Hỏi
Chào bác sĩ,
Tôi 36 tuổi, nam giới chạy thận được 3 năm. Chạy thận được 1 giờ là tôi thấy mệt, cảm giác như muốn lịm đi, khó thở, đau tim. Tình trạng kéo dài 3 năm nay, không hề thay đổi, huyết áp cao; RBC 3.0 M/μl; HgB: 8.6g/dl. Bác sĩ đã cho tôi hết các nhóm thuốc hạ huyết áp và không hiệu quả. Tôi cảm giác chạy thận như cực hình, mệt không thể tả. Bác sĩ bảo tôi không thích nghi chạy thận. Ba năm trước, tôi đã làm thẩm phân phúc mạc nhưng không hiệu quả, chỉ hiệu quả được 1 tuần, dịch ra không nhiều nên phải mổ cầu tay chạy thận. Bác sĩ cho tôi hỏi, cảm giác mệt, khó thở, đau tim sau khi chạy thận 1 tiếng có nguy hiểm không? Làm thế nào để chạy thận dễ dàng hơn?
Duy An (1985)
Trả lời
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Bác sĩ Nội thận - Lọc máu - Ghép thận - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Cảm giác mệt, khó thở, đau tim sau khi chạy thận 1 tiếng có nguy hiểm không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Suy thận hay tổn thương thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận. Có nhiều nguyên nhân và bệnh lý dẫn đến suy thận. Về thời gian mắc bệnh, người ta thường chia thành hai nhóm bệnh là suy thận cấp (thuật ngữ chuyên môn gọi là tổn thương thận cấp) và suy thận mạn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng như bạn miêu tả như tình trạng tim mạch, rút nước khi chạy thận. Tình trạng thiếu máu cũng góp phần khiến bạn cảm thấy mệt mỏi khi chạy thận.
Để cải thiện tình trạng hiện tại, bạn cần:
- Ăn lạt (không nêm muối hoặc các gia vị chứa muối vào thức ăn, không chấm muối, nước mắm, nước tương, không ăn đồ hộp, ăn món nước thì chỉ ăn phần cái, bỏ phần nước...)
- Tránh tăng cân quá nhiều giữa hai lần chạy thận (không quá 1kg/ ngày)
- Không giảm quá số cân nặng tăng giữa 2 lần chạy thận
- Tuân thủ đúng việc dùng thuốc hạ áp
- Điều trị thiếu máu, giữ Hb 10 – 11g/dl
Nếu đã làm hết những việc trên mà không cải thiện, bạn nên thăm khám thêm chuyên khoa Tim mạch để được đánh giá và có phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu bạn còn thắc mắc về chạy thận, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.