Ngủ quá nhanh: Bình thường hay bất thường?

Trong khi một số người gặp vấn đề với việc chìm vào giấc ngủ, thì một số khác lại có thể ngủ gục dễ dàng, ngủ nhanh, ngủ bất cứ lúc nào hoặc bất cứ nơi đâu. Tuy có vẻ kỳ lạ nhưng việc ngủ quá nhanh có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng rối loạn giấc ngủ.

1. Cơn buồn ngủ xảy ra như thế nào?

Thông thường cảm giác buồn ngủ nảy sinh khi trong não tích tụ một chất gọi là Adenosine. Khi cơ thể tỉnh táo quá trình tiêu hao năng lượng và chuyển hóa diễn ra khiến lượng Adenosine tăng dần, nếu não bộ tỉnh táo trong thời gian dài thì càng dễ buồn ngủ.

Ngủ quá nhanh thường do 2 tình huống:

  • Ban ngày làm việc mệt mỏi, dễ chìm vào giấc ngủ để bù lại năng lượng mất đi trong buổi sáng.
  • Sử dụng thuốc ngủ hoặc các chất giúp dễ ngủ hơn. Đây gọi là trường hợp ngủ không tự nhiên.

Trong quá trình ngủ, cơ thể sẽ giảm dần lượng chất này nhờ sự thải độc của hệ bạch huyết. Vì vậy khi thức dậy vào buổi sáng, lượng Adenosine cũng như cảm giác buồn ngủ sẽ ở mức thấp nhất khiến ta ở trạng thái tỉnh táo nhất trong ngày.

Ví dụ nếu bạn để cơ thể thức liên tục trong 30 tiếng, cơ thể bạn sẽ cạn kiệt năng lượng và bạn sẽ thấy rất buồn ngủ, ngủ nhanh chóng và ngủ lâu hơn bình thường. Đây là do lượng Adenosine tăng cao vượt ngưỡng tác động lên hệ thần kinh của bạn. Tương tự như vậy, nếu bạn thức khuya, vượt quá giờ đi ngủ bình thường, bạn sẽ dễ buồn ngủ nhanh chóng do lượng Adenosine tăng. Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu lượng Adenosine luôn tăng quá cao?


Làm việc mệt mỏi sẽ khiến cơ thể chìm vào giấc ngủ nhanh hơn
Làm việc mệt mỏi sẽ khiến cơ thể chìm vào giấc ngủ nhanh hơn

2. Nguyên nhân gây ngủ nhanh

Nguyên nhân phổ biến khiến con người nhanh chóng chìm vào giấc ngủ là do thiếu ngủ. Nếu cơ thể không ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi sạc lại năng lượng và loại bỏ lượng Adenosine, bạn sẽ buồn ngủ nhanh chóng.

Ước tính trung bình một người dành hơn 8 giờ/ngày để ngủ. Nhưng cũng có những người cần ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn. Nếu bạn luôn cảm thấy buồn ngủ, ngủ quá nhanh, cần nhiều giấc ngủ ngắn, ngủ gục hay ngủ li bì thì có thể cơ thể bạn đang thiếu ngủ trầm trọng.

Chất lượng giấc ngủ kém, ngủ không sâu và không đủ giấc cũng sẽ khiến bạn thèm ngủ thường xuyên. Một trong những nguyên nhân của tình tình trạng ngủ chập chờn là tình trạng ngưng thở khi ngủ, ngáy to, rối loạn nhịp thở khiến bạn thường xuyên thức giấc trong đêm.

Ngoài ra, nghiến răng hoặc tiểu đêm cũng gây suy giảm chất lượng giấc ngủ. Những cử động chân chu kỳ về đêm cũng có thể là dấu hiệu của hội chứng chân không yên, làm gián đoạn giấc ngủ.

Tình trạng ngủ chập chờn, ngắt quãng cũng liên quan đến bệnh ngủ rũ (Narcolepsy) vốn là một bệnh lý rối loạn não hiếm gặp. Ở bệnh lý này, não bộ không thể điều chỉnh việc ngủ và thức dậy như bình thường, người bệnh sẽ đột nhiên rơi vào giấc ngủ (ngủ quá nhanh) mà không có cảnh báo trước. Nếu những xét nghiệm không đưa ra kết luận hoặc tìm ra nguyên nhân, người ta sẽ nhận định chung là chứng buồn ngủ vô căn.


Chất lượng giấc ngủ kém cũng khiến bạn thèm ngủ nhiều hơn
Chất lượng giấc ngủ kém cũng khiến bạn thèm ngủ nhiều hơn

3. Các phương pháp đánh giá giấc ngủ

Cách nhanh nhất để xác định mức độ cơn buồn ngủ là thực hiện thang đánh giá giấc ngủ Epworth. Nếu điểm đạt được trên 10 thì sẽ có xu hướng gia tăng cơn buồn ngủ.

Một phương pháp khác là ghi nhận thời gian khởi đầu giấc ngủ (Multiple sleep latency test (MSLT)) để đánh giá cơn buồn ngủ và khả năng mắc bệnh ngủ rũ.

Thử nghiệm MSLT sẽ bao gồm 5 đợt ngủ ngắn, mỗi đợt kéo dài 20 phút, cách mỗi 2 giờ trong 1 ngày.

Kết quả MSLT được xem là bất thường nếu bạn mất dưới 8 phút mới đi vào giấc ngủ hoặc khởi phát giai đoạn Chuyển động mắt nhanh (REM) trong ít nhất 2 đợt ngủ ngắn, điều này cho thấy bạn có khả năng cao mắc chứng ngủ rũ.

Ngủ khó hoặc ngủ quá nhanh đều gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe lâu dài. Để có giấc ngủ chất lượng bạn nên điều chỉnh nhịp sống, cách sinh hoạt sao cho bắt đầu giấc ngủ sau từ 5-15 phút, đây là mốc thời gian lý tưởng. Nếu bạn ngủ quá nhanh, giấc ngủ ngắn, thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức thì bạn cần đến gặp chuyên gia về giấc ngủ để được tư vấn tốt hơn.


5-15 phút là mốc thời gian lý tưởng để bạn bắt đầu giấc ngủ
5-15 phút là mốc thời gian lý tưởng để bạn bắt đầu giấc ngủ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe