Nguyên nhân bệnh u lympho ác tính không Hodgkin

Bệnh u lympho không Hodgkin là bệnh ung thư ác tính bắt đầu trong hệ thống bạch huyết - một phần của hệ thống miễn dịch cơ thể. Bệnh u lympho ác tính không Hodgkin xảy ra khi các tế bào bạch cầu lympho nhân lên không kiểm soát được tạo ra các tế bào ung thư có khả năng xâm nhập bất thường vào trong các mô khắp cơ thể. Nguy cơ mắc bệnh u lympho không Hodgkin tăng lên theo tuổi và phổ biến hơn ở nam hơn nữ.

1. Nguyên nhân nào gây ra bệnh u lympho không Hodgkin?

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy rằng bệnh u lympho ác tính không Hodgkin có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ, nhưng nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn không được biết đến. Việc xác định nguyên nhân bệnh này thực sự phức tạp bởi thực tế u lympho là nhóm ung thư đa dạng.

1.1 Những thay đổi trong gen

Các nhà khoa học đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc hiểu biết về những thay đổi nhất định trong DNA khiến tế bào lympho bình thường trở thành tế bào ung thư lympho. DNA là thành phần trong tế bào tạo nên gen của chúng ta, giúp kiểm soát cách thức hoạt động của tế bào. Chúng ta trông giống như bố mẹ bởi vì họ là nguồn gốc của DNA trong cơ thể. Nhưng DNA không chỉ ảnh hưởng đến bề ngoài, một số gen kiểm soát thời điểm tế bào phát triển, phân chia và chết đi:

  • Gen giúp tế bào phát triển, phân chia và tồn tại được gọi là oncogene (gen sinh ung thư).
  • Gen giúp duy trì sự phân chia tế bào trong tầm kiểm soát hoặc làm cho tế bào chết đúng lúc được gọi là gen ức chế khối u.

Ung thư xảy ra do đột biến DNA làm biến đổi gen hoặc ức chế gen, ức chế khối u.

Một số người nhận gen đột biến DNA từ cha hoặc mẹ làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Tiền sử gia đình bị u lympho (u lympho Hodgkin, u lympho không Hodgkin) dường như làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Tuy nhiên, hầu hết những biến đổi gen liên quan đến bệnh u lympho không Hodgkin thường do mắc phải trong cuộc đời, thay vì di truyền từ cha mẹ. Những biến đổi gen mắc phải này có thể do tiếp xúc với bức xạ, hóa chất gây ung thư hoặc nhiễm trùng, nhưng hầu hết các biến đổi này thường xảy ra mà không có lý do rõ ràng. Biến đổi này hay gặp hơn khi cơ thể già đi, điều này giúp giải thích tại sao hầu hết bệnh u lympho gặp thường xuyên hơn ở người lớn tuổi.

Một số biến đổi gen dẫn đến ung thư lympho hiện đã được biết đến. Ví dụ, trong u lympho dạng nang, các tế bào có sự trao đổi DNA (được gọi là chuyển vị) giữa các nhiễm sắc thể 14 và 18, làm kích hoạt gen ung thư BCL-2. Gen ung thư này ngăn tế bào chết vào đúng thời điểm, dẫn đến bệnh u lympho.

Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về biến đổi gen chính xác liên quan đến các loại u lympho ác tính không Hogkin khác nhau, nhằm mục đích để phát triển các xét nghiệm chính xác hơn nhằm phát hiện và phân loại một số loại u lympho.


Bệnh u lympho ác tính xảy ra khi các bào bạch cầu lympho nhân lên không kiểm soát
Bệnh u lympho ác tính xảy ra khi các bào bạch cầu lympho nhân lên không kiểm soát

1.2 Những thay đổi trong hệ thống miễn dịch

Tế bào lympho là tế bào của hệ thống miễn dịch, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi thay đổi trong hệ thống miễn dịch dường như đóng vai trò là nguyên nhân quan trọng trong nhiều trường hợp u lympho:

  • Những người bị suy giảm miễn dịch (do di truyền, điều trị bằng một số loại thuốc, cấy ghép nội tạng hoặc nhiễm HIV) có nguy cơ phát triển u lympho không Hodgkin cao hơn nhiều so với người không có hệ thống miễn dịch suy yếu.
  • Những người mắc một số bệnh tự miễn (khi đó hệ thống miễn dịch liên tục tấn công một bộ phận nhất định trong cơ thể) có nguy cơ mắc u lympho cao hơn.
  • Những người mắc một số bệnh nhiễm trùng mãn tính cũng có nguy cơ cao hơn, có thể do hệ thống miễn dịch liên tục tạo ra các tế bào lympho mới để chống lại nhiễm trùng, điều này làm tăng khả năng mắc lỗi trong DNA.

2. Các yếu tố nguy cơ u lympho ác tính không Hodgkin

Yếu tố nguy cơ là bất cứ điều gì làm tăng khả năng mắc bệnh như ung thư, mỗi bệnh khác nhau có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Một số yếu tố nguy cơ, như hút thuốc, có thể được thay đổi. Những yếu tố khác chẳng hạn như tuổi hoặc tiền sử gia đình thì không thể thay đổi được.

Tuy nhiên việc mang một yếu tố nguy cơ, hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ, không có nghĩa là bạn sẽ mắc bệnh. Và nhiều người mặc dù mắc bệnh nhưng có thể có ít hoặc không có các yếu tố nguy cơ đã biết.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh u lympho ác tính không Hodgkin.

2.1 Người lớn tuổi

Người lớn tuổi là yếu tố nguy cơ cao đối với ung thư lympho nói chung, hầu hết các trường hợp xảy ra ở người trong độ tuổi 60 trở lên. Tuy nhiên vẫn có một số loại ung thư lympho phổ biến hơn ở người trẻ tuổi.

2.2 Giới tính

Nhìn chung, nguy cơ mắc bệnh u lympho ác tính không Hodgkin ở nam cao hơn nữ, nhưng có một số loại bệnh u lympho không Hodgkin phổ biến hơn ở phụ nữ. Nguyên nhân chính xác giải thích cho yếu tố nguy cơ này vẫn chưa được rõ.

2.3 Chủng tộc, dân tộc và địa lý

Tại Mỹ, người da trắng có nhiều khả năng phát triển bệnh u lympho ác tính không hodgkin hơn người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Á.

Trên thế giới, bệnh u lympho ác tính không Hodgkin phổ biến hơn ở các nước phát triển, trong đó Mỹ và Châu Âu có tỷ lệ cao nhất. Một số loại u lympho có liên quan đến bệnh nhiễm trùng nhất định, phân bố phổ biến hơn ở một số nơi trên thế giới.

2.4 Tiền sử gia đình

Có người thân ở thế hệ đầu tiên (cha mẹ, con cái, anh chị em ruột) mắc bệnh u lympho ác tính không Hodgkin làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.

2.5 Tiếp xúc với một số hóa chất và thuốc

Một số nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng hóa chất như benzen, thuốc diệt cỏ và diệt côn trùng làm tăng nguy cơ mắc bệnh u lympho không Hodgkin.

Một số loại thuốc hóa trị được sử dụng để điều trị các bệnh ung thư khác có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh u lympho không Hodgkin nhiều năm sau đó. Ví dụ, bệnh nhân đã được điều trị u lympho Hodgkin có nguy cơ phát triển bệnh u lympho không Hodgkin sau này cao hơn. Tuy nhiên vẫn chưa xác định rõ ràng liệu bệnh u lympho không Hodgkin này có liên quan đến bản thân căn bệnh lympho Hodgkin hay nó là ảnh hưởng của việc hoá trị.

Thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như methotrexate và các chất ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF), làm tăng nguy cơ mắc bệnh u lympho ác tính không Hodgkin. Thực tế rất khó xác định xem loại thuốc này có làm tăng nguy cơ hay không bởi người bị viêm khớp dạng thấp, là bệnh tự miễn, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác.


Khi tiếp xúc với một số hóa chất và thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh u lympho ác tính
Khi tiếp xúc với một số hóa chất và thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh u lympho ác tính

2.6 Tiếp xúc với bức xạ

Nghiên cứu về những người sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử và lò phản ứng hạt nhân cho thấy họ có nguy cơ cao mắc một số ung thư, bao gồm cả bệnh u lympho không Hodgkin, bệnh bạch cầuung thư tuyến giáp.

Bệnh nhân được điều trị bằng xạ trị, chẳng hạn như u lympho Hodgkin, tăng nhẹ nguy cơ phát triển bệnh u lympho không Hodgkin sau này. Nguy cơ càng tăng đối với bệnh nhân được điều trị bằng cả xạ trị và hóa trị.

2.7 Hệ thống miễn dịch suy yếu

Người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ mắc u lympho không Hodgkin. Chẳng hạn như:

  • Những người được cấy ghép nội tạng được điều trị bằng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch để ngăn nó tấn công cơ quan mới. Những người này có nguy cơ mắc u lympho không Hodgkin cao hơn.
  • Virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở người làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Trong một số hội chứng di truyền chẳng hạn như hội chứng Wiskott-Aldrich, trẻ em được sinh ra với hệ thống miễn dịch kém. Bên cạnh việc gia tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, đứa trẻ này cũng có nguy cơ cao mắc bệnh u lympho ác tính không Hodgkin.

2.8 Bệnh tự miễn

Bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren, bệnh celiac có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh.

Trong các bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch nhìn nhầm các mô của cơ thể là ngoại lai và tấn công chúng. Tế bào lympho là một phần của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức trong các bệnh tự miễn làm cho các tế bào lympho phát triển và phân chia thường xuyên hơn bình thường, làm tăng nguy cơ chúng phát triển thành tế bào ung thư.

2.9 Một số bệnh nhiễm trùng

Một số bệnh nhiễm trùng làm tăng nguy cơ mắc u lympho không Hodgkin theo các cách khác nhau.

  • Nhiễm trùng trực tiếp biến đổi tế bào lympho

Một số loại virus có thể ảnh hưởng trực tiếp đến DNA của tế bào lympho, giúp biến đổi chúng thành tế bào ung thư:

  • Nhiễm human T-cell lymphotropic virus (HTLV-1) làm tăng nguy cơ mắc ung thư lymphoma tế bào T ở người. Loại virus này phổ biến nhất ở một số vùng của Nhật Bản và khu vực Caribe, nhưng chúng vẫn được tìm thấy trên khắp thế giới. HTLV-1 lây lan qua đường tình dục và máu, truyền cho con qua sữa mẹ.
  • Nhiễm virus Epstein-Barr (EBV) là yếu tố nguy cơ quan trọng đối với u lympho Burkitt ở một số vùng của Châu Phi. Ở các nước phát triển, EBV thường liên quan đến u lympho ở những người bị nhiễm HIV.
  • Virus Human Herpes 8 (HHV-8) có thể lây nhiễm sang tế bào lympho, dẫn đến loại lymphoma tràn dịch hiếm gặp. U lympho này hay gặp nhất ở bệnh nhân bị nhiễm HIV.
  • Nhiễm trùng gây suy yếu hệ thống miễn dịch

Nhiễm virus HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Nhiễm HIV là yếu tố nguy cơ mắc một số loại u lympho không Hodgkin, chẳng hạn như u lympho thần kinh trung ương nguyên phát, u lympho tế bào B lớn lan tỏa, u lympho Burkitt.


Một số loại virus có thể ảnh hưởng đến bệnh u lympho ác tính
Một số loại virus có thể ảnh hưởng đến bệnh u lympho ác tính

  • Nhiễm trùng gây ra kích thích miễn dịch mãn tính

Nhiễm trùng lâu dài làm tăng nguy cơ mắc u lympho ác tính thông qua việc buộc hệ thống miễn dịch phải hoạt động liên tục. Khi càng nhiều tế bào lympho được tạo ra để chống lại nhiễm trùng, thì càng có nhiều cơ hội xảy ra các đột biến trong các gen quan trọng, điều này cuối cùng có thể dẫn đến u lympho. U lympho liên quan đến bệnh nhiễm trùng này thường có chuyển biến tốt hơn khi bệnh nhiễm trùng được điều trị.

  • Helicobacter pylori, vi khuẩn được biết là yếu tố nguy cơ gây loét dạ dày, có liên quan đến bệnh lymphoma của mô bạch huyết liên quan đến niêm mạc dạ dày (MALT: mucosal associated lymphoid tissue).
  • Chlamydophila psittaci là vi khuẩn gây nhiễm trùng phổi được gọi là bệnh psittacosis. Chlamydophila psittaci có liên quan đến u lympho MALT trong các mô xung quanh mắt.
  • Nhiễm vi khuẩn Campylobacter jejuni liên quan đến một loại MALT lymphoma được gọi là immunoproliferative small intestinal disease IPSID.
  • Nhiễm virus viêm gan C (HCV) trong thời gian dài dường như là yếu tố nguy cơ đối với u lympho, chẳng hạn như lymphoma vùng rìa của lách.

2.10 Thừa cân, béo phì

Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh u lympho ác tính không Hodgkin. Trong mọi trường hợp, việc duy trì cân nặng hợp lý và hoạt động thể chất; tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế hoặc tránh thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, đồ uống có đường và thực phẩm chế biến sẵn; mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cơ thể.

2.11 Tiền sử đặt túi ngực

Một số phụ nữ đặt túi ngực mắc loại ung thư hạch hiếm gặp của vú là u lympho tế bào lớn không biệt hoá. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh này sau đặt túi ngực là rất nhỏ. Loại ung thư hạch này thường được điều trị cách bằng phẫu thuật cắt bỏ đồng thời khối u và túi ngực.

Sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh. Do đó, mỗi người nên chủ động đến bệnh viện sàng lọc ung thư sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe