Nguyên nhân gây đau bụng sau khi ăn

Đau bụng hoặc khó chịu sau khi ăn có nhiều nguyên nhân. Cơn đau bụng xảy ra sau khi ăn rồi tự khỏi thì thường là do thức ăn và không cần đến cơ sở chăm sóc y tế. Tuy nhiên, nếu kèm theo triệu chứng khác hay đau quặn liên tục mặc dù đã thay đổi chế độ ăn uống thì nguyên nhân có thể do bệnh lý nghiêm trọng gây nên, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

1. Nguyên nhân phổ biến của đau bụng sau khi ăn

1.1. Khó tiêu hoá thức ăn gây đau bụng

Người bị khó tiêu thường cảm thấy đau bụng, khó chịu ở phần bụng trên. Chứng khó tiêu cũng có thể dẫn đến cảm giác no sớm trong bữa ăn, bụng chướng và đầy hơi, buồn nôn.

Khoảng 20 - 30% người bị chứng khó tiêu được chẩn đoán do bệnh lý đường tiêu hoá gây ra, do đó bạn nên gặp bác sĩ để loại trừ các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Nếu bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân cụ thể, bạn có thể mắc chứng "rối loạn tiêu hóa chức năng". Đây là một loại rối loạn tiêu hóa chức năng mà không có bệnh lý rõ ràng, nhưng cơ quan tiêu hóa không hoạt động bình thường.

Thức ăn giàu chất béo, caffein, đồ uống có đường và rượu có thể làm cho chứng khó tiêu trở nên trầm trọng hơn.

1.2. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Triệu chứng của GERD là cảm giác nóng rát trong thực quản, đau khi nuốt.

Axit được dạ dày tiết ra có thể làm tổn thương thực quản, vì vậy tốt hơn hết hãy nói chuyện với bác sĩ để có phương pháp điều trị hợp lý nếu bạn thường xuyên bị trào ngược.

1.3. Viêm tụy gây đau bụng sau khi ăn

Viêm tụy có thể gây đau quặn bụng sau khi ăn. Đau thường bắt đầu ở bụng trên và lan ra sau lưng kèm theo buồn nôn, nôn.

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tụy là di truyền, uống rượu, sỏi mật, hút thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu nghi ngờ bị viêm tụy, bạn nên đến cơ sở chăm sóc y tế ngay lập tức.


Khó tiêu hoá thức ăn gây đau bụng sau khi ăn
Khó tiêu hoá thức ăn gây đau bụng sau khi ăn

1.4. Viêm loét dạ dày

Nếu đau bụng sau khi ăn xảy ra ở bất kỳ vị trí nào giữa xương ức và rốn, đó có thể là viêm loét dạ dày tá tràng. Loét dạ dày có thể bị đau ngay cả khi dạ dày của bạn trống rỗng.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen, Aspirin và Naproxen có thể dẫn đến loét dạ dày tá tràng, đặc biệt nếu dùng thuốc trong thời gian dài.

Vi khuẩn gây viêm loét dạ dày hay gặp là Helicobacter pylori (H. pylori). Điều quan trọng là phải điều trị H. pylori, vì theo một số nghiên cứu vi khuẩn này có liên quan đến bệnh ung thư dạ dày.

Viêm dạ dày nhẹ có thể được điều trị tại nhà bằng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống, tránh sử dụng thực phẩm có tính axit và ăn thành nhiều bữa nhỏ.

1.5. Sỏi mật gây đau bụng

Triệu chứng xuất hiện ở giữa hoặc hạ sườn phải, lan ra sau lưng hay lên vai phải của bạn; triệu chứng xuất hiện kèm theo như buồn nôn, nôn.

Sỏi mật thỉnh thoảng có thể khiến bạn bị đau bụng sau khi ăn. Điều này đặc biệt hay xảy ra sau bữa ăn thịnh soạn hoặc chứa nhiều chất béo.

Nếu triệu chứng đau xuất hiện khi bụng đói, đau dữ dội kèm sốt, có thể bạn bị viêm túi mật. Cần đến cơ sở y tế để được phẫu thuật kịp thời.

