phụ nữ bị suy giáp nặng, còn đa số các trường hợp suy giáp nhẹ có thể không có triệu chứng gì đặc biệt hoặc rất nhẹ và khó phát hiện được.

3.2. Với thai nhi

Tuyến giáp của thai nhi chỉ được hình thành và bắt đầu hoạt động ở tuần thứ 10 - 12 của thai kỳ, điều này có nghĩa là trong 12 tuần đầu (3 tháng đầu), thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hormon tuyến giáp từ người mẹ. Do đó nếu mẹ bị suy giáp thì con cũng sẽ bị suy giáp.

Hormon tuyến giáp có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phân chia, hình thành các cơ quan cũng như sự phát triển bộ não của trẻ. Những đứa trẻ bị suy giáp bẩm sinh có thể có những bất thường trầm trọng cả về sự phát triển trí tuệ và thể chất nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Hiện nay ở một số bệnh viện lớn đã có chương trình sàng lọc bệnh tuyến giáp ở trẻ sơ sinh, kết quả cho thấy phần lớn những bất thường này là có thể phòng ngừa được nếu được phát hiện và điều trị sớm bằng bổ sung hormone tuyến giáp ngay sau khi sinh.

Nếu mẹ bị suy giáp trong thời gian mang thai không được điều trị, thai nhi có nhiều nguy cơ:

  • Tỷ lệ sảy thai tăng gấp đôi.
  • Tỷ lệ chết chu sinh khoảng 20%.
  • Các dị tật bẩm sinh tăng 20%.
  • Gần 1⁄2 các trẻ sinh ra có sự chậm phát triển tâm thần vận động.

Ngoài ra, công trình nghiên cứu gần đây cho thấy trong thời gian mang thai người mẹ bị suy giảm tuyến giáp thai nhi nhiều khả năng bị giảm khả năng chú ý, giảm khả năng học tập, chỉ số thông minh (IQ) giảm 4 điểm so với trẻ nhóm chứng có cùng độ tuổi (8 tuổi).

4. Những đối tượng nào cần phát hiện sớm suy giáp trong thời gian có thai

  • Có tiền sử phẫu thuật cắt tuyến giáp, điều trị phóng xạ vùng đầu cổ, điều trị Iod phóng xạ.
  • Có các bệnh lý tự miễn, tiền sử gia đình bị các bệnh lý tự miễn dịch (đái tháo đường type 1, viêm khớp dạng thấp0).
  • Có tiền sử bệnh lý tuyến giáp.
  • Ở trong vùng thiếu i-ốt
  • Có bướu cổ
  • Đang điều trị suy giáp.

Với các đối tượng này, khi chuẩn bị mang thai cần được làm xét nghiệm TSH và FT4 để đánh giá chức năng tuyến giáp và trong quá trình mang thai cũng phải theo dõi thường xuyên.

Gói tầm soát, sàng lọc các bệnh lý về tuyến giáp của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giúp: Kiểm tra chức năng tuyến giáp. Sàng lọc & phát hiện sớm các bệnh lý về tuyến giáp phổ biến như: bướu cổ đơn thuần, cường giáp, suy giáp, viêm tuyến giáp, nhân tuyến giáp, ung thư tuyến giáp, ... để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời.

Việc chẩn đoán và sàng lọc bệnh lý tuyến giáp ở mẹ bầu sớm nhất trong suốt thời gian mang thai là điều rất tốt và nên thực hiện sớm. Tốt nhất là trước khi có kế hoạch mang thai, mẹ cần phải xét nghiệm sàng lọc bệnh tuyến giáp để có thể đảm bảo sức khỏe mẹ bầu và thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe