Nhược cơ là một bệnh lý thần kinh - cơ tự miễn thường khởi phát âm thầm, có các triệu chứng đặc trưng như sụp mi, lác mắt, mỏi đầu, nói và nuốt khó,... Bệnh có thể gây hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Nguy cơ tử vong của bệnh nhược cơ chủ yếu do biến chứng hô hấp.
1. Nguyên nhân - triệu chứng bệnh nhược cơ
Nhược cơ (tên tiếng Anh: Myasthenia gravis) là một bệnh thần kinh - cơ tự miễn dẫn đến suy nhược cơ hoặc yếu cơ, gặp ở mọi lứa tuổi. Bản chất của bệnh là xảy ra tình trạng giảm số lượng các thụ thể acetylcholine tại bản vận động cơ do các kháng thể tự miễn tấn công vào các thụ thể này.
Đa số các trường hợp nhược cơ khởi phát âm thầm. Bệnh có thể khởi phát sau khi bị stress, mắc bệnh nhiễm trùng (thường là nhiễm trùng hô hấp), khi gây mê hoặc khi có thai. Bệnh nhược cơ có lây không? Nhược cơ không phải là bệnh lây truyền từ người bệnh sang người lành.
Các triệu chứng của bệnh thường dễ phát hiện gồm: Sụp mi, lác mắt, nói khó, nuốt khó, nhai mỏi, mỏi đầu,... Biểu hiện đầu tiên thường là các cơ ổ mắt, cơ nhai, cơ cổ, cơ mặt và cơ họng. Các cơ hô hấp cũng có thể chịu ảnh hưởng. Đến giai đoạn cuối, tổn thương cơ xảy ra trên toàn cơ thể.
2. Bệnh nhược cơ có nguy hiểm không?
Bệnh nhược cơ được phân thành 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Chỉ có một nhóm cơ bị nhược cơ, thường là các cơ vận động ở mắt;
- Giai đoạn 2A: Toàn bộ các cơ bị nhược cơ nhưng chưa có tình trạng nhược cơ hô hấp hoặc hầu họng;
- Giai đoạn 2B: Toàn bộ các cơ đã bị nhược cơ, đi kèm triệu chứng hầu họng;
- Giai đoạn 3: Toàn bộ các cơ bị nhược cơ, đi kèm rối loạn hầu họng và hô hấp.
Về nguy cơ tử vong, tính mạng của bệnh nhân nhược cơ bị đe dọa trong 2 tình huống: Cơn nhược cơ (myasthenic crisis) và cơn cường cholin (cholinergic crisis). Cụ thể:
- Cơn nhược cơ: Bệnh tiến triển nặng lên một cách nhanh chóng hoặc đột ngột yếu cơ tăng nhanh, vật vã, có rối loạn hô hấp;
- Cơn tiết cholin: Trường hợp sử dụng quá liều thuốc chống nhược cơ khiến bệnh nhân bị chảy nước bọt, toát mồ hôi, mệt, nôn, co thắt ruột, đi tiêu lỏng, buốt mót bàng quang, tăng tiết phế quản, co đồng tử, khó thở, phù phổi, giật thớ cơ, yếu các cơ, cứng hàm, chuột rút, rối loạn nuốt, khó phát âm, rối loạn hô hấp. Có trường hợp bị kích thích, vật vã, chóng mặt, nhức đầu, sợ hãi, co giật, lú lẫn hoặc thậm chí hôn mê.
Trong các trường hợp trên, cần xử trí cấp cứu, hỗ trợ hô hấp đúng theo phác đồ điều trị hồi sức tích cực để giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Vậy bệnh nhược cơ sống được bao lâu? Thông thường, bệnh tiến triển tới mức nặng nhất trong vòng 1 - 7 năm. Thời kỳ nhược cơ vận nhãn càng kéo dài thì nguy cơ yếu cơ toàn thân sẽ càng giảm. Bệnh tiến triển ở nam giới nhanh hơn nữ giới và khởi phát ở người trẻ nặng hơn người già. Thời gian sống thêm sẽ phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe tổng quát, giới tính, thời điểm phát hiện bệnh, phương pháp điều trị,... Ở trẻ em, nhược cơ có tiên lượng xa khá tốt: hoảng 30% trẻ không cắt tuyến ức và 40% trẻ được cắt tuyến ức sẽ khỏi hoàn toàn.
Nhược cơ là bệnh lý nguy hiểm cần phát hiện, điều trị sớm. Vì vậy, nếu thấy có các dấu hiệu nghi ngờ nhược cơ, bệnh nên nên sớm đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị, tránh trường hợp bỏ lỡ thời điểm phát hiện tốt nhất, gây khó khăn cho việc chữa trị.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.