Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu, Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Buồn nôn, nôn là một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo, chiếm tỷ lệ khoảng 5-15%. Nguyên nhân thường do hạ huyết áp, phản ứng với màng lọc,...
1. Chạy thận nhân tạo là gì?
Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu ở bên ngoài cơ thể, bằng cách thiết lập một vòng tuần hoàn ngoài cơ thể. Máu của bệnh nhân sẽ được dẫn vào bộ lọc của máy chạy thận nhân tạo, sau đó lọc sạch các chất cặn của quá trình chuyển hóa và nước thừa, cuối cùng máu sẽ được đưa lại vào cơ thể. Đây là một trong những phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Quá trình lọc máu sẽ được máy lọc làm việc thay thế cho thận. Tuy nhiên, phương pháp chạy thận nhân tạo có thể gây ra nhiều biến chứng như:
- Huyết áp thấp
- Nhiễm trùng
- Chuột rút
- Buồn nôn, nôn
- Ngứa
- Hình thành cục máu đông
- Đau ngực, đau lưng
2. Nguyên nhân buồn nôn khi chạy thận nhân tạo
Buồn nôn, nôn là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo, với tỷ lệ xảy ra trong khoảng 5-15% các trường hợp chạy thận thường quy. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới buồn nôn, nôn đa phần là do tụt huyết áp. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây ra triệu chứng bao gồm:
- Triệu chứng sớm của mất cân bằng dịch
- Phản ứng màng lọc
- Liệt dạ dày nhẹ: Thường gặp ở những bệnh nhân đái tháo đường
- Dịch lọc nhiễm bẩn
- Nồng độ các chất như natri, canxi trong dịch lọc không phù hợp.
Bệnh nhân khi chạy thận thường dễ bị buồn nôn, nôn hơn những bệnh nhân khác. Ngoài ra, chạy thận nhân tạo có thể làm nặng lên triệu chứng trong các bệnh lý khác.
3. Biện pháp xử trí
Để xử trí biến chứng buồn nôn, nôn cần điều trị nguyên nhân gây ra. Trước hết, nếu bệnh nhân có tụt huyết áp cần điều trị và duy trì huyết áp ổn định. Có thể sử dụng thuốc chống nôn trong những nguyên nhân khác nếu cần.
Bên cạnh đó, phòng ngừa tụt huyết áp trong lúc chạy thận có tầm quan trọng hơn cả. Những triệu chứng dai dẳng không liên quan tới huyết động có thể thuyên giảm khi sử dụng các thuốc chống nôn. Ngoài ra bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối khi điều trị bằng chạy thận nhân tạo cần đặc biệt chặt chẽ trong chế độ ăn. Hạn chế thức ăn nhiều muối và kali, cung cấp đạm ở mức vừa đủ, bệnh nhân cũng không được uống quá nhiều nước để hạn chế nguy cơ bị phù.
Tóm lại, quá trình chạy thận nhân tạo gây ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt của bệnh nhân. Trong đó buồn nôn, nôn là một trong những biến chứng thường gặp chiếm khoảng 5-15%. Nguyên nhân thường do tụt huyết áp, phản ứng với màng lọc, liệt dạ dày nhẹ,... Khi thấy có những dấu hiệu bất thường cần thông báo ngay với các y bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.