1.6. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là tình trạng sức khỏe mà người bệnh bị đau bụng mãn tính (dai dẳng). Triệu chứng ở mỗi người có thể khác nhau như: Tiêu chảy, táo bón, cảm giác co thắt ruột, đầy hơi. Đau bụng đầy hơi sau khi ăn do hội chứng ruột kích thích thường xảy ra ở vùng quanh rốn. Ăn uống có thể kích thích cơn co thắt mạnh ở ruột gây cảm giác đau bụng.

Khoảng 30% người bị chứng khó tiêu cũng mắc hội chứng ruột kích thích.

Mặc dù không có cách chữa trị, nhưng thay đổi lối sống có thể giúp ích. Bạn nên ăn chậm, tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo và chế biến sẵn, thường xuyên tập thể dục, không sử dụng rượu hay đồ uống có đường, ăn đúng bữa.

1.7. Ngộ độc thực phẩm

Đau quặn bụng sau khi ăn là một triệu chứng phổ biến của ngộ độc thực phẩm, thường xuất hiện vài giờ sau ăn. Các triệu chứng khác bao gồm: nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi, sốt. Ngộ độc thực phẩm thông thường chỉ kéo dài vài ngày, chủ yếu điều trị tại nhà bằng nghỉ ngơi và cấp nước đầy đủ.

Một số loại thực phẩm gây kích ứng cho dạ dày như thực phẩm có tính axit, thức ăn cay hay các loại đồ uống như caffeine, rượu. Sau khi sử dụng các thực phẩm trên, chúng có thể kích thích và gây ra triệu chứng đau bụng.


Đau quặn bụng sau khi ăn là một triệu chứng phổ biến của ngộ độc thực phẩm
Đau quặn bụng sau khi ăn là một triệu chứng phổ biến của ngộ độc thực phẩm

1.8. Dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm

Vài người có thể phản ứng xấu khi ăn một số loại thực phẩm như dị ứng hoặc không dung nạp thức ăn. Bạn có thể cần phải tránh những thực phẩm đó trong tương lai.

Phản ứng miễn dịch của cơ thể với thức ăn có thể gây ra nhiều triệu chứng trong đó có đau bụng. Một số thực phẩm gây dị ứng thường gặp như cá, hải sản, sữa, đậu phộng.

Không dung nạp thực phẩm là một dạng dị ứng nhẹ hơn, hệ tiêu hoá sẽ bị kích thích bởi một số thực phẩm cụ thể và khó tiêu hoá chúng đúng cách.

Các chất không dung nạp phổ biến bao gồm gluten, lúa mì và lactose.

1.9. Ăn quá nhiều gây đau bụng

Cảm giác căng no, khó chịu vùng bụng trên sau khi ăn là dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá no. Ăn quá no trong dạ dày thường xuyên sẽ không tốt cho sức khỏe.

2. Khi nào đến gặp bác sĩ

Nếu tình trạng đau dạ dày sau khi ăn vẫn tiếp diễn trong một thời gian dài và việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống không có tác dụng, mọi người nên đến gặp bác sĩ. Bạn nên đi cấp cứu nếu bị đau dữ dội cùng với bất kỳ triệu chứng nào sau đây: Vàng da, sốt, ớn lạnh, nôn mửa dữ dội.

Bác sĩ có thể hướng đến chẩn đoán nguyên nhân gây đau bụng bằng cách nghe về các triệu chứng của bạn. Các xét nghiệm và cận lâm sàng khác cũng được bác sĩ chỉ định giúp chẩn đoán xác định, chẳng hạn như nội soi dạ dày và đại tràng, chụp X-quang bụng, CT, MRI, công thức máu...

Đau bụng sau khi ăn thường do vấn đề ăn uống, không nghiêm trọng và bạn có thể điều trị tại nhà. Điều trị đau bụng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó và các biến chứng của bệnh.

Một số biện pháp bạn có thể làm để ngăn ngừa đau dạ dày sau khi ăn, như kiểm soát khẩu phần ăn mỗi ngày, tránh các thực phẩm gây dị ứng và không dung nạp, ăn chế độ có nhiều trái cây cũng như chất xơ, uống nhiều nước.

Đau bụng sau khi ăn có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng khác. Nếu triệu chứng này không thuyên giảm dù bạn đã áp dụng nhiều phương pháp, hãy đến bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân chính xác và tìm cách điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe