Khám cơ lực là gì?

Cơ lực chịu sự ảnh hưởng của hệ cơ xương khớp, hệ thần kinh, các yếu tố tâm lý... Thông qua khám cơ lực sẽ giúp bác sĩ phát hiện tình trạng liệt cơ cả về cường độ và vị trí.

1. Các bước thực hiện khám cơ lực

Khám cơ lực cơ được thực hiện theo nguyên tắc như sau:

  • Thực hiện các động tác thông thường: Bác sĩ hướng dẫn người bệnh thực hiện các động tác đồng thời ở cả hai bên như giơ hai chân hoặc hai tay, duỗi hoặc gấp hai chân hoặc hai tay... trường hợp người bệnh không thực hiện được động tác đồng nghĩa với tình trạng bị liệt cơ sau khi đã loại trừ các nguy cơ mắc bệnh cơ xương khớp hoặc bệnh hystérie;
  • Chống đối động tác: Biện pháp giúp bác sĩ nắm bắt được cơ lực của từng nhóm cơ một. Khi người bệnh thực hiện một động tác cụ thể nào đó thì bác sĩ chống lại người bệnh, chẳng hạn như người bệnh co tay thì bác sĩ cố kéo tay người bệnh ra hoặc ngược lại... thực hiện đối xứng ở cả hai bên. Các bước khám giúp bác sĩ nắm bắt được nhóm cơ nào yếu, trong trường hợp có nghi ngờ bác sĩ phải dùng các nghiệm pháp để đánh giá.

Nghiệm pháp đánh giá cơ lực bao gồm hai loại và thông thường chỉ áp dụng trong trường hợp người bệnh bị liệt nhẹ. Các nghiệm pháp thực hiện như sau:

Nghiệm pháp Barré: Người bệnh thực hiện các động tác như sau:

  • Chi trên: Người bệnh nằm ngửa và giơ thẳng hai tay tạo thành một góc 60 độ so với mặt giường. Chi ở bên nào có dấu hiệu liệt sẽ rơi xuống trước, đối với trường hợp liệt rõ thì cẳng tay sẽ rơi xuống nhanh, ngược lại liệt nhẹ thì bàn tay bên liệt sẽ quay sấp và từ từ rơi xuống hoặc tay bập bênh (cứ đưa lên đưa xuống);
  • Chi dưới: Người bệnh nằm sấp và cẳng chân tạo với mặt giường một góc 45 độ. Chi ở bên nào có dấu hiệu liệt nhẹ sẽ nằm bấp bênh nhưng không rơi xuống, trường hợp liệt nặng thì rơi xuống nhanh tuy nhiên bác sĩ cũng cần loại trừ yếu tố tâm lý.

Nghiệm pháp Mingazzini: Được thực hiện ở chi dưới, người bệnh nằm ngửa, giơ hai chân lên, đùi vuông góc với mặt giường, cẳng chân thẳng góc với đùi. Chi bên nào có dấu hiệu liệt sẽ rơi xuống trước.

Ngoài ra, nghiệm pháp gọng kìm còn được sử dụng đối với chi trên để đánh giá cơ lực ngón trỏ và ngón cái. Người bệnh thực hiện bấm đầu ngón trỏ vào đầu ngón cái tạo thành gọng kìm, sau đó bác sĩ dùng ngón tay trỏ phá gọng kìm. Trường hợp liệt hoặc cơ lực giảm thì gọng kìm sẽ dễ mở hơn.


Khám cơ lực cho phép bác sĩ đánh giá được mức độ hoạt động của cơ lực
Khám cơ lực cho phép bác sĩ đánh giá được mức độ hoạt động của cơ lực

2. Đánh giá kết quả khám cơ lực

Kết quả khám cơ lực cho phép bác sĩ đánh giá được mức độ hoạt động của cơ lực, chẳng hạn như người bệnh liệt nặng sẽ không thực hiện được những động tác thông thường, liệt nhẹ vẫn thực hiện được những động tác thông thường nhưng yếu và tốc độ chậm.

Để đánh giá chi tiết hơn về cơ lực cũng như tình trạng yếu cơ, nhược cơ, thang điểm cơ lực được phân chia như trong bảng sau:

Thang điểm Cơ lực
0 Không có sự co cơ (liệt hoàn toàn)
1 Co cơ nhìn thấy được nhưng không gây ra cử động hoặc gây ra cử động rất nhỏ.
2 Cử động chi không thắng lại được trọng lực.
3 Cử động chi vượt qua trọng lực nhưng không vượt qua được sức cản.
4 Cử động chi vượt qua được phần nào sức cản của người khám.
5 Cơ lực bình thường.

Một trong những khó khăn khi sử dụng bảng thang điểm trên là mức độ cơ lực trải rộng giữa độ 4 và độ 5.

Kết quả thăm khám cơ lực và vận động ở từng đoạn chi không chỉ cho phép đánh giá tình trạng liệt mà còn đánh giá được cường độ liệt và vị trí liệt như sau:

Cường độ liệt: Người bệnh có thể bị liệt hoàn toàn khi không thực hiện được các động tác bình thường, liệt nhẹ khi thực hiện được các động tác nhưng yếu và thời gian ngắn. Bác sĩ cần so sánh kỹ động tác hai bên và loại trừ nguyên nhân dẫn động tác yếu do teo cơ hoặc do khớp làm hạn chế cử động.

Vị trí: Tùy thuộc vào vị trí tổn thương thần kinh, liệt có thể lan tỏa hoặc khu trú. Do đó, xác định vị trí liệt cũng đồng nghĩa với xác định được vị trí tổn thương thần kinh. Ví dụ:

  • Tổn thương thân thần kinh: Dẫn đến liệt vận động cả một nhóm cơ được chi phối bởi một dây thần kinh sọ não hoặc thần kinh tủy, gọi chung là tổn thương thần kinh ngoại biên. Các trường hợp phổ biến là liệt thần kinh quay, liệt mặt thể ngoại biên, liệt thần kinh giữa...
  • Tổn thương rễ thần kinh: Dẫn đến liệt vận động cả một nhóm cơ được chi phối bởi một hoặc nhiều rễ tủy trước, ví dụ như liệt rễ trên do tổn thương ở C5 – C6 làm cho cơ nhị đầu, cơ delta, cơ cánh tay trước, cơ sấp dài không vận động được;

Điều quan trọng nhất trong mọi trường hợp là xác định nguyên nhân gây liệt là ở trung ương hay ngoại biên. Có thể phân biệt theo phương pháp liệt rễ hay thân thần kinh là do các tổn thương thần kinh, trường hợp liệt hai chi có thể phân biệt nguyên nhân theo tiêu chuẩn sau đây:

  • Liệt ngoại biên: Phản xạ gương giảm, liệt mềm, teo cơ và người bệnh có phản ứng thoái hóa điện;
  • Liệt trung ương: Liệt nằm và có xu hướng tiến triển thành liệt cứng, phản xạ gân xương tăng kèm theo dấu hiệu Babinski.

Như vậy, thông qua khám cơ lực giúp bác sĩ kiểm tra tình trạng hoạt động của các hệ cơ và xác định được các bệnh lý liệt cơ, yếu cơ...

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe