Bài viết bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Công Hòa - Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Ngừng tim là hiện tượng tim đột nhiên ngừng bơm máu đi nuôi cơ thể. Khi tim ngừng bơm máu, não của người bệnh sẽ bị thiếu oxy và gây bất tỉnh, ngừng thở.
1. Các dấu hiệu của ngừng tim là gì?
Hiện tượng ngừng tim thường xảy ra mà không có cảnh báo, nếu người bệnh ngừng tim thì sẽ đột ngột ngã quỵ và:
- Sẽ bất tỉnh
- Sẽ không phản hồi với lời nói và kích thích đau
- Sẽ không thở hoặc thở bình thường – thở ngáp cá.
Ngay khi xuất hiện dấu hiệu ngừng tim, nếu không điều trị ép tim và hô hấp nhân tạo ngay lập tức thì người bệnh sẽ gặp nguy hiểm, thậm chí tử vong.
2. Những nguyên nhân gì gây ngừng tim?
Một nguyên nhân phổ biến của ngừng tim là nhịp tim bất thường đe dọa tính mạng được gọi là rung tâm thất (VF).
Rung tâm thất xảy ra khi hoạt động điện của tim trở nên hỗn loạn, các cơ tim run rẩy đến mức tim không bơm máu được, ngừng bơm, ngừng tim.
Ngoài ra, một số các nguyên nhân khác gây ngừng tim có liên quan đến tim bao gồm:
- Một cơn đau tim (gây ra bởi bệnh tim mạch vành )
- Bệnh cơ tim và một số bệnh tim di truyền
- Bệnh tim bẩm sinh
- Bệnh van tim
- Bị viêm cơ tim cấp tính (viêm cơ tim) do vi khuẩn, virus, độc tố vi khuẩn, do thuốc, do các chất độc.
Một số nguyên nhân khác gây ngừng tim bao gồm:
- Điện giật
- Quá liều thuốc, ngộ độc ma túy, thức ăn (cá lóc, cóc,...)
- Bị xuất huyết nặng (được gọi là sốc giảm thể tích) - mất một lượng máu lớn
- Bị thiếu oxy - gây ra bởi sự sụt giảm nghiêm trọng nồng độ oxy.
3. Sự khác biệt giữa ngừng tim và cơn đau tim là gì?
Đau tim và ngừng tim không giống nhau. Một cơn đau tim xảy ra khi cơ tim bị thiếu máu do tắc nghẽn ở động mạch vành, điều này thường được gây ra bởi một cục máu đông ở một trong các động mạch vành. Tim vẫn đang bơm máu khắp cơ thể trong cơn đau tim, người sẽ có ý thức và còn thở được. Người bệnh đau tim nếu không được điều trị có thể dẫn đến ngừng tim. Điều cực kỳ quan trọng là phải được chăm sóc y tế ngay lập tức bằng cách gọi cấp cứu 115, trong lúc chờ đợi nhân viên cấp cứu, người nhà có thể cho bệnh nhân uống 01 viên Aspirin 80mg, xịt thuốc làm giãn động mạch vành 1 đến 2 nhát dưới lưỡi.
4. Ngừng tim được điều trị như thế nào?
Với người bệnh ngừng tim, bắt đầu ép tim và hô hấp nhân tạo ngay lập tức là rất quan trọng vì nó giữ cho máu và oxy lưu thông đến não và các tạng trong cơ thể. Sử dụng máy khử rung tim tự động (nếu có) thực hiện một cú sốc điện có kiểm soát để khử rung thất và lấy lại nhịp tim bình thường.
Hãy làm theo hướng dẫn từ các nhân viên y tế mà bạn đang gọi điện, tiến hành ép tim hô hấp nhân tạo liên tục cho bệnh nhân cho đến khi nhân viên cấp cứu 115, hoặc có đội y tế đến tiếp quản.
- Tại phòng cấp cứu
Khi người bệnh đến phòng cấp cứu, nhân viên y tế sẽ tục ép tim, hô hấp nhân tạo, khử rung nếu tim chưa đập trở, người bệnh sẽ được nhân viên y tế đặt ống nội khí quản, đặt đường truyền, tiêm thuốc kích tim đập lại. Khi tim đã đập lại, bác sĩ sẽ cho người bệnh thở máy, duy trì các thuốc để giữ huyết áp, truyền dịch, các điều trị cấp cứu khác để ổn định tình trạng của người bệnh và điều trị chứng đau tim, suy tim hoặc mất cân bằng điện giải.
Người bệnh có thể được cho dùng thuốc để ổn định nhịp tim, máy tạo nhịp tạm thời ngoài da và chuyển vào khoa chăm sóc đặc biệt (ICU).
- Điều trị sau khi ngừng tim
Sau khi bị ngừng tim, nếu cấp cứu tốt, bệnh nhân có tim đập trở lại, nhưng sau một cú sốc lớn như vậy, bệnh nhân vẫn hôn mê, người bệnh sẽ cần được chăm sóc tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), được duy trì thở máy, cho thuốc an thần để ngủ sâu và hạ nhiệt độ cơ thể trong vòng 24-36 giờ để bảo vệ não. Nếu người bệnh ngừng tim do bệnh mạch vành người bệnh cần được chụp động mạch vành để can thiệp tái thông động mạch vành ngay lập tức.
Các bác sĩ sẽ phải tìm ra các nguyên nhân khác gây ra ngừng tim. Sau đó, họ có thể đề nghị dùng thuốc và điều trị các nguyên nhân kể trên, chẳng hạn như máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim cấy ghép (ICD), để giảm nguy cơ xảy ra ngừng tim một lần nữa.
- Điều trị lâu dài
Sau khi người bệnh hồi phục, bác sĩ sẽ thảo luận với người bệnh hoặc gia đình về những xét nghiệm khác có thể giúp xác định nguyên nhân gây ngừng tim. Bác sĩ cũng sẽ thảo luận về các lựa chọn điều trị dự phòng với bạn để giảm nguy cơ bị ngừng tim khác.
Phương pháp điều trị có thể bao gồm:
Thuốc: Các bác sĩ sử dụng các loại thuốc chống loạn nhịp tim khác nhau để điều trị khẩn cấp hoặc lâu dài chứng loạn nhịp tim hoặc các biến chứng rối loạn nhịp tim tiềm ẩn. Một nhóm thuốc gọi là thuốc chẹn beta thường được sử dụng ở những người có nguy cơ bị ngừng tim đột ngột. Là một tác dụng phụ, một loại thuốc chống loạn nhịp tim có thể khiến chứng loạn nhịp tim của người bệnh xảy ra thường xuyên hơn - hoặc thậm chí gây ra chứng loạn nhịp tim mới. Các loại thuốc khác có thể được sử dụng để điều trị tình trạng dẫn đến rối loạn nhịp tim bao gồm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) và thuốc chẹn kênh canxi.
Máy khử rung tim cấy ghép (ICD): Sau khi tình trạng của người bệnh ổn định, bác sĩ có thể đề nghị một ICD, một đơn vị chạy bằng pin được đưa vào cơ thể gần xương đòn trái của người bệnh. Một hoặc nhiều dây điện cực từ ICD chạy qua tĩnh mạch đến tim của người bệnh. Các ICD liên tục theo dõi nhịp tim của người bệnh. Nếu nó phát hiện ra một nhịp điệu quá chậm, nó sẽ đập vào tim của người bệnh như một máy điều hòa nhịp tim. Nếu nó phát hiện ra sự thay đổi nhịp tim nguy hiểm, nó sẽ phát ra những cú sốc năng lượng thấp hoặc năng lượng cao để đặt lại trái tim của người bệnh theo nhịp bình thường.
Nong mạch vành: Thủ tục này mở các động mạch vành bị chặn, cho phép máu lưu thông tự do hơn đến tim của người bệnh, điều này có thể làm giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim nghiêm trọng. Một ống dài và mỏng (ống thông) được truyền qua một động mạch, thường là ở chân của người bệnh, đến một động mạch vành bị hẹp trong tim. Ống thông này được trang bị một đầu bóng đặc biệt phồng lên trong một thời gian ngắn để mở động mạch bị chặn. Đồng thời, một stent lưới kim loại có thể được đưa vào động mạch để giữ cho nó mở rộng lâu dài, khôi phục lưu lượng máu đến tim của người bệnh. Tạo hình mạch vành có thể được thực hiện cùng lúc với đặt ống thông vành (chụp động mạch vành), một thủ thuật mà các bác sĩ thực hiện để xác định vị trí các động mạch bị hẹp.
Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Còn được gọi là bắc cầu động mạch vành qua chỗ hẹp, các bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy một đoạn tĩnh mạch hoặc động mạch trong cơ thể của người bệnh, làm cầu nối qua chỗ hẹp của động mạch vành khôi phục lưu lượng máu đến các mô cơ tim của người bệnh. Điều này có thể cải thiện việc cung cấp máu cho tim của người bệnh và giảm tần số nhịp tim nhanh và suy tim.
Đốt đường dẫn truyền phụ trong tim: Thủ thuật này được thực hiện bằng sóng Radio để đốt đường dẫn truyền phụ, và các ổ nhỏ trong mô tim của bạn là nguyên nhân gây ra các chứng loạn nhịp tim của người bệnh.
Phẫu thuật tim điều trị: Nếu người bệnh bị dị tật tim bẩm sinh, van tim bị lỗi hoặc mô cơ tim bị bệnh do bệnh cơ tim, phẫu thuật để điều chỉnh sự bất thường có thể cải thiện nhịp tim và lưu lượng máu, giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim gây tử vong.
- Dự phòng tại nhà
Sống một lối sống lành mạnh cho trái tim:
- Đừng hút thuốc
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Nếu bạn uống rượu, hãy uống điều độ - không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và nam giới trên 65 tuổi và không quá hai ly mỗi ngày đối với nam giới trẻ tuổi
- Ăn một chế độ ăn có lợi cho tim
- Duy trì hoạt động thể chất
- Giảm căng thẳng
- Thuốc: Nếu người bệnh đã mắc bệnh tim hoặc các tình trạng khiến bạn dễ bị bệnh tim hơn, bác sĩ có thể khuyên bạn nên thực hiện các bước để cải thiện sức khỏe của mình, chẳng hạn như dùng thuốc điều trị cholesterol cao hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường. Nếu người bệnh có một tình trạng tim có nguy cơ bị ngừng tim đột ngột, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc chống loạn nhịp tim.
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung và phát hiện sớm dấu hiệu của nhồi máu cơ tim và đột quỵ, khách hàng có thể đăng ký Gói Sàng lọc Tim mạch - Khám Tim mạch cơ bản của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Gói khám giúp phát hiện sớm nhất các vấn đề của tim mạch thông qua các xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Gói khám dành cho mọi độ tuổi, giới tính và đặc biệt rất cần thiết cho những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Video đề xuất:
Suy tim - đích đến cuối cùng của bệnh lý tim mạch
XEM THÊM
- Lưu ý khi ép tim, thổi ngạt
- Nhịp tim chuẩn là bao nhiêu?
- Lưu ý khi cấp cứu ngừng tim đột ngột