Người bị ung thư có nên tiêm vắc xin không?

Những người mắc bệnh ung thư thường có hệ miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng, do đó nguy cơ mắc nhiễm trùng sẽ rất cao. Chính vì vậy mà việc tiêm chủng vắc-xin để ngừa một số chủng vi rút là điều vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, loại vắc-xin nào là phù hợp và an toàn với họ?

1. Người bị ung thư có nên tiêm vắc-xin không?

Thông thường, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo rằng không nên tiêm vắc-xin trong khi đang điều trị ung thư bằng hóa chất hoặc xạ trị, ngoại trừ tiêm phòng bệnh cúm. Điều này chủ yếu là do vắc-xin cần phản ứng của hệ thống miễn dịch để hoạt động hiệu quả, trong khi đó hệ miễn dịch của những người mắc ung thư thường bị suy yếu nghiêm trọng do quá trình điều trị bệnh.

Ở cơ thể con người, hệ thống miễn dịch bao gồm một nhóm các tế bào, mô và cơ quan liên kết với nhau để chống lại sự nhiễm trùng từ các loại vi khuẩn, vi rút có hại. Mặt khác, tình trạng ung thư và những biện pháp được sử dụng trong điều trị ung thư có thể làm hệ miễn dịch của bệnh nhân trở nên yếu đi, khiến chúng không hoạt động tốt như bình thường.

Đối với những người có hệ miễn dịch kém cần phải cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn sử dụng vắc-xin: liệu loại vắc-xin đó có an toàn hay không? Bệnh nhân ung thư nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về việc chủng ngừa vắc-xin, các yếu tố nguy cơ khi sử dụng vắc-xin, cũng như thời điểm tốt để tiêm vắc-xin.

Trên thực tế, một số loại vắc-xin có thể được sử dụng để giúp hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư phản ứng và chống lại các căn bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh tật nói chung.


Người bị ung thư nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm vắc-xin
Người bị ung thư nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm vắc-xin

2. Vắc-xin sống và vắc-xin bất hoạt cho bệnh nhân ung thư

*Đối với những người bị ung thư: nhìn chung, những bệnh nhân ung thư hoặc bất kỳ ai có hệ miễn dịch kém đều không nên chủng ngừa các loại vắc-xin có chứa vi rút sống, vì chúng có thể gây nhiễm trùng và đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Để biết được loại vắc-xin nào là an toàn đối với mình, bạn nên tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ trước khi lựa chọn chủng ngừa các bệnh bằng vắc-xin.

*Đối với gia đình và người chăm sóc bệnh nhân ung thư: nếu bạn sống cùng hoặc dành nhiều thời gian để chăm sóc những người bị ung thư, hệ miễn dịch của bạn cũng sẽ có nguy cơ bị suy giảm. Do đó việc tiêm phòng vắc-xin có thể là một biện pháp hiệu quả giúp bạn ngăn ngừa một số căn bệnh nguy hiểm tới sức khỏe. Hiện nay, hầu hết các loại vắc-xin được sản xuất phù hợp với mọi lứa tuổi, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Lúc này, bác sĩ sẽ là người cố vấn tin cậy cho bạn để xác định vắc-xin nào là an toàn cho bạn.

3. Tiêm vắc-xin ngừa cúm cho bệnh nhân ung thư

Hầu hết mọi người đều được khuyến cáo nên tiêm chủng vắc-xin ngừa cúm vào mỗi năm để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus cúm. Đối với những bệnh nhân bị ung thư có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng thì việc phòng ngừa bệnh cúm là điều vô cùng thiết yếu, vì virus cúm có thể tấn công, tàn phá hệ miễn dịch và đe dọa tới tính mạng của người bệnh.

Bệnh nhân ung thư nên tiêm phòng vắc-xin cúm bất hoạt (vắc-xin có virus cúm đã chết/không hoạt động) định kỳ hàng năm. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng virus cúm có thể thay đổi liên tục vào mỗi năm, do đó các loại vắc-xin chủng ngừa cũng sẽ khác nhau một chút để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao nhất. Ngoài ra, thời điểm tốt để tiêm phòng vắc-xin ngừa cúm sẽ phụ thuộc vào loại ung thư và phương pháp điều trị của từng bệnh nhân.


Bệnh nhân ung thư nên tiêm phòng vắc-xin cúm bật hoạt định kỳ hàng năm
Bệnh nhân ung thư nên tiêm phòng vắc-xin cúm bật hoạt định kỳ hàng năm

Bên cạnh đó, một số loại vắc-xin cúm dạng xịt mũi có chứa phiên bản virus sống đã bị suy yếu. Do đó, những người bị ung thư không nên chủng ngừa cúm thông qua loại vắc-xin này. Đối với các thành viên trong gia đình của bệnh nhân ung thư có thể sử dụng loại vắc-xin cúm dạng xịt mũi một cách an toàn, trừ khi bệnh nhân có hệ miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng hoặc đang được chăm sóc đặc biệt. Chẳng hạn như, bạn không nên chủng ngừa vắc-xin cúm dạng xịt mũi nếu có một thành viên trong gia đình gần đây được cấy ghép tế bào gốc hoặc tủy xương.

Ngoài ra, những người sống cùng hoặc chăm sóc người có nguy cơ cao mắc các vấn đề liên quan đến bệnh cúm cũng được khuyến cáo nên tiêm vắc-xin ngừa cúm. Nếu bạn đang điều trị ung thư thì các thành viên trong gia đình, người chăm sóc và trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên sinh sống tại nhà nên đi tiêm phòng cúm.

4. Vắc-xin MMR (Sởi-Quai bị-Rubella) cho bệnh nhân ung thư

Loại vắc-xin này thường được sử dụng để bảo vệ mọi người khỏi 3 loại bệnh do virus, bao gồm sởi, quai bị và rubella.

Những người có hệ thống miễn dịch kém như bệnh nhân ung thư không nên chủng ngừa MMR vì nó có chứa vi rút sống. Tuy nhiên, nó đảm bảo độ an toàn đối với các thành viên khác trong gia đình bệnh nhân. Trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm vắc-xin cho bạn trước khi bắt đầu điều trị ung thư.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân đang điều trị ung thư có tiếp xúc gần với người bị bệnh sởi cần phải báo ngay cho bác sĩ biết để có biện pháp xử lý kịp thời.


Vắc-xin MMR giúp đảm bảo độ an toàn đối với các thành viên khác trong gia đình người bệnh
Vắc-xin MMR giúp đảm bảo độ an toàn đối với các thành viên khác trong gia đình người bệnh

5. Vắc-xin chủng ngừa Pneumococcus (viêm phổi do phế cầu)

Loại vắc-xin này có thể giúp những người có hệ miễn dịch kém chống lại một số căn bệnh nhiễm trùng phổi, máu hoặc não do một số loại vi khuẩn có hại gây ra. Liều lượng sử dụng vắc-xin phế cầu khuẩn sẽ tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bạn.

Trong trường hợp bệnh nhân đang thực hiện cắt bỏ lá lách, loại vắc-xin này có thể được tiêm trước khi phẫu thuật, hoặc đôi khi sau phẫu thuật.

6. Vắc-xin viêm não mô cầu

Loại vắc-xin này có khả năng ngăn ngừa bệnh não mô cầu – một tình trạng có thể gây ra viêm màng não hoặc các bệnh nhiễm trùng khác. Tuy nhiên, các bệnh nhân ung thư không nên tiêm vắc-xin này trong quá trình điều trị bệnh. Nó thường được tiêm trước khi điều trị hoặc sau khi hệ thống miễn dịch của bệnh nhân đã hồi phục.

Trong trường hợp bệnh nhân đang cắt bỏ lá lách, vắc-xin viêm não mô cầu có thể được tiêm trước khi thực hiện phẫu thuật.


Bệnh nhân ung thư không nên tiêm vắc-xin viêm não mô cầu khi điều trị
Bệnh nhân ung thư không nên tiêm vắc-xin viêm não mô cầu khi điều trị

7. Vắc-xin bại liệt

Đây là loại vắc-xin được sử dụng để ngăn ngừa bệnh bại liệt – một căn bệnh gây ra do virus, có liên quan đến các căn bệnh nặng và khuyết tật thể chất.

Đối với trẻ em có hệ miễn dịch kém, cũng như những người thân hoặc người sống cùng với chúng chỉ nên tiêm phòng vắc-xin bại liệt dạng bất hoạt. Một số loại vắc-xin chủng ngừa virus bại liệt dạng uống trước đây có chứa virus sống, do đó những người có hệ miễn dịch kém và bệnh nhân ung thư không nên sử dụng chúng để ngăn ngừa nguy cơ bị nhiễm trùng.

8. Vắc-xin Varicella (thủy đậu)

Loại vắc-xin này có tác dụng ngăn ngừa bệnh thủy đậu ở những người chưa từng mắc căn bệnh này. Tuy nhiên đây là một loại vắc-xin có chứa virus sống, do đó nó không được khuyến cáo sử dụng cho người có hệ miễn dịch kém, người bị bệnh bạch cầu, ung thư hạch, hoặc bất kỳ loại ung thư nào liên quan đến tủy xương và hệ bạch huyết, trừ khi những tình trạng này đã được điều trị và kiểm soát.

Ngoài ra, những thành viên trong gia đình của người có nguy cơ cao suy giảm hệ miễn dịch sẽ cần được tiêm vắc-xin thủy đậu. Mặt khác, người có hệ miễn dịch kém khi tiếp xúc gần với người bị bệnh thủy đậu nên báo cho bác sĩ biết ngay lập tức.


Vắc-xin thủy đậu không được khuyến cáo sử dụng cho người có hệ miễn dịch kém
Vắc-xin thủy đậu không được khuyến cáo sử dụng cho người có hệ miễn dịch kém

9. Vắc-xin ngừa bệnh zona (varicella zoster)

Loại vắc-xin này thường được tiêm cho những người trên 50 tuổi đã từng bị thủy đậu hoặc bệnh zona trước đó để ngăn ngừa được bệnh zona, cũng như làm giảm các triệu chứng nghiêm trọng do zona gây ra.

Nếu bạn có hệ miễn dịch kém do ung thư hoặc các phương pháp điều trị ung thư, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn loại vắc xin zona phù hợp. Ngoài ra, thông báo ngay cho bác sĩ biết nếu bạn đã tiếp xúc gần với người mắc bệnh thủy đậu hoặc zona.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cancer.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe